Thời hạn tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng

Một phần của tài liệu Thời hạn tố tụng dân sự luận văn ths luật 60 38 30 pdf (Trang 40 - 45)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.3. Thời hạn tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng

2.1.3.1 Thời hạn tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng khi giải quyết vụ án dân sự

Thời hạn tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng khi giải quyết vụ án dân sự được bắt đầu khi Tòa án nhận được đơn khởi kiện hoặc sau khi nhận được đơn khởi kiện. Điều 169 BLTTDS quy định:

+ Trong trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 của Bộ luật này thì Tòa án thông báo cho người khởi

kiện biết để họ sửa đổi, bổ sung trong một thời hạn do Tòa án ấn định, nhưng không quá ba mươi ngày; trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể gia hạn, nhưng không quá mười lăm ngày [18].

+ Trong trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 Bộ luật này thì Tòa án tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào phiếu báo và giao cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí [18, Điều 171].

Trong trường người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn mười lăm ngày vì trở ngại khách quan thì theo quy định tại khoản 1 Điều 161 BLDS năm 2005, thời hạn khách quan đó không tính vào thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí; Tòa án phải ấn định cho người khởi kiện trong thời hạn bảy ngày, sau khi hết thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này người khởi kiện mới nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thì giải quyết như sau:

+ Trường hợp chưa trả lại đơn khởi kiện thì Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án.

+ Trường hợp đã trả lại đơn khởi kiện mà người khởi kiện chứng minh được là họ đã nộp tiền tạm ứng án phí đúng thời hạn quy định, nhưng vì trở ngại khách quan nên họ nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án

không đúng thời hạn, thì Thẩm phán yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ kèm theo và tiến hành thụ lý vụ án.

+ Trường hợp sau khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện mới nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, nếu không vì trở ngại khách quan, thì được coi là nộp đơn khởi kiện lại.

Tòa án tiếp tục thụ lý vụ án, nếu còn thời hiệu khởi kiện. Trong trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện, thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho họ.

+ Hết thời hạn bảy ngày mà Tòa án ấn định như nêu ở trên mà người khởi kiện không nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án thông báo cho họ biết về việc không thụ lý vụ án với lý do là họ không nộp tiền tạm ứng án phí.

Sau khi thụ lý vụ án, trong thời hạn ba ngày làm việc Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đồng thời Tòa án cũng thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án thụ lý vụ án.

Việc thông báo cho các đương sự trong thời hạn ba ngày là rất cần thiết để các đương sự biết về việc vụ án đã được thụ lý và các đương sự chủ động trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với Viện kiểm sát, việc Tòa án thông báo thụ lý vụ án không chỉ có ý nghĩa là trách nhiệm của Tòa án theo luật định mà đây cũng thể hiện trách nhiệm của Viện kiểm sát. Kể từ thời điểm được thông báo, Viện kiểm sát có trách nhiệm phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ngay từ giai đoạn thụ lý.

Trong văn bản thông báo phải thể hiện rõ các nội dung cơ bản như:

Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo; tên, địa chỉ Tòa án đã thụ lý vụ án;

tên địa chỉ của người khởi kiện; những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết; danh sách những tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện; thời hạn người được thông báo phải có ý kiến bằng

văn bản nộp cho Tòa án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có; hậu quả pháp lý của việc người được thông báo không nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu.

Thủ tục tố tụng tiếp theo sau khi Tòa án thụ lý vụ án là thủ tục hòa giải. Điều 183 BLTTDS quy định thông báo về phiên hòa giải như sau:

"Trước khi tiến hành phiên hòa giải, Tòa án phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự biết về thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, nội dung các vấn đề cần hòa giải" [18].

Điều luật không quy định cụ thể về thời hạn thông báo phiên hòa giải nhưng căn cứ vào ý nghĩa của công tác hòa giải thì Tòa án sẽ thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự về phiên hòa giải trong thời gian sớm nhất.

Khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải (khoản 2 Điều 186 BLTTDS).

Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp (khoản 1 Điều 187 BLTTDS) [18].

Trong trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án, thì trong thời hạn năm ngày, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử là quyết định được Tòa án đưa ra trong trường hợp hòa giải giữa các bên đương sự không thành; trong trường hợp không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được. Sau khi ra quyết

định đưa vụ án ra xét xử, quyết định này phải được gửi ngay cho các đương sự và cho Viện kiểm sát cùng cấp (khoản 2 Điều 195BLTTDS) [18].

Về cơ bản, việc tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng của Tòa án đều được luật quy định trong một thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, đối với biên bản hòa giải thành và quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự thì BLTTDS không quy định cụ thể thời hạn mà chỉ quy định là gửi ngay cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. Theo tác giả, quy định như vậy là chưa chặt chẽ, gây ra nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau. Thế nào là gửi ngay?

Là gửi trong 1 giờ đồng hồ sau khi có biên bản hoặc có quyết định hay gửi trong buổi sáng/chiều? ngay trong ngày làm việc hay ngày hôm sau? Bởi lẽ việc gửi sớm hay muộn có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, đến việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát…

Bản án dân sự sơ thẩm là văn bản tố tụng cuối cùng trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm. Sau khi ra bản án, trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án. Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp (khoản 2 Điều 241 BLTTDS) [18].

Việc BLTTDS quy định thời hạn Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp là để các chủ thể này xem xét và có thể kháng cáo hoặc kháng nghị bản án lên cấp phúc thẩm theo thời hạn luật định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể.

2.1.3.2. Thời hạn tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng khi giải quyết việc dân sự

Bộ luật Tố tụng dân sự không có quy định cụ thể về thời hạn tống đạt, thông báo thụ lý việc dân sự cũng như không quy định thời hạn phân công thẩm phán giải quyết việc dân sự, thời hạn đương sự phải nộp tạm ứng lệ phí và biên lai nộp lệ phí… Tuy nhiên áp dụng Điều 311 BLTTDS Tòa án có thể

vận dụng các quy định tương tự về thời hạn tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng khi giải quyết việc dân sự.

Ví dụ: Sau khi kiểm tra, nhận yêu cầu giải quyết việc dân sự của người yêu cầu, nếu Tòa án thấy đơn yêu cầu đã đúng và đầy đủ các điều kiện về nội dung và hình thức, Tòa án sẽ xác định tiền tạm ứng lệ phí và thông báo cho người có yêu cầu nộp tiền tạm ứng lệ phí tại cơ quan thi hành án cùng cấp trừ trường hợp được miễn lệ phí hoặc miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí (khoản 2 Điều 130 BLTTDS). Trong thời hạn 15 ngày (Điều 171, Điều 311 BLTTDS) kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, người nộp đơn yêu cầu phải nộp tiền lệ phí. Khi người yêu cầu xuất trình biên lai nộp tạm ứng lệ phí, Tòa án sẽ ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu. Nếu người yêu cầu được được miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí hoặc miễn nộp lệ phí, Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu, kể từ ngày chấp nhận đơn yêu cầu.

Ngoài ra trong phần thứ năm thủ tục giải quyết việc dân sự, BLTTDS cũng có một số quy định về thời hạn tống đạt, thông báo văn bản tố tụng như quy định tại Điều 313, khoản 1 về thông báo quyết định mở phiên họp "Sau khi ra quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, Tòa án phải gửi ngay quyết định này và hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu" [18]; hoặc gửi quyết định giải quyết việc dân sự quy định tại khoản 2 Điều 315 BLTTDS:

"Quyết định giải quyết việc dân sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án có thẩm quyền, người yêu cầu giải quyết việc dân sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định đó trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định" [18].

2.2. THỜI HẠN TỐ TỤNG DÂN SỰ TRONG THỦ TỤC PHÚC THẨM

Một phần của tài liệu Thời hạn tố tụng dân sự luận văn ths luật 60 38 30 pdf (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)