Đặc điểm của công nghiệp Việt Nam (1919 – 1945)

Một phần của tài liệu Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 1919– 1945 (Trang 46 - 55)

Chương 2: TÌNH HÌNH CÔNG NGHIỆP VIỆT NAMTỪ NĂM 1919 ĐẾN NĂM 1945

2.2. Đặc điểm và vai trò của công nghiệp đối với kinh tế - xã hội Việt Nam (1919 – 1945)

2.2.1. Đặc điểm của công nghiệp Việt Nam (1919 – 1945)

Việt Nam là nước có thế mạnh để phát triển nền kinh tế công nghiệp, có những đặc điểm riêng về vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên và khả năng phát triển nền kinh tế này. Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 1919 – 1945 có 3 đặc điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, công nghiệp không phải hướng đầu tư chính của Pháp trong công cuộc khai thác thuộc địa lần 2 nhưng công nghiệp Việt Nam giai đoạn 1919 – 1945 vẫn có sự phát triển hơn giai đoạn 1858 – 1918.

Bởi lẽ, trong công nghiệp Pháp vẫn tăng cường vốn đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Tư bản Pháp tiếp tục gia tăng tốc độ đầu tư khai mỏ, nhất là mỏ than ( năm 1911 diện tích mỏ là 6 vạn ha; năm 1930 là 30 vạn ha,tăng gấp 7 lần). Những năm 20 của thế kỷ XX, nhiều công ty khai mỏ mới được thành lập như: Công ty than Hạ Long, Đồng Đăng, Tuyên Quang, Đông Triều, Công ty than và mỏ kim khí Đông Dương… Sản lượng khai thác tăng qua các năm: năm 1919 đạt 665.000 tấn; năm 1919 đạt 1.972.000 tấn; tăng gấp 3 lần.

Về tiến độ khai thác: so với trước chiến tranh thế giới thứ nhất, sản lượng thiếc tăng gấp 3 lần; kẽm tăng 1,3 lần; vonfram tăng 1,2 lần. Riêng năm 1928, tư bản Pháp đã khai thác được ở Việt Nam gần 2 triệu tấn than, 21.000 tấn kẽm, 250 tấn chì, 105 tấn vonfram, 20 tấn phốt phát.

Tổng giá trị các loại quặng khoáng sản đã khai từ năm 1923 – 1929 tăng gấp 2 lần, đạt 18,6 triệu đồng ( tương đương trên 200 triệu francs). Số quặng khai thác được chủ yếu để xuất khẩu. Các cơ sở chế biến quặng, đúc kẽm, thiếc, sơ chế khoáng sản để xuất khẩu hoặc phục vụ cho công nghiệp chính quốc cũng lần lượt ra đời ở Quảng Yên, Hải Phòng…

41

Công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến thời kì này cũng khá phát đạt như: xi măng Hải Phòng; nhà máy tơ - sợi - dệt ở Hà Nội,Nam Định, Sài Gòn;

các nhà máy xay xát gạo, chế biến rượu,làm đường ở Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Chợ Lớn… đều được nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất.

Thứ hai, dù đã được đầu tư phát triển, đạt được một số thành tựu nhất định nhưng nhìn chung công nghiệp Việt Nam giai đoạn này vẫn còn rất lạc hậu, phát triển mất cân đối và phụ thuộc vào tư bản Pháp.

Pháp chỉ chú trọng mở mang ngành khai mỏ và công nghiệp chế biến nhằm đáp ứng tức thời yêu cầu và mục đích lợi nhuận của bọn tư bản thực dân. Mặc dù chủ trương chung của thực dân Pháp là không mở mang công nghiệp nặng ở Việt Nam, nhưng để phục vụ các hoạt động khai thác khoáng sản, chúng đã cho xây dựng một vài cơ sở chế biến quặng, lò đúc kim loại kẽm, thiếc, sắt ở Sài Gòn, Quảng Yên, Hải Phòng. Nói chung, tư bản Pháp muốn Việt Nam phải phụ thuộc vào Pháp để chúng để chúng có thể chắc chắn kiếm được nhiều lời. Cũng vì vậy mà các ngành công nghiệp ở Việt Nam phát triển một cách hết sức bất hợp lý. Việt Nam có sắt, có than, như vậy rất tiện cho việc phát triển công nghiệp nặng,đúc sắt thép và chế tạo máy móc nhưng nhìn chung tư bản Pháp chỉ khai thác than mà bỏ rơi việc khai thác sắt. Có thời gian chúng cũng khai mỏ sắt nhưng chỉ mang quặng sắt xuất cảng chứ không để dùng trong nước. Một lò đúc sắt thép mở ra ở Hải Phòng năm 1919 thì đến năm 1926 đã phải đóng cửa vì trái với đường lối chung của tư bản Pháp.Việt Nam có nhiều kẽm,thiếc,cao su,dừa… nhưng tư bản Pháp cũng mang đại bộ phận xuất cảng dưới hình thức nguyên liệu sang Pháp và các nước cách sang hàng vạn cây số để sau rồi bắt Việt Nam phải mua lại hàng chế tạo bằng các nguyên liệu của chính mình sản xuất ra. Quá trình và tốc độ tư bản hóa diễn ra rất chậm chạp, khiến cho nền kinh tế của Việt Nam – đến cuối thời thuộc địa – về cơ bản vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu.

42

Giá trị sản phẩm nông nghiệp còn chiếm tới gần 70% tổng thu nhập quốc dân năm 1937. Kinh tế nông nghiệp vẫn tiếp tục giữ địa vị thống trị. Mặc dù công nghiệp đã có bước tiến đáng kể nhưng vẫn không thể làm thay đổi cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, xét về tổng thể trong nền kinh tế thì chủ nhân thực sự của công nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ vẫn là thực dân Pháp.

Bởi trước sau, người Pháp vẫn không có ý định công nghiệp hóa xứ Đông Dương, hay là tạo cho Đông Dương cơ sở của một nền công nghiệp, tức là phát triển những ngành công nghiệp hạ tầng, mang tính chất chủ lực: công nghiệp điện, công nghiệp luyện kim, cơ khí… Lý do của điều này do chính sách chung của thực dân Pháp vẫn là hạn chế phát triển, để tránh cạnh tranh với công nghiệp chính quốc ở một số ngành. Thế nhưng vì lợi nhuận và nhu cầu của giới tư bản chính quốc sau chiến tranh, một số ngành công nghiệp của Việt Nam đã có những biểu hiện của sự phát triển, trong đó, chủ yếu là những ngành cung cấp nguyên vật liệu cho công nghiệp chính quốc: công nghiệp mỏ, công nghiệp tơ lụa; cũng như chế biến những sản phẩm dành cho xuất khẩu: công nghiệp chế biến gạo, công nghiệp chế biến sản phẩm mỏ… trong một chừng mực nhất định còn có những ngành sản xuất ra các vật phẩm tiêu dùng tại thuộc địa mà trước đây buộc phải nhập từ chính quốc và những ngành công nghiệp phục vụ dân sinh và sản xuất.

2.2.2. Vai trò của công nghiệp đối với kinh tế - xã hội Việt Nam( 1919 – 1945)

Với những thành tựu đã đạt được, trong nền công nghiệp Việt Nam đặc biệt là công nghiệp giai đoạn 1919 –1945 đóng một vai trò to lớn vào bộ mặt chung của đất nước ta lúc bấy giờ cả về kinh tế tới tình hình xã hội. Cụ thể là:

Về mặt kinh tế, công nghiệpthời kì này không những phát triển, đạt được những bước tiến quan trọng trong nội bộ ngành mà hơn nữa còn thúc đẩy sự

43

phát triển của các ngành kinh tế khác như ngành thủ công nghiệp, giao thông vận tải hay trong ngành thương nghiệp.

Trong ngành giao thông vận tải: So với giai đoạn đầu thế kỉ XX cùng với việc đầu tư vào công nghiệp thì số vốn đầu tư vào ngành giao thông vận tải ở giai đoạn này tuy có giảm sút ít nhiều nhưng vẫn đạt được khoảng trên 12% tổng số vốn đầu tư của tư bản Pháp vào Việt Nam. Để hỗ trợ cho vận tải, chính quyền thuộc địa bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn công trái đã mở mang thêm các hệ thống đường giao thông sắt, thủy, bộ. Đặc biệt, sự xuất hiện của đường hàng không ở giai đoạn này rõ ràng là một bước tiến mạnh của ngành giao thông vận tải, góp phần mở rộng và điều chỉnh mạng lưới giao thông của Việt Nam thời kì này cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng để thống nhất thị trường dân tộc (quốc nội) tạo điều kiện phát triển kinh tế hàng hóa.

Trong ngành kinh tế thương nghiệp: nhất là ngoại thương của Việt Nam trong những năm sau chiến tranh cũng phát triển song song với sự biến động của đồng tiền, của sự phát triển của các ngành kinh tế, của sự mở rộng các hệ thống giao thông cũng như sự chuyển biến của đời sống xã hội thuộc địa nói chung. Sự phát triển của ngành kinh tế này là kết quả của việc đầu tư vốn vào các ngành kinh tế và đến lượt nó lại có tác dụng quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư, kích thích sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Trước chiến tranh, mọi hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cho Đông Dương là do một số công ty thương mại chính quốc nắm độc quyền như Liên Đoàn thương mại Phi Châu, công ty thương mại và vận tải đừờng thủy Viễn Đông…Trong hoàn cảnh một nền kinh tế phụ thuộc vào chính quốc thì chính các công ty thương mại này chi phối hoạt động của nền kinh tế đó. Sau chiến tranh việc xuất, nhập khẩu không phải chỉ là nhu cầu của giới tư bản công nghiệp và tài chính Pháp mà việc trao đổi hàng hóa còn là nhu cầu của thị trường tiêu dùng tại

44

thuộc địa, nhất là nhu cầu của giới tư bản thuộc địa trong việc thực hiện tư bản, được đầu tư ồ ạt vào các ngành kinh tế.

Sản xuất trong nước tăng lên, nhất là trong những ngành sản xuất nguồn hàng cho xuất khẩu. Theo Tạp chí kinh tế Đông Dương thì trong các năm từ 1927 – 1930, Đông Dương luôn trong tình trạng xuất siêu, nhất là về trọng lượng hàng hóa. Đông Dương xuất khẩu nhiều cao su, xi măng, quặng mỏ, da thô… và nhập vào chủ yếu là bông và sắt thép bán thành phẩm. Do Việt Nam là nước kinh tế kém phát triển nên hàng xuất khẩu là hàng thô hoặc mới sơ chế, giá trị thấp. Còn hàng nhập khẩu là các hàng xuất khẩu, sản phẩm của nền công nghệ hiện đại. Các nguồn hàng trao đổi ở Nam Kỳ chủ yếu là nông sản (lúa, gạo, cao su…), còn ở Bắc Kỳ là khoáng sản và các sản phẩm công nghiệp.Tốc độ xuất khẩu các mặt hàng này tăng lên theo sự phát triển của ngành công nghiệp khai mỏ, công nghiệp xi măng và ngành kinh tế đồn điền.Việc xuất khẩu sản phẩm mỏ cũng tăng. Năm 1900, lượng than xuất khẩu của Đông Dương là 200000 tấn thì đến năm 1939 con số đó tăng lên 1500000 tấn đưa Đông Dương vào hàng thứ 10 trong những nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu than lớn nhất Viễn Đông. Cùng với sự phục hồi của các ngành kinh tế, khả năng tiêu thụ sản phẩm trong nội địa cũng tăng lên, thị trường trong nước được phục hồi.

Kinh tế công nghiệp tiếp tục được mở rộng và phát triển. Nhiều doanh nghiệp cũ đã mở rộng quy mô sản xuất sau một quá trình tích lũy tư bản, một số doanh nghiệp mới được lập ra. Đến năm 1929, đã có hàng trăm nhà máy, xí nghiệp công ty của tư bản Pháp, tư sản người Hoa và người Việt được thiết lập và hoạt động.

Về mặt xã hội, nền kinh tế công nghiệp Việt Nam giai đoạn 1919-1945 còn góp làmchuyển biến, phân hóa các giai cấp và tầng lớp trong xã hội, giai

45

cấp tư sản được hình thành và đánh dấu thời kì chuyển biến về chất của giai cấp công nhân Việt Nam.

Cùng với quá trình khai thác, bóc lột của thực dân Pháp, các giai cấp mới ở Việt Nam lần lượt ra đời và đứng lên đấu tranh đòi độc lập như giai cấp tư sản, tiểu tư sản, công nhân, mỗi giai cấp lại mang trong mình lí tưởng, thái độ chính trị khác nhau.

Tư sản Việt Nam sau chiến tranh gặp những điều kiện thuận lợi nên hoạt động kinh doanh của họ càng trở nên đa dạng và sôi nổi hơn. Họ kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, từ xay xát, nhuộm, dệt, in ấn, sản xuất xà phòng, đường… Một số đã có trong tay một sản nghiệp lớn như mỏ, đồn điền, công ty vận tải… Cuối những năm 1920, tư sản Việt Nam đã gia tăng về số lượng, đạt tới con số 20.000 người, chiếm 0.1% dân số cả nước. Tư sản Việt Nam đã từ một tầng lớp trở thành một giai cấp xã hội thực sự sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Do điều kiện kinh doanh, tư sản Việt Nam tự phân thành hai bộ phận: tư sản mại bản và tư sản dân tộc. Tư sản mại bản là một bộ phận những nhà đại lý cho tư bản nước ngoài, lợi ích của bộ phận này gắn chặt với lợi ích kinh tế của tư bản thực dân. Ngoài bộ phận trên phần lớn tư sản Việt Nam đều là tư sản dân tộc. Nhiều xí nghiệp kinh doanh của họ được mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư về kỹ thuật như xưởng sản xuất sơn của Nguyễn Sơn Hà; công ty vận tải sông biển của Bạch Thái Bưởi; xí nghiệp dệt Vĩnh An ở Huế…

Lợi ích kinh tế của tư sản dân tộc không đồng nhất với lợi ích kinh tế của chính quyền thực dân. Họ bị chèn ép từ mọi phía, từ tư sản Pháp tới các nhà tư sản ngoại kiều. Để tồn tại và phát triển họ đã cố kết lại với nhau trong kinh doanh và do đó ít nhiều họ có tinh thần dân tộc.

Đây cũng là giai đoạn mà giai cấp công nhân Việt Nam không chỉ tăng thêm về số lượng mà còn có sự chuyển biến về chất lượng. Sau Chiến tranh

46

thế giới thứ nhất, số lượng công nhân Việt Nam phát triển nhanh chóng. Theo niên giám thống kê của Pháp thì đến năm 1929 số lượng công nhân trên toàn Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) là 220.000 người. Cùng với sự tăng lên về số lượng, chất lượng chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề của công nhân cũng được nâng lên.

Cho đến trước ngày 19-12-1946 toàn bộ số công nhân ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khoảng 100.000 người, trong đó có 25.000 làm việc tại các xí nghiệp, nhà máy và cơ sở kinh doanh của tư bản Pháp và tư bản ngoại quốc.

Giai cấp công nhân nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân quốc tế, nhanh chóng trở thành lực lượng chính trị tự giác thống nhất, giai cấp công nhân Việt Nam luôn có tinh thần và bản chất cách mạng triệt để. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, do ảnh hưởng sâu sắc của cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sự truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân Việt Nam đã có bước chuyển biến sâu sắc về chất. Giai cấp công nhân đã từng bước giác ngộ về địa vị, vai trò của mình trong xã hội, trong cách mạng Việt Nam và ngày càng tiến tới sự tự giác.

Trong thời kì này phong trào dân tộc dân chủ bùng lên mạnh mẽ, những con đường cứu nước khác nhau lần lượt được truyền bá vào Việt Nam.Chính điều này đã làm cho phong trào đấu tranh chống thực dân phong kiến ở Việt Nam diễn ra hết sức sôi nổi. Đáng chú ý nhất là phong trào đấu tranh theo khuynh hướng cách mạng vô sản mà hệ quả của nó là sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 2 năm 1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam phong trào đấu tranh chống đế quốc phong kiến của nhân dân Việt Nam giành được nhiều thắng lợi, gây cho Pháp nhiều khó khăn trong việc ổn định tình hình xã hội thuộc địa để thực hiện công việc khai thác,bóc lột.

47

48

Tiểu kết chương 2

Tóm lại, trong bất cứ ngành nào của nền công nghiệp Việt Nam thời kỳ này cũng mất cân đối. Ngành khai mỏ chiếm phần lớn công việc kinh doanh cũng như giá trị sản phẩm của toàn bộ ngành công nghiệp. Các ngành sản xuất công nghiệp khác như hóa chất, luyện kim, cơ khí,… thì hầu như vẫn dậm chân tại chỗ phát triển cầm chừng, sản phẩm ít ỏi. Vì vậy, tự thân các bộ phận của nền kinh tế không có sự hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.Sau hơn nửa thế kỉ phát triển công nghiệp, rất nhiều nguyên liệu và sản phẩm công nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế như hóa chất, sắt, thép và đại đa số máy móc vẫn phải nhập ngoại. Tuy nhiên, những chuyển biến trong nền công nghiệp Việt Nam giai đoạn 1919 – 1945 cũng góp phần hết sức to lớn vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước,phản ánh bộ mặt kinh tế nước ta thời Pháp thuộc.

49

Một phần của tài liệu Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 1919– 1945 (Trang 46 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(58 trang)