TỔNG QUAN VỀ MÔI TRƯỜNG CÁC XÃ ĐỒNG BẰNG – VEN BIỂN

Một phần của tài liệu Tài liệu tập huấn cán bộ xã Quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và môi trường (Trang 59 - 62)

BÀI 4: QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CHO VÙNG

I. TỔNG QUAN VỀ MÔI TRƯỜNG CÁC XÃ ĐỒNG BẰNG – VEN BIỂN

1.1.Vùng đồng bằng Sông Hồng

Đồng bằng sông Hồng trải rộng từ vĩ độ 21°34´B đến 19°53´B; từ 105°17

´Đ đến 107°7´Đ. Phía bắc và đông bắc là Vùng Đông Bắc, phía tây và tây nam là vùng Tây Bắc, phía đông là vịnh Bắc Bộ và phía nam vùng Bắc Trung Bộ.

Đồng bằng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Toàn vùng có diện tích chiếm khoảng 4,5% diện tích của cả nước. Diện tích đất nông nghiệp khoảng 760.000 ha, trong đó 70% là đất phù sa, có giá trị lớn về sản xuất nông nghiệp.

1.2. Vùng đồng bằng duyên hải miền Trung

Đồng bằng duyên hải miền Trung là dải các đồng bằng duyên hải ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Do theo cấu tạo địa chất, địa hình, vị trí với đường xích đạo, chí tuyến đã dẫn tới việc phân chia rõ rệt về khí hậu, thời tiết thành 2 vùng riêng biệt là Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

1.3. Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông, có diện tích 39.734km². Có vị trí nằm liền kề với vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông.

Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa dọc theo đê ven sông, đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp.

Ngoài ra, Việt Nam có nhiều hệ thống các đảo và quần đảo. Tính chung, ven bờ biển và trên thềm lục địa cùng biển Việt Nam có khoảng 4 nghìn hòn đảo, trong đó riêng vịnh Bắc Bộ đã có tới ba nghìn đảo lớn nhỏ.

2. Vai trò, chức năng của môi trường

Theo khái niệm mới của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi được quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2005 tại kỳ họp thứ 8 ở điều 3 “ Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật.

Từ khái niệm về môi trường trong Luật bảo vệ môi trường có thể thấy theo chức năng môi trường phân thành các loại sau:

- Môi trường tự nhiên.

- Môi trường xã hội.

- Môi trường nhân tạo.

* Môi trường là không gian sống của con người

Không gian cho sự tồn tại của con người và sinh vật đòi hỏi phải có một tiêu chuẩn nhất định về yếu tố hoá học, sinh học, vật lý và cảnh quan xã hội.

Chức năng không gian sống có thể phân thành các dạng sau:

- Chức năng xây dựng: cung cấp mặt bằng, khoảng không gian;

- Chức năng vận tải: theo 3 tuyến đường bộ đường thuỷ và đường hàng không;

- Chức năng sản xuất: gồm mặt bằng và các phương tiện cho sản xuất;

- Chức năng giải trí của con người;

* Môi trường là nguồn tài nguyên của con người

Môi trường là nơi con người khai thác nguồn nguyên vật liệu, năng lượng cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. Một số dạng tài nguyên chủ yếu:

- Tài nguyên đất;

- Tài nguyên nước;

- Tài nguyên khoáng sản;

- Tài nguyên sinh vật;

- Tài nguyên rừng;

- Tài nguyên khí hậu.

* Môi trường là nơi chứa đựng và đồng hoá chất thải

Trong môi trường, nhờ các quá trình phân huỷ của vi sinh vật hay các quá trình biến đổi lý hoá (pha loãng, phản ứng hoá học hấp thụ), sinh hoá có thể biến đổi chất thải thành dạng ban đầu theo các chu trình sinh địa hoá. Nhưng sự làm sạch này phải nằm trong một giới hạn nhất định của môi trường (ngưỡng môi trường). Ứng dụng tính chất này trong việc xử lý chất thải - tính chất tự cân bằng của môi trường.

* Môi trường lưu trữ và cung cấp thông tin

- Môi trường cung cấp sự ghi chép và lưu trữ lịch sử địa chất, lịch sử tiến hoá của sinh vật trong đó có cả lịch sử tiến hoá của loài người.

- Cung cấp các chỉ thị không gian và tạm thời mang tính báo hiệu sớm.

- Cung cấp và lưu trữ các nguồn gen, các cảnh quan, các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo.

3. Dân số, tài nguyên và môi trường các xã đồng bằng - ven biển

Việt Nam vừa có vùng núi, vùng đồng bằng, vùng biển rộng lớn; từ đó dẫn tới sự đa dạng của môi trường tự nhiên, sinh thái và các vấn đề xã hội. Có khoảng gần 1/3 số dân sống ở các huyện ven biển và các đảo; khoảng 80% dân số đất nước sống ở vùng nông thôn. Nông thôn, miền núi, biển và hải đảo cũng là những nơi có tốc độ tăng dân số hàng năm cao nhất. Có thể nói, Việt Nam là một quốc gia biển, một quốc gia nông nghiệp và một Việt Nam núi rừng. Chúng ta đã, đang và sẽ phải đối mặt với quá nhiều vấn đề môi trường thuộc các lĩnh vực nông thôn, miền núi, biển và ven bờ. Đây là các lĩnh vực môi trường bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ và là tổng thể những vấn đề môi trường đặc trưng nhất của Việt Nam.

Nhìn chung, trong những năm qua kinh tế nông nghiệp và cuộc sống các xã đồng bằng – ven biển có những thay đổi tiến bộ. Diện tích trồng cây lương thực hàng năm cũng tăng. Tuy nhiên, mức độ gia tăng dân số cũng rất nhanh trong khi quĩ đất ngày càng bị thu hẹp do mở rộng làng xã, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Như vậy, để mức sống nông thôn được cải thiện tốt hơn hiện nay thì phải giảm mức tăng dân số thấp hơn.

Một số vấn đề về tài nguyên và môi trường

Quĩ đất và chất lượng đất giảm sút. Hiện tượng thoái hóa, bạc mầu đất canh tác khá phổ biến do sử dụng không hợp lý, độc canh cây lúa và sử dụng các phương tiện cơ giới

Chịu nhiều thiên tai như bão, lũ, úng lụt. Hậu quả tác động tăng hơn khi đồng ruộng bị chia cắt nhỏ, manh mún, phương thức canh tác lạc hậu.

Sâu bệnh phát triển mạnh, lây lan làm giảm năng suất cây trồng. Hệ thống thủy lợi đôi lúc không phát huy tác dụng tích cực mà còn tác động xấu tới môi trường về lâu dài

Việc sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu... ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái nông nghiệp và sức khoẻ cộng đồng

Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tác động trực tiếp đến sức khoẻ, là nguyên nhân gây các bệnh như tiêu chảy, tả, thương hàn, giun sán... Các bệnh này gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, kém phát triển gây tử vong nhất là ở trẻ em. Có đến 88% trường hợp bệnh tiêu chảy là do thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường kém.

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gồm: thuốc trừ sâu; thuốc trừ nấm; thuốc trừ chuột; thuốc trừ bệnh; thuốc trừ cỏ. Các loại này có đặc điểm là rất độc đối với mọi sinh vật; Tồn dư lâu dài trong môi trường đất - nước gây ra ô nhiễm;

Tác dụng gây độc không phân biệt, nghĩa là gây chết tất cả những sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất, nước.

Ô nhiễm môi trường nông thôn do chất thải rắn từ các làng nghề và sinh hoạt của người dân. Hiện cả nước có khoảng 1.450 làng nghề, phân bố ở 58 tỉnh thành và đông đúc nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng, vốn là cái nôi của làng nghề truyền thống, với tổng số 472 làng nghề các loại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Hà Tây, Thái Bình và Bắc Ninh,... Trong đó các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu chiếm phần lớn (trên 70%). Do đó, đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề môi trường nông thôn, tác động xấu tới chất lượng môi trường đất, nước, không khí và sức khoẻ của dân làng nghề. Kết quả phân tích chất lượng nước thải một số làng nghề dệt nhuộm tại Thái Bình cho thấy, đa số các chỉ tiêu phân tích đều vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt BOD5, COD đều vượt tiêu chuẩn từ 2 - 5 lần.

Ô nhiễm không khí: hầu hết nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề là than.

Do đó, lượng bụi và các khí CO; CO2; SO2 và NOx thải ra trong quá trình sản xuất trong nhiều làng nghề khá cao; gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân trong khu vực và làm ảnh hưởng tới hoa màu, sản lượng cây trồng của nhiều vùng lân cận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ xung đột, khiếu kiện như ở Thái Bình, Bắc Ninh và Hưng Yên…

Một phần của tài liệu Tài liệu tập huấn cán bộ xã Quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và môi trường (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(332 trang)
w