1.3.1. Kinh nghiệm về XĐGN của một số nước trên thế giới
Trong mấy thập kỷ gần đây, nhiều nước đang phát triển rất chú trọng việc XĐGN. Các diễn đàn quốc tế và khu vực về đói nghèo ở Malaisia, Kôpenhagen, Bắc Kinh đều đưa vấn đề đói nghèo vào nội dung chính của chương trình nghị sự. Ở các nước Đông Nam Á, đói nghèo đã được bàn bạc, tranh luận thường xuyên trong hai thập kỷ nay. Trên thế giới xuất hiện nhiều mô hình XĐGN khác nhau. Ở đây không có điều kiện trình bày thực tiễn và
kinh nghiệm XĐGN của tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế mà chỉ nêu cách làm, kinh nghiệm của một số quốc gia có những nét tiêu biểu, những kinh nghiệm quý có thể nghiên cứu để áp dụng cho việc thực hiện XĐGN ở Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng.
- Kinh nghiệm ở Trung Quốc: từ năm 1977 đến nay thực hiện cải cách kinh tế theo hướng phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, ở Trung Quốc chênh lệch giàu nghèo không lớn nhưng số dân đói nghèo rất cao. Từ năm 1985- 1988, chênh lệch giữa 20% nhóm dân cư giàu nhất với 20% nhóm dân nghèo nhất chỉ có 6,5 lần và hệ số Gini chỉ là 0,3.
Nhờ đổi mới nền kinh tế có hiệu quả và thực hiện một số chính sách trực tiếp để XĐGN nên số người nghèo ỏ Trung Quốc giảm nhanh chóng.
Nếu theo mức chuẩn nghèo của Cục Thống kê Trung ương Trung Quốc là có thu nhập 100 Nhân dân tệ/người/năm thì số người nghèo ở nông thôn năm 1978 là 250 triệu người (chiếm 30% dân số), đến 1985 chỉ còn 125 triệu người và 1998 chỉ còn 42 triệu người. Trong quá trình cải cách kinh tế, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế sự phân hoá giàu nghèo và XĐGN. Các giải pháp, chính sách XĐGN ở Trung Quốc khá đa dạng, thay đổi linh hoạt theo từng thời kỳ, cụ thể như:
+ Duy trì ổn định chính trị: Trung Quốc quan niệm giữa ổn định chính trị và đói nghèo có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu không ổn định chính trị, người dân không yên ổn làm ăn, sinh sống, các mục tiêu KT-XH cũng không thể thực hiện được.
+ Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho mọi người. Trong hai thập kỷ qua, Trung quốc là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Bên cạnh việc hình thành những khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đại ở vùng ven biển, vùng hấp dẫn đầu tư nước ngoài, Trung Quốc rất chú ý đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông thôn.
+ Tạo việc làm thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu kinh tế nông thôn. Việc hình thành các thị trấn, thị tứ, hoàn thiện dần hệ thống giao thông nông thôn đã thúc đẩy dịch vụ nông thôn phát triển.
+ Xây dựng các mô hình, chỉ đạo điểm cho từng vùng, từng địa phương để làm hình mẫu, đầu tầu “lan toả” cho cả vùng.
+ Huy động nhiều nguồn lực để thực hiện XĐGN. Trước hết, Trung Quốc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những vùng đất hoang, đồi núi... Để giữ đất nông nghiệp trước yêu cầu cao của công nghiệp hoá, đô thị hoá, Chính phủ Trung Quốc quy định: việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp phải thực hiện theo nguyên tắc: "lấy bao nhiêu, khai hoang bù bấy nhiêu” và hình thành quỹ riêng để khai hoang bù đắp cho việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Ngoài vốn của Nhà nước, của cộng đồng, Trung Quốc tranh thủ tối đa vốn cho mục tiêu XĐGN từ WB, và các tổ chức phi Chính phủ... Cùng với sự trợ giúp vốn để tạo việc làm, tăng thu nhập, Trung Quốc còn có sự hỗ trợ tích cực về truyền thông, giáo dục, y tế cho các hộ nghèo và vùng khó khăn. Đặc biệt là yêu cầu và khuyến khích các vùng giàu, địa phương giàu giúp đỡ các vùng, địa phương nghèo.
Ngoài những biện pháp chung nêu trên, Trung Quốc còn có những biện pháp trực tiếp tác động đến người nghèo: vừa có những biện pháp kinh tế như giúp vốn, mở mang sản xuất thu hút lao động hộ nghèo, vừa có những biện pháp xã hội như trợ giúp về giáo dục, y tế, hạn chế sinh đẻ...
- Kinh nghiệm ở cộng hoà Indonexia: Indonexia là quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á, với hơn 7 ngàn hòn đảo lớn nhỏ với những tính đa dạng về điều kiện sinh thái, dân tộc, chia cắt về địa hình, phát triển kinh tế và thực hiện XĐGN là công việc rất phức tạp.
Ở thời kỳ đầu sau khi giành được độc lập, nền kinh tế còn lạc hậu, tăng trưởng thấp, dân số tăng nhanh nên bình quân thu nhập đầu người có xu hướng giảm sút. Nếu như năm 1957, thu nhập bình quân 1 người dân còn đạt 131 USD thì đến năm 1961 giảm xuống chỉ còn 83 USD. Sau đó Nhà nước Indonexia có hàng loạt các biện pháp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế.
Indonexia thực hiện chiến lược mở cửa, tăng xuất khẩu nhất là xuất khẩu khoáng sản, sản phẩm nông, lâm, thuỷ, hải sản.. Nhờ kinh tế tăng trưởng và bước đầu nhận thức được tác hại của phân hoá giàu nghèo, trong suốt thập kỷ 80 và nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Indonexia đã thực hiện nhiều biện
pháp XĐGN, đưa mục tiêu XĐGN trở thành mục tiêu quốc gia. Chính phủ đã trợ cấp ngân sách hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn... Nhờ có những biện pháp tích cực, nên số người nghèo của Indonexia từ những năm 70 đến đầu những năm 90 liên tục giảm. Năm 1976, số người sống dưới mức nghèo khổ là 54 triệu người nhưng đến năm 1987 chỉ còn 30 triệu người. Năm 1996, Indonexia được giải thưởng của Liên Hợp Quốc về thực hiện chương trình XĐGN.
Nhưng từ cuối năm 1996, KT-XH và chính trị Indonexia lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Các nhà lãnh đạo tham nhũng, xung đột về lãnh thổ, bạo động, khủng hoảng kinh tế, đời sống nhân dân nhất là tầng lớp nghèo bị giảm sút nghiêm trọng. Có nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, khủng hoảng KTXH và bất ổn chính trị đã làm tiêu tan thành quả XĐGN của gần 20 năm trước đó.
Ngoài Trung Quốc và Indonexia, các nước như Philippin, Thái Lan và nhiều nước trong khu vực đều nảy sinh tình trạng phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng, bất bình đẳng, một bộ phận dân cư sống nghèo khổ. Dù mức độ và cách làm ít nhiều có khác nhau nhưng các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Philippin... đều có những cố gắng để giảm mức chênh lệch và giúp đỡ người nghèo.
Qua nghiên cứu các biện pháp XĐGN của các nước đã nêu trên và một số quốc gia khác trên thế giới, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Phải gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, XĐGN.
Sự kết hợp giữa tính tích cực của kinh tế thị trường, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và XĐGN là vấn đề rất phức tạp. Quá thiên lệch về nhu cầu tăng trưởng hoặc ưu tiên thiếu tính toán các vấn đề xã hội đều dẫn đến hậu quả xấu.
- Để XĐGN phải bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội. Sự bất ổn về mặt chính trị, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố tranh giành quyền lực trong các giới lãnh đạo xảy ra thường xuyên thì không thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và XĐGN.
- XĐGN là chương trình rất tổng hợp nên phải được thực hiện đồng thời với các chương trình phát triển KT-XH khác và là nỗ lực từ nhiều phía:
Nhà nước, cộng đồng và bản thân người nghèo, phát huy nguồn lực bên trong đồng thời khai thác nguồn lực bên ngoài để XĐGN.
- Vai trò của Chính phủ trong việc điều tiết thu nhập, thực hiện các chính sách xã hội và thực hiện XĐGN rất quan trọng từ chiến lược, chính sách cho đến các giải pháp XĐGN.
1.3.2. Những kinh nghiệm bước đầu về xoá đói giảm nghèo trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta
- Những hoạt động và kết quả đạt được:
Nước ta là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp nhất thế giới (năm 2000 đạt 397 USD, năm 2005 đạt 640 USD). Trong những năm gần đây, nhờ chính sách đổi mới, nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh, đời sống của đại bộ phận nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, song tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao. Theo đánh giá của WB thông qua điều tra mức sống dân cư Việt Nam, tỷ lệ đói nghèo năm 1993 là 58,1%. Đói nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn (khoảng 90% trong tổng số hộ đói nghèo của cả nước). Một số vùng, khu vực, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc có tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao; ở khu vực thành thị, tỷ lệ hộ đói nghèo tuy thấp hơn, song chủ yếu là số dân mới nhập cư. Miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ và Tây nguyên là những khu vực có tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất. Hàng năm số người phải cứu trợ đột xuất do thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa khoảng từ 1-1,2 triệu người, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc.
Bình quân hàng năm có khoảng 20.000-25.000 hộ tái đói nghèo.
Từ năm 1992, XĐGN đã được triển khai ở một số tỉnh, thành phố, đến năm 1994 trở thành phong trào ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhiều mô hình XĐGN thành công đã xuất hiện và được nhân rộng. Sự phối hợp, lồng ghép các chương trình KT-XH khác với XĐGN bước đầu đã đem lại kết quả và theo ước tính khoảng 20% hộ nghèo đã được hưởng lợi từ các chương trình 120, 327, nước sạch, y tế, giáo dục..., cuộc sống của đại bộ phận dân cư bước đầu được cải thiện, đặc biệt là nhóm hộ nghèo.
Đảng và Nhà nước ta xác định, XĐGN là một trong những chính sách xã hội cơ bản. Nghị quyết Đại hội VII của Đảng đã chỉ ra: cùng với quá trình đổi mới, tăng trưởng kinh tế, phải tiến hành công tác XĐGN, thực hiện CBXH, hạn chế sự phân hoá giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng. Đại hội VIII của Đảng xác định rõ: XĐGN là một trong những chương trình phát triển KT-XH vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài và nhấn mạnh "phải thực hiện tốt chương trình XĐGN, nhất là đối với vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc. Xây dựng và phát triển quỹ XĐGN bằng nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước; quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả” và đề ra chỉ tiêu: "giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn khoảng 10% vào năm 2000, bình quân giảm 300.000hộ/năm”. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX xác định: “Tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề, giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm... đối với những vùng nghèo, xã nghèo và nhóm dân cư nghèo”. Đại hội X của Đảng ta nhấn mạnh: “thực hiện có hiệu quả các chính sách XĐGN, thực hiện tốt hơn CBXH..., tạo điều kiện cho mọi người dân, kể cả người nghèo được đáp ứng nhu cầu về giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, văn hoá - thông tin, thể dục, thể thao, tạo việc làm...“, phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10–11%.
Những quan điểm và chủ trương trên đã được cụ thể hoá bằng chính sách, cơ chế, chương trình, dự án và kế hoạch nhằm tập trung phát triển nông nghiệp nông thôn; xây dựng các công trình thuỷ lợi để phục vụ sản xuất và đời sống; bảo đảm an ninh lương thực; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là người nghèo. Cùng với những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, Nhà nước còn ban hành và thực hiện những chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, văn hoá thông tin... nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của dân cư, đặc biệt là những vùng có nhiều khó khăn, góp phần XĐGN bền vững.
Để tập trung được nguồn lực triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, XĐGN phải trở thành một chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của đất nước nhằm hỗ trợ trực tiếp xã
nghèo, hộ nghèo, người nghèo các điều kiện cần thiết để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống, tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo, tạo môi trường thuận lợi cho XĐGN bền vững. Chính vì vậy, ngày 23 tháng 7 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN giai đoạn 1998–2000 (gọi là Chương trình 133) và xác định đây là một trong 6 chương trình mục tiêu quốc gia, coi đây là một chủ trương lớn, một quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đến tháng 09 năm 2001, tiếp tục phê duyệt Chương trình XĐGN và việc làm giai đoạn 2001–
2005 (gọi là Chương trình 143). Các chính sách trên hợp với lòng dân, được nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện tạo thành phong trào sôi động của cả nước.
Trong những năm qua, nhờ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, nhờ nổ lực của Chính phủ trong việc tăng cường các nguồn lực cũng như ban hành các chính sách giải quyết việc làm và XĐGN, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong công cuộc XĐGN được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Tính theo chuẩn nghèo quốc tế, tỷ lệ nghèo đói chung đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 37,4% năm 1998, 28,9% năm 2002 và 19.5%
năm 2005, tỷ lệ nghèo lương thực giảm từ 24,9% năm 1993 xuống còn 15%
năm 1998 và 9,96% năm 2002, thể hiện ở biểu sau:
Biểu 1.1. Nghèo đói ở Việt Nam qua các năm
Năm 1993 1998 2002
Tỷ lệ nghèo chung 58,1 37,4 28,9
Thành thị 25,1 9,2 6,6
Nông thôn 66,4 45,5 35,7
Dân tộc thiểu số 86,4 75,2 69
Tỷ lệ nghèo lương thực 24,9 15,0 9,96
Thành thị 7,9 2,5 3,61
Nông thôn 29,1 18,6 11,99
Dân tộc thiểu số 52,0 41,8 41,5
Nguồn: Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2004: Nghèo. Ngân hàng thế giới (dựa vào kết quả điều tra mức sống dân cư năm 1993, 1998 của TCTK và WB và điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002 của TCTK)
Tỷ lệ hộ đói nghèo trong cả nước tính theo chuẩn nghèo quốc gia giảm từ 30% năm 1992 xuống còn 10% năm 2000; theo chuẩn nghèo giai đoạn 2001-2005, giảm từ 17% đầu năm 2001 xuống còn 11% năm 2003 và khoảng 7% năm 2005. Xu hướng giảm nghèo diễn ra ở tất cả các vùng và đối với tất cả các dân tộc trong cả nước. Mỗi năm bình quân giảm 250.000 hộ nghèo, riêng giai đoạn 1996-2000 mỗi năm giảm 300.000 hộ, hoàn thành mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra và được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước giảm tỷ lệ đói nghèo nhanh nhất; trở thành một
"điểm sáng” trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Tuy nhiên, phong trào XĐGN chưa đồng đều ở các địa phương; nguồn lực huy động còn hạn chế, chưa có giải pháp XĐGN mang tính vĩ mô, bền vững trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm các nước nghèo của thế giới. Thu nhập của bộ phận lớn dân cư vẫn nằm giáp ranh mức nghèo. Do đó, chỉ cần điều chính nhỏ về chuẩn nghèo, cũng khiến cho tỷ lệ nghèo tăng lên (năm 2005 tính theo chuẩn nghèo của giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ đói nghèo trong cả nước chiếm 19,5%, tăng gần 13% so với chuẩn cũ), trong khi đó tốc độ giảm nghèo cũng đang chậm dần. Trong 5 năm đầu, tỷ lệ nghèo giảm trung bình 4% một năm, 4 năm tiếp theo chỉ giảm 2%... Phần lớn thu nhập của người nghèo là từ nông nghiệp, với điều kiện về nguồn lực rất hạn chế, thu nhập của họ rất bấp bênh và dể bị tổn thương trước những đột biến của gia đình và cộng đồng. Đói nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn với trên 90% số người nghèo sinh sống, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách giàu nghèo và phân tầng xã hội có xu hướng gia tăng nhanh chóng trong nền kinh tế thị trường vẫn là những trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế bền vững.
- Một số bài học kinh nghiệm:
Qua thực tiễn hơn mười năm thực hiện công tác XĐGN và đặc biệt là những năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia XĐGN, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm: