Mối quan hệ bên trong Tòa án

Một phần của tài liệu Vai trò của Thẩm phán tòa án nhân dân cấp quận, huyện trong xét xử các vụ án hình sự (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009- 2013) (Trang 22 - 26)

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VAI TRÒ CỦA THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP QUẬN, HUYỆN TRONG XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

1.2. Mối quan hệ pháp luật giữa Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp quận, huyện với các chức danh tư pháp khác trong xét xử các vụ án hình sự

1.2.1. Mối quan hệ bên trong Tòa án

Mối quan hệ bên trong là các mối quan hệ giữa Thẩm phán với lãnh đạo, với các Thẩm phán khác, quan hệ với Thư ký và các cán bộ khác của Toà án. Tùy theo với từng chủ thể khác nhau, Thẩm phán có những vị trí, vai trò khác nhau.

* Quan hệ giữa Thẩm phán với lãnh đạo Toà án:

Mối quan hệ giữa Thẩm phán và lãnh đạo Tòa án vừa thể hiện tính chất của mối quan hệ hành chính, vừa thể hiện tính chất của mối quan hệ tố tụng.

Lãnh đạo Tòa án bao gồm Chánh án, Phó Chánh án là những người lãnh đạo, quản l‎ý mọi mặt của cơ quan Toà án để đảm bảo hoạt động của Tòa án với vai trò là một cơ quan xét xử của Nhà nước. Thẩm phán là một thành viên của cơ quan, do đó chịu sự chi phối chung của hoạt động quản lý, điều hành của Chánh án, Phó Chánh án. Quan hệ chi phối này thể hiện trong mối quan hệ hành chính, nghĩa là lãnh đạo Tòa án chỉ quản lý về mặt con người, còn trong lĩnh vực xét xử Thẩm phán được độc lập về chuyên môn trong việc áp dụng pháp luật, Chánh án và Phó Chánh án không được can thiệp vào.

Mối quan hệ tố tụng giữa lãnh đạo và Thẩm phán chỉ thể hiện trong một số phạm vi nhất định như: Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết,

xét xử vụ án hình sự; Quyết định thay đổi Thẩm phán trước khi mở phiên tòa;

Ra quyết định thi hành án, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, quyết định xóa án tích đối với những bản án mà Thẩm phán đã xét xử... Khi Thẩm phán được Chánh án giao hồ sơ vụ án để giải quyết, Thẩm phán phải nghiên cứu và đề xuất những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chánh án để Chánh án giải quyết như việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, quyết định chuyển vụ án nếu vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết… . Trong các quan hệ này, Thẩm phán buộc phải chấp hành các quyết định của lãnh đạo Tòa án.

Trường hợp Thẩm phán đồng thời là Chánh án hoặc Phó Chánh án thì người nay phải thực hiện đầy đủ, rạch ròi những nhiệm vụ quyền hạn nào là của Chánh án hay Phó Chánh án và Thẩm phán mà pháp luật quy định. Chẳng hạn, Thẩm phán đồng thời là Chánh án thì Quyết định đưa vụ án ra xét xử vẫn ghi người ký ban hành là Thẩm phán, nhưng trong quyết định tạm giam thì ghi người ký là Chánh án.

* Quan hệ giữa Thẩm phán với nhau:

Mối quan hệ giữa các Thẩm phán phát sinh trong hoạt động xét xử và trong hoạt động bình thường Tòa án. Theo quy định của pháp luật hiện hành, HĐXX xét xử vụ án hình sự ở cấp huyện gồm có 01 Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa. Vì vậy, mỗi quan hệ giữa các Thẩm phán Tòa án cấp huyện với nhau chủ yếu là quan hệ phối hợp công tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Mối quan hệ tố tụng giữa các Thẩm phán cấp huyện với nhau chỉ thể hiện trong việc làm Thẩm phán dự khuyết cho nhau trong một vụ án hình sự. Mối quan hệ này chỉ phát sinh từ khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử và Thẩm phán dự khuyết phải có mặt tại phiên tòa kể từ khi phiên tòa bắt đầu xét xử thì mới có thể thay thế Thẩm phán chủ tọa trong một số trường hợp mà pháp luật quy định.

* Quan hệ giữa Thẩm phán với Hội thẩm nhân dân:

Hội thẩm nhân dân là những người được bầu hoặc được cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án. Hội thẩm nhân dân là những người đại diện cho nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử với mục đích đảm bảo tính dân chủ. Hội thẩm nhân dân không phải là cán bộ của Tòa án và không thuộc biên chế của Tòa án, tuy nhiên, họ chịu sự phân công của Chánh án nơi được bầu hoặc cử tham gia phiên tòa hình sự. Trong tố tụng hình sự nói chung, hội thẩm nhân dân cũng có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ, tham gia xét xử. Khi xét xử vụ án, mọi vấn đề phải được Thẩm phán và hội thẩm thảo luận và thông qua tại phòng nghị án. Khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xét xử cũng như khi quyết định bản án, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán. Như vậy, có thể thấy, mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm cũng chỉ phát sinh từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử và mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm là mối quan hệ độc lập, thể hiện trên hai phương diện: độc lập với các cá nhân khác và độc lập với chính những thành viên trong HĐXX. Điều này có nghĩa, các thành viên của HĐXX bao gồm Thẩm phán và hội thẩm nhân dân không chịu sự chi phối của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác khi xét xử vụ án, đồng thời, giữa từng thành viên của HĐXX lại có sự độc lập với nhau trong quá trình xét xử cũng như quyết định bản án. Mặc dù vậy, trong hoạt động xét xử, Thẩm phán vẫn giữ vai trò là trung tâm. Điều này thể hiện trong toàn bộ quá trình xét xử Thẩm phán luôn giữ vai trò chủ đạo điều khiển phiên toà từ phần thủ tục đến phần tuyên án. Trong quá trình nghị án, Hội thẩm là người nêu ý kiến trước về việc giải quyết vụ án và biểu quyết giữa 03 thành viên HĐXX về từng vấn đề. Tuy nhiên, nếu thấy Hội thẩm có ý kiến không đúng thì Thẩm phán có quyền phân tích, giải thích và tiến hành biểu quyết lại bởi trên thực tế, các hội thẩm nhân dân được bầu hoặc cử thường giữ các chức vụ kiêm

nhiệm và không phải là những người được đào tạo chuyên về pháp luật. Do đó, Thẩm phán với tư cách là những người xét xử chuyên nghiệp” phải là người giữ vị trí và vai trò trung tâm trong xét xét vụ án hình sự.

* Quan hệ giữa Thẩm phán và thư ký phiên tòa:

Thư ký phiên tòa là người tiến hành tố tụng, được Chánh án phân công làm thư lý đối với từng vụ án cụ thể. Thư ký phiên tòa có thể là thư ký toà án hoặc chuyên viên hoặc thẩm tra viên của Tòa án được Chánh án hoặc người được Chánh án ủy quyền phân công làm nhiệm vụ thư ký trong từng phiên tòa cụ thể. Tuy nhiên, ở TAND cấp quận, huyện, thư ký phiên tòa không bao gồm chuyên viên và thẩm tra viên.

Thư ký Tòa án được hiểu là người giúp việc cho Thẩm phán khi thực hiện nhiệm vụ quyền hạn mà pháp luật đã quy định. Thẩm phán và Thư ký Tòa án đều là những người tiến hành tố tụng nên mối quan hệ giữa Thẩm phán và Thư ký Tòa án là mối quan hệ được điều chỉnh bằng pháp luật tố tụng và nó chỉ phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án. Thẩm phán không phải là thủ trưởng của Thư ký Tòa án và Thư ký Tòa án cũng không phải là thư ký riêng của Thẩm phán. Thư ký Tòa án là người giúp việc cho Thẩm phán để thực hiện những công việc trong quá trình xét xử, do đó, trong mối quan hệ này, Thẩm phán giữ vai trò chỉ đạo nhiệm vụ cho Thư ký, giám sát, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn Thư ký thực hiện các công việc, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật. Ví dụ như Thư ký Tòa án giúp Thẩm phán lấy lời khai, biên bản xác minh, làm giấy triệu tập bị can, bị cáo; thực hiện việc chuẩn bị mở phiên tòa như triệu tập phiên tòa, thông báo cho luật sự hoặc người bào chữa… Ở phiên tòa, Thư ký phải kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập đến phiên tòa; phổ biến nội quy phiên tòa; ghi biên bản phiên tòa… Sau phiên tòa, Thư ký Tòa án giúp Thẩm phán rà soát lại bản án trước khi ký; chuyển giao bản án cho

cơ quan liên quan; thông báo kháng cáo, kháng nghị, chuyển hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị cho cấp phúc thẩm.

Có thể thấy, tất cả các công việc trên của Thư ký đều nhằm mục đích phục vụ cho công tác xét xử của Thẩm phán. Thư ký Tòa án là một trong chủ thể trong hoạt động tố tụng hình sự, là người tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật và theo sự phân công của Chánh án, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi của mình. Mối quan hệ giữa Thẩm phán và Thư ký Tòa án do đó là mối quan hệ phối hợp để thực hiện quy định của pháp luật tố tụng. Vì vậy, Thẩm phán giao công việc cho Thư ký, tuy nhiên cả Thẩm phán và Thư ký đều phải hoạt động tuân theo quy định của pháp luật..Không phải trong mọi trường hợp, Thư ký đều phải chấp hành theo sự phân công của Thẩm phán, mà Thư ký có quyền từ chối những công việc mà mình cho rằng là vi phạm pháp luật hoặc không đúng với thẩm quyền của mình được pháp luật quy định.

Một phần của tài liệu Vai trò của Thẩm phán tòa án nhân dân cấp quận, huyện trong xét xử các vụ án hình sự (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009- 2013) (Trang 22 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)