Thẩm phán với việc thực hiện các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự

Một phần của tài liệu Vai trò của Thẩm phán tòa án nhân dân cấp quận, huyện trong xét xử các vụ án hình sự (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009- 2013) (Trang 55 - 66)

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VAI TRÒ CỦA THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP QUẬN, HUYỆN TRONG XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

2.2. Vai trò Thẩm phán của các Tòa án nhân dân cấp quận, huyện thành phố Hà Nội trong thực tiễn xét xử trên cơ sở dữ liệu địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2013

2.2.2. Thẩm phán với việc thực hiện các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự

* Về nguyên tắc suy đoán vô tội: Từ tư duy pháp luật cho tới việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn, Thẩm phán các Tòa án cấp huyện của Thành phố Hà Nội luôn đảm bảo những nội dung chính của nguyên tắc này, cụ thể là:

- Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người được suy đoán vô tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Người bị tạm giữ, bị can và bị cáo là người có hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự và theo nhận định của các cơ quan tiến hành tố tụng trước đó là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thì đó là những người có hành vi phạm tội. Nhận thức của các cơ quan này có thể đúng với thực tế khách quan, nghĩa là nhận thức đúng người phạm tội, tiến hành khởi tố, truy tố, nhưng cũng có thể có nhận thức không đúng thực tế khách quan đó, dẫn tới việc bỏ lọt tội phạm hoặc kết tội người vô tội. Tuy chưa bị xem là người có tội, nhưng những người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vẫn bị hạn chế một số quyền nhất định và bị những chế tài nhất định. Đây là các biện pháp tố tụng cần thiết được pháp luật quy định để áp dụng vào người có dấu hiệu tội phạm, đảm bảo việc chứng minh một người nào đó là có tội hay không có tội. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là có tội, thì cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ bồi thường, phục hồi mọi quyền lợi về tài sản, danh dự, nhân phẩm cho họ.

Suy đoán vô tội được thừa nhận cho đến khi có bản án kết tội đã có

hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nói một cách khác, chỉ có Tòa án mới có quyền xác định một người nào đó là có tội hay không. Đây là bảo đảm quan trọng đối với quyền của bị cáo, bởi lẽ Tòa án thực hiện chức năng xét xử công khai, tuân theo những trình tự, thủ tục công khai và chặt chẽ, nên quyền lợi của bị cáo được đảm bảo ở mức tốt nhất trong suốt quá trình tiến hành tố tụng. Không một cơ quan tiến hành tố tụng nào khác ngoài Tòa án có quyền khẳng định một người nào đó là có tội hay không có tội. Các hoạt động điều tra, truy tố là các hoạt động thu thập chứng cứ chứng minh cho việc có tội phạm, chứ chưa quyết định là một người nào đó đã phạm tội.

- Về nghĩa vụ chứng minh lỗi: người có nghĩa vụ chứng minh lỗi là thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, hiện nay có quan điểm cho rằng nghĩa vụ chứng minh lỗi là của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, còn Tòa án là cơ quan xét xử nên không có nghĩa vụ chứng minh. Tuy nhiên, quan điểm chung của các Thẩm phán đều cho rằng nghĩa vụ chứng minh là của các cơ quan tiến hành tố tụng, bao gồm cả Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Bởi khác với các nước theo mô hình tố tụng tranh tụng, trong đó bên buộc tội và bên gỡ tội tranh tụng về những vấn đề liên quan để chứng minh hay bác bỏ tội phạm của phía bên kia, còn Tòa án không tham gia vào bên nào và đứng giữa như người trọng tài phân xử, mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay có sự pha trộn giữa mô hình tranh tụng và mô hình xét hỏi, nhưng nặng về việc xét hỏi. Tại phiên tòa, Thẩm phán tham gia vào việc xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng, áp dụng các biện pháp pháp luật quy định để chứng minh làm rõ bị cáo phạm tội hay không phạm tội. Trên cơ sở đó mới ra phán quyết, kết tội và quyết định hình phạt với họ.

Hơn thế nữa, mặc dù BLTTHS hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể nhưng các Thẩm phán xét xử vụ án hình sự đều thừa nhận quyền im của người bị bắt, người bị tam giữ, bị can, bị cáo. Bởi lẽ, theo các quy định của

pháp luật hình sự, việc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội của mình thì cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội từ chối khai báo theo quy định tại Điều 308 của BLHS và cũng không bị coi là có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 của BLHS. Trong trường hợp bị can, bị cáo thành khẩn khai báo thì lại được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thậm chí trong giai đoạn điều tra họ không khai báo hoặc khai báo gian dối nhưng tại phiên tòa lại thành khẩn khai báo thì họ vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là

“thành khẩn khai báo” theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 của BLHS.

- Mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh tội phạm của người bị tình nghi, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.

Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được sự nghi ngờ thì sự nghi ngờ đối với người bị bắt giữ, bị can, bị cáo phải được giải thích theo hướng có lợi cho họ. Theo đó, các Thẩm phán khi xét xử sử dụng các chứng cứ chứng minh bị cáo có tội là chứng cứ được thu thập hợp pháp và rõ ràng.

Nếu không có chứng cứ rõ ràng, chứng minh một người nào đó là có tội, thì Thẩm phán sẽ áp dụng nguyên tắc có lợi cho họ, tức là họ được xem như không phạm tội. Đồng thời, trong quá trình thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, bên cạnh việc thu thập, đánh giá chứng cứ buộc tội, thì việc thu thập, Thẩm phán coi trọng các chứng cứ gỡ tội trong quá trình xét xử.

Thực tiễn cho thấy nội dung nguyên tắc này đều được hầu hết các Thẩm phán tuân thủ và áp dụng đúng. Mặc dù vậy, vẫn có một số ít trường hợp áp dụng không đúng khi xét xử, dẫn tới việc định sai tội danh. Ví dụ một sự việc: Khoảng 22 giờ ngày 16/9/2011 Trần Đình Thành và Nguyễn Quang Huy đang ngồi uống nước thì thấy Đoàn Quốc Hưng đi qua nên gọi vào ngồi

cùng. Nói chuyện được một lúc thì Hưng nhìn thấy người quen là anh Trần Quang Tấn đi qua nên Hưng đã gọi Tấn vào ngồi cùng. Tấn xuống xe đi đến chỗ Thành, Huy, Hưng ngồi. Tấn hỏi Thành: “Mày có biết tao là ai không?”

rồi vòng tay lấy con dao của Thành mang theo để sau lưng chém vào trúng sườn trái của Thành. Ngay sau đó, Thành lấy còn dao khác mang theo đâm thẳng vào bụng Tấn. Đồng thời Thành giằng con dao trong tay Tấn, chém nhiều nhát vào người Tấn làm Tấn bỏ chạy. Tỉ lệ tổn hại sức khỏe của Tấn là 66% tạm thời. Thành bị Tấn chém vào sườn nhưng không đi giám định nên không có sở sở để xác định tỉ lệ thương tích. Bản án số 31/2013/HSST ngày 23/01/2013 xét xử bị cáo Trần Đình Thành về tội “Cố ý gây thương tích” của TAND quận Đống Đa đã áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm p khoản 1,2 Điều 46 BLHS xử phạt bị cáo Trần Đình Thành 6 năm tù [44].

Có thể thấy, trong vụ án này, người bị hại có hành vi trái phát luật nghiêm trọng trước đối với bị cáo, cụ thể ở đây là người bị hại đã dung dao của bị cáo chém bị cáo. Do vậy, bị cáo đã dùng dao thứ 2 chém lại người bị hại. Ở vụ án này, Thẩm phán đã không giải thích theo hướng có lợi cho bị cáo, khi mà các nghi ngờ trong quá trình chứng minh ý thức chủ quan khi thực hiện tội phạm của các bị cáo chưa được làm rõ, dẫn đến việc xác định một tội danh nặng hơn cho các bị cáo. Lẽ ra, Thẩm phán cần nghiên cứu và xem xét lại các dấu hiệu phạm tội của bị cáo, cần thiết trả hồ sơ điều tra bổ sung xem xét hành vi của bị cáo về tội khác như: Tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 105 BLHS hoặc tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mới đúng.

* Về nguyên tắc độc lập xét xử:

Nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được hiểu dưới hai khía cạnh là độc lập với các yếu tố bên ngoài và độc lập với các yếu tố bên trong. Thực tế hiện nay cho thấy các

Thẩm phán cấp quận, huyện ở địa bàn Hà Nội đã đảm bảo được nguyên tắc này trong xét xử vụ án hình sự.

- Sự độc lập với các yếu tố bên ngoài: Trong vấn đề độc lập xét xử với các cơ quan liên quan, Thẩm phán không bị phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra, không bị lệ thuộc vào cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát. Quá trình nghiên cứu hồ sơ và tại phiên tòa, Thẩm phán xét xử phải xem xét, thẩm tra đánh giá chứng cứ và các tình tiết khác của vụ án một cách thận trọng, tỉ mỉ, khoa học, toàn diện, kể cả chứng cứ có trong hồ sơ và chứng cứ tại phiên tòa. Bản án của Tòa án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa. Khoản 3 Điều 222 Bộ luật TTHS quy định “khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và các tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa” [30, tr.165].

Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số trường hợp Thẩm phán chưa quán triệt triệt để nguyên tắc này khi xét xử, dẫn đến tình trạng xác định không đúng tội danh. Ví dụ: Bản án Bản án số 152/2013/HSST ngày 26/4/2013 của TAND Quận Hoàng Mai xét xử bị cáo Phạm Văn Nghĩa về tội “Trộm cắp tài sản”

theo điều 138 BLHS.

Tóm tắt nội dung vụ án: Ngày 13/10/2012, tại lán trại giữ xe CC2 bán đào Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà nội. Phăm Văn Nghĩa cùng các anh Trần Văn Cường, Nguyễn Văn Thường, Trương Đình Hậu, Hoàng Kim Dân, Nguyễn Công Đinh, Phạm Văn Quang ngồi uống nước chè và xem ti vi trên phản trong lán. Anh Cường rút từ túi quần số tiền 6.500.000 đồng ra đếm trước mặt mọi người. Sau đó anh Cường lại đút vào túi quần. Khoảng 30 phút sau Nghĩa bước từ trên phản xuống đất thì nhìn thấy tập tiền của anh Cường rơi ở gần dép Nghĩa. Nghĩa đã cầm số tiền đó giấu vào áo phông đang khoác trên vai và đi ra phía sau nhà vệ sinh cất giấu rồi đi vào ngồi cùng mọi người.

Anh Cường phát hiện ra mất số tiền có hỏi mọi người có mặt lúc đó nhưng

không ai nhận. Anh Cường đã báo công an phường Hoàng Liệt và Nghĩa khai nhận là có nhặt được số tiền của anh Cường; tài sản đã trả cho người bị hại.

Trong suốt quá trình tố tụng, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo chỉ thừa nhận là nhặt được số tiền 6.500.000 đồng của anh Cường bị rơi gần dép của bị cáo. Các nhân chứng là anh Nguyễn Văn Thường, Trương Đình Hậu, Hoàng Kim Dân, Nguyễn Công Định, Phạm Văn Quang cũng không biết về sự việc, bị cáo khai khi ngồi trên phản bị cáo ngồi cách anh Cường 2 người nên hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội khác (tội Chiếm giữ trái phép tài sản) [44].

Như vậy, trong trường hợp này, Thẩm phán khi xét xử vụ án vẫn còn bị lệ thuộc hoàn toàn vào các kết luận của Cơ quan điều tra và bản luận tội của Viện kiểm sát trước đó mà chưa xem xét các chứng cứ cũng như lời khai của bị cáo tại phiên tòa một cách khách quan và toàn diện. Lẽ ra Thẩm phán phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, nhưng Thẩm phán lại vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” là chưa có căn cứ vững chắc.

Trong việc độc lập xét xử với lãnh đạo cơ quan và đối với cơ quan cấp trên là TAND cấp tỉnh nhìn chung trình độ Thẩm phán nói chung và Thẩm phán cấp huyện nói riêng hiện nay đã và đang không ngừng được nâng cao, người Thẩm phán đã tự mình nhận thức một cách đúng đắn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong xét xử vụ án hình sự. Mặc dù vậy, Thẩm phán TAND cấp huyện vẫn còn ít nhiều chịu sự chi phối trong mối quan hệ với Tòa án cấp tỉnh. Tình trạng Thẩm phán báo cáo án, thỉnh án với lãnh đạo cơ quan và với Tòa án cấp trên vẫn còn.

Điều này cho thấy một thói quen trong tư duy và hành động khi tiến hành tố tụng kéo dài cho đến ngày nay của một số cán bộ ngành Tòa án chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử.

- Sự độc lập với các yêu tố bên trong: Các Thẩm phán thường tôn trọng ý kiến của Hội thẩm khi nghị án và hầu như là không có việc áp đặt ý chí của Thẩm phán lên Hội thẩm. Qua các hội nghị tổng tết hàng năm, các Hội thẩm nhân dân đều không có ý kiến phản ánh về vấn đề này. Tuy nhiên, Thẩm phán cũng phải giải thích, phân tích, đánh giá chứng cứ một khi thấy ý kiến của Hội thẩm là chưa hợp lý và sau khi phân tích, giải thích thì Thẩm phán vẫn tôn trọng ý kiến biểu quyết của Hội thẩm.

* Về nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án: Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự trong những năm gần đây cho thấy các Thẩm phán TAND cấp huyện đã đảm bảo tốt quyền bình đẳng giữa Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác như người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bị cáo… tại phiên tòa. Các bên tham gia tố tụng được quyền bình đẳng trong việc đưa ra yêu cầu, bình đẳng trong việc tranh luận như đánh giá các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để bảo vệ quyền lợi của mình hay phản bác ý kiến của người khác. Trong xét xử vụ án hình sự, Thẩm phán quận, huyện với tư cách là chủ tọa phiên tòa đã đảm bảo tốt việc các bên tranh luận và đối đáp giữa những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, đảm bảo các ý kiến của họ đều được xem xét một cách khách quan, toàn diện tại phiên tòa.

* Về nguyên tắc xét xử công khai: Xét xử công khai thể hiện tính chất dân chủ và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia, phát hiện những sai sót trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc xét xử công khai nhằm nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân và tác dụng giáo dục xã hội, nâng cao tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm trước quần chúng nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của Toà

án, thu hút lực lượng xã hội vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nên Thẩm phán TAND cấp huyện luôn đảm bảo tốt nguyên tắc này và áp dụng một cách triệt để. Hầu như là không có trường hợp nào Thẩm phán TAND cấp huyện tổ chức phiên tòa xử kín. Mọi công dân đủ 16 tuổi trở lên đều có quyền tham gia dự phiên tòa, trừ trường hợp do luật định.

Ngoài ra, đối với những nguyên tắc cơ bản khác như: Nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số, nguyên tắc thực hiện hai cấp xét xử, nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự,… đều được Thẩm phán TAND cấp huyện áp dụng đúng đắn.

* Thẩm phán với việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự:

Hệ thống tố tụng của Việt Nam là hệ thống tố tụng pha trộn giữa tố tụng xét hỏi và tố tụng tranh tụng, mà trong đó tố tụng xét hỏi chiếm ưu thế.

Thực tế, tố tụng tranh tụng ở Việt Nam chỉ phát sinh tại Tòa án, mà cụ thể là ở phần tranh luận tại phiên tòa. Chỉ có Tòa án và chỉ tại phiên tòa xét xử, nguyên tắc tranh tụng mới thể hiện một cách rõ nét nhất. Nguyên tắc tranh tụng không được ghi nhận trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, mà nó chỉ được ghi nhận nội dung ở những nguyên tắc khác như nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án. Xác định được tầm quan trọng của tranh tụng tại phiên tòa đối với việc đưa ra các phán quyết của Tòa án, Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa” [8]. Tiếp đó, trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng một lần nữa yêu cầu: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp…” [10].

Một phần của tài liệu Vai trò của Thẩm phán tòa án nhân dân cấp quận, huyện trong xét xử các vụ án hình sự (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009- 2013) (Trang 55 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)