Chương 1: TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN ĐẾN VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Những vấn đề chung về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
1.1.2. Nội dung chủ yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
1.1.2.1. Trang bị kỹ thuật hiện đại cho sản xuất nông nghiệp và ngành nghề ở nông thôn
Để trang bị kỹ thuật cho nông nghiệp và ngành nghề ở nông thôn, CNH, HĐH có nội dung cơ bản là phải thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa và tin học hóa.
Cơ khí hóa:
Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng các công cụ cơ giới ngày càng hiện đại cũng là điều kiện trực tiếp để tăng năng suất lao động, và do đó tăng thặng dư nông nghiệp. Việc sử dụng công cụ cơ giới cho nông nghiệp trong tất cả các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, vận chuyển và chế biến không phải chỉ với mục tiêu tăng năng suất lao động, mà còn làm tăng năng suất cây trồng. Bởi vì một khi năng suất lao động tăng lên, tính chất thời vụ sẽ được đảm bảo và do đó cây sinh trưởng tốt hơn, khắc phục được những thảm họa do khí hậu và thời tiết gây ra. Việc cơ khí hóa trong tất cả các khâu của sản xuất nông nghiệp đều mang lai hiệu quả thiết thực. Ví dụ như trong khâu làm đất nếu cày bừa bằng máy sẽ đảm bảo được độ sâu và độ mịn cần thiết, cây trồng có cơ hôi hút được nhiều chất dinh dưỡng hơn, tạo ra sản lượng cao hơn. Hay trong các khâu thu hoạch, vận chuyển và chế biến nếu được cơ giới hóa thì cũng không chỉ làm tăng năng suất, đảm bảo tính thời vụ mà còn tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời hạn chế được hư hao thất thoát.
Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp còn có tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn thông qua việc giải phóng
một bộ phận lao động nông thôn ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp để chuyển sang các hoạt động ngoài nông nghiệp. Hơn nữa khi năng suất lao động tăng lên, đất trồng sớm được giải phóng, do đó lại có thể tăng thêm mùa vụ, tăng sản lượng và giá trị thu nhập. Với những tác động đó thì cơ khí hóa là một nội dung quan trọng của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Thủy lợi hóa:
Nước là một trong bốn điều kiện và là điều kiện cơ bản nhất của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với nền nông nghiệp lúa nước như Việt Nam. Năng suất cây trồng, vật nuôi cao hay thấp phụ thuộc rất lớn vào việc có cung cấp đầy đủ nước cho nó một cách thật sự khoa học hay không, bởi dù công cụ lao động có hiện đại đến mấy, dù phân bón có tốt đến mấy mà tưới tiêu không chủ động được thì năng suất cây trồng vẫn bị hạn chế. Một ví dụ điển hình là ở miền Trung Việt Nam do thường xuyên bị nắng hạn nên năng suất cây trồng rất thấp, thậm chí nhiều năm còn bị mất mùa lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do không chủ động được nguồn nước tưới tiêu hợp lý.
Như vậy, muốn đạt hiệu quả sản xuất nông nghiệp cao cần phải phát triển mạnh hệ thống thủy lợi, thủy nông để đảm bảo việc tưới tiêu chủ động, khoa học. Nội dung CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn về mặt này có nhiệm vụ quan trọng và cấp bách là phải tăng cường hệ thống trạm bơm, tu bổ hệ thống kênh mương, hồ đập, hệ thống đập ngăn mặn để giải quyết về cơ bản yêu cầu nước tưới và tiêu úng, thoát lũ cho các vùng nông nghiệp. Đối với vùng sản xuất tập trung chuyên canh trên một diện tích rộng như trong các trang trại cà phê, hồ tiêu, cam, chè…thì cần phải trang bị công nghệ hiện đại như hệ thống các dàn phun mới đảm bảo được hệ thống tưới nước một cách khoa học, mang lại hiệu quả cao hơn.
Điện khí hóa:
Đây là điều kiện để các công cụ cơ giới phát huy tác dụng. Ở Việt Nam, vai trò của điện khí hóa nông thôn mặc dù đã được đặt ra khá lâu, nhưng thực tế mới chỉ được ứng dụng một cách rộng rãi vào cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi mạng lưới điện quốc gia đã về tới các vùng nông thôn
Thực hiện nội dung điện khí hóa nông thôn trong những năm trước mắt là đẩy mạnh xây dựng các trạm điện với công suất khác nhau không chỉ đến các huyện mà còn phải đến các xã, thôn. Đối với nông thôn vùng sâu, vùng xa do có khó khăn về vốn và đường điện thì cần chú trọng phát triển các loại máy phát điện cỡ nhỏ, động cơ điện dùng trong nông nghiệp và nông thôn.
Đây là một quá trình khó khăn, lâu dài nên phải thực hiện dần dần từng bước.
Sinh học hóa:
Sự phát triển của công nghệ sinh học có vai trò ngày càng lớn đối với kinh tế nông nghiệp. Nó không chỉ có tác động đến việc cải tạo giống cây, giống con hay tạo ra những giống mới có năng suất, chất lượng cao mà còn có tác động to lớn đến khâu chế biến, bảo quản giá trị của sản phẩm. Vì vậy, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay có nội dung là: áp dụng nhanh các thành tựu của cách mạng sinh học để tạo và nhân nhanh giống cây trồng, vật nuôi đặc biệt là áp dụng thành tựu về giống có ưu thế lai như kỹ thuật cấy truyền hợp tử, kỹ thuật gen hocmon sinh trưởng; áp dụng công nghệ sản xuất các loại phân vi sinh cố định Nito để thay thế dần phân đạm hóa học; sản xuất các chế phẩm vi sinh để bảo vệ cây trồng thay thế dần các loại hóa chất độc hại cho cả người và gia súc,…
Tin học hóa:
Trong thời đại hiện nay khi công nghệ thông tin và mạng internet phát triển như vũ bão thì việc đưa người nông dân tiếp cận với những phương tiện này là một việc làm hết sức cần thiết. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp
từ lâu đời, muốn hiện đại hóa thành công nông nghiệp, nông thôn thì không chỉ hiện đại về mặt kết cấu hạ tầng, đưa máy móc kỹ thuật hiện đại vào trong sản xuất mà phải đưa người nông dân tiếp cận với những tri thức mới, những phương pháp sản xuất tiên tiến hiện đại thông qua việc truy cập thông tin từ mạng internet- mạng thông tin toàn cầu. Đây sẽ là một nguồn thông tin, một công cụ hữu hiệu để giúp cho nông dân Việt Nam không chỉ tìm ra cách thức để tạo ra năng suất lao động cao hơn trong sản xuất nông nghiệp, mà còn giúp họ tìm được thông tin tiêu thụ nông sản hàng hóa một cách bền vững.
1.1.2.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại
Biến đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại là một quá trình căn bản của sự phát triển. Một xu hướng biến đổi được coi là hợp lý, hiện đại khi tỷ trọng giá trị của các ngành phi nông nghiệp, nhất là dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc dân ngày càng tăng còn tỷ trọng giá trị của nông, lâm nghiệp, thủy sản ngày càng giảm; và trong nội bộ ngành nông nghiệp thì tỷ trọng giá trị lâm nghiệp và thủy sản ngày càng tăng còn gía trị nông nghiệp thuần túy ngày càng giảm.
Để tạo sự thay đổi tích cực trong cơ cấu kinh tế theo hướng đó, tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay phải thực hiện nội dung sau:
Thứ nhất, chuyển nền nông nghiệp độc canh sang nền nông nghiệp đa canh đi đôi với hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn
Tình trạng độc canh, thuần nông là đặc trưng của nền sản xuất nhỏ, tự cấp tự túc. Hậu quả của nó là không tạo được một sức bật cho sự phát triển nông thôn. Trước đây, trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, cơ cấu nông nghiệp ở nước ta được bố trí theo ý đồ chủ quan, đưa ra những mô hình cây trồng, vật nuôi thoát ly thực tế các mối quan hệ kinh tế, kỹ thuật, môi trường
và thể chế…..do đó ít mang lại hiệu quả. Quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi phải phá bỏ cơ cấu lạc hậu đó, hướng vào nền nông nghiệp phát triển đa dạng về cây và con phù hợp với mọi điều kiện của nước ta.
Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi nông nghiệp phải thực hiện ba nhiệm vụ lớn và trực tiếp là: bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo tối đa nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tăng giá trị cho nông sản đặc biệt là nông sản xuất khẩu. Để thực hiện các nhiệm vụ này thì việc xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý cho nông nghiệp, nông thôn là một nhu cầu cấp bách, sẽ cho phép chọn được những công nghệ thích hợp để phù hợp với thế mạnh vốn có của nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội
Thứ hai, chuyển nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn từ trạng thái tự cấp, tự túc sang nền nông nghiệp hàng hóa, hướng mạnh vào xuất khẩu, mở rộng phân công và hợp tác quốc tế
Đây là xu thế tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển chung của các nước đang phát triển, mà Việt Nam cũng không nằm ngoài những vấn đề mang tính quy luật đó. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa là phải giảm dần tỷ trọng diện tích và tỷ trọng giá trị những cây, con cho năng suất và giá trị hàng hóa thấp, tăng dần tỷ trọng diện tích và tỷ trọng giá trị các loại cây và con có giá trị thương phẩm cao, có thị trường tiêu thụ lớn. Trước mắt, phải giảm tỷ trọng giá trị trồng trọt, tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi; trong trồng trọt thì giảm tỷ trọng giá trị cây lương thực, tăng tỷ trọng giá trị cây thực phẩm, cây ăn quả, cây lâm nghiệp và cây công nghiệp, đặc biệt phải mở rộng diện tích các loại cây đặc sản cho giá trị xuất khẩu cao như: bưởi Năm Roi, bưởi Phúc Trạch, thanh long Bình Thuận, nhãn lồng Hưng Yên,…giảm tỷ trọng giá trị sản phẩm thô, tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm chế biến…trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Kinh nghiệm ở nhiều nước có cùng điều kiện như Việt Nam đã cho thấy, phải phát triển nông nghiệp toàn diện và hiện đại để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, chủng loại phong phú nhằm cải thiện đời sống dân cư nông thôn, đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn lên tầm cao mới. Tuy nhiên, nền nông nghiệp hàng hóa chỉ có thể phát triển được khi có sự tác động mạnh mẽ của công nghiệp. Bản thân nông nghiệp không thể tự đi lên nếu không có sự tác động trực tiếp của một nền công nghiệp phát triển. Chỉ có tác động của công nghiệp mới tạo được các ngành nghề mới trong nông thôn, vì vậy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một tất yếu trong việc xác lập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở nước ta hiện nay.
Thứ ba, chuyển dịch kinh tế nông thôn thuần nông sang phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp nông- công nghiệp- dịch vụ và chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp.
Một điều có thể dễ nhận thấy là sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên nên năng suất lao động và hiệu quả thường rất bấp bênh.Việc kết hợp phát triển nông nghiệp với công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp chế biến), tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có ý nghĩa to lớn trong việc làm tăng hiệu quả kinh tế nông thôn, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao mức thu nhập và đời sống nông dân. Vì vậy, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn phải tác động tích cực vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp, bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, dịch vụ; trong đó, giảm tỷ trọng giá trị nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị các ngành sản xuất ngoài nông nghiệp. Xu hướng này sẽ làm cho nông thôn thuần nông trở thành một nông thôn với kết cấu đa dạng, phong phú và năng động
Việt Nam là nước có lợi thế về tính đa dạng của các mặt hàng và chủng loại nông, lâm, hải sản xuất khẩu, nhưng đang gặp phải một khó khăn lớn là
công nghiệp chế biến phát triển chưa đủ sức để tạo những sản phẩm chế biến sâu và tinh, gây bất lợi lớn trong cạnh tranh. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp bách cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là phải phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện sinh thái, tiềm năng đất đai và lao động, thích ứng với thế mạnh từng vùng. Ngoài ra, cùng với phát triển công nghiệp chế biến thì việc phát triển các làng nghề truyền thống- với vai trò là cầu nối giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa nông thôn và thành thị, giữa truyền thống và hiện đại, cũng là vấn đề hết sức quan trọng.
1.1.2.3. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn
Nói đến kết cấu hạ tầng kinh tế xã- hội nông thôn là nói đến những điều kiện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn, bao gồm: hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật như điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc, phương tiện đi lại,…và hệ thống hạ tầng KT- XH như phòng khám đa khoa, bệnh viện, các loại hình trường học, các loại hình dịch vụ văn hóa,…
Do nông thôn là những vùng rộng lớn trải khắp đất nước, với trình độ phát triển KT- XH khác nhau nên cần phải xác định phương án và các bước tiến hành xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phù hợp với từng vùng nông thôn, trong từng thời kỳ cụ thể. Cần phải nhận thấy một điều rằng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và phát triển công nghiệp nông thôn không thể thiếu các công trình thủy lợi, đường sá, hệ thống điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc, chợ và các trung tâm buôn bán,…Việc xây dựng hệ thống này có vai trò hết sức to lớn và trở thành một nội dung quyết định của sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nói riêng và CNH, HĐH đất nước nói chung.
Khi hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH ở nông thôn được quan tâm phát triển sẽ tạo sự thay đổi về chất của bộ mặt nông thôn, đặt nền tảng cho tiến
trình phát triển lâu dài, hiện đại. Đó là điều kiện, động lực cho việc nâng cao năng suất lao động xã hội, chuyển giao công nghệ nói riêng và thực hiện cách mạng khoa học công nghệ nói chung. Đối với các vùng nông thôn chậm phát triển thì xây dựng kết cấu hạ tầng còn là cách thức để xóa bỏ sự cách biệt về địa lý, xã hội, hình thành cơ sở cho việc tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa, phá bỏ sự khép kín của nông thôn truyền thống đã tồn tại từ bấy lâu nay.