Nhân vật thờ tự

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số si tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện quỳnh lưu, tình nghệ an (Trang 51 - 54)

Chương 2. DIỆN MẠO MỘT SỐ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ TIÊU BIỂU TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN QUỲNH LƯU

2.2.2. Nhân vật thờ tự

Quỳnh Lưu mảnh đất "địa đầu xứ Nghệ" được mệnh danh là "Thắng địa", là "phên dậu" của nhà nước Đại Việt. Suốt trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, mảnh đất Quỳnh Lưu nói riêng và xứ Nghệ nói chung đã ghi dấu biết bao kỳ tích và chiến công oai hùng của các bậc tiền nhân. Ngược dòng lịch sử dưới triều đại phong kiến ngày xưa, hẳn chúng ta không thể nào quên những tên tuổi và chiến công của các bậc tiền nhân đã gắn bó và hy sinh cả cuộc đời cho công cuộc khai hoang, mở mang bờ cõi và bảo vệ đất nước. Trong số đó, người có công đầu với vùng đất viễn trấn và "phên dậu " này là Uy minh hầu Lý Nhật Quang.

Ngày nay, người dân xứ Nghệ vẫn còn truyền tụng cho nhau biết bao truyền thống về cuộc đời và sự nghiệp của ông, nhân dân đã tưởng niệm, ghi nhớ công đức của ông và lập đền thờ để ngàn năm hương khói.

Theo thần phả - sắc phong và bài vị hiện còn trong di tích cho biết đền Vưu thờ những vị nhân thần sau đây:

- Uy minh hầu Lý Nhật Quang - Đông chính vương Lý Nhật Lạc

- Dục thánh vương (thần phả không ghi rõ tên huý). Cả ba người đều là con trai của Vua Lý Thái Tổ.

Lý Nhật Quang - một trong những bậc tiền nhân có công khai hoang mở mang bờ cõi và xây dựng đất nước ngay trên vùng đất xứ Nghệ. Là con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ nên còn có tên gọi là chàng Tám. Ngay từ nhỏ, chàng Tám biểu hiện chí thông minh, hiếu học, thích làm thơ và sớm hiểu thời thế.

Sinh ra trong một gia đình quý tộc, lớn lên trong điều kiện được dạy dỗ chu đáo, Lý Nhật Quang đã sớm lộ chí hướng và chịu ảnh hưởng của chị anh về sự nghiệp. Chính vì vậy, vừa đến tuổi thành niên Lý Nhật Quang đã bước vào sự nghiệp, cuộc đời cùng vua cha và các anh gánh vác việc triều đình. Giữa chốn triều trung ông tỏ ra là người lỗi lạc, cương trực, bàn được nhiều kế hay, đóng góp với vua cha và các anh nhiều ý giỏi nên được vua cha yêu quý, tin tưởng và phong tước làm Uy minh hầu Lý Nhật Quang.

Năm Đinh Mão (1027) Lý Thái Tổ băng hà, Lý Nhật Quang thực sự mất đi một người cha, mất đi chỗ dựa tinh thần vô cùng tin cậy và kính trọng. Lý Thái Tổ qua đời nhường ngôi cho con là Lý Thái Tông. Năm Mậu Thìn (1028), Lý Thái Tông lên ngôi, thay vua cha trị vì thiên hạ. Uy minh hầu Lý Nhật Quang đã cùng anh em và các triều thần ra sức củng cố chính quyền trong nước, mặt khác ông đã đóng góp được nhiều ý hay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ bờ cõi đất nước. Từ đó cho thấy khả năng và tài - đức của Uy minh hầu Lý Nhật Quang và tầm quan trọng về mặt chiến lược của vùng đất "viễn trấn" Lý Thái Tông bèn xuống chiếu cho Lý Nhật Quang vào làm tri châu Nghệ An.

Sau 14 năm kể từ ngày vua cha mất, đây là lần đầu tiên Uy minh hầu xa kinh thành để nhận một trọng trách nơi miền đất "phên dậu" của nước nhà. Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư cho biết: "Tháng 11 năm Tân Tỵ (1041) xuống chiếu cho Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm tri châu Nghệ An" [26;213]. Tạm biệt kinh thành và bạn bè, Lý Nhật Quang lên đường vào xứ Nghệ, ông được tận mắt chứng kiến cảnh sống khổ cực của người dân quanh năm phải chịu cảnh khí hậu, thiên tai ác nghiệt. Bên cạnh đó là nạn cướp bóc bè phái. Là một người có học vấn, có đức độ, về chính sự ông hết sức vỗ về và quan tâm đến đời sống của nhân dân. Để tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn, ông đã lập ra một đội quân

"nghiêm thắng" và sử dụng đội quân này dẹp tắt hết các bè phái để nhân dân yên ổn làm ăn. Đối với quân lính và những tên quan lại dưới quyền ông, ông thi hành rất nghiêm lệnh của nhà vua: "Không được lấy của dân, ai lấy rồi thì xử 100 trượng, nếu chưa lấy được mà làm người dân bị thương thì sẽ bị xử tội lưu"

[12;140]. Nhờ đưa ra kịp thời một số chính sách, thưởng phạt công minh đem lại cuộc sống yên ổn cho dân lành, Lý Nhật Quang đã nhanh chóng thu phục được lòng dân xứ Nghệ. Trước mắt là tập trung và thu phục được dân lưu tán, đặc biệt là các dân tộc miền núi, ông chủ trương khai thác vùng đất miền Tây Nghệ An như vùng Con Cuông - Tương Dương - Quỳ Hợp...

Để tạo điều kiện giao thông miền xuôi và miền ngược được thuận lợi, ông chủ trương khai thông hai tuyến thượng đạo: một tuyến từ Yên Thành lên Đô

Lương, Anh Sơn đi ngược Con Cuông giáp biên giới Ai Lao (Lào), một tuyến từ phía tây Quỳnh Lưu đi ngược Nghĩa Đàn - Quế Phong và nối liền với Châu Ái (Thanh Hoá). Nhờ có một số chính sách kịp thời và hợp lòng dân về kinh tế, chính trị và quốc phòng, nên chỉ trong một thời gian ngắn đời sống nhân dân và sự giao lưu hàng hoá từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược được thuận lợi, nhân dân phấn khởi đi theo lời khuyên của ông ra sức khai hoang cày cấy phát triển nông nghiệp. Chính vì thế, không những nhân dân xứ Nghệ từ miền xuôi đến miền ngược đều mến phục mà cả các dân tộc phía Nam (Chiêm Thành), phía Tây (Ai Lao) cũng kiêng nể vị tri châu trẻ tuổi, tài ba Uy minh hầu Lý Nhật Quang.

Ngoài những thành tựu đã đạt được trong nước về chính trị, kinh tế, Lý Nhật Quang còn tham gia bài binh bố trận giúp nước láng giềng trong cơn hoạn nạn. Theo Nghệ Tĩnh trong lòng Tổ Quốc Việt Nam chép lại: "Vào một năm các bộ lạc Chiêm Thành phản nhau, chúa chiêm sai sứ thần sang Đại Việt cầu viện, Uy minh hầu Lý Nhật Quang được vua Lý Thái Tông tin tưởng và giao thuỷ binh sang giúp đỡ Chiêm Thành. Các bộ lạc Chiêm Thành nghe tin ông đang trên đường kéo quân sang đều đầu hàng và xin quy phục chúa Chiêm thành"[12;139]. Sau khi giúp chúa Chiêm ổn định tình hình trong nước, Lý Nhật Quang kéo quân về Nghệ An. Mùa xuân năm Giáp Thân (1044), vua Lý Thái Tông thân chinh ra trận đánh quân Chiêm xâm chiếm bờ cõi phía nam Đại Việt.

Uy minh hầu Lý Nhật Quang được giao trách nhiệm về việc quân lương, ông cho dựng nhiều đồn trại và kho lương thực suốt dọc đường hành quân của nhà vua.

Tháng 8 năm 1044, trên đường hành quân trở về kinh đô, Vua Lý Thái Tông ghé lại hành dinh Nghệ An, Vua cho mời Uy minh hầu Lý Nhật Quang ra và phong tước Vương cho ông.

Trải qua 4 năm (1040 – 1044), Uy minh hầu Lý Nhật Quang đã tỏ rõ là một người "văn võ song toàn" và có tài kinh bang tế thế. Không những được nhân dân xứ Nghệ tin yêu và kính phục mà còn được vua tin tưởng và phong thưởng từ tước hầu lên tước vương. Sau khi phong tước Vương cho Lý Nhật

Quang, vua Thái Tông trở về kinh đô. Trong khoảng thời gian với cương vị và quyền hạn của mình, Lý Nhật Quang đã nhiều lần xông pha trận mạc, đánh lui nhiều đợt xâm chiếm của nước Chiêm Thành và nước Ai Lao.

Mặc dù ngày nay, sử sách không ghi chép cụ thể về ngày tháng và cái chết của Lý Nhật Quang nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông muôn đời người dân xứ Nghệ vẫn thường luôn luôn ca ngợi. Sự nghiệp khai hoang, mở mang bờ cõi và bảo vệ đất nước của ông mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu ngay trên non nước Hồng Lam ghi nhớ và học tập. Người đời ghi nhận công lao của ông trong suốt quá trình thay vua trị vì vùng đất xứ Nghệ. Ông không những chỉ là một con người có học vấn, hiểu sâu biết rộng về mọi mặt kinh tế, chính trị mà đặc biệt ông còn là một người có đức độ, giàu lòng yêu dân, vì dân. Đối với quân lính và quan lại dưới quyền, ông sống chan hoà nhưng hết sức nghiêm khắc. Chính vì công lao - tài đức của ông như vậy, nên sau khi ông qua đời, nhân dân đã lập đền thờ để muôn đời tưởng niệm và ghi nhớ công ơn của ông.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số si tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện quỳnh lưu, tình nghệ an (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)