Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn liền với việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Quốc Oai. Đây là một nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân đặc biệt là những người nông dân bị thu hồi nhiều đất nông nghiệp, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định đời sống.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/HU ngày 28/7/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về “ lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn, giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm
2020” cho thấy đã mang lại tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay ở huyện Quốc Oai vẫn còn nhiều hạn chế: thiếu tính định hướng, chưa gắn với quy hoạch phát triển KT- XH, quy hoạch xây dựng nông thôn mới…nên hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, đào tạo nghề còn mang tính hình thức, chưa coi trọng chất lượng đào tạo; công tác điều tra, khảo sát và lập kế hoạch dạy nghề còn chưa phù hợp với yêu cầu nên nhiều lao động sau khi học xong nghề tuy có việc làm nhưng thiếu bền vững; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong quá trình quản lý đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn còn thiếu chặt chẽ, thiếu sự đồng bộ,…
Để dần khắc phục những hạn chế trên nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đào tạo nghề và tiếp tục thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 14- NQ/HU đã đề ra thì trong những tháng cuối năm 2013 và trong những năm tiếp theo Đảng bộ và chính quyền huyện Quốc Oai cần phải thực hiện theo một số giải pháp cụ thể sau:
Trước hết, cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể và các
ban ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Chỉ thị số 19- CT/TW ngày 5/11/2012 của Ban bí thư Trung ương Đảng “ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, Quyết định số 1956/ QĐ- TTg của Thủ tướng chính phủ về “ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Nghị quyết số 14 – NQ/HU ngày 28/7/2011 của Huyện ủy Quốc Oai, các chương trình hành động của Ban thường vụ huyện ủy đến cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân bằng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với các điều kiện cụ thể:
thông qua các văn bản chỉ đạo, các hội nghị, hội thảo chuyên đề, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ của Mặt trận, đoàn thể, các buổi hội thảo của các ngành, các cấp,…đặc biệt, đài phát thanh Huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn, vai trò, vị trí của đào tạo nghề với phát triển KT- XH, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phổ biến các mô hình dạy nghề có hiệu quả để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy, quản lý của chính
quyền đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy đảng, có sự phân công cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nghề theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác đào tạo nghề; tổ chức lồng ghép dạy nghề cho người lao động với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án phát triển KT- XH khác có liên quan.
Thứ ba, phối hợp với các nhà khoa học tiến hành điều tra tổng thể điều
kiện sinh thái của địa phương từ đó xác định căn cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho phù hợp, đảm bảo tính lâu dài và phát triển bền vững. Cùng với đó là tiến hành các cuộc điều tra cơ bản dân số- lao động theo cơ cấu lao động nghề nghiệp từ đó xác định đúng nhu cầu kinh tế và nhu cầu đào tạo nghề, bồi dưỡng tri thức khoa học cho người lao động. Căn cứ vào những nhu cầu ấy để xây dựng nội dung, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các loại hình nghề, những kiến thức cơ bản và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội cho người lao động trong những năm tới.
Thứ tư, nâng cao nhận thức cho người lao động về học nghề và đào tạo nghề. Hiện nay, có một thực tế là một bộ phận lớn người lao động chưa nhận thức rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết phải học nghề và đào tạo nghề, đặc biệt là với những lao động bị thu hồi đất, họ đã sử dụng tiền đền bù vào mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình như: mua xe máy, tivi, hoặc là xây nhà,…việc đầu tư cho giáo dục- đào tạo nghề là rất ít. Vì vậy, cũng giống như những địa phương khác thì huyện Quốc Oai sau nhiều năm triển khai các dự án liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp, nhiều người dân đã tái nghèo vì mất đất sản xuất mà vẫn chưa được đào tạo nghề mới. Muốn đạt được sự tăng trưởng nhanh và bền vững, phải nhanh chóng thay đổi nếp nghĩ, thói quen lao động truyền thống của người dân nông thôn. Do vậy, trong những năm tới chính quyền huyện Quốc Oai cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để người lao động nhận thức được rằng: sự thấp kém về trình độ chọ vấn, chuyên môn kỹ thuật, sự thiếu hiểu biết những tri thức khoa học kỹ thuật là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự đói nghèo và chậm phát triển. Chỉ có nâng cao dân trí, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật ứng với một ngành nghề nhất định mới là cái đảm bảo chắc chắn nhất, là con đường duy nhất để thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Thứ năm, nâng cao năng lực đào tạo và bồi dưỡng nghề của các trung
tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện, đồng thời, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và bồi dưỡng nghề cho người lao động; phát triển hệ thống dạy nghề đa cấp trình độ, chuyển từ dạy nghề trình độ thấp sang trình độ cao, đòi hỏi kỹ năng và sự đầu tư chuyên sâu, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động cho thị trường lao động, chú trọng dạy nghề theo đơn đặt hàng và dạy nghề theo nhu cầu của xã hội để gắn kết giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm.
Nâng cao trình độ dân trí, trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ tay nghề cho người lao động không chỉ là mục tiêu trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi xây dựng một hệ thống giáo dục đào tạo phát triển, phải hướng tới phát triển con người ở những khía cạnh khác nhau. Vì vậy, trong những năm tới chính quyền huyện cần tập trung mọi nguồn lực phát triển mạnh giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề cả quy mô và chất lượng, chú trọng xây dựng các đề án, chu trình đào tạo nghề khép kín, đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các chủ thể để đảm bảo giải quyết việc làm sau khi được đào tạo.
Để công tác đào tạo nghề thực sự có hiệu quả và chất lượng cao cần nhanh chóng nâng cao chất lượng của đội ngũ thầy dạy nghề, của các cán bộ làm công tác khuyến nông, các cán bộ kỹ thuật đồng thời có chính sách thu hút nhân tài, mời gọi tri thức, các nhà khoa học đồng thời thu hút rộng rãi các nghệ nhân ở các làng nghề tích cực tham gia đào tạo lao động tại chỗ. Bên cạnh đó, chính quyền huyện còn phải chỉ đạo hơn nữa việc phối kết hợp chặt chẽ giữa các trung tâm giáo dục, đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất ở từng địa phương; tăng cường việc xã hội hóa dạy nghề với bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật mới cho người lao động dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như đào tạo tập trung, không tập trung, dài hạn, ngắn hạn,…
Thứ sáu, tăng cường đầu tư ngân sách cho giáo dục- đào tạo nghề nói
chung và đào tạo nghề cho nông dân nói riêng. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất thiêt phải có sự đầu tư thỏa đáng từ những nguồn khác nhau cho phát triển giáo dục- đào tạo. Hiện nay, Nhà nước có cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho các hộ bị thu hồi đất. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này là quá thấp, không đủ để học nghề dù là nghề đơn giản. Do vậy, Nhà nước cũng như các cơ quan hữu quan cần nâng mức trợ cấp học nghề và không nhất thiết phải chi trả trực tiếp cho từng hộ mà chỉ trả bằng cách chuyển trả các cơ sở đào tạo
nghề. Mỗi lao động bị thu hồi đất được cấp một phiếu hỗ trợ học nghề. Nghề học nào thì sẽ có mức phí tương ứng, nếu các học viên đi học thì được cấp phiếu có các thông tin cá nhân, phiếu đó không có giá trị chuyển nhượng hay cho, biếu. Như vậy, sẽ tránh được hiện tượng không đi học nhưng vẫn lĩnh trợ cấp học nghề.
Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, huy động nguồn lực trong dân, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội cùng chia sẻ vốn tài chính và vốn nhân lực đầu tư cho phát triển, giáo dục- đào tạo nghề cho người lao động.
Trên thực tế thị trường hiện nay cũng xuất hiện nhu cầu tìm người giúp việc gia đình như trông và dạy trẻ, chăm sóc người già nhưng những người giúp việc này lại không có trình độ chuyên môn về việc đó. Vì thế, nên có loại hình đào tạo, bồi dưỡng người giúp việc gia đình. Lớp học này sẽ dạy cho các học viên về cách sử dụng các trang thiết bị trong gia đình, cách chăm sóc người già, trẻ nhỏ,…theo sơ bộ ước tính, trong khu vực nội thành thành phố Hà Nội, bình quân có khoảng 85% số hộ có nhu cầu tìm người giúp việc. Đây là thị trường thu hút nhiều lao động có nhu cầu tìm việc làm, đặc biệt là lao động nữ, lao động trung tuổi.