3.5.1. Tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường cho người dân địa phương và du khách
Công tác giáo dục tuyên truyền bảo vệ môi trường giúp cho các đối tượng tham gia hiểu được các vấn đề môi trường quan trọng như thế nào đối với phát triển kinh tế, du lịch và đời sống nhân dân, biết được hậu quả suy thoái tài nguyên khi con người khai thác không hợp lý. Từ đó giúp có những hành vi đối xử thân thiện với môi trường và tài nguyên sinh vật của VQG Tam Đảo.
- Đối với người dân địa phương: Đây là công việc cần tiến hành thường xuyên, trên quy mô rộng và bằng nhiều hình thức. Trước hết, cần xây dựng thêm một số biển báo ở khu vực Tây Thiên. Các hình thức tuyên truyền khác
như họp thôn, loa phóng thanh, truyền hình tỉnh, áp phích, tờ rơi cũng cần được đầu tư thực hiện ở các thôn bản, đặc biệt là các thôn bản gần rừng. Trên các biển có thể ghi rõ khung hình phạt đối với một số dạng hoạt động vi phạm. Đối tượng giáo dục cần tập trung là nam giới (những người chủ yếu khai thác và sử dụng các lâm sản) và trẻ em (vì các em là những chủ nhân tương lai của địa phương). Giáo dục nâng cao nhận thức cho trẻ em trong các trường học cần thông qua các hoạt động nói chuyện, vẽ tranh, giáo dục môi trường. Lồng ghép chương trình giáo dục môi trường vào các môn học. Tổ chức tham quan thực tế ở khu di tích danh thắng Tây Thiên. Qua đó giúp các em hiểu được giá trị của du danh thắng, là nơi bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, kho dự trữ thiên nhiên quý báu, bảo tồn những cảnh quan độc đáo, các loài động thực vật đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam, nơi bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử...
- Đối với khách du lịch: Cần hướng dẫn cho du khách biết các quy chế quản lý du lịch thân thiện với môi trường; xây dựng thêm nhiều các bảng nội quy tham quan, biển báo ranh giới VQG Tam Đảo, biển báo tuyên truyền về quy chế quản lý của VQG Tam Đảo, các biển báo, tờ rơi, áp phích mang thông điệp bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học như “ Bảo vệ rừng là bảo vệ lá phổi của chính mình”; “Bỏ rác đúng nơi quy định”; “Không bẻ cành, bứt lá cây", "Không mua bán, tiêu thụ lâm sản khai thác trái phép",...
3.5.2. Tăng cường thực thi pháp luật để bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường
a) Tăng cường kiểm soát các hoạt động săn bắt, khai thác lâm sản
VQG Tam Đảo cần tăng cường công tác tuần tra rừng tại những khu vực mà người dân thường hay vào rừng để săn bắt động vật, khai thác gỗ và lâm sản, khai thác quặng. Kiểm kê lại toàn bộ súng săn ở các thôn bản, tiến hành thu đổi súng săn đang lưu giữ trong nhà dân. Số lượng súng săn ở các
thôn bản tuy không nhiều nhưng đôi khi một số người dân địa phương vẫn dùng để săn bắt động vật. Kiểm soát tình trạng sản xuất và sử dụng các loài bẫy động vật hoang dã. Thực hiện xử phạt nghiêm minh các vụ vi phạm.
Cần có chính sách khuyến khích cho các chủ rừng trong công tác tuần tra vì các chủ rừng nhận khoán bảo vệ đã giúp cho các trạm kiểm lâm của VQG quản lý tốt hơn các cửa đi vào rừng, việc tuần tra rừng tận gốc cũng góp phần hạn chế các hoạt động phạm pháp trong rừng.
Phải có chính sách khen thưởng đối với những đối tượng thực hiện tốt những quy định về bảo vệ rừng, bảo vệ động thực vật và bảo tồn đa dạng sinh học của VQG và xử phạt nghiêm đối với những đối tượng vi phạm. Từ đó khuyến khích được người dân tham gia một cách tự nguyện vào các hoạt động bảo vệ rừng mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.
b) Tăng cường kiểm soát những hoạt động thu mua, buôn bán, sử dụng lâm sản trái phép
VQG Tam Đảo cần phối hợp với UBND xã Đại Đình và các xã lân cận tổ chức cho các nhà hàng, khách sạn, quán hàng ký cam kết không mua bán, sử dụng các loại lâm sản khai thác trái phép. Bản cam kết cần photo cỡ A3, ép Plastic và dán trên tường các nhà hàng, khách sạn, quán xá.
Chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng (công an, lực lượng thanh tra thị trường và lực lượng kiểm lâm của VQG Tam Đảo) cần phối hợp chặt chẽ để tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các nhà hàng, khách sạn, quán xá (nếu vi phạm cam kết).
3.5.3. Tăng cường năng lực cho Ban quản lý khu di tích Tây Thiên và Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Đại Đình
VQG Tam Đảo cần bổ sung thêm nhân lực cho Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Đại Đình để họ có điều kiện làm tốt hơn công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng của khu vực Tây Thiên.
VQG Tam Đảo và Chính quyền địa phương cần thảo luận để phân định việc quản lý toàn bộ diện tích của Khu di tích danh thắng Tây Thiên cho Ban quản lý khu danh thắng Tây Thiên, chấm dứt tình trạng quản lý chồng chéo như hiện nay giữa nhiều cơ quan (Ban quản lý khu danh thắng Tây Thiên, VQG Tam Đảo, UBND xã Đại Đình, các hộ dân nhận khoán rừng, Lâm trường Tam Đảo) dẫn đến kém hiệu quả.
Cần huy động người dân địa phương tham gia thu gom rác thải và hưởng lợi từ hoạt động phát triển du lịch của vùng. Xây dựng những quy chế, nội quy chặt chẽ cho nhân dân địa phương và khách du lịch, từ đó quản lý phát triển du lịch theo luật pháp của Nhà nước, làm tăng thêm niềm tin vào sự linh thiêng của khu di tích danh thắng Tây Thiên.
Ban quản lý khu di tích Tây Thiên cần thành lập đội thu gom rác thải, bố trí thêm nhiều thùng đựng rác có nắp đậy dọc tuyến đường từ chân Đền Thỏng lên Đền Thượng, khoảng 500 - 600m nên có 1 thùng đựng rác. Cần có khu xử lý rác thải tập trung với khu xử lý rác thải của xã. Giai đoạn đầu có thể xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Sau đó có thể tiến hành bằng các biện pháp cơ học (làm phân sinh dùng bón cho cây trồng).
3.5.4. Tạo điều kiện phát triển kinh tế nâng cao đời sống của người dân xã Đại Đình
Cuộc sống đói nghèo, để có thêm nguồn thu nhập phục vụ cho các nhu cầu bức thiết hàng ngày, một bộ phận dân cư trong xã đã thường xuyên vào rừng lấy các sản phẩm từ rừng làm suy giảm tài nguyên rừng của VQG.
Chính vì vậy cần có giải pháp làm giảm áp lực của người dân lên tài nguyên rừng bằng cách phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ vốn, giống cây con cho người dân tập trung sản xuất kinh doanh, xây dựng và hướng dẫn người dân làm các mô hình kinh tế VAC, RVAC… Đảm bảo cho dân sống được và làm giàu được từ rừng.
Bảo tồn tài nguyên rừng phải gắn kết với lợi ích phát triển cộng đồng.
Khi triển khai các chương trình bảo tồn, các dự án, các hoạt động hỗ trợ phát triển cần có sự tham gia của cộng đồng địa phương, để họ giúp đỡ lực lượng kiểm lâm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng (đặc biệt chú ý việc săn bắt động vật rừng).
Cần khuyến khích và hỗ trợ người dân áp dụng các loại bếp tiết kiệm củi, bếp khí biogas và các nguồn nhiên liệu khác để đun nấu. Khuyến khích người dân sử dụng củi tiết kiệm và tự trồng cây tạo nguồn củi đun và vật liệu cho gia đình. Tổ chức và giúp đỡ người dân phát triển chăn nuôi một số loài động vật hoang dã và gây trồng cây thuốc phục vụ nhu cầu của du khách và tăng thu nhập cho người dân.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ