Thời hạn chuẩn bị mở phiên tòa, phiên họp

Một phần của tài liệu Thời hạn tố tụng dân sự luận văn ths luật 60 38 30 pdf (Trang 52 - 59)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.2. Thời hạn chuẩn bị mở phiên tòa, phiên họp

Điều 258 BLTTDS hiện hành quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử (thời hạn mở phiên tòa). Các thời hạn quy định trong Điều này đều được tính trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Tùy từng trường hợp cụ thể, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được xác định như sau:

- Trường hợp có quyết định đưa vụ án ra xét xử

+ Nếu không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là 2 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án.

+ Nếu phải kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan, thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm tối đa là 3 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án.

+ Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp Phúc thẩm" mà phiên tòa không được mở trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng, thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với từng trường hợp được cộng thêm tối đa là một tháng nữa [25].

Nếu như thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm được chia làm hai trường hợp với thời hạn khác nhau (4 tháng cộng 2 tháng gia hạn đối với các tranh chấp tại Điều 25 và 27; 2 tháng cộng 1 tháng gia hạn đối với các tranh chấp tại Điều 29 và 31) thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm chỉ là 2 tháng cộng 1 tháng gia hạn cho tất cả các loại tranh chấp. Quy định như vậy xuất phát từ tính chất khác biệt giữa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm; ngoài ra thường thì khi bản án, quyết định dân sự sơ thẩm bị kháng cáo thì đồng nghĩa với việc đương sự cho rằng, kết luận trong bản án, quyết định là không đúng đắn nên cần phải được xét xử lại và trong trường hợp này thì cần phải xét xử vụ án nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo sự đúng đắn, khách quan, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên.

- Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định tạm đình chỉ. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm bắt đầu tính lại, kể từ ngày Tòa án

cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn nữa.

- Về gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

Đối với những vụ án phức tạp hoặc do trở ngại khách quan quy định tại khoản 1 Điều 285 BLTTDS hiện hành mà thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm gần hết (thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm còn lại không quá 5 ngày) và Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa thấy rằng vụ án phức tạp nên chưa thể đưa ra được một trong số những quyết định quy định tại khoản 1 Điều 258 BLTTDS, thì cần phải báo ngay với Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm để ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm không được quá thời hạn quy định tại đoạn cuối khoản 1 Điều 258 BLTTDS và hướng dẫn tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012. Hết thời hạn được gia hạn, Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định quy định tại khoản 1 Điều 258 BLTTDS.

Việc xác định những vụ án có tính chất phức tạp, trở ngại khách quan, lý do chính đáng được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 14 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai "Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm" của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

2.2.2.2. Thời hạn chuẩn bị mở phiên họp

Do BLTTDS trong phần những quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự không quy định cụ thể về thời hạn chuẩn bị mở phiên họp để xét đơn yêu cầu nên về nguyên tắc, từ tính chất của thủ tục giải quyết việc dân sự, thời hạn chuẩn bị mở phiên họp để xét đơn yêu cầu, thời hạn mở phiên họp đối với việc giải quyết việc dân sự ngắn hơn nhiều so với thời hạn chuẩn bị

xét xử, thời hạn mở phiên tòa đối với việc giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 311 BLTTDS:

Tòa án áp dụng những quy định của Chương này, đồng thời áp dụng những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này để giải quyết những việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 26, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28, khoản 1 và khoản 4 Điều 30, khoản 3 Điều 32 của Bộ luật này [18].

thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu có thể được áp dụng theo quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 258 BLTTDS trừ những việc dân sự có quy định riêng.

2.2.3. Thời hạn tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng

Sau khi đương sự nộp đơn kháng cáo phúc thẩm đến Tòa án sơ thẩm, Tòa án sơ thẩm sẽ kiểm tra xem xét tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Nếu đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án sơ thẩm sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho người kháng cáo. Điều 248 BLTTDS quy định cụ thể như sau:

+ Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo bằng văn bản cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm.

Thông báo phải ghi rõ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm phải nộp, nơi nộp tiền, thời hạn nộp tiền và hậu quả của việc không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm được giao trực tiếp hoặc gửi cho người kháng cáo qua bưu điện.

+ Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Nếu hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án

phí phúc thẩm mà không có lý do chính đáng, thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo.

+ Trong trường hợp sau khi hết hạn mười ngày, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và không có tường trình về lý do chậm nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án yêu cầu phải làm bản tường trình nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được coi như kháng cáo quá hạn và Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 của Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012.

Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, nếu người kháng cáo được miễn án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, thì Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành thủ tục thông báo về việc kháng cáo và gửi hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 249 và khoản 1 Điều 255 BLTTDS.

+ Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo (khoản 1 Điều 249 BLTTDS).

+ Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (nếu người kháng cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm) hoặc người kháng cáo nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm Điều 255 BLTTDS.

Việc BLTTDS quy định Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan; Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn năm ngày làm việc…có ý

nghĩa rất quan trọng, thể hiện rõ trách nhiệm của Tòa án sơ thẩm trong việc thông báo văn bản tố tụng một cách sớm nhất, giúp cho quá trình giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, kịp thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các đương sự.

Trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp kháng nghị, thì quyết định kháng nghị phải được gửi ngay cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị để Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục do BLTTDS quy định (khoản 2 Điều 251 BLTTDS);

Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị phải gửi ngay quyết định kháng nghị cho đương sự có liên quan đến kháng nghị.

Thủ tục phúc thẩm vụ án dân sự kết thúc bằng việc Tòa án cấp phúc thẩm ra bản án phúc thẩm (Điều 279 BLTTDS). Việc gửi bản án, quyết định phúc thẩm được quy định cụ thể tại Điều 281 BLTTDS như sau [18]:

+ Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người đã kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo hoặc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

+ Trong trường hợp Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn gửi bản án, quyết định phúc thẩm có thể dài hơn nhưng không quá hai mươi lăm ngày.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Như vậy, qua việc nêu và phân tích các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thời hạn tố tụng, có thể thấy pháp luật về tố tụng đã có những quy định khá đầy đủ, cụ thể về thời hạn giải quyết vụ án dân sự cũng như thời hạn giải quyết việc dân sự. Các quy định về thời hạn giải quyết việc dân sự thường ngắn hơn nhiều so với các quy định về thời hạn giải quyết vụ án dân sự, điều này xuất phát từ tính chất đặc thù của các việc dân sự.

Mặc dù pháp luật về tố tụng đã có những quy định khá đầy đủ, cụ thể về thời hạn tố tụng, tuy nhiên vẫn có một số quy định còn chưa rõ ràng, có thể hiểu hoặc áp dụng theo các cách khác nhau (như thời hạn thông báo việc thụ lý vụ án quy định tại Điều 174 BLTTDS); có trường hợp luật chưa quy định về thời hạn tố tụng (như chưa quy định về thời hạn đương sự phải cung cấp, giao nộp chứng cứ cho Tòa án); cũng có trường hợp quy định về thời hạn chưa hợp lý (thời hạn mở phiên tòa phúc thẩm quy định tại khoản 2 Điều 285 BLTTDS)... Điều này dẫn đến hệ quả là quá trình giải quyết vụ việc dân sự trong nhiều trường hợp sẽ bị ảnh hưởng: ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự; làm giảm chất lượng và hiệu quả trong công tác xét xử của ngành Tòa án. Do đó việc nghiên cứu, trao đổi để sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hạn tố tụng dân sự trong thời gian tới là một nhu cầu tất yếu.

Chương 3

THỰC TIỄN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỜI HẠN TỐ TỤNG DÂN SỰ VÀ KIẾN NGHỊ

3.1. THỰC TIỄN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỜI HẠN TỐ TỤNG DÂN SỰ

Một phần của tài liệu Thời hạn tố tụng dân sự luận văn ths luật 60 38 30 pdf (Trang 52 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)