Nguồn gốc lịch sử

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số si tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện quỳnh lưu, tình nghệ an (Trang 39 - 42)

Chương 2. DIỆN MẠO MỘT SỐ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ TIÊU BIỂU TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN QUỲNH LƯU

2.1.2. Nguồn gốc lịch sử

"Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng" là câu phương ngôn xứ Nghệ nói lên niềm tự hào, hãnh diện về "bốn trong số những ngôi đền đẹp nhất ở An Nam" (Le Breton - An Nam cổ lục). Theo như câu đối tại cổng chính Tam quan đền Bạch Mã, vị thế các ngôi đền nêu trên được thể chế hoá, từ năm Kỷ Hợi Minh Mệnh thứ 20 (1839): " Nghệ An quốc tế tứ linh từ chi đệ tam/ Y cổ sùng hồng minh tại thạch; Minh Mệnh Kỷ Hợi vạn tư niên chi nhị thập/ tùng kim thế thế ngật như sơn" [5;3]. Đền Cờn đứng đầu trong 4 ngôi, đền thiêng là nơi phong cảnh núi non đẹp nhất xứ Nghệ, cũng là nơi có nhiều sự tích truyền tụng trong dân gian và trong tư liệu cổ. Nếu đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng thờ các vị thần linh nguyên là những nhân vật lịch sử, những người con đất Việt, tên tuổi gắn liền với cơ đồ sự nghiệp giang sơn, thì đền Cờn thờ Tứ vị thánh nương nguyên là gia quyến của Hoàng đế Nam Tống gặp cảnh ngộ bị thương. Câu chuyện về họ được lưu trong sử sách cũng như trong truyền thuyết, rằng:

Năm 960 đại thần của hậu Chu là Triệu Khuông Dẫn lập nên nhà Tống đóng đô ở Biền Kinh, lịch sử gọi là Bắc Tống. Năm 1127, Biền Kinh bị quân Kim đánh bại, Bắc Tống bị mất. Khang Vương Triệu Cấm em Khâm Tông được một số quan lại tôn lên làm vua ở Ủng Thiên tỉnh Hà Nam kinh đô đóng ở Lâm

An (Hàng Châu) mở đầu nhà Nam Tống. Năm 1234 Mông Cổ tấn công Nam Tống. Năm 1279 Trương Hoằng Phạm đem quân đánh úp Nhai Sơn, quân Tống tan vỡ, binh sĩ bị dồn xuống bể chết hơn 10 vạn. Vua Tống Đế Bính đem gia quyến và bề tôi quân lính hơn 800 người lên thuyền trốn ra biển. Thế cùng lực tận lại bị quân giặc đuổi theo truy bức gấp rút, quan Tả Thừa tướng Lục Tú Phu ôm vua Đế Bính nhảy xuống biển tự tử. Đoàn thuyền chạy trốn của triều Tống sau đó gặp bão chìm đắm hết. Hoàng hậu của vua là Từ thi Thái hậu Dương Nguyệt Quả và hai con là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Nương ôm lấy cột buồm một chiếc thuyền trôi dạt vào bờ biển cạnh một ngôi chùa. Sư trụ trì ở chùa hết sức cứu vớt đem ba mẹ con vào chùa cho ăn uống tử tế. Được mấy tháng, mẹ con lại sức, trở nên béo tốt, vẻ mặt phu nhân coi tuyệt đẹp, sư động lòng muốn tư thông, bị phu nhân cự tuyệt. Sư xấu hổ gieo mình xuống biển chết.

Mẹ con phu nhân thấy thế than rằng: ''Chúng ta vì sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà phải chết, sao nỡ yên tâm, rồi cả ba mẹ con cùng lao xuống biển chết cả. Xác ba mẹ con trôi dạt vào cửa Càn Hải xã Quỳnh Phương. Còn vị sư nọ trôi dạt vào hòn Ói (núi Quy Lĩnh) xã Quỳnh Lương mặt mũi hồng hào như người sống. Dân làng Hương Cần và Phú Lương thương xót lo liệu chôn cất, dựng thảo am để thờ cúng" [58;117].

Như vậy, đền Cờn ở Hương Cần thờ ba mẹ con công chúa Nam Tống, đền Quy Lĩnh ở Phú Lương thờ vị sư. Đến cuối thời Trần do quan niệm mã tín, dân Phương Cần rước bài vị của vị sư được thờ ở đền Quy Lĩnh về hợp tế nên gọi là đền "Tứ Vị". Từ đó hàng năm đến ngày đại lễ 21 - 1 âm lịch có tục chạy Ói. Tục rước này trở thành lễ hội lớn hàng năm của cả vùng.

Sang thời Lê, do quan niệm nho giáo "nam nữ bất đồng cung" dân Phương Cần dựng thêm đền ngoài trên núi sát biển thờ vị sư, Đế Bính, Lục Tú Phu và Trương Thế Kiệt. Đền trong thờ ba mẹ con Dương Thái hậu và một bà nhũ mẫu và từ đó đền cũng được gọi là "Tứ Vị thánh nương".

Ngoài ra, trước đây trong đền Cờn còn có thờ hai vật thiêng là khúc gỗ và vỏ hạt lúa tượng trưng [17;541-544]. Điều đó chứng tỏ đền Cờn hoàn toàn gắn bó với cư dân làm nghề đánh cá và cày ruộng. Đây là dấu ấn sự kết hợp thờ nhân thần và tổ tiên - một hình thức tôn giáo sơ khai của cư dân chài lưới và trồng trọt.

Song đền Cờn nổi tiếng không chỉ là vì thờ ba mẹ con công chúa Nam Tống mà nổi tiếng vì ngôi đền được gắn với những sự kiện lịch sử. Hay nói cách khác những sự kiện lịch sử gắn với đền, diễn ra ở đền tăng thêm giá trị, càng làm cho đền Cờn nổi tiếng. Vào năm Cảnh Hưng thứ 20 (1312), Vua Trần Anh Tông thân chinh mang quân đánh Chiêm thành nhằm mở rộng và ổn định biên thuỳ ở phía Nam. Thuyền của ba quân tiến vào cửa Cờn dừng lại để nghỉ ngơi sau một chặng đường dài hành quân vất vả. Đêm dừng chân nghỉ tại cửa Cờn Vua mộng thấy nhân thần bảo rằng: " Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng gió chết đuối trôi dạt đến đây, Thượng đế phong cho làm thần Biển ở đây đã lâu, nay thấy bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công. Khi tỉnh dậy vua cho gọi các cố lão ở đấy hỏi sự thực, ban tế một tuần rồi mới đi thì biển không nổi sóng, tiến thẳng đến thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm đem về"

[26;101-102]. Sau thắng lợi đó, Vua Trần Anh Tông về Thăng Long mừng công thắng trận và lệnh gia phong là "Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh nương" cho dân làng xây dựng đền ngói quy mô thêm rộng rãi.

Thời Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh, giai đoạn dừng chân ở đất Nghệ An đã cho người về cầu ở đền Cờn. Sau ngày thiên hạ đại định Lê Thái Tổ đã phong thêm hiệu và ban cho đền một số đồ thờ bằng vàng bạc. Năm Hồng Đức thứ nhất 1470, Vua Lê Thánh Tông cũng đi đánh Chiêm Thành. Khi đoàn chiến thuyền dừng lại nghỉ ngơi ở cửa Cờn, Vua Lê Thánh Tông vào đền mật đảo, đoàn chiến thuyền chở 25 vạn quân thuận buồm xuôi gió kéo quân đến thẳng Chiêm thành đánh bại quân Chiêm. Khi kéo quân về , thuyền ngự đã qua cửa Biện (Thanh Hoá) chợt có gió đông nổi lên, thuyền theo gió quay lại, đoàn chiến thuyền phải vào cửa Cờn dưới chân đền trú gió. Nhà Vua cho là lạ lắm, bàn hạ lệnh thăng thêm phẩm trật và dựng thêm toà đền thờ. Nhân đó gọi chỗ thuyền quay lui là đồi Chân hay Đông Hồi (tức xã Quỳnh Lập hiện nay).

Như vậy, đền Cờn được vua Trần Anh Tông ban sắc chỉ xây dựng vào năm 1312, hàng năm "quốc tế"; được vua Lê Thánh Tông cho sửa sang vào năm

1471. Điều đó cho thấy đền Cờn nổi tiếng vì thờ "Tứ Vị Thánh Nương", càng nổi tiếng vì đền đã có hai ông vua - hai bậc minh quân của hai triều đại Trần - Lê từng ghé chân lại đền trong quá trình chinh Nam tế lễ gia ân làm thi để tặng.

Chính những sự kiện đó càng làm cho đền thêm linh nghiệm nổi tiếng. Sự linh nghiệm, người được thờ, những sự kiện lịch sử, vị trí địa lý và cảnh quan thấy đền gắn quyện vào nhau, hỗ trợ nhau tạo nên một phần giá trị đền Cờn. Tất cả những cái đó đã tạo nên một cơ sở pháp lý, một điều kiện vật chất, một nhân tố tinh thần có tính chất quan trọng và quyết định để đền Cờn dưới các triều đại phong kiến được tu sửa, xây dựng quy mô ngày càng lớn, đồ tế khí được bổ sung ngày càng phong phú đa dạng có giá trị cao về mặt nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số si tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở huyện quỳnh lưu, tình nghệ an (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)