Chương 2. DIỆN MẠO MỘT SỐ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ TIÊU BIỂU TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN QUỲNH LƯU
2.4. Đình làng ở Quỳnh Lưu
2.4.1. Đình làng Quỳnh Đôi
* Địa điểm
Đình làng Quỳnh Đôi thuộc xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Quỳnh Đôi là xã đồng bằng nằm phía Đông đường quốc lộ 1, phía Tây giáp làng Bèo Hậu (nay là xã Quỳnh Hậu), phía Đông giáp làng Thượng Yên (nay là xã Quỳnh Yên), phía Bắc giáp làng Thanh Dạ (nay là xã Quỳnh Thanh), phía Nam giáp Lăng Cẩm Trường (nay thuộc xã Quỳnh Yên). Từ giữa làng, lấy đình làng làm chuẩn theo đường chim bay qua bến đò hậu xã Quỳnh Nghĩa rồi xuống biển 5km, lên đường quốc lộ hơn 1km. Đình làng nằm về hướng Đông Nam cách Uỷ ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu 5km, cách thành phố Vinh 70km. Chúng ta có thể đi đến di tích bằng mọi phương tiện. Từ Vinh, đi ôtô theo quốc lộ 1 đến thị trấn Giát rẽ về tay phải khoảng 5km là đến di tích. Đình làng Quỳnh Đôi là nơi thành lập chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.
* Nguồn gốc lịch sử
Làng Quỳnh Đôi có truyền thống thờ thần: Mộc lôi linh ứng hùng uy đại vương và 3 vị tổ khai cơ là cụ Hồ Hồng, Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh. Đình Toạ Nhâm, Hướng Bính (hướng nam), cất trên lưng mảnh đất mang hình con cá gáy, 4 phía có dòng nước chảy qua. Dưới con mắt của các nhà phong thuỷ, đây là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, địa linh nhân kiệt. Cảnh quan môi trường ở đây mát mẻ, phía trước có hồ sen, có cây xanh làm cho không khí dịu êm khi mùa hè đến [46;121;]. Không biết ngôi đình được xây dựng từ năm nào, chỉ biết đình cũ hư nát. Vào "năm Bính Tý (1756) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 bỗng dưng đình bị cháy, phải làm lại, đến năm Gia Long thứ 18 đình bị bão lớn làm đổ, làng mới
góp tiền để sửa sang lại. Ngôi đình làng hiện nay được ông Cử nhân Phạm Đình Toái làm quan ở triều đình Huế, bỏ ra 400 quan tiền mua gỗ lim ở bến Hoàng Mai, mua ngói ở Yên Lãng (Đô Lương) do toán thợ người xã Phú Minh chịu trách nhiệm xây dựng mà ông Phó Chính thợ cả. Đình bắt đầu làm lại cuối năm Canh Dần (1860) đến năm Tân Dậu (1861) thì xong" [17; 561].
Làng Quỳnh Đôi còn là địa phương có truyền thống yêu nước, nhiều người đã tham gia vào các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Hồ Hân đã liên kết với một số hào kiệt Nghệ Tĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi, thắng giặc Minh, ông được phong quản lính hầu. Hay Hồ Phi Tứ là một quan lại nhà Lê đã hết lòng ủng hộ Quang Trung, được Quang Trung phong "Thượng tướng quân tự nhân hậu"...
Từ khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, cùng với phong trào chung của cả nước, Nghệ Tĩnh mảnh đất nóng bỏng luôn luôn sục sôi. Quỳnh Đôi là một trong những nơi phong trào khá mạnh so với toàn tỉnh, được nở rộ lên qua các thời kỳ. Thời nào cũng được đông đảo người tham gia và có những cuộc đấu tranh tiêu biểu. Đến thời kỳ có ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê Nin rọi vào, nhiều chiến sỹ đi xuất dương du học, đó là những người con yêu dấu. Tiêu biểu như là đồng chí Hồ Tùng Mậu, một trong những Đảng viên cộng sản đầu tiên của Quỳnh Lưu được Hồ Chủ Tịch đào tạo ở Quảng Châu 1924 cùng với một số đồng chí khác lãnh đạo Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, góp phần huấn luyện đào tạo thanh niên Việt Nam từ trong nước gửi ra. Đầu năm 1927, Tân Việt cách mạng Đảng ở Quỳnh Đôi ra đời. Tại đình làng Quỳnh Đôi, ngôi đình cổ kính với những thiết chế văn hoá từ bao đời gắn với người nông dân, tổ chức Tân Việt và Thanh Niên đã họp để ra chủ trương chống hủ tục. Họ dựa vào một số nhà nho tiến bộ có uy tín như Hồ Phi Khoa, Hồ Phi Thiệp để vận động cải cách hương thôn chống mê tín dị đoan. Đưa các hoạt động thể dục, văn nghệ về làng như tổ chức đội bóng đá, nhằm làm cho nhân dân quen dần với cái mới, qua đó tuyên truyền cách mạng tìm hiểu người tốt.
Sau ngày 3.2.1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, ở Quỳnh Đôi chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương được thành lập [20;125]. Hoà chung với phong trào toàn huyện, toàn tỉnh, năm 1930 chi bộ Đảng Quỳnh Đôi đã tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh lớn. Tại đình làng Quỳnh Đôi, trên cột nanh của đình, một lá cờ búa liềm to cao phần phật tung bay trong nắng sớm. Ông Hồ Sỹ Tráng, đội trưởng tự vệ đỏ của xã Quỳnh Đôi đã cử người đi cắm cờ. Từ trong đêm, đội tự vệ đỏ đánh trống ở đình làng thôi thúc vang xa giục dã mọi người. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân, lý trưởng Bang Thản, phó Lý Phú, đã trao triện ba cho chính quyền cách mạng tại đình làng Quỳnh Đôi. Cờ đỏ búa liềm được treo trên nóc đình trong niềm phấn khởi của bà con.
Chính quyền Xô Viết ra đời đã đem lại quyền lợi cho nhân dân lao động.
Cảnh tượng trong xã thôn luôn luôn tưng bừng như ngày hội. Không mấy khi ngớt tiếng trống mỏ cổ động tuyên truyền. Ban ngày quần chúng chăm lo sản xuất, tối đến bà con họp lại nghe cán bộ nói chuyện, nghe đọc báo hoặc theo học các lớp học chữ quốc ngữ, lớp học văn hoá cũng được tổ chức tại đình làng và một số gia đình như Hồ Sỹ Lương, Hoàng Văn Hợp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền Xô Viết đứng ra giải quyết công việc như một chính quyền thực thụ theo gương cách mạng Tháng Mười Nga. Cuối năm 1930 đầu năm 1931, thực dân Pháp và Nam triều phong kiến đàn áp khốc liệt Xô Viết Nghệ Tĩnh, tại đình làng Quỳnh Đôi chúng đóng đồn và đặt 9 điểm canh ở những nơi phong trào mạnh, bắt bớ các chiến sỹ cách mạng, đem về tra tấn đánh đập.
Không những thế, chúng còn dụ dỗ, mua chuộc nhưng không làm lay chuyển ý chí cách mạng của những người con làng Quỳnh. Tháng 2.1931, thực dân Pháp xử bắn 9 chiến sỹ cách mạng tại đình như đồng chí Dương Ngọc Liễn, Hoàng Văn Hợp, Hồ Sỹ Nam, Hồ Phi Phồn, Hồ Sỹ Hoan...Năm 1945, đình làng Quỳnh Đôi là nơi hội họp của mặt trận Việt Minh để cướp chính quyền trong cách mạng Tháng Tám. Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, đình làng là nơi diễn ra lễ tiễn đưa 1244 con em lên đường đánh giặc cứu nước giành độc lập tự do cho Tổ Quốc.
* Khảo tả di tích
Đây là một ngôi đình đồ sộ , mặt ngoảnh hướng Nam, kiến trúc đình có hình chữ nhất, tức chỉ có một toà đại đình, phía trước có cổng, xung quanh có hàng rào, diện tích khu vực này là 1500m2. Ngôi đình có kiến trúc tứ trụ dài 25m, rộng 11m gồm 5 gian, 2 hồi, 6 vì kèo, 4 hàng cột ngang, 6 hàng cột dọc, mỗi cột cao 5,3m, đường kính 0,4m, tất cả có 24 cột gỗ lim tròn kê trên chân đá tảng màu xanh. Tất cả nguyên vật liệu toàn bằng gỗ lim, kiểu mái chuông, lợp ngói nam ta hình chữ nhật dài 25cm, rộng 19cm, nền lát gạch Bát Tràng. Đình được để trống phía trước phía sau, trước cửa có 2 văn bia bằng chữ Hán, văn bia phía trái nói về việc trùng tu nhà thánh, văn bia phải nói về việc xây dựng đền.
Nghệ thuật điêu khắc ở đây có nét tinh tế, trên các vì kèo nghệ nhân xưa chạm chim, phượng, rồng uốn lượn khoẻ khoắn, các nhành hoa có nhiều loại, đua nhau nở theo mùa. Các đầu dao ở nóc nhà và mái đình cấu trúc đơn giản. Trước đình có 4 cột nanh, 2 cột nanh mặt trước đầu hồi bít dốc, 2 cột nanh ở phía cổng tạo nên vẻ cổ kính cho công trình văn hoá này.
* Các hiện vật trong di tích
Đình làng Quỳnh Đôi là nơi rước thần, tế lễ trong các dịp hội hè, lễ Yên Kỳ, lễ Kỳ Phúc hàng năm. Cho nên sau mỗi lần tế lễ các hiện vật là đồ tế tự lại trả về các đền, các miếu trong làng Quỳnh Đôi, không có hiện vật thờ tự.
Năm 1978, đình làng Quỳnh Đôi đã được chính quyền địa phương dùng làm nhà truyền thống của xã. Tại đây, có trưng bày một số tài liệu hiện vật có liên quan đến phong trào cách mạng Quỳnh Đôi từ năm 1930 - 1931 đến giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Những tư liệu hiện vật đó đang còn ở nhà truyền thống xã Quỳnh Đôi:
1. Tờ báo lao động của chi bộ Đảng Quỳnh Đôi năm 1930 - 1931
2. Bài ca cách mạng của Hồ Mỹ Xuyên ở Quỳnh Đôi sáng tác để kêu gọi đấu tranh năm 1930 - 1931.
3. Mân chè dùng để in tài liệu ở Quỳnh Đôi thời kỳ 1930 - 1931.
4. Mác của cụ Hồ Sỹ Tào dùng để luyện tập tự vệ năm 1930 - 1931.
5. Gậy mun của ông Hồ Sỹ Nhiếp ở Quỳnh Đôi dùng làm vũ khí biểu tình năm 1930 - 1931.
6. Liễn đựng cơm của ông Hồ Sỹ Nhiếp dùng để đưa cơm cho các đồng chí cán bộ hoạt động năm 1930 - 1931.
7. Va ly da của Hồ Tùng Mậu ở Quỳnh Đôi hoạt động trước năm 1945.
8. Sắc lệnh của chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lúc đồng chí Hồ Tùng Mậu nhận huân chương 27.8.1951.
9. Long đình họ Phạm nơi cất dấu tài liệu của Đảng thời kỳ 1930 - 1945.
10. Bức trướng của Đảng Lao Động Việt Nam điếu cụ Hồ Tùng Mậu năm 1951.
11. Lá thư của Hồ Chủ Tịch gửi đội lão quân Lý Thường Kiệt xã Quỳnh Đôi tháng 12.1948.
12. Hai văn bia phía trước Đình làng: bên trái là văn bia trùng tu lại nhà thánh, bên phải nói về việc xây dựng đình.
Hiện nay, xã Quỳnh Đôi đang duy trì phát huy nhà truyền thống ở đình làng, và chính quyền xã đang vận động nhân dân phát hiện và sưu tầm những hiện vật cách mạng nhằm xây dựng nhà truyền thống đầy đủ hơn, phong phú hơn để giáo dục tình cảm cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay.