Khu di tích danh thắng Tây Thiên nằm trên sườn núi Tây Bắc của dãy Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tây Thiên là một khu di tích danh thắng gồm hệ thống đình, đền, chùa và phong cảnh tự nhiên phân bố trên một
diện tích khoảng 15 km2, toàn bộ khu danh thắng ở độ cao từ 54 - 1.100m so với mặt biển, riêng chùa Tây Thiên ở độ cao 530m so với mặt biển.
Với chiều dài 11km, chiều ngang 1km, quần thể di tích Tây Thiên tập trung mật độ lớn các công trình văn hóa, dấu vết cũ các công trình văn hóa, các địa chỉ có giá trị nghiên cứu khảo cổ học. Đó là hệ thống đền, chùa, thảo am và phong cảnh tự nhiên được phân bố trên ngọn Thạch Bàn của dãy núi Tam Đảo.
Mở đầu là Đền Mẫu sinh, Đền Mẫu hóa, Đền Thỏng, Chùa Thiên Ân, Đền Cậu, Đền Cô, Chùa Phù Nghì, Chòi Ông Nhất, Đền Tây Thiên, Chùa Tây Thiên, Bàn cờ tiên, Bia đá chữ “Bát nhã tuyền”, Chợ Giời, Chùa Đồng Cổ, Ao Dứa, Đồng Ma. Ngoài ra, những thắng cảnh của di tích Tây Thiên cũng thật phong phú và nên thơ: Suối Vàng, Thác Bạc, Khe Trường sinh, Suối Giải Oan, Suối Tối, Am Vân Tiêu, Am Lưỡng Phong, Rừng nguyên sinh, Cây Thông ngàn tuổi, Cây Đa 9 cội (ở Đền Thỏng)…
Cùng với Phật giáo, tín ngưỡng thờ cúng Mẫu cũng xuất hiện rất sớm ở Tây Thiên. Hầu hết các đình, đền, miếu tại di tích Tây Thiên thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu - người đã có công phò tá Vua Hùng dẹp giặc và dạy nhân dân trồng lúa nước. Các sắc phong, thần tích về bà hiện được lưu tại đình Sơn Động và đình Đông Lộ. Các bài vị thờ Bà đều có dòng chữ "Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu".
Đền Tây Thiên (Tây Thiên Từ): Nằm cạnh chùa Tây Thiên trên độ cao 530m, là nơi thờ chính Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu. Phía sau đền là miếu Sơn Thần.
Đền Thỏng: Nằm trong tổng thể di tích Quốc Mẫu Tây Thiên. Đền Thỏng được coi là "Hữu Thần cung" của đền Tây Thiên. Đây là trung tâm tổ chức lễ hội hàng năm của khu di tích danh thắng Tây Thiên.
Đền Cả: Nằm trên địa phận xã Tam Quan, trên đường vào khu di tích Tây Thiên.
Đền Cậu, Đền Cô: Được dựng ở lưng trừng núi, dọc đường mòn từ Đền Thỏng đến Đền Thượng.
Với những ý nghĩa tôn giáo và lịch sử văn hóa như vậy, tháng 8 năm 1991, khu danh thắng Tây Thiên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia theo quyết định số 1371/QĐ của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Cứ mỗi độ xuân về, vào dịp ngày giỗ Quốc Mẫu, nhân dân trong vùng lại tổ chức mở hội gọi là "Lễ hội Tây Thiên" vào các ngày 15, 16, 17 tháng 2 âm lịch. Ngày chính Hội được tổ chức vào ngày hóa của Quốc Mẫu Tây Thiên là 15 tháng 2.
Tại lễ hội, trong phần lễ được nhân dân dâng hương tưởng niệm công lao của Quốc Mẫu Tây Thiên, bên cạnh đó phần hội tổ chức với rất nhiều trò chơi dân gian: đấu vật; võ dân tộc; thi đấu cờ; chơi chọi gà; bóng chuyền; hội trại của các xã, các đoàn thể…
Trong nhiều năm qua, di tích danh thắng Tây Thiên đã được cải thiện rất nhiều. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Đường vào khu di tích đã được mở rộng, san phẳng, đổ bê tông, làm bậc và lan can, khiến việc đi lại dễ dàng hơn trước.
Điện thắp sáng khá đầy đủ. Lễ hội hàng năm được Nhà nước tổ chức chu đáo, tạo sự phấn khởi trong nhân dân, thu hút ngày càng đông khách hành hương.
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý khu di tích Tây Thiên, số lượng du khách đến Tây Thiên liên tục tăng qua các năm (Hình 3.7).
0 20000 40000 60000 80000 100000 120000
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 Năm
Số lượng du khách
Số lượng khách
Hình 3.7. Gia tăng số lượng du khách đến khu di tích Tây Thiên Nguồn: BQL KDT Tây Thiên, 2009
Khu di tích danh thắng Tây Thiên vừa là điểm du lịch sinh thái, vừa là điểm du lịch tâm linh. Vì vậy, yếu tố mùa vụ cũng thể hiện rõ nét: du khách tập trung chủ yếu vào các tháng đầu năm từ tháng 01 đến tháng 04 âm lịch.
Ngoài ra, còn thể hiện ở đặc điểm đối tượng du khách:
- Bốn tháng đầu năm, du khách có độ tuổi trung niên chiếm khoảng 78%, còn lại chủ yếu là thanh niên.
- Mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 9), khách du lịch chủ yếu là học sinh, sinh viên, chiếm 97%. Những đối tượng này chủ yếu là đi du lịch sinh thái, dã ngoại và sinh viên các trường đại học đi thực tế.
Theo danh sách du khách công đức, thì khách du lịch mùa lễ hội là người trong tỉnh Vĩnh Phúc chiếm khoảng 54%, các tỉnh khác như: Hà Nội (17%); Hải Phòng (23%); còn lại (16%) là các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Giang,…
3.2.2. Các tác động của lễ hội Tây thiên đến môi trường và ĐDSH của VQG Tam Đảo
Qua khảo sát thực tế và tham khảo các tài liệu liên quan cho thấy lễ hội Tây Thiên, ngoài các tác động tích cực là đáp ứng yêu cầu tâm linh của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nhưng cũng gây ra không ít những tác động tiêu cực đến môi trường và các giá trị đa dạng sinh học của VQG Tam Đảo.
a) Rác thải gây ô nhiễm môi trường
Những hoạt động thương mại phục vụ khách du lịch như bán đồ lưu niệm, các dịch vụ ăn uống, hoạt động cúng tế hương khói đã thải ra môi trường khu du lịch một lượng chất thải rắn tương đối lớn là nguyên nhân chủ yếu làm cho môi trường bị ô nhiễm. Theo ước tính của Ban quản lý Khu di tích Tây Thiên, các chất thải khó phân hủy như các loại vỏ hộp đựng đồ uống của du khách (chai lọ thủy tinh, đồ hộp kim loại, túi nilon….) chiếm khoảng 30% tổng lượng rác thải. Phần còn lại là loại rác thải hữu cơ như đồ ăn thừa, vỏ hoa quả, chiếm 70%. Loại rác này tuy dễ phân hủy nhưng lại gây mùi hôi, xú uế.
Rác thải tích tụ gây ô nhiễm mặt đất, ô nhiễm nguồn nước mặt của các dòng suối, ảnh hưởng đến mỹ quan khu di tích danh thắng và gây tác động xấu đến đời sống của các loài sinh vật trong vùng.
Hiện nay, ở khu vực Tây Thiên chưa có biện pháp cụ thể về thu gom và xử lý rác thải hiệu quả. Mỗi tuần lễ, người dân nơi đây tự tổ chức thu gom rác thải tập trung ngoài bìa rừng, bãi đất trống, hoặc ven suối để sau đó đốt. Vào mùa mưa, nước suối dâng cao đã cuốn theo lượng rác thải này xuống suối và lan tỏa đi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường.
b) Tiếng ồn quấy nhiễu sinh cảnh
Tây Thiên vào mùa lễ hội hay mùa hè, du khách đến đây rất đông. Việc hành hương, hành lễ, vui đùa của du khách đã tạo ra tiếng ồn lớn, cộng thêm tiếng ồn từ các loa phóng thanh tại các đền chùa suốt ngày không ngớt làm
cho nhiều loài động vật sợ hãi, phải di chuyển đi nơi khác. Qua phỏng vấn một số người dân địa phương, trước đây tại khu vực Tây Thiên còn nhìn thấy một số loài thú lớn như hươu, hoẵng nhưng nay khách về đông quá nên những loài thú này không còn ở đây nữa, chúng đã di chuyển sâu vào trong rừng. Ở đây chỉ còn một số loài thú nhỏ như sóc, chuột, cầy,...
c) Buôn bán lâm sản khai thác trái phép gây suy thoái đa dạng sinh học Trong khu di tích Tây Thiên có hàng trăm quán hàng phục vụ khách du lịch, hầu hết các quán này đều có bày bán các lâm sản khai thác từ VQG Tam Đảo như các loại cây thuốc, các loài cây làm thực phẩm, làm cảnh, động vật làm thuốc, động vật nhồi, thậm chí động vật sống. Trong khu vực cũng có một số nhà hàng buôn bán các món ăn từ động vật rừng và các loài lâm sản khai thác trái phép. Các hoạt động này đều là những hoạt động trái phép và gây tổn hại đến đa dạng sinh học của VQG Tam Đảo. Vấn đề này sẽ được phân tích kỹ các các mục tiếp theo.