Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu Vai trò của Thẩm phán tòa án nhân dân cấp quận, huyện trong xét xử các vụ án hình sự (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009- 2013) (Trang 81 - 87)

Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA THẨM PHÁN NHÂN DÂN CẤP QUẬN, HUYỆN TRONG XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

3.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Một là, bổ sung nguyên tắc tranh tụng trở thành một trong những

nguyên tắc cơ bản của BLTTHS. Có thể thấy rằng tố tụng hình sự nước ta là tố tụng thẩm vấn nhưng đã đan xen các yếu tố tranh tụng trong quá trình tố tụng, nổi bật là tranh tụng tại phiên tòa. Mặc dù vậy, tranh tụng vẫn chưa được quy định là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam. Việc luật hóa nguyên tắc tranh tụng có ý nghĩa rất quan trọng, nguyên tắc này là kim chỉ nam cho hoạt động của Thẩm phán trong việc xét xử các vụ án hình sự. Với nguyên tắc tranh tụng, Thẩm phán sẽ phải thực sự đóng vai trò là người trọng tài, phán quyết vụ án chủ yếu trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần Nghị quyết 49 – NQ/TW của Bộ Chính trị. Một phiên tòa tranh tụng sẽ buộc hoạt động của tất cả những chủ thể tham gia phiên tòa và các chủ thể tham gia giai đoạn trước phiên tòa sẽ phải “chuyên nghiệp” hơn. Sự hiện diện của nguyên tắc tranh tụng trong BLTTHS là cơ sở pháp lý quan trọng để các bên tranh tụng được bình đẳng với nhau trong việc thực hiện chức năng tranh tụng của mình và Toà án với chức năng xét xử là vị trọng tài vô tư, khách quan, điều khiển, quyết định kết quả của quá trình tranh tụng. Với ưu điểm đó, nguyên tắc tranh tụng cần sớm được ghi nhận là một nguyên tắc cơ bản trong BLTTHS Việt Nam giữ vai trò chi phối và định hướng mọi hoạt động cũng như hành vi tranh tụng của tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình TTHS.

BLTTHS nên ghi nhận nguyên tắc tranh tụng với những nội dung chính sau đây:

- Khẳng định sự tách bạch giữa các chức năng cơ bản của TTHS là chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử. Những chức năng này do các chủ thể khác nhau thực hiện;

- Khẳng định sự bình đẳng của bên buộc tội và bào chữa trong hoạt động thu thập, đưa ra các chứng cứ, các yêu cầu và tranh luận về các vấn đề có liên quan đến việc giải quyết vụ án tại phiên tòa.

- Khẳng định nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện việc tranh tụng. Toà án phải tạo điều kiện để các bên tranh tụng thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình, phải xem xét vô tư, khách quan mọi chứng cứ và lý lẽ của bên buộc tội cũng như bên bào chữa. Bản án của Toà án chỉ dựa trên cơ sở kết quả tranh tụng giữa các bên.

Hai là, hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tham gia phiên tòa hình sự. Quá trình tố tụng hình sự bao gồm nhiều chủ thể khác nhau nhằm thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là buộc tội, bào chữa và xét xử. Vì vậy xác định rõ địa vị pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn của các chủ thể khác trong tố tụng hình sự sẽ là cơ sở, căn cứ để xác định vai trò của Thẩm phán cấp quận, huyện trong xét xử vụ án hình sự.

Cần bỏ quy định về trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án tại Điều 13 BLTTHS quy định cho Tòa án có trách nhiệm khởi tố vụ án và quy định khoản 3 Điều 109 BLTTHS: “Quyết định khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử…” [30, tr.86] bởi quy định này là không phù hợp với chức năng xét xử của Thẩm phán, không thể hiện đúng vai trò của Thẩm phán trong xét xử vụ án.

Sửa đổi quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm. Điều 10 BLTTHS quy định:

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo [30, tr.12].

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô

tội. Như vậy, ngoài chức năng xét xử, Toà án, Thẩm phán còn có nghĩa vụ chứng minh vụ án, qui định này có thể dẫn đến khả năng sau:

a) Giải quyết vụ án không khách quan do Thẩm phán có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, kiểm tra, đánh giá để chứng minh vụ án nên định hướng và lập luận của Thẩm phán thiên về những chứng cứ buộc tội và bị ảnh hưởng bởi cáo trạng cũng như những chứng cứ của Viện kiểm sát đưa ra, xem nhẹ việc thu thập đánh giá những chứng cứ gỡ tội, chứng cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai trong tố tụng hình sự còn xảy ra;

b) Thẩm phán đã làm thay công việc của cơ quan công tố bởi vì theo nguyên lý được thừa nhận rộng rãi cơ quan công tố có trách nhiệm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm trên cơ sở đó truy tố người phạm tội, Toà án mà đại diện là Thẩm phán chỉ có quyền và trách nhiệm thẩm định, đánh giá sự chứng minh của cơ quan công tố để đưa ra phán quyết của mình. Việc Toà án, Thẩm phán có nghĩa vụ chứng minh đối với vụ án đã lấn sân sang chức năng của cơ quan công tố;

c) Ảnh hưởng tới việc tranh tụng tại phiên toà, một nội dung quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra, do Thẩm phán là một trong những chủ thể có nghĩa vụ chứng minh chứ không chỉ đơn thuần là người điều khiển tranh tụng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Với những phân tích trên thì việc bỏ nghĩa vụ chứng minh của Toà án, Thẩm phán là điều cần thiết để Thẩm phán có thể làm tốt chức năng của người "trọng tài" tại phiên tòa, đưa ra những phán quyết khách quan, đảm bảo công bằng theo tinh thần cải cách tư pháp. Cũng tương tự như vậy, Luật tố tụng hình sự cũng nên bỏ qui định Hội đồng xét xử có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự trong một số trường hợp qui định tại Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.

Như vậy nghiên cứu, xem xét lại chức năng, quyền hạn, trách nhiệm

của Thẩm phán theo hướng tập trung vào hoạt động xét xử đảm bảo tranh tụng dân chủ công khai tại phiên toà là việc làm cần thiết để nâng cao địa vị của Thẩm phán cũng như hiệu quả hoạt động xét xử trong tiến trình cải cách tư pháp.

Ba là, sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức TAND.

Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong tố tụng hình sự không chỉ được thể hiện ở các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong từng giai đoạn tố tụng, mà trước hết và quan trọng nhất là ở quy định về các nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự; trong đó có những nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án. Do đó nâng cao vai trò của Thẩm phán trong xét xử các vụ án hình sự ở cấp huyện, về lâu dài cần sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định của Luật tổ chức TAND liên quan đến hoạt động của Thẩm phán, cụ thể là:

- Nghiên cứu sửa đổi nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử

Theo quy định hiện hành, tất cả các vụ án hình sự ở cấp huyện đều được xem xét, phán quyết bởi một tập thể Hội đồng xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia. Mặc dù đây là nguyên tắc hiến định và không thể phủ nhận ý nghĩa, vai trò của xét xử tập thể cũng như vai trò của Hội thẩm nhân dân, nhưng nếu mọi vụ án hình sự đều bắt buộc phải có một tập thể có Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử thì gây ra sự lãng phí và thời gian xét xử thường kéo dài, nhất là đối với những vụ án đơn giản, tình tiết rõ ràng.

Nên chăng, chúng ta có thể sửa đổi theo nguyên tắc xét xử tập thể và nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử theo hướng mềm dẻo hơn, tức là vẫn mở ra khả năng một Thẩm phán xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự và Thẩm phán này hoàn toàn chủ động, độc lập trong việc giải quyết vụ án đó. Vì trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định thủ tục rút gọn. Nghị quyết 49

– NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã đề ra nhiệm vụ “xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án đủ một số điều kiện nhất định”.

- Quy định cụ thể tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử theo tinh thần Nghị quyết số 49 –NQ/TW của Bộ Chính trị

Hiện tại, hệ thống TAND nước ta được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Mô hình này có ưu điểm là tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, thuận lợi cho người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, tổ chức Tòa án theo mô hình trên có sự bất cập là trong khi nhiều Tòa cấp quận, huyện nội thành hàng năm phải giải quyết một số lượng các vụ án rất lớn, Thẩm phán bị quá tải thì Tòa án huyện ở các khu vực ngoại thành xa trung tâm Thành phố lại có rất ít vụ án phải giải quyết, làm cho nguồn lực của Ngành Tòa án bị phân tán, dàn trải, lãng phí. Một nhược điểm nữa của việc tổ chức Tòa án theo đơn vị hành chính là làm giảm tính độc lập của Thẩm phán, vì Tòa án bị ràng buộc với chính quyền địa phương, nhất là trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán.

Nghị quyết 49 - NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra định hướng quan trọng về việc tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính gồm: Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền là điều kiện rất quan trọng bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử.

Luật tổ chức TAND cần thể chế hóa quan điểm này và quy định cụ thể tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử. Trong đó, nội dung, phương thức chỉ đạo, điều hành giữa lãnh đạo Tòa án với Thẩm phán, giữa Tòa án cấp

trên và Tòa án cấp dưới cần được quy định rõ theo hướng phân biệt rõ ràng quan hệ hành chính và quan hệ tố tụng, đảm bảo hệ thống Tòa án, quan hệ tố tụng phải được đề cao, quan hệ hành chính phải đảm bảo cho Thẩm phán thực hiện tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình. Cần xây dựng mối quan hệ giữa Tòa án cấp trên và Tòa án cấp dưới theo hướng chủ yếu là quan hệ tố tụng, tránh hiện tượng thỉnh thị án, làm cho Tòa án cấp dưới bị động, ỷ lại, giảm sút tính độc lập của Thẩm phán. Việc xác định lại thẩm quyền của từng cấp Tòa án theo hướng tiến tới mỗi cấp Tòa án chỉ có một thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hay giám đốc thẩm, tái thẩm là tiền đề quan trọng bảo đảm cho qua hệ giữa các cấp Tòa án sẽ chủ yếu là quan hệ tố tụng.

Một phần của tài liệu Vai trò của Thẩm phán tòa án nhân dân cấp quận, huyện trong xét xử các vụ án hình sự (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009- 2013) (Trang 81 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)