Chúng tôi đánh giá thời gian khởi tê tại hai vị trí: T10, T12. Thời gian khởi tê tính từ khi tiêm thuốc tê vào khoang cùng cho đến khi làm nghiệm pháp dùng panh kẹp da bệnh nhân mà tần số tim và huyết áp thay đổi không quá 20% so với thời điểm trước khi gây tê.
Theo bảng 3.4. Thời điểm khởi tê ở mức T12: nhóm I 11,4 ± 2,6 phút (ngắn nhất 7 phút, dài nhất 18 phút), nhóm II 6,5± 1,2 (ngắn nhất 5 phút, dài nhất 9 phút). Tại vị trí T10: nhóm I 18,4 ± 2,2 phút (ngắn nhất 14 phút, dài nhất 24 phút), nhóm II 13,7 ± 1,3 phút (ngắn nhất 12 phút, dài nhất 16 phút).
Sự khác biệt giữa hai nhóm ở cả hai mức phong bế là có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Thời gian khởi tê (T10) trong nghiên cứu của chúng tôi dài hơn của các tác giả: Breschan C (11,4 ± 3,3 phút), Locatelli B (11,1 phút), T.X.Cường (11,6 ± 1,6) vì chúng tôi sử dụng thể tích 0,8ml/kg so với 1ml/kg.
Theo O Raux [59] và cộng sự (2009), Charles J Cote [68] (2013) tốc độ phong bế phụ thuộc vào sự myelin hóa và tuổi của BN, nhóm tuổi trong nghiên cứu của chúng tôi cao do đó thời gian khởi tê sẽ kéo dài hơn của các tác giả khác.
4.2.2. Mức phong bế cao nhất
Theo bảng 3.5 mức phong bế ở các vị trí T11, T10, T9 ở hai nhóm khác biệt không có ý nghĩa thống kê p > 0,05. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả của T.X.Cường [56],… khi thể tích thuốc tê 1ml/kg cho mức phong bế chủ yếu đạt mức T10 (93,5%), điều này cũng phù hợp với nhu cầu phẫu thuật. Tuy nhiên trong phẫu thuật các kích thích mạnh thô bạo hay kéo căng thừng tinh và tinh hoàn thì mức phong bế cần cao hơn T10 do chi phối thần kinh cho vùng này ngoài các dây giao cảm xuất phát từ T10, T11 còn có các nhánh xuất phát từ đám rối thận và cung động mạch chủ (T4).
Trong nghiên cứu của chúng tôi cũng có những thời điểm mạch, huyết áp và tần số thở tăng do các kích thích này gây ra.
Mức phong bế ngang T9 có 2 BN trong nhóm I (5,7%), 3(8,6%) BN trong nhóm II. Tác giả Hong J.Y [38], Verghese [88], Celik [89] GTKC cùng liều lượng nhưng hai thể tích thuốc tê khác nhau và cho thấy chất lượng vô cảm và thời gian giảm đau sau mổ tốt hơn ở nhóm có nồng độ thấp thể tích cao so với nhóm có nồng độ cao thể tích thấp. Như vậy mức phong bế phụ thuộc vào thể tích hơn là nồng độ thuốc tê. Ngoài ra để đạt mức phong bế cao còn phụ thuộc vị trí tiêm tê, kích thước kim và tốc độ bơm thuốc tê. Nếu chọc ở vị trí cao sát xương S4, đồng thời luồn catheter lên cao đến hết kim thì mức phong bế sẽ càng cao. Tuy nhiên, thao tác này cũng có nguy cơ làm rách nón cùng màng cứng, vào mạch máu hoặc đầu catheter bị gập khó khăn cho việc tiêm thuốc tê.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả của các tác giả T.X.Cường [56], N.T.T.Hằng [15], McGrown [90].
4.2.3. Chất lượng tê
Chất lượng tê đánh giá theo bảng điểm Gunter [43], trong nghiên cứu của chúng tôi chất lượng tê tốt chiếm 94,3% ở nhóm I, chiếm 91,4% ở nhóm II, trung bình: nhóm I 2,86%; nhóm II 5,7,%, kém: nhóm I 2,86%; nhóm II 2,86% (1 trường hợp trong hai nhóm phải tăng nồng độ thuốc mê bốc hơi sevoran), sự khác biệt giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê p>0,05. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả của nhiều tác giả trong nước (T.X.Cường [56], N.M.Tùng [24], Đ.X.Hùng [26]…) và thế giới (Beyaz [91], Frawley [12] …). Như chúng tôi phân tích trong phần mức phong bế, nếu sau khi gây tê đã đạt được mức phong bế cần thiết thì chất lượng vô cảm còn phụ thuộc vào liều lượng và nồng độ thuốc tê, ngoài ra chất lượng vô cảm sẽ bị ảnh hưởng bởi kỹ thuật của bác sỹ gây tê và bác sỹ phẫu thuật. Như vậy GTKC bằng levobupivacain 0,25% có kết hợp fentanyl 1 mcg/kg và bupivacain 0,25%
kết hợp với fentanyl 1mcg/kg đủ để vô cảm cho các phẫu thuật nhỏ vùng dưới rốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, ít tốn kém [48][92].
4.2.4. Nồng độ sevoran sử dụng trong mổ
Nhìn vào biểu đồ 3.8 cho thấy nồng độ sevoran sử dụng trong mổ ở hai nhóm rất ổn định, có xu hướng giảm dần từ thời điểm gây tê cho đến khi kết thúc cuộc mổ. Sự khác biệt giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê với p
>0,05. Nồng độ sevoran được duy trì ổn định và giảm dần như vậy phản ánh chất lượng vô cảm tốt ở cả hai nhóm. Theo Henry H. Zhou [93] và cộng sự (1998) thuốc mê bốc hơi có thể ức chế trực tiếp phản xạ nhận cảm trên tủy sống, phản xạ gây ra do các kích thích phẫu thuật. Ngoài ra GTKC kết hợp gây mê nông bằng khí mê bốc hơi có thể giảm tối thiểu các thuốc tê vùng, nhưng không có tác dụng giảm đau.
4.2.5. Thay đổi độ mê trong gây mê và phẫu thuật
Nhìn vào biểu đồ 3.9 cho thấy chỉ số bis của hai nhóm ổn định, ban đầu khi khởi mê chỉ số bis cao, sau khi khi khởi mê với nồng độ sevo 8% khi bệnh nhân mất phản xạ độ mê duy trì 40-50 để tránh các kích thích khi đặt mask thanh quản và trong quá trình phẫu thuật duy trì bis từ 40-60 đủ để phẫu thuật [81].
4.2.6. Mức độ an thần và thời gian hồi tỉnh sau mổ
Mức độ an thần được đánh giá theo thang điểm Ramsay [94], theo bảng 3.7 mức độ an thần trong 10 phút đầu và sau 90 phút ra hồi tỉnh ở hai nhóm khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
Thời gian hồi tỉnh được đánh giá theo thang điểm Ramsay. Thời gian hồi tỉnh được tính từ khi kết thúc phẫu thuật cho tới khi Ramsay ≤ 3, nghĩa là trẻ tỉnh tự nhiên hay sau khi vỗ nhẹ hoặc gọi. Ở các thời điểm khác nhau thời gian hồi tỉnh ở hai nhóm khác biệt không có ý nghĩa thống kê p>0,05.
Điều đó được lý giải như sau: khi trẻ vừa được chuyển ra phòng hồi tỉnh số trẻ có Ramsay là tương đương nhau điều này được lý do cả 2 nhóm chúng tôi đều chộn fentanyl vào dung dịch gây tê. Tuy nhiên khi trẻ đã tỉnh lại thì số trẻ có Ramsay = 1 ở hai nhóm không có sự khác biệt p > 0,05.