CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ PHÁT TRIỂN CHO VAY ĐẦU TƯ CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỊA PHƯƠNG
1.2. PHÁT TRIỂN CHO VAY ĐẦU TƯ CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỊA PHƯƠNG
1.2.1. Nội dung về phát triển cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương
1.2.1. Nội dung về phát triển cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương
Phát triển cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là quá trình tăng trưởng quy mô cho vay đầu tư, tăng thu hút vốn đầu tư của xã hội, nâng cao hiệu quả cho vay đầu tư, thay đổi cơ cấu tín dụng phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm soát được rủi ro tín dụng trong cho vay đầu tư.
a. Tăng trưởng quy mô cho vay đầu tư
Tăng trưởng quy mô cho vay đầu tư là quá trình gia tăng số lượng khách hàng vay vốn Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, tăng dư nợ cho vay và tăng
dư nợ cho vay bình quân trên một khách hàng nhằm thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gia tăng giá trị vốn cho quỹ. Ngoài ra, tăng trưởng quy mô cho vay đầu tư còn góp phần mở rộng quy mô sản xuất của khách hàng, giúp khách hàng phát huy tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế.
Tăng trưởng quy mô cho vay đầu tư phải luôn đi kèm với các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng.
Tăng trưởng quy mô cho vay đầu tư có thể thực hiện qua các phương thức sau:
- Tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay đầu tư.
- Mở rộng đối tượng cho vay đầu tư.
- Đơn giản hóa quy trình và thủ tục tín dụng.
- Nâng cao trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm cho cán bộ tín dụng.
b. Tăng thu hút vốn đầu tư của xã hội, nâng cao hiệu quả cho vay đầu tư
Với vai trò cho vay đầu tư mở đường và thực hiện chức năng vốn mồi, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương đã huy động các thành phần kinh tế tại địa phương cùng tham gia đầu tư phát triển kinh tế, thực hiện vai trò đầu mối cho vay hợp vốn các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, vừa góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách địa phương, vừa giúp địa phương đủ lực đầu tư cho những dự án lớn trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả cho vay đầu tư thể hiện ở chỗ khi các dự án do Quỹ cho vay đi vào hoạt động, sẽ góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy hiệu quả kinh tế xã hội, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách, tăng lợi nhuận cho Quỹ.
c. Thay đổi cơ cấu tín dụng phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Cơ cấu tín dụng là sự cấu thành theo tỷ lệ nhất định của các yếu tố cấu thành hoạt động tín dụng trong tổng thể hoạt động tín dụng của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương [12, tr. 58].
Cơ cấu tín dụng phản ảnh việc phân bổ vốn đầu tư tín dụng của Quỹ vào từng ngành, lĩnh vực, đối tượng sử dụng vốn theo các nhu cầu sử dụng vốn khác nhau trong nền kinh tế để phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ nhất định.
Thay đổi cơ cấu tín dụng là quá trình biến đổi các tỷ trọng cấu thành nên tổng thể tín dụng tại một thời điểm hoặc một giai đoạn so với một thời điểm hoặc một giai đoạn trong quá khứ [12, tr. 59].
Thông qua cho vay đầu tư, Quỹ có thể tập trung cho vay phát triển đối với ngành này cũng như hạn chế phát triển đối với ngành khác phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó thúc đẩy việc chuyển dịch kinh tế theo một cơ cấu ngành hợp lý. Không chỉ có vậy, đó còn là quá trình chuyển dịch cơ cấu gắn với đổi mới căn bản về công nghệ, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và phát triển bền vững của nền kinh tế.
d. Nâng cao chất lượng dịch vụ
Nâng cao chất lượng dịch vụ là phát triển các dịch vụ hiện có và gia tăng thêm các sản phẩm dịch vụ mới. Nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng đa dạng nên Quỹ Đầu tư phát triển địa phương phải không ngừng cải tiến, phát triển các sản phẩm của mình, cung ứng cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ.
Để phát triển cho vay đầu tư, Quỹ cần triển khai các dịch vụ tiện ích như dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin cho khách hàng; tư vấn tài chính và đầu tư; nhận uỷ thác quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư, thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư... để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của khách hàng.
e. Kiểm soát rủi ro tín dụng trong hoạt động cho vay đầu tư
Theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động Ngân hàng của tổ chức tín dụng, rủi ro tín dụng là khả năng xảy ra tổn thất trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết [8, tr. 1].
Do thời hạn cho vay đầu tư dài nên mức độ rủi ro khi cho vay đầu tư cao hơn các loại cho vay khác, vì vậy kiểm soát được rủi ro khi cho vay đầu tư sẽ góp phần phát triển cho vay đầu tư. Để tăng cường kiểm soát rủi ro khi phát triển cho vay đầu tư, Quỹ phải thực hiện tốt các việc sau:
- Thực hiện đúng quy định về cho vay đầu tư, bảo đảm tiền vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, quy trình cho vay đầu tư.
- Thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa quy trình nghiệp vụ cho vay đầu tư, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp với hoạt động của Quỹ, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng.
- Xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, quy định nội bộ về quản lý rủi ro cho vay đầu tư.
- Thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động cho vay đầu tư.
- Thực hiện quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn, quy định về kiểm soát rủi ro:
Duy trì mức vốn điều lệ thực có không thấp hơn mức quy định là 100 tỷ đồng;
Giới hạn cho vay đối với một dự án tối đa bằng 15% vốn hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tại thời điểm thực hiện;
Giới hạn huy động vốn: Tổng mức vốn huy động tối đa bằng 6 lần vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tại cùng thời điểm.