3.2. Tác động của công tác xóa đói giảm nghèo đến sự phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa huyện Tuy An giai đoạn 2000 - 2020
3.2.1. Tác động về kinh tế
Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và và các dân tộc, nhóm dân cư. Từ năm 2000 đến năm 2020, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở huyện Tuy An đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của người dân được cải thiện. Thành tựu của công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Tuy An đã tác động tích cực đến tình hình kinh tế địa phương: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng tích cực; tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm ổn định; thu nhập bình quân đầu người tăng qua các năm. Cụ thể:
* Trên lĩnh vực nông nghiệp
Thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết số 30a/NQ- CP, huyện Tuy An đã có nhiều chính sách giúp hộ nghèo phát triển sản xuất nông nghiệp: hỗ trợ hộ nghèo tiền mua hạt giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ ưu đãi hoạt động khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Để người nghèo tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và sử dụng có hiệu quả, huyện ủy Tuy An chỉ đạo Ngân hàng chính sách huyện hướng dẫn bà con thủ tục vay vốn. Số vốn hỗ trợ hộ nghèo qua mỗi năm tăng lên. Giai đoạn năm 2016-2020, UBND huyện Tuy An đã hỗ trợ 5.100 triệu đồng cho 464 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong đó 2.609 triệu đồng cho 238 hộ mua 238 con bò giống, 19 hộ được hỗ trợ 204 triệu đồng chăn nuôi gà nòi, 22 hộ hỗ trợ 226 triệu mua tôm hùm giống, 21 hộ được hỗ trợ 226 triệu đồng mua ngư lưới cụ, 1.500 triệu đồng hỗ trợ dự án
nuôi bò lai sinh sản cho 142 hộ tại 5 xã An Hòa, An Hải, An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Hiệp [74, tr.3-4].
- Về trồng trọt, việc thâm canh, tăng vụ được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Những năm 2000 đến 2010, sau một quá trình thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây chủ yếu của huyện đều tăng lên đáng kể. Ngành trồng trọt chuyển dịch theo hướng tăng khối lượng và chất lượng sản phẩm hàng hóa, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất.
Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giảm diện tích lúa 3/vụ năm sang 2 vụ lúa và một vụ trồng cạn (cây màu hoăc cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày).
Nhân dân trong huyện đã tiến hành trồng các giống lúa ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai ở địa phương.
Diện tích trồng lúa ổn định, đảm bảo lương thực trong toàn huyện. Tổng diện tích gieo trồng tăng trong giai đoạn 2000 - 2020. Sản lượng lương thực có hạt tăng từ 31.681 tấn năm 2000 lên 39.385 tấn năm 2010 và đạt 45.186 tấn năm 2020 [27], [33], [45].
Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất các cây lương thực, huyện Tuy An chú trọng phát triển diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả như: mía, đậu các loại, điều, và các loại cây ăn quả khác nhằm phát huy thế mạnh địa phương.
- Về chăn nuôi, với nguồn vốn hỗ trợ mà nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đã xuất hiện như mô hình “chăn nuôi bò lai sinh sản”, “mô hình chăn nuôi bò thịt” tại xã An Hòa Hải, An Hiệp, An Nghiệp, An Lĩnh; mô hình
“chăn nuôi gà nòi” các xã An Mỹ, An Chấn, An Hiệp. Qua những mô hình chăn nuôi, sản xuất như này, trình độ khoa học kỹ thuật của bà con nông dân có sự chuyển biến rõ rệt.
Để phát triển chăn nuôi, những hộ nghèo được huyện quan tâm đầu tư hỗ trợ tiền để xây dựng chuồng trại, trồng cỏ lai chăn nuôi, mua thức ăn cho gia súc. Nhờ chính sách này mà ngành chăn nuôi của huyện đã từng bước
vượt qua được những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Người dân đã chuyển nhận thức từ chăn nuôi lấy sức kéo là chính sang chăn nuôi lấy thịt, đáp ứng nhu cầu thị trường.Từ giống bò cỏ địa phương với quy mô nhỏ, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và lai giống, nên số lượng và chất lượng đàn bò đã tăng lên rõ rệt, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm có mặt ở tất cả các xã, thị trấn, phần lớn theo quy mô hộ gia đình. Nhờ phát triển chăn nuôi nên nhiều hộ đã thoát nghèo hoặc vươn lên khá giả. Nhìn chung ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện có bước phát triển khá trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2020. Trong đó chăn nuôi bò dần đi vào ổn định, tăng trưởng. Tổng đàn bò của huyện năm 2000 là 26.582 con, đến năm 2015 tăng lên 41.238 con, năm 2020 do tình hình dịch bệnh lỡ mồm long móng nên giảm còn 35.897 con.
Về quy mô chăn nuôi lợn đàn của số hộ gia đình và tỉ lệ xuất chuồng bán trên thị trường ngày càng tăng lên các năm 2000, 2005, 2015. Đàn lợn tập trung nhiều các xã An Cư, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Định, An Nghiệp, An Mỹ, An Chấn. Huyện đã có 1 số mô hình nuôi heo theo hình thức trang trại, gia trại tại An Cư, An Ninh Tây, An Nghiệp.
Về chăn nuôi gia cầm phân tán trong các hộ gia đình. Trước đây, giống nuôi chủ yếu là giống tại địa phương, sau đó nuôi gia cầm đã phát triển theo mô hình trang trại vừa và nhỏ; phổ cập một số giống mới theo hướng thịt như gà ta, gà nòi, gà Tam hoàng. Tuy dịch bệnh thường xuyên xảy ra nhưng quy mô đàn gia cầm phát triển ổn định, vẫn tăng nhanh theo từng năm. Năm 2000 toàn huyện có 169.837 con, năm 2010 có 200.000 con, năm 2020 tăng lên 415.000 con.
Chăn nuôi bò, heo, gia cầm tăng nhanh nhờ nguồn vốn đầu tư tập trung như vốn vay chương trình 134, vốn xóa đói giảm nghèo, vốn vay giải quyết việc làm, vốn thực hiện Nghị quyết 30a, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuy An các khóa XV, XVI, XVII. Chăn nuôi phát triển góp phần
giải quyết sức kéo cho sản xuất, thực phẩm tiêu dùng, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hộ gia đình.
- Về kinh tế lâm nghiệp: Từ sau năm 2000 được sự quan tâm của chính quyền các cấp, kinh tế lâm nghiệp huyện đã có những biến đổi tích cực cả về quy mô và giá trị sản xuất. Về điều kiện tự nhiên, rừng nhiệt đới gió mùa. Bên cạnh kiểu rừng nhiệt đới, gió mùa còn có kiểu rừng Á đới, ôn đới, núi cao nhưng không nhiều. Nhìn chung, rừng ở huyện Tuy An có rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng phòng hộ và rừng ngập mặn, phân bố chủ yếu ở các xã An Thọ, An Xuân, An Lĩnh.
Ý thức được vai trò quan trọng của rừng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái, ngăn ngừa và phòng chống bão lũ, đồng thời đáp ứng nhu cầu về gỗ và các lâm đặc sản, huyện đã tích cực và chủ động triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương như chương trình 327, chương trình “Trồng 5 triệu ha rừng”, Dự án phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã An Thọ, An Lĩnh, An Xuân; giao đất giao rừng cho hộ nghèo.
Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện Tuy An lần thứ XV, XVI, XVII, đề ra chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp “Tiếp tục thực hiện tốt các dự án trồng, bảo vệ, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, phấn đấu trồng mới, đẩy mạnh công tác giao đất lâm nghiệp; phấn đấu hoàn thành giao diện tích đất lâm nghiệp còn lại, nâng độ che phủ của rừng đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Gắn phát triển mạnh kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình”.
Thực hiện chủ trương “giao đất, giao rừng” của Đảng và Nhà nước cho người dân trong việc bảo vệ, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế theo Nghị định 163/CP của Chính phủ. Thông qua các chương trình dự án ADB, PAM, 327/CT, 661, đa dạng hóa nông nghiệp... bình quân mỗi năm trồng 350 - 400 ha. Năm 2018, một số xã đang tiếp tục triển khai trồng rừng theo dự án
ADB2, huyện đã đẩy mạnh khuyến khích các thành phần kinh tề đầu tư trồng rừng sản xuất, ngày càng có nhiều nhà đầu tư xin các dự án trồng rừng. Đây là cơ hội để xây dựng và phát triển một nền kinh tế lâm nghiệp bền vững
Đến năm 2020, toàn huyện đã trồng được 1.546 ha rừng tập trung, trồng mới 712.000 cây phân tán đạt 100% kế hoạch. Do đẩy mạnh trồng rừng cùng với việc làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng nên huyện đã nâng độ che phủ rừng từ 23%, vượt 2% so với kế hoạch [75, tr.2].
- Về nuôi trồng thủy sản: Với nhiều bãi triều, nhất là đầm Ô Loan và vùng cửa sông Bình Bá nên phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh.
Người dân áp dụng nhiều hình thức nuôi trồng thủy sản như: nuôi thâm canh, bán thâm canh, nuôi lồng bè. Người dân nuôi trồng các loại cá nước ngọt, nước mặn, nước lợ… với diện tích nuôi trồng ngày càng tăng lên. Năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2.905 tấn [45, tr.63]. Trong đó đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ và tôm sú.
Ngành thủy sản huyện giai đoạn 2000-2020 đã có sự tăng trưởng dẫn đến tỷ trọng của ngành này được nâng cao hơn trong cơ cấu ngành nông - lâm - thủy sản. Góp phần vào phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân Tuy An, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
* Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ Để phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp, huyện coi trọng củng cố các cơ sở sản xuất trên địa bàn, phát triển các tổ sản xuất vật liệu xây dựng, thành lập 5 hợp tác xã quản lý nhà nước và vệ sinh môi trường, quản lý điện nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể đầu tư phát triển các ngành nghề phụ như may mặc, sửa chữa điện tử, sửa chữa xe máy, sản xuất nông cụ cầm tay, khai thác cát, sỏi. Tính trong 5 năm 2015-2020, sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện Tuy An tăng bình quân hàng năm 14,98%. Tổng giá trị năm 2020 đạt 2.400 tỷ đồng tăng gần 10
lần so với năm 2005 là 249 tỷ đồng, và năm 2000 là 77,67 tỷ đồng [21], [27], [45].
Giai đoạn 2010-2020, số lượng cơ sở công nghiệp trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể so với giai đoạn 2000-2009. Trên địa bàn huyện có khoảng hơn 90 cơ sở sản xuất công nghiệp, tập trung vào lĩnh vực đóng thuyền, khai thác đá, khai thác cát, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, xay xát lương thực, sản xuất thực phẩm ăn uống …thu hút lao động làm trong ngành này. Theo báo cáo của huyện Tuy An qua các năm thì giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện tăng: Năm 2005 là 190 tỷ đồng, năm 2010 là 364 tỷ đồng, năm 2015 là 842 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 1.706 tỷ đồng [39], [45].
Hoạt động kinh tế thủ công nghiệp góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo. Các cơ sở sản xuất TTCN có quy mô nhỏ là phổ biến, nằm phân tán, rải rác ở các xã, thị trấn. Tính đến năm 2018, toàn huyện có trên 2.300 cơ sở. Các cơ sở sản xuất chủ yếu là sản xuất sắt gia dụng, sửa chữa cơ khí, mộc - dân dụng. Các cơ sở sản xuất TTCN góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Về hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện chuyển biến theo cơ chế thị trường. Hàng hóa ngày càng phong phú, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhân dân. Ngành dịch vụ vận tải, nhà hàng, kinh doanh hàng hóa ngày càng được mở rộng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước ổn định thị trường, giá cả. Huyện đã kết hợp với các xã xây dựng 15 điểm chợ. Tại các chợ, mặt hàng buôn bán, trao đổi chủ yếu là nông sản, và những mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trên địa bàn huyện tăng so với trước đây. Tuy nhiên dịch vụ thương mại trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ.
Dịch vụ vận tải trong những năm qua phát triển nhanh, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân, chất lượng dịch vụ vận tải được nâng lên.
Huyện Tuy An có nhiều di tích lịch sử - văn hóa như Thành An Thổ, Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương, Địa đạo Gò Thì Thùng, Chùa Đá Trắng, Gành Đá Đĩa, Hòn Yến,…. Tuy nhiên, để đưa các hạng mục công trình này vào khai thác du lịch còn nhiều bất cập vì chưa có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết đề xây dựng khu du lịch, vì vậy, chưa thu hút được các nhà đầu tư và cộng đồng nhân dân tham gia đầu tư phát triển du lịch; kết cấu hạ tầng còn yếu, toàn bộ hệ thống khu di tích lịch sử chưa được quy hoạch chi tiết, hệ thống đường giao thông chưa được đầu tư nâng cấp, các dịch vụ ăn nghỉ, hướng dẫn sinh hoạt vui chơi còn thiếu và yếu, chưa hấp dẫn nên chưa thu hút được nhiều du khách. Tuy nhiên trong những năm 2016-2020 du lịch Phú Yên nói chung, Tuy An nói riêng có nhiều khởi sắc, lĩnh vực dụ lịch được đầu tư, khai thác có hiệu quả, được nâng cấp kết cấu hạ tầng du lịch, được tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, các khu du lịch: Gành Đá Đĩa, Hòn Yến, Bãi Xép…
thực hiện kết nối các tuor du lịch trong và ngoài tỉnh cùng với hiệu ứng “Hoa vàng trên cỏ xanh”. Trong 5 năm (2016-2020) đã thu hút khoảng 2,3 triệu lượt khách đến tham quan, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015 [75, tr.3].
Lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho địa phương. Năm 2000 chỉ 165 tỷ đồng, nhưng đến năm 2020 đạt 3.829 tỷ đồng. Với chiến lược phát triển du lịch của huyện góp phần thu hút lực lượng lao động trực tiếp và lượng lớn lao động gián tiếp ngoài xã hội nhờ sự xuất hiện những ngành nghề phục vụ du lịch như đưa đón khách, sản xuất hàng thủ công, hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ nghỉ dưỡng… làm tăng thu nhập cho người dân. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
* Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng
Xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quyết định phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh lưu thông trong huyện (giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc...). Cơ sở hạ tầng thuận lợi cũng góp phần vào XĐGN.
Về giao thông, trong 20 năm (2000 - 2020) bằng các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh Phú Yên, trên địa bàn huyện Tuy An đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến liên xã, liên thôn. Đảm bảo giao thông thông suốt từ thị trấn đến nông thôn. Thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn, với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Giai đoạn 2011-2015, toàn huyện đã làm 243,3km đường nông thôn. Hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp và kiên cố hóa. Đến năm 2020, hệ thống giao thông được xây dựng hoàn thiện, 100% số xã đã có đường giao thông bằng bê tông, bằng nhựa [39], [45].
Về điện lưới quốc gia, toàn huyện đã có 15/15 xã, thị trấn đã được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,95%. Huyện đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp điện, đảm bảo nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Về thủy lợi, huyện tập trung nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống công trình thủy lợi, nâng cấp các kênh mương nội đồng, kênh tưới hồ chứa nước Đồng Trong, kênh tưới hệ thống Đập Tam Giang, hồ chứa nước Bầu Đô, tu sửa nâng cấp các đập, bờ kè chống sạt lở sông Hà Yến, kè sông Ngân Sơn, kè suối Đá… Hệ thống thủy lợi tạo điều kiện đảm bảo sản xuất, giải quyết nhu cầu lương thực và phát triển kinh tế. Hàng năm, kinh phí xây dựng, tu sửa các công trình thủy lợi là 1.018 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương. Từ năm 2010 đến 2020, tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản đạt 8.875,5 tỷ đồng, bình quân gần 900 tỷ đồng trên một năm, toàn huyện đã thực hiện kiên cố hóa 90,8km kênh mương nội đồng, đảm bảo việc tưới tiêu và phục vụ dân sinh. Toàn huyện có 47 công trình thủy lợi được xây mới, cải tạo, nâng cấp, đạt 100% so với quy hoạch xây dựng. Theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, 14/14 xã đạt tiêu chí thủy lợi [39], [45].
Về hệ thống bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư phát triển, chất lượng dịch vụ được nâng lên đáp ứng nhu cầu của tổ chức, bà