Giá trị văn hoá

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số si tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện quỳnh lưu, tình nghệ an (Trang 115 - 118)

Chương 3. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ CÔNG TÁC BẢO TỒN PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA CÁC DI TÍCH

3.1. Giá trị lịch sử, văn hoá

3.1.2. Giá trị văn hoá

Các di tích lịch sử - văn hoá không chỉ chứa đựng những giá trị lịch sử quý báu bởi sự tồn tại lâu đời của nó mà còn chứa đựng những giá trị văn hoá sâu sắc. Nếu trong chiến tranh, các di tích được sử dụng như là những địa điểm để chiến đấu, là nơi bí mật để các chiến sĩ bộ đội hoạt động, nơi diễn ra các hoạt động cách mạng của nhân dân địa phương, thì trong thời bình nơi đó lại trở thành những địa chỉ văn hoá quen thuộc, là nơi thể hiện đời sống văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương.

Ngày nay, với cuộc sống ngày càng hiện đại cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật thì những tín ngưỡng về tâm linh lại càng giữ vai trò quan trọng. Đó là những cái đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nhân dân, một nếp sống đã có có từ lâu đời, một nét đẹp văn hoá của nhân dân Quỳnh Lưu, của nhân dân xứ Nghệ và của dân tộc Việt Nam. Đó là một biểu hiện của truyền thống "uống

nước nhớ nguồn", một đạo lý tốt đẹp từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Hầu hết các gia đình người Việt đều có phong tục thờ cúng tổ tiên nhằm thể hiện công ơn sinh thành của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Ở Quỳnh Đôi có nhà thờ gia tộc họ Hồ, nhà thờ họ Nguyễn, họ Hoàng, nhà thờ Hồ Phi Tích được các thế hệ con cháu xây dựng, là các công trình tưởng niệm biểu hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn, chim có tổ người có tông. Hàng năm, vào những dịp “rằm tháng giêng”

hay “rằm tháng bảy” nhà thờ họ là nơi tập trung con cháu trong cả nước tham gia lễ kỳ tế, là dịp để mọi người gần gũi nhau hơn. Trải qua năm tháng thời gian với sự sàng lọc khắt khe của cuộc sống, những sinh hoạt của dòng tộc tại các di tích trở thành ngày lễ hội truyền thống mang tính chất văn hoá thực sự của con cháu và nhân dân địa phương. Thông qua hoạt động tưởng niệm tại di tích, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống quê hương, nâng cao ý thức bảo vệ các di sản văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể. Không những thế, người dân Việt Nam bao đời nay còn tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn vinh những người có công với đất nước, những vị khai canh làng xã. Vì thế bên cạnh việc xây lăng miếu, nhà thờ, họ còn tìm đến đình, đền, chùa như một cách để biết ơn, cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và đền, chùa, nhà thờ, đình làng cũng trở thành một địa chỉ nhằm giáo dục con người hướng thiện, biết tri ân những bậc tiền nhân có công với dân với nước, những người đỗ đạt giúp ích cho đời. Đến những nơi này lòng người như được thanh lọc, để gần gũi, để đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường nhật cũng như những biến cố lớn trong cuộc đời. Đó là nét nhân bản, tính nhân văn của người Việt chúng ta. Do vậy, vào các ngày lễ tết, ngày rằm, mồng một hàng tháng, nhân dân Quỳnh Lưu thường đến đền, chùa, đình làng... thắp hương và tìm đến một nơi thanh tịnh, đem lại cảm giác nhẹ nhõm, yên bình thư thái trong tâm hồn.

Hàng năm, tại các di tích lịch sử trên địa bàn huyện nhà còn tổ chức các lễ hội lớn với những trò chơi giải trí đậm màu sắc văn hoá dân gian không chỉ thu hút nhân dân trong vùng mà còn có một số lượng lớn du khách thập phương.

Tiêu biểu như lễ hội đền Cờn được diễn ra từ ngày 15 tháng Giêng đến ngày 21

tháng Giêng với tục chạy Ói nổi tiếng của cư dân Phương Cần. Không những thế, nhân dân vùng biển Quỳnh Lưu và dân thập phương vẫn thường xuyên về thắp hương chiêm nghiệm như một nhu cầu về tâm linh trong cuộc sống. Hay lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 7 tháng Giêng tại đền Bình An chùa Bảo Minh để rước kiệu và tượng đức thánh Huyền Thiên Trấn Bắc vũ đế vi hành khắp vùng. Một trong những hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt Nam chính là Đình làng. Đây là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi thay đổi trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế hệ. Ngôi đình được xem là "địa chỉ đỏ" của mỗi người, đặc biệt những dịp hội làng hay mỗi khi làng có việc, đây là nơi hội tụ của cộng đồng làng xã, là một thiết chế văn hoá cổ truyền của người Việt thông qua các hình thức tín ngưỡng, lễ hội. Vào tháng Giêng hàng năm, tại Đình làng Quỳnh Đôi lại diễn ra lễ Kỳ Yên, lễ Kỳ Phúc. Các lễ hội tổ chức vào đầu năm khá linh đình, long trọng nhất là lễ rước thần. Thần làng Quỳnh Đôi là những người sáng lập ra làng, vì thế việc tế thần làng gắn liền với với lịch sử thành lập làng, thần quyền gắn liền với đời sống hiện thực. Theo cùng năm tháng, các lễ hội ở đình làng đã trở thành nét đẹp văn hoá khó phai mờ trong tâm thức của cư dân địa phương và đó cũng là dịp để người dân được đắm mình trong một không gian lễ hội mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Hay các hoạt động tế lễ được diễn ra tại Đình Tám Mái (Quỳnh Thuận) và dịp rằm tháng Giêng và tháng Tám hàng năm nhằm tưởng nhớ tổ tiên, các liệt sỹ đã dũng cảm hy sinh cho quê hương, dân tộc. Trong các lễ hội, sau phần lễ tới phần hội là các trò chơi dân gian như kéo co, đánh đu, đua thuyền, hát tuồng, hát nhà trò, các hoạt động thể dục thể thao... Do đó, có thể nói rằng các di tích lịch sử - văn hoá còn là nơi lưu giữ các hoạt động văn hoá dân gian, văn hoá làng xã, thuần phong mỹ tục của cư dân Việt. Qua đó khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của mọi người dân. Trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập, khi mà nhiều giá trị văn hoá truyền thống đang bị mai một dần thì đây là một cách để giữ gìn, phát huy những tài sản vô giá của dân tộc.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số si tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện quỳnh lưu, tình nghệ an (Trang 115 - 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)