7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Thời hạn thụ lý đơn khởi kiện, yêu cầu giải quyết việc dân sự
2.1.1.1. Thời hạn thụ lý đơn khởi kiện
Thụ có nghĩa là nhận lấy, lý có nghĩa là giải quyết. Do vậy thụ lý có nghĩa là Tòa án nhận yêu cầu của đương sự và giải quyết yêu cầu đó.
Trong tiến trình tố tụng, thụ lý vụ án là công việc đầu tiên của hoạt động tố tụng dân sự tại Tòa án, nếu không thụ lý vụ án thì sẽ không có các bước tiếp theo của quá trình thực hiện tố tụng, thụ lý chính là quá trình nhận đơn và xem xét các điều kiện để Tòa án tiến hành giải quyết vụ án hay trả lại đơn khởi kiện cho đương sự. Thời điểm Tòa án thụ lý vụ án là thời điểm xác định trách nhiệm pháp lý của Tòa án, đồng thời là thời điểm bắt đầu tính thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định của BLTTDS.
Để Tòa án xem xét việc thụ lý đơn khởi kiện, trước hết người khởi kiện phải gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Theo quy định tại Điều 166 BLTTDS, người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng phương thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án qua con đường bưu điện, ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi [18].
Đơn khởi kiện là văn bản của người khởi kiện chủ động đưa tranh chấp ra Tòa án giải quyết. Tòa án có trách nhiệm nhận đơn khởi kiện của các đương
sự nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện và xem xét giải quyết chúng.
Theo Điều 167 BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/21/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai "Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm" của BLTTDS thì khi nhận đơn do đương sự trực tiếp đến nộp, Tòa án phải ghi vào góc trái của đơn ngày tháng năm nhận đơn để xác định ngày tháng năm khởi kiện chính là ngày Tòa án nhận đơn. Cán bộ Tòa án phải ghi việc nhận đơn và chứng cứ kèm theo vào sổ nhận đơn và phải lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ, biên bản về việc giao nhận chứng cứ phải được người có thẩm quyền ký tên xác nhận và đóng dấu của Tòa án. Đối với trường hợp đương sự gửi đơn qua đường bưu điện, Tòa án ghi ngày tháng năm nhận đơn vào góc trái của đơn, đồng thời xác định ngày khởi kiện chính là ngày trên dấu bưu điện nơi gửi. Phong bì có dấu bưu điện nơi gửi phải đính kèm với đơn. Trường hợp "không xác định được ngày tháng năm theo dấu bưu điện" thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến, cán bộ Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn đồng thời đối chiếu những tài liệu gửi kèm với bảng kê tài liệu gửi, nếu thấy chứng cứ nào còn thiếu thì phải thông báo ngay cho đương sự để họ bổ sung. Trong sổ nhận đơn ghi rõ ngày tháng năm nhận đơn khởi kiện, ngày tháng năm viết đơn, tóm tắt nội dung đơn.
Sau đó Tòa án phải cấp giấy báo nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu nhận đơn qua đường bưu điện thì Tòa án phải gửi giấy báo qua đường bưu điện [24]. Quy định này nhằm tránh tình trạng Tòa án không vào sổ để giải quyết ngay dẫn đến sự việc không được xử lý gây bức xúc cho người dân.
Điều 167 BLTTDS quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây [18]:
+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện biết, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Như vậy, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và ra quyết định tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc Tòa án đã thụ lý vụ án, đây mới chỉ là tiến hành thủ tục thụ lý vụ án mà thôi. Tòa án chỉ thực sự thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo. Do đó thời hạn thụ lý vụ án có thể là trong vòng 5 ngày, cũng có thể là 5 ngày cộng thêm 15 ngày (là thời hạn đương sự phải nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án sau khi Tòa án đã tạm tính và thông báo cho đương sự số tiền tạm ứng án phí phải nộp).
Sau khi đã thụ lý vụ án, có một việc rất quan trọng mà Tòa án phải tiến hành, đó là việc phân công Thẩm phán phụ trách giải quyết. Khoản 1 Điều 172 BLTTDS quy định: trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán giải quyết vụ án. Như vậy, mặc dù thời hạn phân công thẩm phán giải quyết vụ án độc lập với thời hạn thụ lý vụ án nhưng có thể thấy rằng nếu chưa có quyết định phân công thẩm phán phụ trách giải quyết thì trên thực tế việc thụ lý vụ án vẫn chưa được coi là hoàn thành.
2.1.1.2. Thời hạn yêu cầu giải quyết việc dân sự
Việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh
doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Sau khi người yêu cầu giải quyết việc dân sự có đơn yêu cầu gửi đến Tòa án có thẩm quyền, Tòa án kiểm tra đơn yêu cầu, hướng dẫn cho người có yêu cầu nộp đơn đúng nội dung và hình thức quy định của pháp luật; nộp lệ phí đúng quy định.
Bộ luật Tố tụng dân sự không có quy định cụ thể về thủ tục thụ lý việc dân sự cũng như không quy định về phương thức gửi đơn yêu cầu, thủ tục nhận đơn yêu cầu, trả lại đơn, yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu, khiếu nại và giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn yêu cầu, thụ lý, phân công thẩm phán giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên áp dụng Điều 311 BLTTDS Tòa án có thể vận dụng các quy định tương tự về thủ tục thụ lý vụ án dân sự để thụ lý giải quyết yêu cầu.
Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự, Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu (Điều 311, Điều 167 BLTTDS), Tòa án phải xem xét để có một trong các quyết định sau [18]:
+ Thụ lý việc dân sự, nếu việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mình;
+ Chuyển đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người gửi đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự biết, nếu việc dân sự đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác (Điều 311, Điều 167 BLTTDS);
+ Trả lại đơn yêu cầu cho người yêu cầu, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Sau khi nhận được đơn yêu cầu do người yêu cầu nộp trực tiếp tại Tòa hoặc gửi qua đường bưu điện, Tòa án phải xem xét đơn yêu cầu và kiểm tra các điều kiện để thụ lý: điều kiện về năng lực hành vi tố tụng dân sự của
người yêu cầu; điều kiện về thời hiệu giải quyết việc dân sự; điều kiện về thẩm quyền của Tòa án; điều kiện về hình thức và nội dung đơn yêu cầu; điều kiện về nộp biên lai nộp tiền tạm ứng lệ phí…
Sau khi kiểm tra, nhận thấy đơn yêu cầu đã đúng và đầy đủ các điều kiện về nội dung và hình thức, Tòa án sẽ xác định tiền tạm ứng lệ phí và thông báo cho người có yêu cầu nộp tiền tạm ứng lệ phí tại cơ quan thi hành án cùng cấp trừ trường hợp được miễn lệ phí hoặc miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí (khoản 2 Điều 130 BLTTDS). Trong thời hạn 15 ngày (Điều 171, Điều 311 BLTTDS) kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, người nộp đơn yêu cầu phải nộp tiền lệ phí. Khi người yêu cầu xuất trình biên lai nộp tạm ứng lệ phí, Tòa án sẽ ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu. Nếu người yêu cầu được được miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí hoặc miễn nộp lệ phí, Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu, kể từ ngày chấp nhận đơn yêu cầu.
Như vậy, cũng giống như thời hạn thụ lý vụ án dân sự, thời hạn thụ lý việc dân sự cũng có thể là trong vòng 5 ngày làm việc, mà cũng có thể là trong thời hạn 5 ngày cộng 15 ngày làm việc.