Biểu 2.5: Mức độ đói nghèo của các huyện
3.2. Các giải pháp chủ yếu tiếp tục xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010
3.2.1. Giải pháp về xây dựng và phát triển các chương trình kinh tế - xã hội chủ yếu
3.2.1.1. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệ p hoá, hiệ n đại hoá, phát triể n ngành nghề nhằm đa dạng hoá việc làm, tăng thu nhập tạo tiền đề cho xoá đói giảm nghèo bền vững
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, phát triển ngành nghề ở Thanh Hoá là giải pháp cơ bản, lâu dài để đa dạng hoá việc làm, tăng thu nhập ổn định cho các hộ ở nông thôn. Nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh cần thực hiện bao gồm cả chuyển dịch cơ cấu theo ngành, lĩnh vực,
theo vùng và theo thành phần kinh tế, trong đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực là trọng tâm.
- Phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế: hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2010 trong GDP: Nông - Lâm - Ngư nghiệp chiếm 23,0%; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 40,6%; Dịch vụ chiếm 36,4%.
Từ nay đến năm 2010, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 12-13%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 780-800 USD;
giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tăng 6,8%/năm trở lên. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu mùa vụ: đẩy mạnh phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm và hộ nông dân có thu nhập 50 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 30 triệu đồng trở lên vào năm 2010.
Đến năm 2010, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Trồng rừng mới đạt trên 10 ngàn ha/năm. Nâng cao hiệu quả chương trình đánh bắt xa bờ, giá trị sản xuất thuỷ sản tăng 14,4% trở lên. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng bình quân hàng năm 18,7%. 50% số xã có làng nghề. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 14,5%.
Để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng trên, ở Thanh Hoá cần phải thực hiện tốt các chương trình và giải pháp chủ yếu sau:
+ Chương trình lương thực: ứng dụng công nghệ sinh học, lựa chọn các loại cây lương thực có năng suất cao, phù hợp với từng vùng sinh thái; giải quyết thuỷ lợi và thâm canh đồng bộ; thực hiện thâm canh cao trên diện tích lúa được tưới tiêu chủ động, phấn đấu sản lượng lương thực hàng năm ổn định từ 1,5 triệu tấn trở lên; đảm bảo mục tiêu an toàn lương thực cho cả tỉnh, cho người nghèo đủ ăn và hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu.
+ Chương trình cây công nghiệp, cây ăn quả: nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, hình thành những vùng tập trung, chuyên canh. Chuyển giao công nghệ cho hộ nông dân và tổ chức tốt quan hệ giữa hộ nông dân với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng các cây truyền thống và các cây mới đã được kiểm nghiệm là cao su, dứa, cà phê, chè, cói, lạc... Tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất cây mía, đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy đường. Phát triển cây cà phê, chè trên các vùng đất có đủ điều kiện với
quy mô 8.000 ha vào năm 2010 để có sản lượng cà phê, chè từ 10-12 ngàn tấn/năm. Xây dựng vùng nguyên liệu dứa 5.000 ha tập trung ở các huyện Như Thanh, Thạch Thành, Hà Trung, Bỉm Sơn... để đảm bảo nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến. Xây dựng vùng nguyên liệu sắn tập trung ở Như Xuân…
+ Chương trình chăn nuôi: chú trọng đổi mới giống vật nuôi, tăng cường công tác thú y; xây dựng một số cơ sở chế biến thức ăn gia súc; quy hoạch chăn nuôi gắn với xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ; khuyến khích phát triển các trại chăn nuôi bò thịt, lợn thịt xuất khẩu, gà công nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu về thịt, sữa, nâng cấp và mở thêm các xưởng chế biến súc sản, chế biến sữa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2010, nâng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp lên 40%, đàn bò 376 ngàn con (bò lai chiếm 60%); định hướng lại phát triển đàn gia cầm theo hướng tập trung và chuẩn bị tốt các điều kiện phòng chống dịch bệnh...
+ Chương trình phát triển thuỷ sản: thăm dò thị trường, cải tạo các khu nuôi trồng, tạo giống và chuyển giao công nghệ cho dân cư. Đầu tư thêm vốn, tăng phương tiện và nâng cao hiệu quả chương trình đánh bắt xa bờ, giải quyết đồng bộ giữa đánh bắt, chế biến, nuôi trồng và tiêu thụ. Tiếp tục đầu tư đồng bộ và có hiệu quả các đội tầu đánh cá xa bờ, sắp xếp, cải tiến cơ cấu nghề đánh bắt gần bờ, từng bước thay thế phương tiện nhỏ lạc hậu. Đẩy mạnh hình thức nuôi bán thâm canh, nuôi tôm công nghiệp theo chương trình của Bộ thuỷ sản, cải tạo xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ hậu cần, chế biến...
+ Chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn:
liên kết với các ngành Trung ương, các tỉnh, các tổng công ty lớn tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch, xác định các loại ngành nghề chủ yếu cho từng địa bàn; khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ (nhất là những năm đầu) về vốn, đất đai... Chuyển dần lao động nông nghiệp sang phát triển ngành nghề và dịch vụ nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Thực hiện nhanh việc giao đất lâu dài cho nông dân, khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại...
+ Phát triển ngành công nghiệp - xây dựng: tạo ra sự vượt trội trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh, có hiệu quả và bền vững của toàn bộ nền kinh tế của tỉnh, phù hợp với xu thế chung của cả nước theo cơ chế kinh tế mở và hội nhập, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 là 18,7%.
Mở rộng các ngành công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu, thị trường, như: sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản, công nghiệp giấy, bột giấy, công nghiệp sử dụng nhiều lao động như: dệt, may, giày da… Thành lập mới các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến đủ sức cạnh tranh trên thị trường bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, ngoài quốc doanh và liên doanh với nước ngoài. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, phấn đấu 50% xã có làng nghề.
+ Tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, du lịch bao gồm: các ngành thương mại, dịch vụ vận tải, bưu điện, hoạt động nhà nước, giáo dục, khoa học, y tế, văn hoá, du lịch… góp phần làm tăng giá trị GDP và thu hút nhiều lao động. Xúc tiến các hoạt động tìm kiếm thị trường cho hàng hoá sản xuất trong tỉnh, nhanh chóng hoà nhập với thị trường trong và ngoài nước.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ trong thời kỳ 2006-2010 bình quân hàng năm đạt 13,2%, góp phần vào sự phân bố lại lao động trong các ngành kinh tế của tỉnh. Mục tiêu thu hút và tạo việc làm bình quân hàng năm là 50.000 lao động.
- Đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế
+ Vùng đô thị: phát huy lợi thế so sánh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, có khả năng tiếp thu và triển khai những thành tựu khoa học c ông nghệ mớ i và o cuộc sống. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, từng bước xây dựng các khu đô thị hiện đại. Quy hoạch và phát triển hệ thống thị trấn, thị tứ trên các tuyến giao thông, các tụ điểm kinh tế.
+ Vùng đồng bằng và trung du: tập trung phát triển nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ. Tăng cường đầu tư xây dựng vùng lúa cao sản để bảo
đảm an toàn lương thực cho toàn tỉnh. Hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung có năng suất, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa, bò lai Sind, lợn hướng nạc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản... Đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp tập trung: Lễ Môn, Đình Hương, Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Lam Sơn kết hợp với phát triển thương mại, du lịch và các ngành dịch vụ khác.
+ Vùng ven biển: khai thác mọi tiềm năng của vùng để phát triển toàn diện kinh tế biển. Xây dựng các vùng lúa cao sản ở Hoằng Hoá, Quảng Xương, vùng chuyên canh lạc ở cả 5 huyện miền biển, vùng đay cói Nga Sơn.
Phát triển vận tải, khai thác tiềm năng các cảng biển, cảng sông. Mở rộng đánh bắt và nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản ở các huyện ven biển. Xây dựng khu công nghiệp tập trung Nghi Sơn - Tĩnh Gia (xi măng, vật liệu xây dựng, dịch vụ cảng biển, chế biến hải sản, cơ khí đóng và sửa chữa tàu thuyền, dầu khí…) gắn với cảng biển nước sâu. Tập trung phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch nghỉ ngơi, tắm biển, tham quan danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử… để tăng nguồn thu và tạo việc làm cho lao động.
+ Tập trung ưu tiên phát triển kinh tế miền núi: tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định 253 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh miền Tây Thanh Hoá đến năm 2010. Đây là vùng có ưu thế về phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển cây công nghiệp dài ngày như cao su, chè, cây ăn quả. Vùng đồi thấp có khả năng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày như mía, dứa, đậu tương… Giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế miền núi phía Tây Thanh Hoá là tập trung đầu tư xây dựng công nghiệp chế biến các sản phẩm gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tại chỗ như: mía đường, hoa quả, bánh kẹo…nhằm đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn miền núi để thu hút lao động tại chỗ và lao động các vùng khác trong tỉnh.
- Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế
Đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là cổ phần hoá. Coi trọng và khuyến
khích phát triển mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá. Tập trung đổi mới và phát triển các loại hình kinh tế tập thể. Tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình kinh tế tư nhân đầu tư phát triển. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh.
3.2.1.2. Giải quyết những vấn đề xã hội cấp bách
Giải quyết những vấn đề xã hội cấp bách là lĩnh vực rộng, nhưng từ nay đến năm 2010, Thanh Hóa cần tập trung vào 2 chương trình chủ yếu là chương trình phát triển giáo dục - đào tạo và chương trình bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.
- Chương trình giáo dục - đào tạo: ngành giáo dục cần cử một số giáo viên đến các vùng nghèo, các vùng có tỷ lệ mù chữ cao làm nòng cốt để kết hợp với cộng đồng mở các lớp mù chữ và chống tái mù chữ. Bố trí đủ giáo viên cho các cấp học, đặc biệt bậc tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, ở bản dù ít học sinh nhưng cũng tổ chức các nhóm học. Chính quyền địa phương vận động nhân dân giúp đỡ và Nhà nước trợ cấp xây trường, bàn ghế, học cụ, sách giáo khoa. Huy động lực lượng tại chỗ, kể cả bộ đội biên phòng, dân cư để tạo ra lực lượng giáo viên tại chỗ kết hợp việc xoá nạn mù chữ với việc phổ biến cách làm ăn. Tổ chức lại một số trường trung cấp, dạy nghề, mở thêm các cơ sở dạy nghề mới gắn với yêu cầu thị trường lao động nhất là các vùng nghèo. Khuyến nghị các công ty, trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở huyện, ở tỉnh định hướng nhu cầu nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo con em hộ nghèo theo địa chỉ, có việc làm thực sự sau khi học nghề.
- Chương trình bảo vệ sức khoẻ và kế hoạch hoá gia đình: đây thực sự là công việc nan giải ở nông thôn. Bởi vì trong thôn xóm, cộng đồng làng, xã gồm cả người giàu, khá và nghèo đói. Có những việc có thể tác động riêng cho hộ nghèo, có những việc không tách riêng thực hiện cho người nghèo. Ví dụ, vấn đề tiêm chủng, cung cấp nước sạch ... không thể làm riêng cho các hộ nghèo. Vấn đề đặt ra phải giải quyết là cách làm và chính sách. Có trường hợp hộ nghèo không được tiêm chủng, ăn ở mất vệ sinh tạo nguy cơ thành dịch, lây nhiễm cho cả người giàu và cả cộng đồng. Hoặc có nước sạch nhưng thu phí cao thì người
nghèo không được thụ hưởng... Do đó cần linh hoạt trong việc thực hiện các giải pháp trên trong quan hệ trách nhiệm giữa Nhà nước và cộng đồng.
Ngành y tế cấp phát thuốc để đặc trị các bệnh nhân vượt qua ốm đau, phòng chống nhiều biện pháp như: phun thuốc, có màn chống muỗi, vệ sinh môi trường... Theo định kỳ, đảm bảo 100% trẻ em được tiêm chủng, uống thuốc phòng bệnh; hướng dẫn ăn ở vệ sinh và đảm bảo nước sinh hoạt vô trùng; thực hiện các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch; hướng dẫn cải thiện cơ cấu bữa ăn cho các hộ dân cư nghèo trên cơ sở tự túc tại chỗ. Ở những vùng có đất rộng, hướng dẫn nuôi cá ở ao hồ nhỏ, nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả... Cán bộ y tế cộng đồng, ngoài việc chữa bệnh, cần có năng lực vận động quần chúng, giúp đỡ các hộ cách sống tiến bộ như sử dụng màn, tiêm chủng đúng hạn, làm chuồng gia súc xa nhà... Trước mắt, khi chưa đủ ngân sách đào tạo cán bộ y tế, cần vận động, sử dụng cán bộ y tế về hưu, thanh niên tích cực, cựu chiến binh... tại chỗ để tạo ra sự thay đổi thực sự trong lối sống vốn lạc hậu của đa số các hộ nghèo.
3.2.2. Giải pháp về thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo đối với người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình XĐGN của tỉnh Thanh Hoá trong giai đoạn 2006-2010, cần phải thực hiện tốt những giải pháp sau:
3.2.2.1. Giải pháp về cơ chế thực hiện chương trình XĐGN - Đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các địa phương
Trên cơ sở đã được phân cấp, tỉnh Thanh Hoá có trách nhiệm tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc thực hiện XĐGN cho huyện và xã, đặc biệt là cấp xã để nâng cao tính trách nhiệm và hiệu quả thực hiện chương trình, những nơi có điều kiện thì giao cho xã làm chủ đầu tư. Đi đôi với việc phân cấp, phân quyền phải ban hành các chế tài trách nhiệm đi kèm.
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể phải quán triệt sâu sắc và nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, vị trí, quan điểm, mục tiêu, giải pháp của chiến lược XĐGN. Từ đó cụ thể hoá và xây dựng nghị quyết của Đảng bộ, chương trình kế hoạch của HĐND gắn với chương trình phát triển KT-XH của địa phương mình và tổ chức chỉ đạo, điều hành chương trình đạt
mục tiêu đúng đối tượng và có hiệu quả. Chiến lược XĐGN được thực hiện theo cơ chế phối hợp liên ngành. Theo nội dung của chiến lược, từng ngành chức năng chịu trách nhiệm xây dựng chính sách, cơ chế hoặc dự án và hướng dẫn các địa phương thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể.
Chương trình XĐGN phải được quản lý, chỉ đạo thống nhất từ tỉnh, nhưng phân cấp cụ thể cho địa phương, cơ sở sát với dân. Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương trong việc xây dựng, đề xuất kế hoạch, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện.
- Tăng cường sự tham gia của người dân vào thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo
+ Thực hiện tốt quy chế dân chủ và tạo cơ hội cho người dân tham gia thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về XĐGN. Thực hiện cơ chế “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Gắn liền việc thực hiện nhiệm vụ XĐGN với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để hộ nghèo, xã nghèo trực tiếp tham gia vào việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án XĐGN nhằm phản ánh được nguyện vọng, nhu cầu thiết thực của dân và bảo đảm công bằng đối với người nghèo.
+ Mọi thông tin về hoạt động XĐGN phải được phổ biến tuyên truyền tới mọi người dân, đảm bảo cho người dân được tham gia các hoạt động XĐGN một cách công khai, dân chủ và minh bạch. Thực hiện công khai hoá các chương trình, dự án đầu tư, nhất là về nguồn tài chính, các chính sách, chế độ liên quan đến lợi ích của người nghèo để thực hiện việc giám sát của dân.
- Khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo vươn lên thoát nghèo, các doanh nghiệp tạo nhiều việc làm cho người nghèo, tạo điều kiện hộ nghèo thoát nghèo bền vững
+ Tổ chức tốt công tác thi đua, khen thưởng: biểu dương kịp thời những hộ nghèo, xã nghèo vươn lên vượt qua nghèo đói, những địa phương làm tốt công tác XĐGN, các đơn vị hỗ trợ các địa phương nghèo có hiệu quả.