Một số nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử các vụ án hình sự và sự tác động của chúng tới vai trò của Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp quận, huyện trong xét xử vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Vai trò của Thẩm phán tòa án nhân dân cấp quận, huyện trong xét xử các vụ án hình sự (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009- 2013) (Trang 30 - 35)

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VAI TRÒ CỦA THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP QUẬN, HUYỆN TRONG XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

1.3. Một số nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử các vụ án hình sự và sự tác động của chúng tới vai trò của Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp quận, huyện trong xét xử vụ án hình sự

1.3.1. Nguyên tắc suy đoán vô tội

Suy đoán vô tội là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng của một nền tư pháp hình sự dân chủ. Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện tại Hiến pháp 2013: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” [32, Điều 31, Khoản 1, tr.20] và tại BLTTHS: “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” [30, Điều 9, tr.12].

Theo đó, nội dung cơ bản và quan trọng nhất của nguyên tắc suy đoán vô tội là một giả định thể hiện ở yêu cầu bị can, bị cáo phải được coi là không có tội khi mà lỗi của bị can, bị cáo đó chưa được chứng minh theo một trình tự do pháp luật quy định và được xác định bởi một bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, nguyên tắc này cũng yêu cầu mọi nghi ngờ phải được giải thích theo hướng có lợi cho bị cạn, bị cáo; nếu có sự nghi ngờ mà không thể bổ sung gì hơn về chứng cứ thì phải tuyên bị cáo là vô tội.

Một người có hành vi phạm tội nhưng người này không đương nhiên bị coi là có tội. Ví dụ trường hợp người phạm tội không bị kết án bằng bản án kết tội của Tòa án nếu thời điểm phát hiện ra tội phạm đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Hay trong việc miễn trách nhiệm hình sự, khi quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với một người cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền đã phải chứng minh được người được miễn trách nhiệm hình sự là người phạm tội.

Như vậy, một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà người trực tiếp quyết định bản án kết tội này chính là Thẩm phán. Từ nguyên tắc này, ta có thể thấy rõ vai trò của Thẩm phán trong tố tụng hình sự nói chung và trong xét xử vụ án hình sự nói riêng.

Thẩm phán là người đại diện cho Tòa án khi thực hiện chức năng xét xử và chỉ có Tòa án, chứ không phải là một cơ quan nào khác, mới có thẩm quyền để thực hiện chức năng xét xử, chỉ có Tòa án mới được nhân danh Nhà nước để phán quyết những vấn đề liên quan khi thực hiện chức năng xét xử.

1.3.2. Nguyên tắc độc lập xét xử

Đây là một nguyên tắc Hiến định được quy định tại Hiến pháp 2013

“Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm"

[32, Điều 103, Khoản 2, tr.55]; Điều 16 BLTTHS năm 2003 quy định “Khi xét xử, Thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật [30, tr.14]

Nội dung nguyên tắc này được hiểu là: Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật, căn cứ vào các chứng cứ hợp pháp để xét xử và tuyên bản án trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa một cách dân chủ, công khai, khách quan. Không một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có quyền can thiệp, chỉ đạo, định hướng Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử.

Như vậy, trong xét xử một vụ án hình sự, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền quyết định bị cáo là có tội hay không có tội thông qua hoạt động xét xử. Khi xét xử vụ án hình sự ở cấp quận, huyện, HĐXX căn cứ vào các tình tiết của vụ án, các chứng cứ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa và căn cứ vào quy định của pháp luật để xác định tội phạm cũng như hình phạt với người phạm tội. Thẩm phán và Hội thẩm không được để cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì chi phối mà xử lý vụ án không đúng pháp luật. Quá trình nghiên cứu hồ sơ và tại phiên tòa, HĐXX phải xem xét, thẩm tra, đánh giá chứng cứ

và các tình tiết khác của vụ án một cách thận trọng, tỉ mỉ, khoa học, toàn diện, kể cả chứng cứ có trong hồ sơ và chứng cứ tại phiên tòa. Bản án của Tòa án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không bị ràng buộc, không bị chi phối bởi bất ký ý kiến của ai. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp hoặc tác động vào các thành viên của HĐXX để ép họ phải xét xử vụ án theo ý chủ quan của mình. Moi hành động can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào đều bị coi là bấy hợp pháp. HĐXX không bị tác động chi phối của bất kỳ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Chỉ có các thành viên HĐXX cùng với kết quả điều tra tại phiên tòa mới có quyền quyết định những vấn đề liên quan của vụ án. Từng thành viên HĐXX xét bằng khả năng và niềm tin nội tâm của bản thân cảm nhận về vụ án và căn cứ theo quy định của pháp luật để đưa ra ý kiến của mình về vụ án. Kết quả xem xét của HĐXX được lấy theo ý kiến đa số của thành viên. Như vậy, tại phòng nghị án từng thành viên của HĐXX có quyền độc lập suy nghĩ, đánh giá sự việc trên cơ sở pháp luật, không phụ thuộc vào bất cứ một định kiến nào, không phụ thuộc vào ý kiến của các thành viên khác. Từ quyết định độc lập của từng thành viên để đi đến quyết định của tập thể HĐXX.

Nguyên tắc độc lập khi xét xử còn thể hiện trong quan hệ giữa các cấp xét xử. Hiện nay, Tòa án cấp trên chỉ đạo Tòa án cấp dưới cả về tổ chức, tài chính và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc độc lập khi xét xử, cần tách bạch rõ từng mối quan hệ trên. Sự hướng dẫn công tác xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới là hết sức cần thiết, bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất pháp luật. Tuy nhiên, Tòa án cấp trên không quyết định trước là Tòa án cấp dưới phải xét xử một vụ án như thế nào mà Tòa án cấp trên chỉ hướng dẫn Tòa án cấp dưới về áp dụng thống nhất pháp luật, đường lối xét xử. Trong hoạt động xét xử vụ án hình sự, Tòa án cấp

dưới mà ở đây là Tòa án cấp huyện độc lập với Tòa án cấp trên là Tòa án cấp tỉnh; Tòa án cấp tỉnh chỉ có hướng dẫn về đường lối xét xử nói chung. Thẩm phán Tòa án cấp huyện cũng độc lập với Thẩm phán và Tòa án cấp tỉnh. Mặt khác, khi Tòa án cấp tỉnh xét xử theo thủ tục phúc thẩm bản án của Tòa án cấp huyện để xét xử lại, thì khi xét xử lại, Tòa án cấp huyện vẫn độc lập trong phán quyết của mình.

Như vậy, có thể thấy, vai trò của Thẩm phán trong xét xử vụ án hình sự là rất quan trọng, đòi hỏi người Thẩm phán không chỉ có chuyên môn nghiệp vụ mà còn đòi hỏi họ có một bản lĩnh vững vàng để có thể thực hiện và đảm bảo nguyên tắc độc lập khi xét xử.

Độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm bao gồm cả sự độc lập với nhau giữa các thành viên của HĐXX trong việc xem xét kiểm tra, đánh giá chứng cứ và quyết định những vấn đề liên quan. Các thành viên HĐXX độc lập trong việc xem xét, đánh giá các tình tiết và chứng cứ có liên quan đến vụ án tại phiên Tòa cũng như khi nghị án, từng thành viên được độc lập đưa ra quan điểm của mình, phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ và đưa ra quyết định của mình mà không phụ thuộc vào các thành viên khác. Thẩm phán không có quyền áp đặt ý kiến của mình với Hội thẩm và ngược lại Hội thẩm cũng không được áp đặt ý kiến với Thẩm phán. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải dựa vào các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án chứ không được áp đặt ý chí chủ quan của mình. Khi nghị án, Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước, Thẩm phán là người biểu quyết sau cùng.

Có thể thấy, thông qua nguyên tắc độc lập khi xét xử, quyền độc lập của Tòa án được ghi nhận và thực hiện, mà trong đó Thẩm phán là người được trực tiếp độc lập khi thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn. Đặc biệt là trong xét xử vụ án hình sự tại cấp quận, huyện, Thẩm phán đóng vai trò là chủ tọa phiên tòa phiên tòa, vai trò quan trọng của Thẩm phán cấp quận, huyện càng được khẳng định rõ nét hơn thông qua nguyên tắc này.

1.3.3. Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số Xét xử tập thể là đòi hỏi của nền tư pháp dân chủ và thực tiễn xã hội tiến bộ. HĐXX biểu quyết theo đa số. Quyết định được đưa ra là căn cứ trên kết quả thảo luận của tập thể HĐXX, chứ không phải là ý kiến của một cá nhân nào. Các thành viên HĐXX xem xét đánh giá về từng vấn đề, rồi biểu quyết lấy ý kiến đa số về quyết định hình phạt, về trách nhiệm dân sự….

Tuy việc xét xử là tập thể, nhưng vai trò của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là quan trọng nhất. Thẩm phán giữ vai trò chủ động trong việc xét xử. Tính chủ động của Thẩm phán thể hiện trong việc điều khiển phiên tòa và trong việc nghị án. Thẩm phán có thể phân tích, giải thích pháp luật, phân tích, đánh giá về chứng cứ để cho các Hội thẩm tham khảo rồi biểu quyết theo đa số.

Nguyên tắc này thể hiện tính dân chủ, công bằng trong xét xử. Mặc dù Thẩm phán có vị trí và vai trò quan trọng, nhưng mọi quyết định của Thẩm phán cần phải được kiểm tra, chế ước bởi nguyên tắc xét xử tập thể. Khi thực hiện chức năng xét xử, Thẩm phán không phải được trao quyền lực tuyệt đối, mà mọi vấn đề đều được xem xét và quyết định bởi tập thể HĐXX. Tuy nguyên tắc này có chế ước quyền của Thẩm phán, nhưng không vì thế mà hạ thấp vai trò của Thẩm phán mà còn nâng cao vị thế của Thẩm phán, bởi lẽ thông quan nguyên tắc xét xử tập thể thì những phán quyết sẽ được đảm bảo tính đúng đắn cao hơn, và thông qua đó tạo được niềm tin lớn hơn ở xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Thẩm phán.

Chương 2

NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ VAI TRÒ CỦA THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CẤP, HUYỆN

TRONG XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG

Một phần của tài liệu Vai trò của Thẩm phán tòa án nhân dân cấp quận, huyện trong xét xử các vụ án hình sự (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009- 2013) (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)