Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đánh giá tình trạng sâu răng trong cộng đồng, có 2 tiêu chí được sử dụng là:
- Tỷ lệ % học sinh hiện mắc sâu răng (có ít nhất 1 răng bị sâu trên toàn bộ hàm răng) để nói lên mức độ lưu hành sâu răng ở cộng đồng.
- Chỉ số răng sâu- mất- trám (tổng số răng bị sâu, răng bị mất và răng sâu được trám) để nói lên nguy cơ sâu răng trong cộng đồng.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ sâu răng là (82,2%) được thể hiện trong các bảng 11 và 12. Kết quả bảng 12 cho thấy tỷ lệ sâu răng ở nam (82,6%) cao hơn ở nữ (81,6%) không có ý nghĩa thống kê với p <0,05. Theo kết quả điều tra răng miệng toàn quốc, năm 2002, của tác giả Trần Văn Trường và CS cũng cho thấy không có đặc điểm cố định nào theo giới [22]. Tỷ lệ sâu răng này cao hơn nhiều so với kết quả điều tra bệnh răng miệng toàn quốc lần thứ hai trên trẻ thường của Trần Văn Trường và Trịnh Đình Hải (2002) ở trẻ 12 tuổi là 56,6% và 15 tuổi là 67,6% [8]. Kết quả này lại phù hợp với nghiên cứu của Vignesha (Singapore, 1990) điều tra trên trẻ khuyết tật từ 6 – 18 tuổi có tỷ lệ SR là 82,15% [14]; Bhavsar và Damle (Bombay – Ấn Độ, 1995) điều tra trên trẻ tật khiếm thính từ 12 – 14 tuổi có tỷ lệ SR là 78,3% [11]; Nguyễn Hồng Lợi (2008) nghiên cứu trên trẻ bị dị tật bẩm sinh khe hở môi – vòm miệng từ 6 – 12 tuổi có tỷ lệ SR là 87,6% [3].
Theo nghiên cứu của Bùi Tiến Hùng và Ngô Thị Quỳnh Lan (2003) trên 225 trẻ khiếm thính từ 7 tuổi trở lên có tỷ lệ SR cao 96,44%. Kết quả này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của chúng tôi [2] .
Sự khác nhau về tỷ lệ SR so với trẻ bình thường ở trẻ khuyết tật là do có những yếu tố thuận lợi cho SR: ngoài những bất thường về răng miệng có thể gặp phải như các bất thường về số lượng, cấu trúc, hình thể răng… thì ở trẻ khuyết tật còn gặp khó khăn trong vấn đề VSRM. Đối với những trẻ bị bại não thì việc vệ sinh răng miệng là không thể. Hay với những trẻ chậm phát triển trí tuệ thì việc VSRM cho các em thực sự là một vấn đề hết sức gian nan vì ở những trẻ này thường chậm phát triển về tâm thần, khó khăn trong chú ý, tri giác, trí nhớ và tư duy. Chính vì vậy, việc VSRM cho đối tượng trẻ này cần được sự giám sát chặt chẽ và hỗ trợ của người thân hay người chăm sóc trẻ.
Tỷ lệ sâu răng ở trẻ bại não là cao nhất với 100%. Điều này cũng dễ hiểu do trẻ bại não hoàn toàn không có vận động chung. Toàn bộ việc chăm sóc cơ thể nói chung và chăm sóc răng miệng nói riêng đều hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Trong việc chăm sóc cơ thể cho người bại não thì việc chăm sóc răng miệng chưa được quan tâm đúng cách và đúng mực. Tỷ lệ sâu răng ở trẻ bị down 84,6%, câm điếc là 84%, tự kỷ 80%, chậm phát triển trí tuệ là 83,3%. Đa số các trẻ không được quan tâm chăm sóc đến răng miệng một cách thường xuyên khi trẻ sống ngay tại làng nuôi dạy trẻ khuyết tật. Tuy làng trẻ cũng cung cấp đầy đủ nhu cầu hàng ngày cho các em, dạy và chăm sóc các em chu đáo nhưng lại chưa có một bác sỹ chuyên khoa Răng hàm mặt riêng để chăm sóc SKRM cho trẻ tại trung tâm. Vì với số lượng trẻ nhiều và lại bị khuyết tật như vậy thì việc đưa đi khám ở bệnh viện hay các phòng mạch tư không phải là chuyện đơn giản.
Tỷ lệ sâu mất trám răng sữa
Tỷ lệ có SR chỉ nói lên mức độ lưu hành SR ở trẻ khuyết tật mà chưa phản ánh hết thực trạng và nguy cơ SR. Chính vì vậy mà chúng tôi sử dụng chỉ số smt để bổ sung cho hạn chế đó.
Chỉ số smt ở nam cũng cao hơn ở nữ, lần lượt là 3,19 và 2,3. Có thể do ở lứa tuổi này các trẻ nam thường nghịch ngợm, hiếu động hơn trẻ nữ và chưa có ý thức giữ gìn VSRM. Hơn nữa, một số bệnh lý bất thường hay gặp ở trẻ nam hơn trẻ nữ như hội chứng Down, tăng động…
Chỉ số smt nhóm 6 – 12 tuổi là 3,95 (bảng 3.7). Chỉ số này cao hơn nhiều so với kết quả điều tra trên trẻ thường từ 9 – 11 tuổi của Trần Văn Trường (2002) là 1,96 [8]. Tuy rằng số răng sâu rất nhiều nhưng tỷ lệ số răng được trám lại thấp 9/109 răng. Điều này chứng tỏ trẻ khuyết tật từ khi còn nhỏ đã không được chăm sóc răng miệng tốt, có thể là cha mẹ của trẻ đôi khi chỉ để ý điều trị những bệnh chính là nguyên nhân gây khuyết tật cho trẻ mà quên mất vai trò của hàm răng và những rối loạn hoàn toàn có thể gặp ở bộ răng của trẻ do cùng nguyên nhân đó gây ra. Ở giai đoạn hàm răng hỗn hợp khi răng vĩnh viễn bắt đầu mọc, men răng chưa trưởng thành lại có nhiều hố rãnh trên mặt răng dễ đọng thức ăn và gây SR.
Tỷ lệ SMT:
Từ khi áp dụng mô hình giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật ở 66 huyện, 36 tỉnh, thành phố (tính đến tháng 10/1994) ngành giáo dục nước ta đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây là mô hình cần được phổ biến rộng khắp cả nước. Giáo dục hoà nhập giúp trẻ khuyết tật dần xoá đi mặc cảm tật nguyền, học cùng với trẻ thường theo cùng một chương trình cũng là điều kiện tốt để trẻ khuyết tật phấn đấu cố gắng. Đồng thời, đối với trẻ thường còn hình thành cho các em tình cảm nhân ái, yêu thương, cảm thông, giúp đỡ những bạn kém may mắn hơn mình. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức
các buổi giáo dục nha khoa và khám răng cho các em do một số tổ chức từ thiện trong và ngoài nước tiến hành. Chính vì vậy mà các em có điều kiện chăm sóc răng tốt hơn nên tỷ lệ SR ở nhóm trẻ này thấp hơn so với hai nhóm còn lại.
Chỉ số SMT chung cho trẻ khuyết tật 6 – 17 tuổi là 3,55. SMT tăng theo độ tuổi: nhóm 6 – 11 là 3,22; nhóm 12 – 17 là 3,37 (bảng 3.8). Kết quả này cao hơn kết quả điều tra trên trẻ thường của Trần Văn Trường (2002): SMT nhóm 12 – 14 tuổi là 2,05 [8].
Đồng thơi cao hơn kết quả nghiên cứu của nguyễn hà thu 2009
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với một số nghiên cứu của các tác giả khác trên trẻ khuyết tật: Vignehsa và cs (Singapore, 1990) điều tra trên trẻ khuyết tật từ 6 – 18 tuổi có SMT của nhóm 6 – 11 tuổi là 0,73; nhóm 12 – 18 tuổi là 2,78 [14]. Jain M (Udaipur, Ấn Độ – 2008) nghiên cứu trên 127 trẻ câm điếc từ 5 – 22 tuổi có SMT = 2,61 [13]. Nghiên cứu của Bùi Tiến Hùng và Ngô Quỳnh Lan (2003) trên trẻ khiếm thính cho thấy chỉ số SMT ở mức trung bình 1,89 – 4,33 [2].