Chương 1. KHÁI QUÁT VỀ HUYỆN TUY AN, TỈNH PHÚ YÊN VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở HUYỆN
1.2. Khái quát về huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
1.2.2. Điều kiện tự nhiên
* Vị trí địa lý
Tuy An là một huyện ven biển Nam Trung Bộ, nằm ở phía Bắc tỉnh Phú Yên. Lãnh thổ huyện có điểm cực Bắc thuộc xã An Dân, điểm cực Nam ở xã An Thọ, điểm cực Đông ở xã An Hải và điểm cực Tây thuộc xã An Xuân.
Tuy An có toạ độ địa lý như sau: Từ 13°08’02’’ đến 13°22’30’’ vĩ độ Bắc; Từ 109°05’10’’ đến 109°2l’24’’ kinh độ Đông. Huyện Tuy An có đường ranh giới tiếp giáp với: Phía Bắc giáp thị xã Sông Cầu và huyện Đồng Xuân; Phía Nam giáp thành phố Tuy Hòa và huyện Phú Hòa; Phía Đông giáp Biển Đông;
Phía Tây giáp huyện Sơn Hòa và huyện Đồng Xuân. Diện tích tự nhiên toàn huyện là 407,591km2, chiếm 8,1% diện tích toàn tỉnh [52, tr.23].
Từ khi thành lập huyện, qua nhiều lần thay đổi địa giới, địa danh huyện và các làng xã, hiện nay huyện có 16 đơn vị hành chính gồm thị trấn Chí Thạnh và 15 xã: An Chấn, An Mỹ, An Hòa Hải, An Thọ, An Hiệp, An Dân, An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Định, An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh, An Cư. Tổng cộng toàn huyện có 5 khu phố và 85 thôn.
* Địa hình - đất đai
Huyện Tuy An nằm rìa phía Đông của dãy Trường Sơn Nam, có địa hình khá phức tạp, với nhiều địa hình đa dạng khác nhau, núi, đồi và đồng bằng. Các kiểu địa hình khác nhau của huyện cũng góp phần hình thành nên
những khu vực trồng trọt và đa dạng các hoạt động kinh tế nông nghiệp trong địa bàn huyện.
Thứ nhất, kiểu địa hình núi thấp, có độ cao tuyệt đối trên 300m và độ cao tương đối trên 100m, với diện tích khoảng 4.905,42ha, chiếm 12% diện tích tự nhiên. Khu vực núi thấp chủ yếu phát triển trên núi đá bazan. Kiểu địa hình núi thấp phân bố ở phía Tây và Tây Nam của huyện, chủ yếu thuộc về địa phận các xã An Xuân, An Lĩnh, An Thọ, có đỉnh cao gần 500m như đỉnh ông La, đỉnh Hòn Chuông. Địa hình này, thuận lợi cho các hoạt động sản xuất trồng trọt các loại cây cây công nghiệp ngắn ngày, có khả năng chịu hạn tương đối như mía, bơ, chuối, mít và hoạt động chăn nuôi bò theo hình thức gia trại và thả rong. Đặc biệt là phát triển trồng rừng sản xuất như keo tràm, bạch đàn và cây lấy gỗ thích nghi trên đồi núi dốc.
Thứ hai, kiểu địa hình chuyển tiếp giữa núi và đồng bằng, có diện tích rất lớn, chiếm 59% diện tích tự nhiên. Trong khu vực đồi này phân làm 2 kiểu:
Kiểu địa hình đồi cao, có độ cao tuyệt đối 100m-300m, với diện tích 11243,65 ha, chiếm 27% diện tích tự nhiên, phân bố các xã An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh, An Thọ và An Hiệp. Kiểu địa hình này có phần lớn diện tích là trảng cỏ cây bụi thứ sinh, đất chưa sử dụng còn nhiều. Địa hình này thuận lợi cho các việc trồng trọt các loại cây rau màu và đậu các loại như đậu xanh, đậu đỏ.
Ngoài ra, các loại cây bắp, chuối và các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, chịu hạn cũng thích nghi và trồng tập trung ở khu vực này.
Thứ ba, kiểu địa hình núi thấp và đồng bằng, có độ cao tuyệt đối 10m- 100m, với diện tích 12117,84 ha chiếm 29% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã An Nghiệp, An Định, An Dân, An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư. Địa hình đồng bằng phân làm 3 kiểu: đồng bằng phù sa nội đồng, đồng bằng đồi sót, đồng bằng cát ven biển. Dạng địa hình này thích hợp cho việc canh tác lúa, hoa mùa, cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi trồng thủy sản.
Khu vực này là khu vực tập trung trồng trọt lúa nước. Các cánh đồng lớn như
An Định, An Nghiệp, An Ninh Tây, An Dân, An Thạch, An Ninh Đông và An Cư cho năng suất và sản lượng cao. Các vùng ven đầm, ven sông chủ yếu tập trung tại khu vực phía Nam của Huyện gồm các xã: An Hiệp, An Cư, An Hòa Hải, An Ninh Đông, An Chấn, An Mỹ thuận lợi cho việc đánh bắt gần bờ và nuôi trồng thủy hải sản.
* Tình hình giao thông, thủy lợi, khí hậu thủy văn.
Tình hình giao thông: Hệ thống giao thông có tuyến Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, có đường tỉnh lộ nối với các huyện, các tuyến đường liên xã cũng được đầu tư phát triển mạnh thuận lợi cho việc giao thương và tiếp xúc với bên ngoài. Bên cạnh đó ở một số xã ở miền núi do địa hình núi non hiểm trở nên đường giao thông đi lại cũng gặp không ít khó khăn.
Tình hình thủy lợi: Tuy An có hệ thống sông ngòi khá phát triển thuận lợi cho việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mùa nắng kéo dài, việc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hầu như năm nào cũng bị hạn hán, ảnh hưởng đến năng suất hiệu quả kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước. Do vậy để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng hàng năm cần mở rộng, mở mới các kênh mương để đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất.
Tình hình khí hậu thủy văn:Huyện Tuy An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm, có 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, lượng mưa trung bình 290mm, tháng 10 và 11 là những tháng có mưa lớn nên lũ lụt thường xuyên xảy ra. Mùa nắng từ tháng 01 đến tháng 8, mùa này nhiệt độ lên cao thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước cạn kiệt nên thường xuyên xảy ra hạn hán cục bộ, lượng mưa trung bình 57 mm.
Ảnh hưởng đến công cuộc xóa đói giảm nghèo gặp rất nhiều khó khăn.
Gió: Mùa khô có gió Tây Nam thịnh hành vào các tháng 5-7, gió này khô nóng. Mùa mưa có gió Đông Bắc hoặc động, mùa này thường xảy ra gió lớn và bão.
Nhiệt độ bình quân cả năm:26,50C.
Thủy văn: Là huyện có con sông Cái xuất phát từ Bình Định chảy vào Phú Yên tời Tuy An gọi là sông Ngân Sơn, địa giới ở làng Mỹ Long - xã An Dân là bờ Bắc, làng Định Trung - xã An Định là bờ Nam, đây là nguồn bồi đắp phù sa hàng năm cho các cánh đồng phía Bắc của huyện Tuy An.
Tài nguyên nước của huyện gồm có các nguồn như nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Dòng chảy của nước luôn thay đổi theo thời gian và không gian nhưng thường tuân thủ theo chu kỳ rõ rệt từng năm theo mùa lũ và mùa cạn. Lượng dòng chảy mùa lũ thường chiếm 70-75% lượng dòng chảy năm, thường xuất hiện trong 4 tháng mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12). Sự xác định sự phân phối dòng chảy trong năm có ý nghĩa quan trọng về chế độ thủy văn nhằm quản lý tình hình tài nguyên nước, quy hoạch, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước. Vì vậy, hệ thống tưới tiêu cây trồng cơ bản đảm bảo.
Tuy nhiên, về mùa mưa nguồn nước các sông, suối đổ về gây nên lũ lụt lớn, sạt lở bào mòn đất làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân địa phương.