2.1.1. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên
- Về vị trí địa lý kinh tế
Thanh Hóa là một trong những cái nôi đầu tiên xuất hiện con người và là một tỉnh rộng lớn, nằm ở phía Bắc Trung Bộ, cách Hà Nội 153 Km về phía Nam; có diện tích tự nhiên 11.116,34 km2 (xếp thứ 2 về diện tích trong cả nước, sau Nghệ An). Phía Bắc giáp các tỉnh: Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình;
phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); phía Nam giáp tỉnh Nghệ An; phía Đông giáp biển Đông. Thanh Hóa nằm ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, có một vị trí rất thuận tiện, có đường sắt và quốc lộ 1A, quốc lộ 10 chạy qua vùng đồng bằng và ven biển của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi giao lưu với các tỉnh và thành phố khác trong cả nước; có đường chiến lược 15A, đường Hồ Chí Minh xuyên suốt vùng trung du và miền núi của tỉnh nối các miền trong cả nước; có đường 217 nối liền tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Phía Đông tỉnh có dải bờ biển dài 102 km với khu vực Nghi
Sơn chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn về giao lưu quốc tế mà hiện nay tỉnh chưa có điều kiện khai thác. Trong thời gian tới, khi giao lưu quốc tế được mở ra trực tiếp trên địa bàn Thanh Hóa, đây sẽ là một nhân tố mới đột phá làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Do vị trí địa lý, Thanh Hóa là tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của những tác động từ khu vực trọng điểm kinh tế phía Bắc và các vùng trọng điểm kinh tế Trung bộ. Với sự tác động tổng hợp của các vùng trên, Thanh Hóa có thể huy động tốt nguồn lực để phát triển kinh tế và XĐGN.
Nhìn chung địa hình Thanh Hoá nghiêng theo hướng Đông Đông Nam chia thành 3 vùng rõ rệt:
+ Vùng núi, trung du: gắn liền với hệ núi cao phía Tây Bắc và hệ núi Trường Sơn phía Nam, bao gồm 11 huyện: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Thường Xuân, Quan Hoá, Quan Sơn, Mường Lát.
+ Vùng đồng bằng: được hội tụ bởi các hệ thống sông Mã, sông Yên, bao gồm các huyện: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Thiệu Hoá, Yên Định, Đông Sơn, Nông Cống, Hà Trung, Thành phố Thanh Hóa, Thị xã Bỉm Sơn.
+ Vùng ven biển: từ Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Sầm Sơn, Quảng Xương đến Tĩnh Gia, chạy dọc theo bờ biển gồm vùng sình lầy ở Nga Sơn và các cửa sông Hoạt, sông Mã, sông Yên, sông Bạng.
Bờ biển dài, tương đối bằng phẳng, có bãi tắm nổi tiếng Sầm Sơn, có những vùng đất đai rộng lớn thuận lợi cho việc lấn biển, nuôi trồng thuỷ sản, phân bố các khu dịch vụ, khu công nghiệp, phát triển kinh tế biển (như ở Nga Sơn, khu dịch vụ du lịch biển Nam Sầm Sơn, khu công nghiệp Nghi Sơn...).
Miền núi và trung du chiếm diện tích trên 8000 km2, đồng bằng và ven biển trên 3000 km2. Đặc điểm địa hình Thanh Hóa khá phong phú và đa dạng cho phép phát triển nông, lâm, ngư nghiệp toàn diện, dễ dàng chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành, có nhiều cảnh quan thiên nhiên, rừng, biển, đồng bằng để phát triển du lịch, dịch vụ. Độ cao chênh lệch giữa các vùng miền núi, trung du, đồng bằng với các hệ thống sông, suối tạo ra một tiềm năng
thuỷ lợi, thuỷ điện lớn là điều kiện thuận lợi để khai thác phục vụ cho sản xuất và đời sống. Tuy nhiên đặc điểm về địa hình của Thanh Hóa đã tạo ra sự chênh lệch giữ hai vùng (miền xuôi và miền núi) về điều kiện sinh hoạt, trình độ sản xuất và thu nhập khá lớn, ảnh hưởng không ít đến tình trạng đói nghèo và hoạt động XĐGN của tỉnh.
- Về khí hậu
Thanh Hóa nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt cao, có mùa đông lạnh, có gió tây khô nóng, chịu nhiều ảnh hưởng của bão, bão đổ bộ nhiều nhất vào tháng 7-9 hàng năm gây nên mưa to. Lượng mưa phân bố không đều trên các vùng lãnh thổ. Mùa mưa thường kéo dài 6 tháng (tháng 5- 10), các tháng mưa nhiều nhất là tháng 8-10, tập trung đến 60-80% lượng mưa của cả năm, dễ gây ra lũ lụt, nhất là ở những vùng có địa hình thấp như Hà Trung, Thạch Thành… Mùa khô hanh thường gây nên hạn hán, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Chỉ sau một vụ hạn hoặc lụt bão, nhiều hộ gia đình đang khá hoặc mới thoát nghèo có thể lại rơi vào cảnh đói nghèo.
- Về tài nguyên
+ Diện tích đất tự nhiên của Thanh Hóa là 1.111.634 ha, gồm 10 nhóm đất chính với 28 loại đất khác nhau, trong đó diện tích đất đã sử dụng chiếm 68,1% (sử dụng vào sản xuất nông nghiệp chiếm 25%), diện tích đất có rừng chiếm 36,3%. Khả năng mở rộng diện tích để phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của Tỉnh Thanh Hóa còn khá lớn: 268.230 ha đất trống đồi núi trọc (24% diện tích tự nhiên) có thể phát triển lâm nghiệp, 12.790 ha đất bãi bồi đã ổn định, 10.386 ha đất mặt nước lợ có khả năng nuôi trồng thuỷ sản…
+ Rừng và nghề rừng vốn là một thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa. Theo số liệu thống kê, tổng diện tích đất có rừng gần 336 ngàn ha (chiếm 31% diện tích tự nhiên). Rừng Thanh Hóa có nhiều loại gỗ quý hiếm như pơ mu, sa mu, lim xanh, lát, sến... và nhiều loại lâm đặc sản như quế, cánh kiến, song mây, cây dược liệu khác... đã từng nổi tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Động vật rừng có các loài như voi, bò tót, nai, hoẵng, vượn, khỉ, lợn rừng, các loài bò sát, các loài chim, ong rừng... đặc biệt ở vùng tây nam Thanh Hoá có
rừng quốc gia Bến En, nơi tồn trữ và bảo vệ các nguồn gien quý động vật, thực vật, đồng thời là một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.
- Khoáng sản Thanh Hóa rất đa dạng có tới 250 điểm, 42 loại, nhiều loại có trữ lượng lớn so với cả nước như, đá vôi xi măng, đá ốp lát, sét làm xi măng, gạch ngói, crôm, sécpentin, đôlômit...
- Nguồn nước ở tỉnh Thanh Hóa dồi dào bao gồm cả nước mặt và nước ngầm, có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.
Có 4 hệ thống sông chính là: sông Hoạt, sông Mã, sông Bạng, sông Yên.
Mạch nước ngầm (nước dưới đất) khá phong phú cả về trữ lượng và chủng loại.
- Thanh Hóa có 102 km bờ biển hình cánh cung, chạy dài từ cửa Càn (Nga Sơn) đến Hà Nẫm (huyện Tĩnh Gia) và vùng lãnh hải rộng lớn diện tích 1,7 vạn km2 chịu ảnh hưởng chi phối bởi các dòng hải lưu nóng và lạnh tạo thành những bãi cá, bãi tôm có trữ lượng lớn so với các tỉnh phía Bắc. Dọc bờ biển có 5 cửa lạch lớn, lạch Sung, lạch Trường, lạch Hới, lạch Bạng và lạch Ghép, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thuỷ, cho tàu thuyền đánh cá ra vào, là bến đậu, là nơi tụ điểm giao lưu kinh tế, đã và đang trở thành những cụm điểm, những trung tâm nghề cá của tỉnh.
Tất cả những đặc điểm về tự nhiên của Thanh Hóa nêu trên đều có ảnh hưởng lớn, trực tiếp hoặc gián tiếp tới số lượng, cơ cấu đói nghèo và việc thực hiện chương trình XĐGN của tỉnh.
2.1.2. Đặc điểm kinh tế
Đặc điểm nổi bật của kinh tế Thanh Hoá là dựa trên nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp nhỏ bé, dịch vụ và giao lưu hàng hoá chậm phát triển. Dân cư sống chủ yếu ở nông thôn, nghề nông (nông, lâm, ngư) chiếm trên 90% dân số toàn tỉnh. Đây là đặc điểm tác động trực tiếp đến việc phát triển KT-XH, tác động trực tiế p đế n XĐGN ở Thanh Hoá.
- Về tăng trưởng kinh tế:
+ Giai đoạn 1996–2000, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng với tốc độ cao hơn, bình quân 7,30%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 291 USD.
+ Giai đoạn 2001–2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,1%; GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 430 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2000. Giá trị gia tăng công nghiệp-xây dựng tăng bình quân:
15,1%/năm; các ngành dịch vụ: 8,1%/năm; nông-lâm-ngư nghiệp: 4,4%/năm.
Sản lượng lương thực năm 2004 đạt 1,57 triệu tấn.
Biểu 2.1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các giai đoạn
1991 – 1995 1996 – 2000 2001 – 2005
Cả nước 8,19 6,94 7,5
Thanh Hóa 6,70 7,30 9,1
Nguồn: Bộ kế hoạch & Đầu tư, Cục Thống kê Thanh Hóa, Sở Kế hoạch & Đầu tư Thanh Hóa.
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 10 năm (1996–2005) ở Thanh Hóa cao hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước nhưng thu nhập bình quân đầu người thực tế ở Thanh Hóa thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Hiện nay, GDP bình quân đầu người ở Thanh Hóa chỉ có 430 USD, như vậy là quá thấp, chỉ bằng 67% GDP bình quân đầu người trong cả nước (640 USD).
- Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Biểu 2.2: Cơ cấu kinh tế theo ngành của Thanh Hóa
(tính theo GDP, giá hiện hành) Đơn vị: % Tổng số Nông, Lâm,
Ngƣ nghiệp
Công nghiệp,
Xây dựng Dịch vụ
Năm 1990 100,0 51,6 17,8 30,6
Năm 1995 100,0 46,0 20,1 33,9
Năm 2000 100,0 39,6 26,6 33,8
Năm 2005 100,0 31,6 35,1 33,3
Nguồn: Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê Thanh Hóa, Sở Kế hoạch & đầu tư Thanh Hóa
Từ năm 1990 đến năm 2005, cơ cấu ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 17,8% lên 31,6%, dịch vụ tăng từ 30,6% lên 33,3%, nông-lâm-ngư nghiệp giảm từ 51,6% xuống 31,6%. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế qua các năm tuy có diễn biến theo đúng xu hướng chung của cả nước là giảm tỷ trọng nông- lâm-ngư nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ, song tốc độ chuyển đổi còn chậm, chưa thật hợp lý so với nền kinh tế chung của cả nước.
- Về mức độ trao đổi hàng hoá của nền kinh tế tỉnh đối với thị trường nước ngoài:
Tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ năm 2005 đạt 105,3 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, nặng về thu gom, chưa có mặt hàng chủ lực, phần lớn là nông sản chưa qua chế biến (chiếm tới 70%).
Tổng giá trị hàng hoá nhập khẩu bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 36,65 triệu USD/năm. Các chỉ tiêu phản ánh mức độ trao đổi hàng hoá của kinh tế Thanh Hóa đối với thị trường trong nước và quốc tế nhìn chung còn ở mức thấp.
- Về tình hình đầu tư xây dựng cơ bản:
Trong 5 năm 2001-2005, tổng vốn huy động cho đầu tư xây dựng cơ bản toàn tỉnh đạt 21.300 tỷ đồng, bình quân 4.260 tỷ/năm. Năm 2005, đạt 5.810 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương chiếm 25,2%, vốn địa phương chiếm 74,3% và vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5% (năm 2000: 35,5%). Cơ cấu huy động vốn đầu tư có những thay đổi đáng kể, tỷ lệ huy động đầu tư ngoài ngân sách ngày một tăng.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản nhìn chung đúng hướng, nhiều công trình đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên công tác xây dựng cơ bản còn những tồn tại yếu kém. Tiến độ thi công nhiều công trình còn chậm nên hiệu quả chưa cao, có một số công trình hiệu quả còn thấp.
- Về thu chi ngân sách:
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt khoảng 978 tỷ đồng/năm, gấp 1,8 lần so với thời kỳ 1996-2000.
Tổng chi ngân sách bình quân hàng năm trong thời kỳ 2001-2005 là trên 3.000 tỷ đồng, năm 2005: 3.921 tỷ đồng, gấp 3 lần tổng thu ngân sách, như vây là thu không đủ chi.
2.1.3. Đặc điểm xã hội
- Về dân số-lao động-việc làm:
Dân số hiện nay khoảng gần 3,7 triệu người, xếp thứ 2 về dân số trong cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh), gồm có các dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ mú, Tày... Tốc độ tăng dân số đến năm 2005 còn 1,03%. Mật độ dân số trung bình: 330 người/km2. Tuổi thọ bình quân của người dân: 72,3 tuổi. Về tổ chức hành chính gồm 24 huyện, 1 thành phố cấp II (Thành phố Thanh Hóa), 2 thị xã (Bỉm Sơn và Sầm Sơn), với tổng số: 633 xã, 29 thị trấn, 20 phường, trong đó 220 xã thuộc miền núi (có 105 xã thuộc vùng núi cao). Dân số thành thị chiếm 9,75% dân số toàn tỉnh (Niên giám thống kê Thanh Hóa, năm 2004).
Dân số Thanh Hóa thuộc loại dân số trẻ và đông, do đó nguồn lao động khá dồi dào (khoảng 2 triệu lao động). Lực lượng lao động trong khu vực sản xuất vật chất chiếm đa số, lao động dịch vụ còn thấp so với tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân của tỉnh. Lao động trong ngành nông nghiệp hiện nay chiếm tỷ trọng khá lớn (trên 80%).
Toàn tỉnh hiện có gần 30 ngàn người trong độ tuổi lao động không có việc làm hoàn toàn và khoảng 80 ngàn người không có việc làm ổn định. Do đó giải quyết việc làm cho người lao động đang là một vấn đề bức xúc trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Về chất lượng lao động, năm 2005, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn của tỉnh mới đạt 27%, trong đó: Đại học, Cao đẳng, THCN chiếm 13%, công nhân kỹ thuật có nghề chiếm 14%.
Tính ổn định của việc làm và có thu nhập đều đặn chưa được khẳng định, tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm còn cao, đang là một áp lực lớn; chất lượng lao động thấp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và cạnh tranh trong thị trường sức lao động. Công tác đào tạo nghề chưa tạo sự chuyển biến tích cực cả về quy mô, hình thức, chất lượng và hiệu quả.
- Về giáo dục:
+ Quy mô giáo dục tăng nhanh đang được điều chỉnh dần cho phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH và đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các địa phương. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả giáo dục nhìn chung còn thấp so với yêu cầu. Vẫn chưa khắc phục được tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh, thiếu cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực. Hiện tượng quá tải như: số lượng học sinh trên một lớp học, số giờ của giáo viên ở cấp trung học đang là phổ biến ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Tình trạng thiếu về số lượng và bất cập về cơ cấu đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên trung học đang là hiện tượng phổ biến. Cơ sở vật chất nhìn chung vẫn đang trong tình trạng bức xúc, tốc độ kiên cố hoá chậm và quá thiếu so với yêu cầu tối thiểu trong học tập và giảng dạy. Chưa có cơ chế mạnh dạn để đổi mới về cơ sở vật chất, vì vậy số phòng học tranh tre, phòng học cấp bốn còn chiếm tỷ lệ cao và thiếu nghiêm trọng về đồ dùng dạy học, ngay cả ở những trường chất lượng cao.
- Về y tế, bảo vệ sức khoẻ:
Năm 2005, Thanh Hóa có 34 cơ sở điều trị và điều dưỡng công lập, có 630 trạm y tế tuyến xã phường. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có có trạm y tế:
98,2%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ: 56,6%. Nhìn chung cơ sở vật chất trong các cơ sở bệnh viện còn quá thiếu chưa đảm bảo yêu cầu tối thiểu để hoạt động nhất là tuyến huyện. Bệnh viện huyện thiếu diện tích sử dụng và tỷ lệ nhà kiên cố chỉ có 31%. Trình độ cán bộ chuyên môn chưa tương xứng với các tuyến điều trị, đội ngũ nhân viên phục vụ không đồng bộ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ bệnh nhân
- Về lịch sử-văn hoá:
Đây là miền đất có nền văn hoá Đông Sơn, nơi sinh ra các anh hùng hào kiệt và các danh nhân (Lê Hoàn, Lê Lợi, Triệu Thị Trinh, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ...) đã để lại nhiều dấu ấn và di tích. Có những di tích đã được Chính phủ phê duyệt cho trùng tu, tôn tạo ở quy mô quốc gia như khu Lam Kinh, thành Nhà Hồ, có di tích chỉ mới nói đến tên gọi đã có sức hấp dẫn đặc
biệt như Hàm Rồng - Đông sơn, nhất là những địa danh như thế lại ở ngay thành phố hoặc gần các khu công nghiệp và vùng kinh tế trọng điểm đang được hình thành và phát triển.
Sự gắn bó giữa thiên nhiên có vị trí cảnh quan đẹp với các địa danh và di tích lịch sử là động lực thúc đẩy ngành dịch vụ du lịch Thanh Hóa phát triển vượt lên trong giai đoạn sắp tới.
Ngoài các nguồn lực trên, các cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp được xây dựng là những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh trong điều kiện kinh tế thị trường một cách mạnh mẽ.
Những phân tích trên cho thấy, tuy Thanh Hóa có nhiều tiềm năng về con người và tài nguyên thiên nhiên nhưng cơ chế và điều kiện huy động còn hạn chế, chưa biến được các tiềm năng thành khả năng hiện thực. Vì vậy công tác XĐGN ở Thanh Hóa hiện nay vẫn còn là một công việc khó khăn, lâu dài;
đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội và mọi người dân cùng tham gia để phát huy nội lực; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài, khai thác triệt để những thế mạnh của tỉnh để phát triển KT-XH và XĐGN vững chắc.