Qua nghiên cứu 70 bệnh nhi, tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ ở hai nhóm như (bảng 3.1): Nhóm I có 34 bệnh nhi nam chiếm 97,1%, nữ 1 bệnh nhi chiếm 2,9%, nhóm II có 34 bệnh nhi nam chiếm 97,1%, nữ 1 bệnh nhi chiếm 2,9%. Từ kết quả trên cho thấy tỉ lệ trẻ nam mắc bệnh nhiều hơn trẻ nữ, tuy nhiên sự khác biệt giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Tỉ lệ này cũng phù hợp với kết quả của nhiều tác giả khác như: Trịnh Xuân Cường (2014) [56], nhóm I nam chiếm 85%, nữ chiếm 15%, nhóm II nam chiếm 87,5%, nữ chiếm 12,5%. Đỗ Xuân Hùng (2009) [26], tỉ lệ nam chiếm 97% ở nhóm I, 100% ở nhóm II. Bhaskar Babu (2014) [85], nhóm I nam chiếm 88%; nữ chiếm12%, nhóm II nam chiếm 96%; nữ chiếm 4%.
4.1.2. Đặc điểm về tuổi
Trong nghiên cứu này chúng tôi thu thập tất cả những trẻ có độ tuổi từ 2 tuổi cho đến 10 tuổi. Theo bảng 3.2 tuổi trung bình các bệnh nhi ở hai nhóm như sau: nhóm I 4,1 ± 1,7 tuổi (nhỏ nhất là 2 tuổi, lớn nhất là 8 tuổi), nhóm II 3,9 ± 1,5 tuổi (nhỏ nhất là 2 tuổi, lớn nhất là 9 tuổi). Sự khác biệt giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Độ tuổi trung bình bệnh nhi trong nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với độ tuổi nghiên cứu của tác giả Đỗ Xuân Hùng (2009) [26], nghiên cứu trẻ từ 2-10 tuổi, Quốc Anh (2007) [9], Nguyễn Mạnh Tùng (2008) [24], đều nghiên cứu những trẻ có độ tuổi từ 1-10 tuổi.
Sở dĩ chúng tôi chọn nhóm trẻ có độ tuổi 2 - 10 tuổi vì chúng tôi chọn nồng độ thuốc levobupivacain 0,25%, là nồng độ an toàn và đủ để vô cảm và giảm đau sau mổ [29], đồng thời để thống nhất một phương pháp đánh giá
đau sau mổ (nhóm tuổi của chúng tôi phù hợp với thang điểm đánh giá đau FLACC). Chúng tôi không chọn nhóm trẻ có độ tuổi dưới 2 tuổi vì theo tác giả Chalkiadis [72], nghiên cứu sử dụng levobupivacain ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi cho thấy thời gian để thuốc đạt nồng độ đỉnh trong máu thay đổi theo nhóm tuổi, và chậm hơn ở nhóm trẻ dưới 2 tháng so với nhóm trẻ lớn hơn. Vì nồng độ đạt đỉnh chậm nên các dấu hiệu ngộ độc nếu có cũng xảy ra chậm và khó quản lí hơn.
4.1.3. Đặc điểm cân nặng
Cân nặng trung bình của các trẻ trong nghiên cứu của chúng tôi: nhóm I 16,3 ± 5,0 kg, nhóm II 15,5 ± 4,6 kg (theo bảng 3.2). Sự khác biệt giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê p > 0,05. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả của Nguyễn Thị Thu Hằng (2013) [15], là 12,2 kg, Trịnh Xuân Cường (2014) [56], là 12,9 kg, và Bharathi Muntha là 12,18 [86], Frawley [12] là 12,25 kg, khi đối tượng nghiên cứu của các tác giả lần lượt là 1-6 tuổi, 1-5 tuổi, 2 tháng – 11 tuổi và 1 tháng – 10 tuổi.
Trong nghiên cứu của chúng tôi lấy cân nặng của bệnh nhân để tính thể tích thuốc tê (0,8ml/kg). Vì theo Takasaki [34], thể tích thuốc tê có tương quan chặt chẽ với cân nặng hơn so với chiều cao hay tuổi của BN. Quan điểm này cho đến ngày nay vẫn được nhiều tác giả đồng thuận và áp dụng.
4.1.4. Phân loại ASA
Như kết quả trong bảng 3.2, phân loại tình trạng sức khỏe theo hiệp hội gây mê Mỹ thì không có sự khác biệt giữa hai nhóm (p>0,05). Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả của tác giả Elham M. El-Feky [92]. Tình trạng sức khỏe theo phân loại của hiệp hội gây mê Hoa Kỳ giữa hai nhóm là không có sự khác biệt, do đó việc đánh giá kết quả gây mê giữa hai nhóm là khách quan.
4.1.5. Loại và thời gian phẫu thuật 4.1.5.1. Loại phẫu thuật
Trong nghiên cứu của chúng tôi phần lớn trẻ bị các bệnh: hypopadias 31,4%, nang nước thừng tinh 22,9%, ẩn tinh hoàn 22,8%, thoát vị bẹn 5,7%, còn lại là các bệnh lí khác (17,1%) như : hẹp bao quy đầu, u máu đùi, u xơ ngón chân, rò hậu môn, rò niệu đạo .… Sự khác biệt về phân loại phẫu thuật giữa hai nhóm khác biệt không có ý nghĩa thống kê p > 0,05. Trong tất cả các phẫu thuật trên có vị trí mổ đều nằm dưới rốn, nên thể tích thuốc tê 0,8 ml/kg đủ để đạt mức vô cảm cần thiết cho cuộc mổ [59]. Kết quả này phù hợp với kết quả của tác giả: Bharathi Muntha [86], sfyra E [25], T.X.Cường [56].
4.1.5.2. Thời gian phẫu thuật
Thời gian phẫu thuật trong nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.3) ở nhóm I: 45,8 ± 25,4 phút, nhóm II 48,1 ± 26,6 phút. Thời gian phẫu thuật trung bình của nhóm II dài hơn nhóm I có thể do trong nhóm II có vài trường hợp mổ khó, kéo dài (phẫu thuật lỗ tiểu thấp thể khó). Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.
Kết quả của chúng tôi kéo dài hơn so với kết quả của tác giả Trịnh Xuân Cường [56] nhóm I 33,0 ± 21,7 phút; nhóm II 36,2 ± 21,6 phút, Đỗ Xuân Hùng [26] nhóm I 27,32 ± 5,84 phút; nhóm II 27,32 ± 4,45 phút, Giorgio Ivani [29] nhóm I trung bình 30 phút; nhóm II 27,5 phút; nhóm III 26,5 phút, Tarkase [30] nhóm I 32,7 ± 9,21; nhóm II 37,12 ± 10,54; nhóm III 33,76 ± 9,87 phút...
Sở dĩ thời gian phẫu thuật trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi dài hơn là tỷ lệ bệnh nhân lỗ tiểu thấp cao hơn so với các nghiên cứu khác do đó đánh giá tác dụng giảm đau sau mổ tốt.