Khái niệm về tính tích cực và tính tích cực học tập

Một phần của tài liệu Tác động của các loại hình kiểm tra đánh giá kết quả học tập đến tính tích cực học tập của học sinh sinh viên ( nghiên cứu trường hợp trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật điện biên ) (Trang 34 - 41)

1.3. Một số vấn đề lý luận cơ bản về tính tích cực học tập

1.3.1. Khái niệm về tính tích cực và tính tích cực học tập

Tính tích cực

Các nhà Tâm lý học Macxit dựa vào triết học Mác - Lênin nghiên cứu vấn đề tính tích cực hoạt động của cá nhân trên lập trường quyết định luận xã hội cho rằng các thái độ hình thành nên trong quá trình phản ánh và trên cơ sở phản ánh sẽ trực tiếp biểu hiện ra ở mức độ hoạt động và ở đặc điểm số lượng, chất lượng của hiệu suất hoạt động [5]. Nhìn nhận tính tích cực theo góc độ này được thể hiện như sau:

Tính tích cực được đề cập và nhấn mạnh như là một đặc điểm chung của sinh vật sống, là động lực đặc biệt của mối liên hệ giữa sinh vật sống và hoàn cảnh, là khả năng đặc biệt của tồn tại sống giúp cơ thể thích ứng với môi trường [43, 20].

Tính tích cực gắn liền với hoạt động và hoàn cảnh bên ngoài, nó được biểu hiện như sau:

+ Nó gắn liền với sự hoạt động, được thể hiện như là động lực để hình thành và hiện thực hoá hoạt động.

+ Ở mức độ cao, nó thể hiện ở tính chế ước, chế định trạng thái bên trong của chủ thể.

+ Nó thể hiện sự thích ứng một cách chủ động với hoàn cảnh, môi trường sống bên ngoài [43; 21].

Như vậy, tính tích cực được nghiên cứu trong mối quan hệ với hoạt động, nó làm xuất hiện động lực thúc đẩy con người hoạt động có hiệu quả. Vì vậy tính tích cực có các tính chất sau:

26

+ Hoạt động phản ứng – Sự hoạt động của trạng thái bên trong của chủ thể với môi trường.

+ Hoạt động ý chí thể hiện tính độc lập của chủ thể với môi trường.

+Tính chất vượt khó khăn, trở ngại trong mọi hoàn cảnh theo mục đích của chủ thể.

+ Tính ổn định - bền vững của hoạt động tạo thành kiểu phản ứng đối với môi trường bên ngoài của chủ thể [43; 21].

Dựa trên học thuyết của các tác giả kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, các nhà Tâm lý học đã nghiên cứu vấn đề tính tích cực hoạt động của cá nhân trên lập trường quyết định luận xã hội và theo các xu hướng sau:

Xu hướng thứ 1: Tính tích cực được xem xét từ góc độ chức năng, vai trò của chủ thể đối với thế giới bên ngoài. Các tác giả cho rằng sự phát triển tính tích cực là sự phức tạp hoá dần các chức năng tính tích cực của chủ thể [7].

Xu hướng này đã vạch ra ba biểu hiện của tính tích cực:

+ Tính tích cực thể hiện tính chủ định của ý thức, tính chủ động của chủ thể với thế giới bên ngoài - đó là thước đo tính chủ động của chủ thể. Giới hạn phía trên của nó là tính tích cực tuyệt đối còn giới hạn dưới là tính bị động hoàn toàn.

+ Tính tích cực là thông số đo sự chuyển động, sự biến đổi hoạt động tâm lý của chủ thể gắn liền với việc tiêu hao năng lượng tâm lý và sinh lý. Tính tích cực thực hiện chức năng chỉ báo hoạt động của con người, con người có tính tích cực là con người đang hoạt động.

+ Tính tích cực thực hiện chức năng biểu hiện sự thích nghi mà cao hơn là sự thích ứng, sự cải tạo và sáng tạo của chủ thể với thế giới bên ngoài. Khi nói đến tính tích cực là phải nói đến khía cạnh chủ thể không chỉ thích ứng mà còn sáng tạo trong thế giới bên ngoài như thế nào.

Xu hướng thứ 2: Xem tính tích cực gắn với hành động và được thể hiện trong các mức độ lĩnh hội khác nhau đó là chỉ số đo tính tích cực của chủ thể [21].

27

+ Ở góc độ phát triển của tính tích cực, các mức độ tiến hoá của hành động đánh dấu thể hiện mức độ phát triển của tính tích cực. Nó gồm bốn mức độ hành động vật chất để nâng dần tính tích cực của hành động cá nhân .

+ Ở góc độ phát sinh cá thể, tính tích cực được thể hiện trong hoạt động và mức độ phát triển tính tích cực được đánh giá qua mức độ lĩnh hội hoạt động của trẻ em từ nhỏ đến lớn. Theo tác giả có 3 mức độ thể hiện tính tích cực như : Các hành động bắt chước, các hành động làm theo mẫu của người lớn và bạn bè một cách có ý thức, các hành động độc lập và sáng tạo.

Xu hướng thứ 3: Nhìn nhận tính tích cực qua các dấu hiệu của chúng. Theo hướng này, các tác giả cho rằng tính tích cực của trẻ thông qua những dấu hiệu nhất định cũng như vạch ra những dấu hiệu, những biểu hiện và các thành tố tâm lý đặc trưng của tính tích cực [20; 44].

Các tác giả đều thống nhất cho rằng những thành tố tâm lý cơ bản, đặc trưng cho tính tích cực đó là:

+ Tính tích cực gắn liền với hoạt động, hay nói khác đi tính tích cực phải thể hiện trong trạng thái hoạt động và được biểu hiện trong những hành động, hành vi cụ thể của trẻ em.

+ Tính tích cực để chỉ tính sẵn sàng hoạt động của chủ thể, là nhu cầu đối với hoạt động của chủ thể. Yếu tố nhu cầu có mối liên hệ chặt chẽ với tính tích cực - đây chính là nguồn gốc của tính tích cực. Có thể khẳng định nếu không có nhu cầu thì không có tính tích cực.

+ Tính tích cực để chỉ tính chủ động, hành động một cách có ý thức, theo chủ ý của chủ thể để đối lập với sự bị động, thụ động (tính tích cực tiệm cận hoặc gần bằng không).

Như vậy có rất nhiều xu hướng, nhiều cách nhìn nhận đánh giá khác nhau về tính tích cực. Để nhìn nhận khách quan, đầy đủ tính tích cực trong các lĩnh vực

28

khác nhau cần phải có điểm tựa, cần phải dựa vào những nguyên tắc nhất định.

Tác giả L.M. Ackhangenxki đã đặt ra vấn đề này và xác định 3 nguyên tắc sau:

+ Không nên giải thích phiến diện hay chỉ xem tính tích cực duy nhất là trạng thái hoạt động.

+ Không được tách rời mặt bên trong (hình thức tồn tại bên trong) của tính tích cực với mặt biểu hiện bên ngoài của tính tích cực.

+ Sự phát triển tính tích cực có thể được thể hiện bằng các đặc trưng số lượng và chất lượng của hoạt động con người [1].

Xét về mặt tâm lý học theo quan điểm tiếp cận hoạt động - nhân cách - giao tiếp, ta có thể hiểu khái quát về tính tích cực của cá nhân có nội dung tâm lý cơ bản là:

+ Tính tích cực gắn liền với hoạt động, hay nói khác đi tính tích cực phải thể hiện trong trạng thái hoạt động và được biểu hiện trong những hành động, hành vi cụ thể của con người.

+ Tính tích cực để chỉ tính sẵn sàng với hoạt động, là nhu cầu đối với hoạt động. Yếu tố nhu cầu có mối liên hệ chặt chẽ với tính tích cực - đây chính là nguồn gốc của tính tích cực.

+ Tính tích cực để chỉ tính chủ động, hành động một cách có ý thức, theo chủ ý của chủ thể để đối lập với sự bị động, thụ động.

Từ sự phân tích trên, tác giả cho rằng tính tích cực có thể được xem như là một phẩm chất xã hội của con người. Là một thuộc tính nhân cách của cá nhân được đặc trưng bởi sự chi phối mạnh mẽ của các hoạt động đang diễn ra đối với đối tượng, tính trương lực của trạng thái bên trong chủ thể ở thời điểm hành động, tính quy định của mục đích hành động trong hiện tại, tính bền vững tương đối của hành động trong sự tương quan với mục đích đã được thông qua. Nó gắn

29

liền với trạng thái hoạt động, là năng lực thể hiện sự nỗ lực cố gắng ở sự chú động sáng tạo có ý thức tác động qua lại với môi trường của chủ thể. Tính tích cực bắt nguồn từ lợi ích nhu cầu của con người, được nảy sinh, hình thành và phát triển trong hoạt động.

Tính tích cực học tập

Hoạt động nhận thức của con người là quá trình phản ánh thế giới nhằm chiếm lĩnh các thuộc tính, qui luật, đặc điểm của sự vật hiện tượng xung quanh để cải tạo thế giới và đồng thời nhận thức và cải tạo chính bản thân mình. Hoạt động nhận thức của con người tuân theo qui luật chung của quá trình nhận thức mà Lênin đã chỉ ra “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn đó là con đường biện chứng để nhận thức hiện thực khách quan”. Quá trình nhận thức của sinh viên cũng tuân theo qui luật này nhưng khác với quá trình nhận thức chung của loài người ở chỗ là có sự hướng dẫn của giảng viên, nhờ vậy sinh viên nhận thức thế giới nhanh, ngắn gọn, hiệu quả. Họ không phải mò mẫm, dò dẫm quanh co như quá trình nhận thức của các nhà khoa học.

Chính vì hoạt động học tập là hoạt động đặc thù của con người được điều khiển một cách tự giác để lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo mới, những hình thức hành vi và những dạng hoạt động nhất định. Cho nên khái niệm hoạt động nhận thức rộng hơn khái niệm học tập, học tập chỉ là một dạng hoạt động đặc thù của con người. Khi tính tích cực cá nhân được huy động và hướng vào một lĩnh vực, một môi trường cụ thể để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể, nhằm những đối tượng và mục tiêu cụ thể thì nó ở trạng thái chuyên biệt. Vì vậy tính tích cực cá nhân của người học, có thể phân ra các loại sau: Tính tích cực trí tuệ, tính tích cực nhận thức, tính tích cực học tập [22].

Tính tích cực trí tuệ: là một thành tố cơ bản của tính tích cực cá nhân ở hình thái hoạt động bên trong (sinh lý và tâm lý), thường được gọi là hoạt động trí tuệ hay trí óc (tri giác, ghi nhớ, nhớ lại, tưởng tượng, tư duy…). Trong nhận thức và

30

học tập, hoạt động trí tuệ giữ vai trò thiết yếu vì vậy tính tích cực trí tuệ là cốt lõi của tính tích cực nhận thức và cùng với tính tích cực nhận thức tạo nên nội dung chủ yếu của tính tích cực học tập.

Tính tích cực nhận thức: là trạng thái hay dạng phân hoá của tính tích cực cá nhân được hình thành và thực hiện trong quá trình nhận thức của chủ thể. Nó là tính tích cực chung được huy động để giải quyết các nhiệm vụ nhận thức và nhằm đạt các mục tiêu nhận thức. Hình thái bên trong của tính tích cực nhận thức gồm các hoạt động trí óc, tâm vận, các chức năng cảm xúc, ý chí, các phản xạ thần kinh cấp cao, các biến đổi của nhu cầu, hứng thú, tình cảm… Hình thái bên ngoài gồm các hoạt động quan sát, khảo sát, ứng dụng thực nghiệm, đánh giá, thay đổi, dịch chuyển đối tượng…

Tính tích cực học tập: là tính tích cực cá nhân được phân hoá và hướng vào việc giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ học tập để đạt các mục tiêu học tập. Tính tích cực học tập bao gồm hai hình thái bên trong và bên ngoài. Hình thái bên trong của tính tích cực học tập chủ yếu bao hàm những chức năng sinh học, sinh lý, tâm lý, thể hiện rõ ở đặc điểm khí chất, tình cảm, ý chí, các chức năng và đặc điểm nhận thức như mức độ hoạt động trí tuệ, tư duy, tri giác, tưởng tượng… và các chức năng vận động thể chất bên trong (các nội quan, các quá trình sinh lý, sinh hoá).

Hình thái bên ngoài của tính tích cực học tập bao hàm các chức năng, khả năng, sức mạnh thể chất và xã hội, thể hiện ở những đặc điểm hành vi, hành động di chuyển, vận động vật lý và sinh vật, nhất là hành động ý chí, các phương thức tiến hành hoạt động thực tiễn và tham gia các quan hệ xã hội. Nó được hình thức hoá bằng các yếu tố cụ thể như cử chỉ, hành vi, nhịp điệu, cường độ hoạt động, sự biến đổi sinh lý… chúng ta có thể quan sát, đo đạc, đánh giá.

Như vậy tính tích cực nhận thức là khái niệm có phạm vi rộng nhất trong các khái niệm được nêu ở trên, nếu coi học tập là một quá trình nhận thức đặc biệt của sinh viên thì tính tích cực học tập và tính tích cực nhận thức đều phải tiến

31

hành các thao tác trí tuệ cũng như sự tham gia của toàn bộ nhân cách sinh viên trong quá trình chiếm lĩnh tri thức nhân loại chuyển thành tâm lý, ý thức của bản thân. Tính tích cực nhận thức, tính tích cực trí tuệ, tính tích cực học tập đều là tính tích cực cá nhân nên đều thể hiện ở hình thái bên ngoài và hình thái bên trong.

Khi xem xét tính tích cực nhận thức của học sinh, sinh viên có nhiều ý kiến khác nhau:

Một số tác giả coi tính tích cực học tập là một dạng của tính tích cực nhận thức. Chẳng hạn họ xem “sự học tập là trường hợp riêng của sự nhận thức, một sự nhận thức đã được làm cho dễ dàng đi và được thực hiện dưới sự chỉ đạo của giáo viên” [29]. Vì vậy, nói tới tính tích cực học tập, thực chất là nói tới một dạng của tính tích cực nhận thức. “Tính tích cực học tập là một hiện tượng sư phạm biểu hiện ở sự gắng sức cao về nhiều mặt trong hoạt động học tập” [7].

Một số tác giả lại cho tính tích cực nhận thức như trạng thái của hoạt động:

Trần Bá Hoành xem tính tích cực nhận thức là trạng thái hoạt động nhận thức của học sinh đặc trưng ở khát vọng học tập, cố gắng trí tuệ nghị lực cao trong quá trình nắm vững kiến thức [26]. Khác với quá trình nhận thức trong nghiên cứu khoa học, quá trình nhận thức trong học tập không nhằm phát hiện những điều loài người chưa biết mà nhằm lĩnh hội những tri thức loài người đã tích luỹ được. Tuy nhiên, trong học tập học sinh cũng phải “khám phá” ra những hiểu biết mới đối với bản thân mình.

Con người chỉ thực sự nắm vững cái mà chính mình đã giành được bằng hoạt động của bản thân. Học sinh sẽ thông hiểu và ghi nhớ những gì đã trải qua hoạt động nhận thức tích cực của mình, trong đó các em đã phải có những cố gắng trí tuệ.

V.Ocon cho rằng “Tính tích cực là lòng mong muốn hành động được nảy sinh một cách không chủ định và gây nên những biểu hiện bên ngoài hoặc bên trong của sự hoạt động” [35].

32

I. F.Kharlamopl xem tính tích cực là trạng thái hoạt động của chủ thể nghĩa là của người hành động. “Tính tích cực nhận thức là trạng thái hoạt động của học sinh, đặc trưng bởi khát vọng học tập, cố gắng trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình nắm vững kiến thức” [29].

Dưới góc độ Tâm lý học trên quan điểm tiếp cận hoạt động - nhân cách- giao tiếp thì các nhà Tâm lý học Việt Nam như Phạm Minh Hạc, Nguyễn Quang Uẩn, Trần Trọng Thuỷ, Nguyễn ánh Tuyết [20], [51], [42], [48]… đều thống nhất cho rằng tính tích cực là một phẩm chất nhân cách điển hình của con người. Các thành tố tâm lý của tính tích cực là nhu cầu, động cơ, hứng thú, niềm tin, lý tưởng.

Bởi vậy đã nói tới tính tích cực có nghĩa nói tới tính chủ thể trong hoạt động, nói tới tính tương đối ổn định và bền vững của thuộc tính tâm lý này. Tính tích cực là đặc trưng hoạt động của con người. Từ sự phân tích của các tác giả trên, chúng tôi hiểu: Tính tích cực học tập của sinh viên là sự ý thức tự giác của sinh viên về mục đích học, thông qua đó sinh viên huy động ở mức độ cao các chức năng tâm lý để giải quyết các nhiệm vụ học tập có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Tác động của các loại hình kiểm tra đánh giá kết quả học tập đến tính tích cực học tập của học sinh sinh viên ( nghiên cứu trường hợp trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật điện biên ) (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)