2.1. Mục tiêu và các câu hỏi nghiên cứu 2.1.1. Mục tiêu nghiên cứu
Tìm hiểu về tình hình quản lý, sử dụng các nhóm lâm sản ngoài gỗ tại cộng đồng, đánh giá mức độ phụ thuộc về kinh tế, hay vai trò của LSNG trong đời sống cộng đồng. Trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp nhằm góp phần sử dụng hợp lý LSNG và nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, Hoành Bồ, Quảng Ninh.
2.1.2. Các câu hỏi nghiên cứu
1) Trước kia (khi chưa có chính sách đổi mới và chưa thành lập khu bảo tồn thiên nhiên) người dân địa phương sử dụng lâm sản ngoài gỗ như thế nào? Ai là người đi lấy những lâm sản này?
2) Hiện trạng của việc sử dụng các loại lâm sản ngoài gỗ hiện nay ở cộng đồng địa phương như thế nào (về mức độ, chủng loại và quy mô khai thác)? Có gì khác (thay đổi) so với việc sử dụng nguồn lâm sản này khi chưa thành lập khu bảo tồn?
3) Có những ảnh hưởng hay áp lực nào của cộng đồng địa phương đến tài nguyên rừng nói chung và LSNG nói riêng ở khu Bảo tồn Thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng?
4) Những đối tượng nào tham gia vào việc quản lý và sử dụng tài nguyên lâm sản ngoài gỗ? Có những mâu thuẫn/tranh chấp nào trong việc quản lý sử dụng nguồn tài nguyên này?
2.2. Địa điểm, thời gian và phương pháp nghiên cứu 2.2.1. Địa điểm và thời gian nghiên cứu
- Địa điểm: do điều kiện về thời gian và nhân lực nên chúng tôi tiến hành lựa chọn 1 thôn điển hình, trong xã vùng lõi của khu bảo tồn để tiến hành nghiên cứu, thu thập số liệu.
Cụ thể, căn cứ trên những tiêu chí lựa chọn địa điểm nghiên cứu (vị trí địa lý, thành phần dân tộc, đặc điểm kinh tế xã hội...) đề tài đã lựa chọn thôn Tân Ốc 2 – xã Đồng Sơn thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh làm địa điểm nghiên cứu.
- Thời gian nghiên cứu: tháng 3/2007 đến tháng 11/2007.
Trong đó, thời gian khảo sát thực địa và thu thập số liệu được thực hiện từ tháng 5/2007 đến tháng 10/2007.
2.2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.2.1. Phương pháp thu thập và phân tích số liệu thứ cấp
- Thu thập và phân tích số liệu thứ cấp (bao gồm: Luận chứng kỹ thuật thành lập khu bảo tồn; các nghiên cứu đã được thực hiện trong khu vực, các điều tra cơ bản của khu bảo tồn về thành phần loài động thực vật, điều kiện tự nhiên, dân sinh, kinh tế xã hội, các nghiên cứu về LSNG ở Việt Nam, các văn bản luật và chính sách có liên quan...). Đây là những cơ sở dữ liệu ban đầu, là nguồn thông tin định hướng cho các bước nghiên cứu tiếp theo.
- Thu thập, cập nhật bổ sung các số liệu về điều kiện tự nhiên, dân sinh, kinh tế xã hội của khu vực.
2.2.2.2. Điều tra thực địa về các loại LSNG được sử dụng tại cộng đồng - Sử dụng phương pháp Đánh giá nhanh hay đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân (Participatory/Rapid Rural Appraisal – PRA/RRA), với công cụ chủ yếu là quan sát trực tiếp và phỏng vấn linh hoạt với các câu
tìm hiểu, nghiên cứu về truyền thống quản lý, sử dụng và vai trò của LSNG trong đời sống cộng đồng. Đồng thời quá trình này còn giúp cho người dân được trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch, đề xuất các phương án lựa chọn loại cây trồng vật nuôi phù hợp, định hướng cho việc đề xuất những giải pháp thay thế trong sử dụng tài nguyên.
2.2.2.3. Phương pháp quan sát có sự tham gia (ParticipatoryObservation) - Đây là một phương pháp “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Tức là trong quá trình nghiên cứu thực địa, người thực hiện nghiên cứu sẽ ở tại nhà dân để phỏng vấn họ, đồng thời quan sát và tham gia vào những hoạt động liên quan đến những vấn đề nghiên cứu để hiểu sâu những vấn đề người dân đề cập tới trong quá trình phỏng vấn, ví dụ: Người Dao ở địa phương trong thực tế sử dụng lâm sản ngoài gỗ như thế nào? Họ có những kinh nghiệm cụ thể gì trong quá trình khai thác, sử dụng lâm sản ngoài gỗ...?
2.2.2.4. Phương pháp lượng giá kinh tế LSNG
Điều tra tình hình khai thác, canh tác nương rẫy, thu nhập kinh tế hộ gia đình và sự phụ thuộc về kinh tế vào LSNG:
- Kế thừa số liệu, kết hợp điều tra bổ sung tình hình khai thác (về chủng loại, mùa vụ, số lượng, mục đích sử dụng…).
- Phỏng vấn thu nhập kinh tế hộ gia đình trong một cộng đồng thuộc vùng lõi khu bảo tồn (thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh ).
- Phân loại, phân tích kinh tế hộ có sự tham gia... thu thập được số liệu về thu nhập của hộ/năm dựa vào lâm sản ngoài gỗ của các nhóm kinh tế hộ khác nhau để thấy được lâm sản ngoài gỗ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong kinh tế hộ gia đình của các nhóm hộ.
- Sử dụng phương pháp thống kê toán học trong việc nghiên cứu sự khác biệt giữa nhu cầu sử dụng lâm sản ngoài gỗ giữa các nhóm kinh tế hộ khác nhau trong cộng đồng.
- Thu thập số liệu thứ cấp, phỏng vấn bán cấu trúc, quan sát và theo dõi thực tế trên hiện trường để tìm hiểu thông tin về thị trường của nhóm lâm sản ngoài gỗ quan trọng.
- Phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội và trở ngại (SWOT), Phân tích 5 nguyên nhân (5WHYs) để phân tích các yếu tố có liên quan đến quản lý và sử dụng lâm sản ngoài gỗ.
- Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, nhân tố ảnh hưởng đến quản lý và sử dụng lâm sản ngoài gỗ để đề xuất các giải pháp chính để hỗ trợ và cải tiến việc quản lý dựa vào cộng đồng.
Đề tài đã chọn ngẫu nhiên 30% số hộ trong thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn, nằm trong vùng lõi khu bảo tồn để tiến hành phỏng vấn các nội dung có liên quan đến vấn đề nghiên cứu.
Đề tài cũng chọn một số nông dân ở tại thôn nghiên cứu làm cộng tác viên nòng cốt cho việc điểu tra, nghiên cứu. Tiêu chuẩn của những cộng tác viên này là: Biết khai thác/chế biến các lâm sản ngoài gỗ; Có kiến thức/kỹ năng thực hành; Am hiểu truyền thống quản lý và sử dụng lâm sản ngoài gỗ của cộng đồng; Sử dụng tốt hai thứ tiếng: tiếng phổ thông và tiếng Dao; Đại diện cho các thành phần khác nhau trong thôn bản như: lứa tuổi, lãnh đạo thôn, giới, thành phần kinh tế, mối quan tâm.