CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ PHÁT TRIỂN CHO VAY ĐẦU TƯ CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỊA PHƯƠNG
1.1. CHO VAY ĐẦU TƯ CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỊA PHƯƠNG
1.1.3. Cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương
Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là một định chế tài chính của địa phương nhằm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tại các nước trên thế giới đều có các Quỹ đầu tư hay Công ty đầu tư.
Các Quỹ đầu tư của Chính phủ hay tư nhân tham gia vào việc đầu tư trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển kinh tế. Các Quỹ đầu tư bỏ vốn vào các dự án lớn, quan trọng và có lợi của quốc gia để sau đó bán lại trực tiếp cho công chúng hay qua các công ty nội địa.
Ngoài các Quỹ đầu tư thành lập của mỗi quốc gia, còn có các Quỹ đầu tư của các định chế tài chính quốc tế. Các công ty đầu tư, công ty tài chính chuyên môn của các nước phối hợp hùn vốn để đầu tư phát triển tại các quốc gia đang phát triển, đầu tư vào các dự án có tiềm năng sinh lời cao tại các quốc gia này.
* Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là một tổ chức tài chính nhà nước của địa phương; thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu tư phát triển.
Quỹ đầu tư phát triển địa phương có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có
bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam [4, tr.2].
Quỹ Đầu tư phát triển địa phương được thành lập trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với cơ chế phân cấp về quản lý kinh tế và xu hướng ngày càng mở rộng quyền hạn, trách nhiệm để tăng tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong quản lý kinh tế. Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là công cụ để thực hiện chính sách đầu tư phát triển ở địa phương.
Tên gọi của Quỹ đầu tư phát triển địa phương là: Quỹ đầu tư phát triển, ghép với tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Quỹ đầu tư phát triển địa phương được thực hiện các hoạt động sau:
- Huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
- Đầu tư, bao gồm đầu tư trực tiếp vào các dự án; cho vay đầu tư; góp vốn thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội;
- Ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ; nhận uỷ thác quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư, thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn cho ngân sách địa phương theo uỷ quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
* Sự cần thiết thành lập Quỹ Đầu tư phát triển địa phương Thành lập Quỹ Đầu tư phát triển địa phương nhằm:
- Tạo ra cơ chế mềm dẽo, linh hoạt để huy động và tập hợp cao nhất các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Khai thác và huy động nguồn vốn nhàn rổi thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức kinh tế - xã hội, dân cư, vốn viện trợ trong và ngoài nước, tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để điều hoà và sử dụng, đầu tư có hiệu quả cho các dự án phát triển kinh tế, công trình kết cấu hạ tầng của địa phương;
- Tạo tiền đề và công cụ quan trọng cho việc thực hiện xã hội hoá đầu tư tại địa phương. Quỹ Đầu tư phát triển địa phương đóng vai trò chủ thể khởi xướng, dẫn dắt hoạt động đầu tư thông qua các hình thức đầu tư rất đa dạng như: hợp vốn đầu tư, hợp vốn cho vay, góp vốn thành lập công ty cổ phần để huy động vốn phục vụ cho mục tiêu đầu tư… Trong đó, nguồn vốn của Quỹ Đầu tư phát triển được sử dụng như là nguồn “vốn mồi” để thu hút sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm áp lực về vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, nâng cao hiệu quả đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của địa phương;
- Tạo ra một công cụ tài chính mới giúp cho chính quyền địa phương huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố;
- Hình thành thêm một định chế trung gian tài chính mới góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước;
* Đặc điểm hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương ảnh hưởng đến việc phát triển cho vay đầu tư
- Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là loại hình định chế tài chính do chính quyền các địa phương thành lập để phát triển kinh tế xã hội địa phương, chính quyền địa phương sở hữu 100% vốn, chưa có sự tham gia của công chúng đầu tư như các loại hình Quỹ đầu tư khác. Do đó, cơ cấu cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương; những vấn đề quan trọng trong cho vay đầu tư phải do chính quyền địa phương quyết định như: quyết định đối tượng cho vay, quyết định cho vay khi mức vốn cho vay đối với một dự án trên 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ, quyết định việc khoanh nợ, xoá nợ gốc khi khách hàng không trả được nợ…
- Mô hình tổ chức quản lý: được tổ chức theo mô hình tự quản lý, với cơ cấu đầy đủ như một doanh nghiệp; không có sự tham gia của các tổ chức trung gian.
- Hoạt động nhằm mục tiêu vừa thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương (mục tiêu chính sách), vừa thực hiện mục tiêu gia tăng giá trị vốn cho chủ sở hữu và giảm tính chất bao cấp trong hoạt động.
Do đó, đối tượng cho vay của Quỹ là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có phương án thu hồi vốn trực tiếp thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố thông qua; Quỹ không cho vay với lãi suất thương mại mà cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước do Nhà nước công bố theo từng thời điểm, thường thì lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước thấp hơn lãi suất cho vay thương mại của các Ngân hàng thương mại.
- Xét về khả năng khai thác nguồn vốn đầu tư thì Quỹ Đầu tư phát triển địa phương có thể tận dụng được lợi thế trong việc khai thác những nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của ngân sách địa phương hoặc các khoản vốn ngân sách đầu tư có thu hồi; huy động được nguồn vốn trên thị trường tài chính và các nguồn vốn khác với tư cách là một doanh nghiệp. Quỹ Đầu tư phát triển địa phương sẽ khai thác được những nguồn lực sẵn có để cho vay đầu tư phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương còn có thể vay từ ngân hàng và các hình thức huy động vốn khác như kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng hợp vốn để đầu tư, phát hành trái phiếu để huy động vốn...
- Hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng không, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, chủ yếu huy động vốn trung dài hạn và tài trợ cho các dự án đầu tư
trung và dài hạn nên khả năng tạo tiền thông qua Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là không lớn, hoạt động của Quỹ không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.
b. Cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương
Quỹ Đầu tư phát triển địa phương chỉ cho khách hàng vay vốn trung, dài hạn bằng tiền Việt Nam, không cho vay bằng ngoại tệ.
- Đối tượng cho vay: là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có phương án thu hồi vốn trực tiếp thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, bao gồm:
Các dự án về: giao thông; cấp nước; nhà ở khu đô thị, khu dân cư; di chuyển sắp xếp lại các cơ sở sản xuất; xử lý rác thải của các đô thị;
Các dự án quan trọng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
- Điều kiện cho vay: Quỹ đầu tư phát triển địa phương chỉ cho vay khi chủ đầu tư bảo đảm có đủ các điều kiện sau đây:
Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;
Có phương án sản xuất, kinh doanh có lãi và trả được nợ;
Có cam kết mua bảo hiểm đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc;
Chủ đầu tư là các tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc các doanh nghiệp.
- Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay của Quỹ đối với các dự án theo nguyên tắc không thấp hơn lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước.
- Bảo đảm tiền vay: Tuỳ thuộc vào từng dự án cụ thể, Quỹ sử dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
- Quy định về cho vay hợp vốn: Quỹ được làm đầu mối cho vay hợp vốn hoặc cùng hợp vốn với các tổ chức tín dụng và tổ chức khác để cho vay.
- Phân loại nợ, trích lập Quỹ dự phòng xử lý rủi ro đối với hoạt động cho vay đầu tư: thực hiện như các tổ chức tín dụng.
- Xử lý rủi ro: Rủi ro xảy ra cho các dự án vay vốn của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do nguyên nhân khách quan được xử lý như sau:
+ Trường hợp do chính sách Nhà nước thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của dự án, chủ đầu tư gặp khó khăn trong trả nợ vay thì chủ đầu tư được xem xét gia hạn nợ; xoá, giảm lãi tiền vay; khoanh nợ.
+ Trường hợp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn do nguyên nhân khách quan gây thiệt hại tài sản mà chủ đầu tư không trả được nợ, thì việc xử lý rủi ro được thực hiện theo trình tự như sau:
Sử dụng các nguồn tài chính của chủ đầu tư để thu hồi nợ;
Tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm (nếu có);
Được xem xét, xoá nợ một phần hoặc toàn bộ số nợ vay còn lại.
- Thẩm quyền xử lý rủi ro
+ Cấp nào quyết định cho vay thì quyết định gia hạn nợ. Thời gian gia hạn nợ tối đa không vượt quá 1/3 thời hạn của khoản vay.
+ Hội đồng quản lý quyết định việc xoá nợ lãi.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc khoanh nợ, xoá nợ gốc.
c. Rủi ro tín dụng trong cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương
Cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương có thể dẫn đến rủi ro tín dụng nhiều hơn so với cho vay của Ngân hàng thương mại vì:
- Quỹ Đầu tư phát triển địa phương không có điều kiện được lựa chọn nhiều đối tượng cho vay đầu tư như cho vay của Ngân hàng thương mại, mà chỉ cho vay các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh thông qua, do đó mức độ tập trung vốn của Quỹ rất cao và chứa đựng nhiều rủi ro. Do hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nên phần lớn đối tượng cho vay đầu tư là nhằm vào những dự án có điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, có tỷ lệ sinh lời thấp, mục tiêu xã hội cao và mức độ rủi ro lớn, không hấp dẫn các Ngân hàng thương mại.
- Quỹ Đầu tư phát triển địa phương chưa thực hiện dịch vụ thanh toán, Quỹ giải ngân vốn vay, thu nợ của doanh nghiệp vay vốn thông qua Ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp mở tài khoản; mọi luồng tiền đi, mọi nguồn tiền thu về của doanh nghiệp đều phải thông qua các Ngân hàng thương mại, Quỹ hoàn toàn thiếu sự chủ động, giám sát luồng tiền, việc trả nợ chủ yếu dựa vào ý chí trả nợ của doanh nghiệp, Quỹ chưa có công cụ hữu hiệu để thu hồi nợ cho vay đầu tư.
- Tài sản bảo đảm tiền vay chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay và có tính thanh khoản thấp [13, tr.7], khả năng thu hồi vốn vay từ xử lý tài sản bảo đảm còn hạn chế.