2.1.1. Thực trạng hệ thống giao thông Việt Nam hiện nay
Đến hết năm 2015, ngành GTVT đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400km đường bộ và hơn 94.000m dài cầu đường bộ; đặc biệt đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; cơ bản hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, sớm hơn 01 năm so với kế hoạch; đã đầu tư mới và đưa vào khai thác khoảng 704km đường bộ cao tốc, vượt 104km so với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, đánh giá về hệ thống đường bộ toàn quốc, chỉ có 32% đạt loại tốt trở lên, còn lại 68% là loại trung bình, xấu cần phải bảo dưỡng, nâng cấp ngay. Nhiều tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn, cầu và đường chưa đồng bộ, chất lượng mặt đường xuống cấp nghiêm trọng nên thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc như: QL1, QL2, QL3, QL5, QL6...; đặc biệt ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên các cầu, cống, tuyến đường xây dựng trước đây không phù hợp với tình hình thủy văn hiện nay nên dễ bị ngập lụt trong mùa mưa bão, gây sụt lở.
2.1.2. Nhu cầu đầu tư phát triển CSHTGT Việt Nam
Theo tính toán của Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng CSHTGTĐB đến năm 2020 bình quân khoảng 202.000 tỷ đồng/năm, trong đó một số dự án giao thông quan trọng, cấp bách như QL1 cần bình quân 22.000 tỷ đồng/năm, đường Hồ Chí Minh là 27.000 tỷ đồng/năm... và tổng nhu cầu vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2020 do Bộ trực tiếp quản lý ước khoảng 1.015 nghìn tỉ đồng. Khả năng đáp ứng nhu cầu từ các nguồn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách (vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA) theo Bộ GTVT chỉ vào khoảng 28%. Phần thiếu hụt là 731 nghìn tỉ đồng, trong đó các dự án có khả năng đầu tư bằng hình thức xã hội hóa có tổng mức đầu tư khoảng 452,6 nghìn tỉ đồng, trong đó yêu cầu phần vốn góp Nhà nước là khoảng 157 nghìn tỉ đồng (Bảng 2.1).
TT Lĩnh vực Tổng mức đầu tư Vốn góp nhà nước Vốn nhà đầu tư huy động
1 Đường bộ 279113 112687 166426
2 Hàng hải 45494 1811 43683
3 Đường thủy 13990 3000 10990
4 Hàng không 55976 1000 54976
5 Đường sắt 58071 38304 19767
Tổng cộng 452644 156802 295842
Bảng 2.1. Nhu cầu nguồn vốn xã hội hóa đầu tư CSHT đến năm 2020 (tỷ đồng)
56.00%
15.00%
4.00%
18.00%
7.00%
Nhu cầu vốn nhà đầu tư huy động theo từng lĩnh vực trong đầu tư cơ sở hạ tầng đến năm 2020
Đường bộ Hàng hải Đường thủy Hàng không Đường sắt
Biểu đồ 2.1. Nhu cầu nguồn vốn xã hội hóa đầu tư CSHT đến năm 2020
Qua số liệu phân tích có thể thấy, Nhà nước ta đang trông chờ vào nguồn vốn từ nhà đầu tư để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và trong đó đặc biệt chú ý đến đầu tư phát triển CSHTGT.
2.1.3. Mục tiêu phát triển ngành GTVT ở Việt Nam đến năm 2020
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI đã đề ra mục tiêu trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông thông suốt, an toàn, với một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững.
Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 Việt Nam sẽ hình thành được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Một số mục tiêu cụ thể gồm: Đến năm 2020 có trên 2.000km đường bộ cao tốc; hoàn thành hơn 600km đường Hồ Chí Minh; tốc độ bình quân chạy tàu tuyến Bắc – Nam là 80 – 90km/h đối với tàu khách và 50 – 60km/h đối với tàu hàng; đưa tổng năng lực các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm; tổng công suất các cảng biển đạt khoảng 800 triệu tấn/năm vào năm 2020;…
Với sự cần thiết của việc phát triển cơ sở hạ tầng GTVT như hiện nay, từ tháng 12/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 206/2004/QĐ-TTg, nội dung phê duyệt chiến lược Phát triển GTVT Việt Nam định hướng đến năm 2020. Quyết định này đã nêu lên quan điểm và mục tiêu phát triển GTVT của Việt Nam đến năm 2020 như sau:
- GTVT là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại đất nước.
- GTVT phải phát triển đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp GTVT theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết được các phương thức giao thông vận tải, đảm bảo giao lưu thông suốt, nhanh chóng, an toàn và thuận lợi trên phạm vi cả nước với trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khi vực, phục vụ mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.