Chương 1. KHÁI QUÁT VỀ HUYỆN TUY AN, TỈNH PHÚ YÊN VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở HUYỆN
1.3. Công tác xóa đói giảm nghèo huyện Tuy An trước năm 2000 …
Từ năm 1975, sau khi hòa bình lập lại, nhân dân Tuy An, Phú Yên tiến hành khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Tuy nhiên do hậu quả của cuộc chiến tranh, thêm vào đó là tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra nên đời sống đồng bào vùng căn cứ, vùng giải phóng, vùng dân mới về vẫn còn ăn ở tạm bợ, sản xuất khôi phục chậm. Nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, lao
động thủ công là chủ yếu nên năng suất lao động thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tình trạng nhiều hộ dân rơi vào cảnh đói nghèo. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Phú Khánh, ngày 17/12/1975, trên địa bàn huyện số dân đói có khoảng 5000 người, nặng nhất là xã An Xuân - toàn xã có 391/1.070 người đói, chiếm 37% số dân. Song song với nạn đói là tình trạng dịch bệnh, ốm đau.
Xã An Xuân có 409 người bệnh chiếm 38% dân số. Nặng nhất là xã An Thọ có 1145/1480 người bị bệnh, chiếm 75% dân số [52, tr.154].
Trong 10 năm (1975-1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và các cấp, quân dân trong toàn huyện đã ra sức khôi phục sản xuất, cải tạo quan hệ sản xuất - tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp; cải tạo công thương nghiệp;
phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đưa huyện từng bước đi lên. Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại: việc tổ chức lại sản xuất trong ngư nghiệp thực hiện chưa mạnh; cơ sở sản xuất quốc doanh trên địa bàn hoạt động yếu; hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp không hiệu quả, thu nhập nhân dân kém, đời sống nhân dân vất vả, nhiều khó khăn.
1.3.2. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1999
Từ năm 1986, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, nền kinh tế Tuy An có khởi sắc. Sau 10 năm đến năm 1996, thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V đề ra, Huyện uỷ, UBND huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện, thực hiện một bước mạnh mẽ về thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo kế hoạch kinh tế - xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các cơ quan ban ngành và các địa phương trong huyện phát động phong trào thi đua trong công nhân viên chức và nhân dân lao động. Cán bộ công nhân viên tham gia thực hiện công cuộc sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, bố trí lao động, giải quyết việc làm cho một số lao động dôi ra do không đủ vật tư, nguyên liệu, khai thác nguồn vật tư tại chỗ
tăng chất lượng sản phẩm. Kết quả đạt được thu nhập được nâng lên, đời sống nhân dân biến đổi tích cực hơn.
Thời kỳ từ năm 1996 đến trước năm 2000, Tuy An tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ. Sau Đại hội Đảng bộ huyện Tuy An lần thứ XIII, Đảng bộ huyện, các cấp, các ngành trong huyện ra sức thực hiện Nghị quyết của Đảng và kế hoạch nhà nước 5 năm (1996-2000). Kinh tế tiếp tục chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải phóng lực lượng sản xuất, đồng thời phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thu nhập bình quân đầu người năm 1999 đạt 2800000đ (tăng 8,4%) [21]. Tuy nhiên do xuất phát điểm thấp, Tuy An là huyện có mức phát triển trung bình của tỉnh Phú Yên, mức thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp, kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, TTCN phát triển chậm, các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ cá thể tuy có phát triển nhưng quy mô chưa được mở rộng và cân đối giữa các vùng trong huyện, người lao động chưa hoặc thiếu việc làm còn nhiều, cộng với ảnh hưởng thiên tai nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tình trạng đói nghèo vẫn là vấn đề cấp bách của địa phương. Theo thống kê năm 1996 ở Tuy An có 4365 hộ nghèo và 1125 hộ đói. Tỷ lệ đói nghèo chiếm 21,91% so với số hộ toàn huyện [54, tr.2].
Trước năm 2000, hộ đói nghèo ở huyện Tuy An chủ yếu là các hộ nông dân, chiếm trên 90% số hộ đói nghèo, với trình độ học vấn thấp, trình độ tay nghề thấp, nguồn vốn bị hạn chế, có rất ít hoặc không có đất canh tác.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là nguyên nhân thiếu kinh nghiệm sản xuất. Theo các số liệu điều tra thì người nghèo rất ít khi cho rằng thiếu kinh nghiệm sản xuất là nguyên nhân đầu tiên, quan trọng nhất dẫn đến đói nghèo. Họ cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu vốn, đổ lỗi cho hoàn cảnh là chính. Trên thực tế, đối với các hộ nghèo cơ bản là họ thiếu kinh
nghiệm sản xuất, thiếu mô hình sản xuất phù hợp, năng suất cây trồng thấp, bấp bênh do hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là nguồn nước, nên cuộc sống của người dân trở nên rất khó khăn, vất vả.
Tuy An có rất nhiều tiềm năng về công nghiệp chế biến nông sản, hải sản, lâm sản nhưng trên thực tế các ngành công nghiệp ở đây rất thô sơ, làm cho cả vùng nguyên liệu Tuy An bị giảm giá trị rất nhiều so với thực chất của nó. Cơ cấu kinh tế lạc hậu, kéo theo cơ cấu lao động cũng bất hợp lý giữa các vùng miền. Lao động thất nghiệp nhiều, chủ yếu ở nông thôn tập trung vào những gia đình không có phương tiện sản xuất. Người nghèo phải đi làm thuê, làm mướn. Những công việc này rất bấp bênh về cả thời gian lẫn thu nhập.
Đó cũng là một nguyên nhân dẫn tới đói nghèo ở Tuy An.
Trong những năm gần đây, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, huyện Tuy An cùng với cả tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo hiệu quả, phát huy tiềm năng sẵn có đồng thời huy động tối đa những nguồn lực trợ giúp từ bên ngoài, triển khai mạnh mẽ tại các địa phương nhiều mô hình giúp người dân làm kinh tế hiệu quả, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Do vậy, đến nay công tác xoá đói giảm nghèo của huyện đã thu được nhiều kết quả khả quan, được các ban, ngành và toàn xã hội đánh giá cao.
Tiểu kết chương 1
Với vị trí địa lí thuận lợi của huyện Tuy An, nơi có nhiều đầu mối giao thông quan trọng và giao lưu thương mại ở phía nam Bắc Thành phố Tuy Hòa.
Tuy An có tuyến Quốc lộ 1A đi qua huyện, có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy ngang qua. Đây là điều kiện để Tuy An kết nối đi lại các tỉnh trong cả nước. Với vị trí địa lí trên đã tạo cho huyện có một số lợi thế quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của huyện, thực hiện công cuộc XĐGN.
Tuy An có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp.
Tuy nhiên trên địa bàn huyện thiếu các khu công nghiệp, thiếu nhà máy sản
xuất công nghiệp quy mô lớn, chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp các làng nghề truyền thống địa phương như: nước mắm, dệt chiếu, làm gốm, làm gạch,… Với các ngành nghề thủ công truyền thống kết hợp với tiềm năng về du lịch được đầu tư khai thác đúng mức thì đem lại cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động địa phương, giải quyết lao động tại chỗ.
Về điều kiện xã hội còn nhiều khó khăn do trình độ dân trí chưa cao, dân sinh còn thấp, các phong tục tập quán lạc hậu còn ăn sâu trong tiềm thức của một số bà con nông dân. Đây là những rào cản lớn đối với công cuộc XĐGN ở địa phương.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, công tác XĐGN đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, toàn thể nhân dân. XĐGN trở thành phong trào được quần chúng đồng tình ủng hộ, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường.
Từ thực trạng tình hình XĐGN huyện, vấn đề XĐGN vẫn là vấn đề cấp bách của địa phương. Vì thế theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XIV, huyện Tuy An tiếp tục thực hiện chương trình XĐGN trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Công tác XĐGN được triển khai thực hiện phối hợp với các chương trình kinh tế - xã hội khác. Đồng thời thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo, phấn đấu đại bộ phận người nghèo được hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội,… Huyện chủ trương phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là hộ nghèo ở các xã miền núi, chú trọng các xã đồng bằng có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Chương 2
QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở HUYỆN TUY AN, TỈNH PHÚ YÊN TỪ NĂM 2000
ĐẾN NĂM 2020