Biểu 2.5: Mức độ đói nghèo của các huyện
2.3. Thành tựu, hạn chế và những vấn đề đang đặt ra cho hoạt động xoá đói giảm nghèo ở tỉnh Thanh Hoá
2.3.1. Thành tựu và bài học kinh nghiệm
- Thành tựu: trong 5 năm (2001-2005) thực hiện Chương trình XĐGN- việc làm, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả sau:
+ Đã giảm được 85.469 hộ nghèo (từ 169.179 hộ đầu năm 2001 xuống còn 83.710 hộ), bình quân mỗi năm giảm 17.094 hộ (đã trừ đi số hộ tái nghèo và phát sinh mới), vượt mục tiêu chương trình đề ra (mỗi năm giảm 12.000 hộ). Tỷ lệ đói nghèo từ 21,94% vào đầu năm 2001 xuống còn 10,56% vào năm 2005 theo tiêu chí cũ, bình quân mỗi năm giảm 2,3%; giảm số xã nghèo từ 139 xã vào đầu năm 2001 xuống còn 55 xã (theo tiêu chí của Bộ LĐ- TB&XH). XĐGN trên diện rộng và cải thiện đáng kể tình trạng của người nghèo về thu nhập, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và phát triển nguồn lực. Nghèo đói giảm ở cả nông thôn và thành thị, cả ở người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số.
+ Nhiều địa phương bằng cách chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh của mình nên thực hiện có hiệu quả công tác XĐGN. Điển hình như: Thành phố Thanh Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Nga Sơn, Quảng Xương. Nhiều xã đã có tỷ lệ thoát nghèo cao và tạo được nhiều việc làm, thu
hút nhiều lao động như Định Tường–Yên Định, Nga Thuỷ–Nga Sơn, Cẩm Giang–Cẩm Thuỷ, Hải Thượng–Tĩnh Gia, Bắc Sơn-Sầm Sơn, Hoằng Thịnh- Hoằng Hoá, Quảng Phong-Quảng Xương...
+ Hình thành một số mô hình XĐGN hiệu quả tạo chuyển biến rất tốt tới công tác XĐGN như: mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nghèo thông qua hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật, mua và chế biến sản phẩm (mô hình trồng cây mía công nghiệp của công ty đường Lam Sơn); mô hình phát triển nuôi trồng thuỷ sản gắn với XĐGN ở xã bãi ngang ven biển (xã Tân Dân- Tĩnh Gia; xã Quảng Lưu–Quảng Xương); mô hình phát triển kinh tế trang trại đầu tư bằng vốn Quỹ Quốc gia Hỗ trợ việc làm (xã Quí Lộc-Yên Định, Xuân Thiên-Thọ Xuân)...
- Nguyên nhân đạt được: những thành tựu đạt được trong XĐGN ở một tỉnh còn nghèo như Thanh Hóa trong thời gian qua có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Những thành tựu trên là do các nguyên nhân sau:
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (9,1%/năm), ổn định là tiền đề giúp cho việc XĐGN nhanh và toàn diện.
+ Chương trình XĐGN đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể chỉ đạo sát sao và triển khai thực hiện tích cực, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Người nghèo bước đầu có nhận thức đúng để tự vươn lên, biết tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
+ Hệ thống chính sách, cơ chế, giải pháp về XĐGN bước đầu hình thành và đi vào cuộc sống đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho XĐGN như:
tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, giáo dục, cải thiện nhà ở, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, định canh, định cư, di dân xây dựng vùng kinh tế mới, trợ giúp pháp lý cho người nghèo…
+ Nguồn lực cho công tác XĐGN và tạo việc làm được tăng cường.
Công tác đa dạng hoá việc huy động nguồn lực đầu tư cho XĐGN, mở rộng hợp tác quốc tế về kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính cho XĐGN được đặc biệt quan tâm chú trọng.
+ Cán bộ làm công tác XĐGN-việc làm đã được tăng lên về mặt số lượng và nâng cao về năng lực.
- Các bài học kinh nghiệm:
+ Chương trình XĐGN phải được sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo.
+ Tập trung giải quyết tốt điều kiện sản xuất, kinh doanh đào tạo nghề, truyền nghề, ổn định việc làm, tăng việc làm mới, tăng thu nhập là những điều kiện cơ bản và kiên quyết mới thực hiện được chương trình XĐGN.
+ Xã hội hoá công tác XĐGN, thực hiện chương trình XĐGN phải gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Có chính sách để người nghèo tham gia trực tiếp vào việc xây dựng và thực hiện các chương trình KT-XH ở từng địa phương. Phải quan tâm tạo điều kiện cho các hộ thuộc diện dân tộc ít người, các hộ có chủ hộ là nữ thì mới đảm bảo XĐGN có hiệu quả.
+ Phải xây dựng rõ khu vực trọng điểm cần được tập trung đầu tư và xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
+ Đội ngũ cán bộ làm công tác XĐGN phải hiểu biết, nhất là kiến thức làm ăn, tận tâm, bám sát cơ sở và có phương pháp vận động quần chúng.
+ Xây dựng và nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm XĐGN, tạo việc làm hiệu quả thực sự là một việc làm cần thiết có tác động rất lớn đến công tác XĐGN đặc biệt là ở những vùng đặc thù.
+ Tranh thủ hợp tác quốc tế về kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính cho xoá đói giảm nghèo.
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế
Trong thời gian qua, nhất là từ khi XĐGN trở thành chương trình quốc gia, hoạt động XĐGN ở Thanh Hóa đã triển khai rộng, có kết quả rõ nét và được đánh giá cao, song vẫn còn những hạn chế, tồn tại sau:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hoá cao nhưng điểm xuất phát của nền kinh tế quá thấp do đó thu nhập bình quân đầu người thấp so với bình
quân chung của cả nước, tỷ lệ đầu tư cho vùng nghèo, vùng nông thôn còn thấp, một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thu hút nhiều lao động chưa được chú trọng; các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tạo nhiều việc làm chưa được quan tâm và tạo cơ hội thuận lợi để phát triển; chưa hình thành được thị trường nông thôn, thị trường hàng hoá ở vùng sâu, vùng xa.
- Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao so bình quân chung cả nước, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng. Tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng thường xuyên bị thiên tai, vùng đồng bào dân tộc ít người còn rất cao.
- Những thành tựu XĐGN đã đạt được còn chưa thật vững chắc và thiếu tính bền vững, tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo ở một số huyện còn lớn (nhất là các huyện miền núi).
- Nhiều huyện đã chỉ đạo thực hiện mục tiêu XĐGN rất quyết liệt, nhưng vẫn còn tình trạng một số huyện có điều kiện tương tự lại không làm được việc đó. Hiện tượng chính quyền địa phương "phấn đấu vào danh sách xã nghèo, hộ nghèo", ỷ lại trông chờ vào cấp trên vẫn còn đang tiếp diễn.
- Các nguồn lực về tài chính trong chương trình XĐGN đã được tăng lên theo thời gian nhưng so với nhu cầu vẫn thấp. Đầu tư, quản lí, sử dụng vốn của ngân sách chưa minh bạch, còn để thất thoát.
- Người nghèo vẫn chưa được bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, nhất là dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
- Ban chỉ đạo XĐGN ở cấp tỉnh và huyện được hình thành gồm nhiều cơ quan, đoàn thể nhưng hoạt động chưa đều. Sự phối kết hợp giữa các ngành thành viên Ban chỉ đạo chưa chặt chẽ. Nhiều thành viên tham gia kiêm chức, không ổn định, tham gia theo kiểu cho đủ ban ngành.
- Nguồn nhân lực cho thực hiện chương trình còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm làm công tác XĐGN. Cán bộ chuyên trách làm công tác XĐGN hiện nay chủ yếu là ngành LĐ-TB&XH, ở cấp tỉnh chỉ có 4 cán bộ chuyên trách, ở cấp huyện chỉ có cán bộ bán chuyên
trách theo dõi công tác XĐGN, ở cấp xã hiện nay trên toàn tỉnh chưa có xã nào bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi công tác XĐGN.
- Lồng ghép các dự án chính sách để XĐGN chưa tốt. Mỗi ngành quản lý một mảng việc của chương trình, tổ chức thực hiện theo "kiểu, cách" riêng của công việc đó làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự đồng nhất thực hiện chương trình XĐGN ở tỉnh Thanh Hoá.
- Tình trạng một số chỉ tiêu trong báo cáo của các ngành, địa phương không có số liệu hoặc không gửi báo cáo đúng yêu cầu vẫn xảy ra; các báo cáo mang tính liệt kê số liệu, chưa có sự phân tích đánh giá đầy đủ dẫn đến chất lượng đánh giá sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân điển hình còn hạn chế.
2.3.3. Những vấn đề đang đặt ra cho hoạt động xoá đói giảm nghèo trong thời gian tới ở tỉnh Thanh Hoá
- Tình trạng nghèo vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt và trên diện rộng ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển và đặc biệt cao ở vùng đồng bào dân tộc ít người sinh sống do đây là những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình cách biệt, khả năng tiếp cận với các điều kiện sản xuất còn nhiều hạn chế, hạ tầng cơ sở kém phát triển, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và thiên tai xảy ra thường xuyên.
- Số hộ nghèo dân tộc thiểu số là những hộ rất khó vươn lên thoát nghèo nếu không có cơ chế chính sách riêng để trợ giúp các hộ này. Hầu hết các hộ này là những hộ đã nằm trong chuẩn mực nghèo giai đoạn 2001-2005 thuộc diện bao phủ của chương trình XĐGN giai đoạn 2001-2005 nhưng chưa thoát nghèo được.
- Do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá dẫn đến nghèo trong khu vực đô thị có xu hướng lan rộng và khó xoá. Người nghèo ở các đô thị của tỉnh dễ bị tổn thương do sống phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu nhập bằng các nghề không ổn định.
- Chuẩn nghèo hiện nay cao hơn rất nhiều so với chuẩn nghèo cũ. Vì vậy để hoạt động XĐGN có hiệ u quả, tỉnh Thanh Hoá cần phải tìm các động
lực mới, cần có sự đầu tư và biện pháp tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa trong giai đoạn 2006-2010.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, để tiếp tục XĐGN ở tỉnh Thanh Hoá trong thời gian từ nay đến năm 2010 đạt kết quả tốt hơn, cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:
- Hỗ trợ người nghèo tìm kiếm việc làm, phát triển kinh tế hộ để tăng thu nhập.
- Hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện để người nghèo tham gia đầy đủ vào quá trình phát triển sản xuất.
- Nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng ở nông thôn, đặc biệt là đầu tư xây dựng đủ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
- Tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, người dân về thực hiện chương trình giảm nghèo.
Tăng cường dân chủ cơ sở, các cuộc đối thoại giữa chính quyền địa phương và cộng đồng người nghèo.
- Hoàn thiện các chỉ tiêu, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện giảm nghèo.
Kết luận chương 2:
Chương 2 trình bày được ba nội dung chính: một là, nêu những đặc điểm cơ bản của tỉnh Thanh Hoá ảnh hưởng đến đói nghèo và XĐGN ở Thanh Hóa; hai là, đánh giá rõ thực trạng và nguyên nhân đói nghèo, những thành tựu, hạn chế của hoạt động XĐGN trong thời gian qua ở tỉnh Thanh Hóa; ba là, thấy được những vấn đề đang đặt ra cần giải quyết để thực hiện mục tiê u XĐGN trong thời gian tới ở Thanh Hóa.
Việc trình bày các nội dung cơ bản của chương 2 đã góp phần hoàn thành mục đích cơ bản là:
- Đặt hiện tượng đói nghèo và hoạt động XĐGN trong môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội và chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa. Điều đó tạo điều kiện
nâng cao tính khách quan khi đánh giá thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra. Từ đó tạo cơ sở làm rõ mặt mạnh, thời cơ cũng như mặt yếu, thách thức của hoạt động XĐGN ở Thanh Hóa trong thời gian tới.
- Làm rõ được quy mô, mức độ, cơ cấu và nguyên nhân đói nghèo, càng cho thấy đói nghèo gắn với không gian và thời gian cụ thể. Các phân tích của chương 2 tạo khả năng cho việc đề ra định hướng và xây dựng những giải pháp tiếp tục XĐGN ở Thanh Hóa trong thời gian tới được sát thực, có tính khả thi.
Chương 3
ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TIẾP TỤC XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO
Ở TỈNH THANH HOÁ ĐẾN NĂM 2010