Một số loài có giá trị sử dụng cao, gặp tương đối phổ biến ở khu Bảo tồn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nguồn tài nguyên cây thuốc mọc tự nhiên ở khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn (Trang 45 - 50)

Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3.2. Những cây thuốc tiềm năng ở khu Bảo tồn

3.2.2. Một số loài có giá trị sử dụng cao, gặp tương đối phổ biến ở khu Bảo tồn

Trong tổng số 44 loài được liệt kê kể trên, qua thực tế điều tra nghiên cứu chỉ thấy trên 20 loài và nhóm loài thường gặp nhiều hơn các loài khác (chỉ là nhận xét ở mức tương đối). Các loài và nhóm loài đó là: Bách bộ (1), Bồng bồng (3), Cam thảo đất (4), Câu đằng (5), Chân chim (7), Chè dây (8), Chè vằng (9), Cỏ cứt lợn (10), Cỏ tranh (11), Củ gió (13), Củ mài núi (14), Gắm (17), Hoàng nàn (20), Huyết giác (21), Hy thiêm (21), Kê huyết đằng (23), Kim cang (24), Na rừng (39), Qua lâu nhân (34), Sa nhân (36), Sói rừng (37), Thảo đậu khấu (40) và Thiên niên kiện (43).

Song không phải tất cả các loài này đều có mức độ khai thác, sử dụng như nhau. Để cụ thể hơn, sau đây sẽ đề cập 10 loài và nhóm loài chính có thể coi là có giá trị kinh tế cao ở khu BT.L & SC Nam Xuân Lạc:

(1). Bách bộ (Stemona tuberosa Lour.); Stemonaceae (ảnh 1).

Dây leo bằng thân quấn, dài tới gần 10m; có rễ củ chùm, nạc; lá mọc đối. Cụm hoa thường có 2 cái, màu tím nâu, mùi hôi. Quả nang, nhiều hạt nhỏ.

Rễ củ được sử dụng chữa ho, viêm họng, khản tiếng [8, 11, 16].

39

Phân bố rải rác ở khu Bảo tồn, nhất là ở vùng đệm, thuộc xã Bản Thi và Xuân Lạc.

Theo nhân dân cho biết Bách bộ đã bị khai thác từ những năm trước kia, nay có nhiều cây lớn ở vùng đệm nên có thể khai thác hạn chế.

(2). Cẩu tích (Cibotium barometz (L.) Sm.); Dicksoniaceae (ảnh 2).

Thuộc loại dương xỉ lớn, có thân rễ dạng củ nằm ngang, nạc, bên ngoài có lông mao. Lá kép lông chim 3 lần, túi bào tử nằm ở mặt dưới của lá.

Thân rễ sử dụng nhiều trong Y học cổ truyền làm thuốc chữa đau nhức xương khớp, đau lưng; lông mao có tác dụng cầm máu; ngoài ra còn làm đồ mỹ nghệ (tạo các con giống) [8, 11, 16].

Phân bố rải rác khắp khu Bảo tồn, mọc tập trung nhất ở khu Bó Mằn, thuộc vùng đệm, nằm trong địa phận xã Bản Thi và ở vùng rừng Khuổi Pốc, xã Xuân Lạc. Cẩu tích mọc ở vùng đệm, nên có thể khai thác hạn chế.

(3). Chân chim (Schefflera spp.); Araliaceae.

Thuộc nhóm loài Ngũ gia bì chân chim, chi Schefflera ở khu Bảo tồn có 3 hoặc 4 loài, vỏ thân và vỏ rễ của chúng đều được dùng làm thuốc bổ, kích thích tiêu hóa và chống đau nhức xương khớp. Trong các loài đã gặp đáng chú ý nhất là loài Schefflera heptaphylla (~ Sch. octophylla). Loài này là loại cây gỗ, có thể cao tới 20m, nhưng ở khu Bảo tồn chỉ gặp cây cao khoảng dưới 10m, đường kính thân 15 - 35 cm. Lá kép chân vịt gồm 7 - 9 lá chét thuôn. Cụm hoa chùm tán, mọc ở kẽ lá gần đầu cành; quả hạch hình cầu hơi dẹt. Toàn cây vò nát có mùi thơm đặc trưng của Ngũ gia bì [8, 11, 16].

Tại khu Bảo tồn, loài Ngũ gia bì chân chim trên phân bố rải rác khắp nơi, nhưng thường tập trung nhiều hơn ở hành lang ven suối, dưới chân rừng núi đá vôi. Loài này trước năm 1985 nhân dân có đi khai thác bán cho Công ty dược tỉnh Bắc Thái cũ.

(4). Chè dây (Ampelopsis cantoniensis(Hook. et Arn.) Planch.); Vitaceae (ảnh 3).

Là loại dây leo gỗ, leo bằng tua cuốn và thân quấn, có thể leo lên cây gỗ cao trên 5m. Lá kép lông chim 1 lần, đầu tua cuốn chẽ đôi. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, hoa nhỏ màu vàng xanh; quả nhỏ hình cầu khi chín màu tím đen.

40

Toàn bộ phần cành có lá được sử dụng làm thuốc chữa đau dạ dày, lợi tiểu [8, 11, 16].

Tại khu Bảo tồn, Chè dây phân bố rải rác khắp nơi, nhiều nhất ở rừng thứ sinh trên núi đất ở vùng đệm thuộc xã Xuân Lạc. Năm 2010 có một nhóm người ngoài thị trấn huyện vào thu hái Chè dây ở đây.

(5). Hy thiêm (Siegesbeckia orientalis L.); Asteraceae (ảnh 4).

Cây thân cỏ sống 1 năm, cao 50-80 cm; lá hình mác hoặc hình tam giác nhọn, mép có răng cưa to. Cụm hoa hình đầu mọc ở đầu cành, hoa nhỏ màu vàng; quả bế.

Toàn cây có lông dính.

Hy thiêm là cây thuốc được dùng nhiều trong nhân dân, lấy toàn bộ phần cành mang lá sắc uống chữa phong tê thấp [8, 11, 16].

Tại khu Bảo tồn, Hy thiêm phân bố rải rác ở khắp nơi tại vùng đệm. Cây mọc thành đám ở các bãi đát hoang quanh làng bản, ven đường đi, … Trước kia Nhà nước có thu mua, gần đây thỉnh thoảng cũng có người thu hái bán cho tư thương.

(6). Núc nác (Oroxylum indicum (L.) Vent.); Bignoniaceae (ảnh 5).

Cây gỗ nhỏ, cao tới trên 5m; vỏ dày màu vàng. Lá kép lông chim 3 lần, kích thước lớn dài tới 1m. Cụm hoa mọc ở đầu cành, cuống cụm hoa dài 40-80 cm; hoa hình phễu, màu nâu đỏ họng màu vàng; quả nang, hình lưỡi dao, dài 40-50 cm, dẹt;

hạt hình khuy áo có cánh màng.

Vỏ thân trong Y học cổ truyền gọi là Nam hoàng bá, dùng chữa dị ứng mẩn ngứa, bệnh về gan mật. Hạt núc nác gọi là Hồ điệp dùng làm thuốc chữa ho [8, 11, 16].

Tại khu Bảo tồn, Núc nác thường chỉ thây ở vùng đệm, đôi khi cũng có ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Cây hay mọc gần bờ suối, ven đồi và ven rừng núi đá vôi.

Theo nhân dân địa phương cho biết, các Lang y địa phương vẫn thường khai thác (ít) để dùng, vào khoảng 4-5 năm trước đây người ta chặt cả cây lấy hạt bán sang Trung Quốc, nên nhiều cây lớn đã bị mất đi.

(7). Qua lâu nhân (Trichosanthes sp.); Cucurbitaceae.

Dây leo bằng tua cuốn, có thể leo lên cây gỗ cao tới gần 10 m. Lá mọc so le, hình tim, mép nhẵn hay hơi có răng cưa. Hoa chưa quan sát được (nên không xác

41

định được tên khoa học của loài); quả gần hình trứng, to, dài 8-13 cm, đường kính 6-8 cm. Hạt nhiều.

Trong Y học cổ truyền, Qua lâu nhân là một vị thuốc quí dùng phối hợp với các vị thuốc khác chữa sốt, đau dạ dày, bệnh thận, lợi tiểu, ho, yết hầu sưng đau, mụn nhọt…[8, 11, 16].

Tại khu Bảo tồn, Qua lâu nhân chỉ thấy ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, thuộc xã Bản Thi. Cây thường mọc ở ven rừng núi đá vôi, gần bờ suối. Theo người dân cho biết cũng có tư thương đến thu mua để bán sang Trung Quốc, nhưng do đặt giá rẻ nên nhân dân không đi thu hái.

(8). Sa nhân (Amomum spp.); Zingiberaceae

Các loài Sa nhân nói chung, được đồng bào dân tộc Tày ở khu BT.L & SC Nam Xuân Lạc gọi là “co nẻng”- nghĩa là cây Sa nhân“mác nẻng”- nghĩa là quả Sa nhân. Nhóm loài Sa nhân ở đây gồm 3-4 loài, nhưng có 2 loài được thu hái quả hàng năm bán ra thị trường. Đó là Sa nhân hay còn gọi là Sa nhân đỏ (Amomum villosum Lour.) và loài Sa nhân tía (A. xanthioides Wall. Ex Baker) (ảnh 6). Cả 2 loài này đều là dạng cây thân cỏ sống nhiều năm, nhánh thân cao 1- 2,5 m; phiến lá hình thuôn dài, nhọn đầu, mọc so le thành 2 dãy; cum hoa chùm gồm 3-8 cái, màu trắng. Đặc điểm khác nhau dễ phân biệt giữa 2 loài là hình dạng và màu sắc quả.

Quả Sa nhân đỏ từ hình trứng đến hình cầu hơi dẹt, màu đỏ tía đến đỏ nâu và gai vỏ quả dài hơn loài kia. Quả Sa nhân tía thường có hình cầu và hình cầu dẹt, màu xanh pha tía hồng hoặc màu tía hồng pha màu vàng xanh (ảnh 6). Hạt nhiều, cắn vỡ có vị cay, mùi thơm.

Sa nhân là vị thuốc quan trọng và được dùng nhiều trong Y học cổ truyền, để chữa các chứng bệnh như: chữa nôn mửa, ăn uống không tiêu, đau dạ dày, ỉa chảy, động thai … Sa nhân còn được dùng làm gia vị và tinh dầu dùng trong mỹ phẩm. Sa nhân là dược liệu được xuất khẩu thường xuyên của Việt Nam [8, 11, 16].

Tại khu Bảo tồn, cả 2 loài Sa nhân trên phân bố rải rác ở khắp vùng đệm, nhiều nhất ở xã Xuân Lạc. cây thường mọc thành đám lớn tới vài trăm mét vuông, ở ven rừng

42

ẩm, gần bờ suối, nương rẫy cũ…; năm 2011 riêng ở xã Xuân Lạc Bà con thu hái được trên 500 kg quả Sa nhân tươi.

(9). Thảo đậu khấu (Alpinia spp.); Zingiberaceae.

Cũng như Sa nhân, Thảo đậu khấu ở khu Bảo tồn là một nhóm loài, gồm 3 loài đang được người dân thu hái quả lấy khối hạt đem bán.

- Thảo đậu khấu lá nhẵn (Alpinia latilabris Ridl.) (ảnh 7).

- Thảo đậu khấu lá có lông (A.. malaccensis (Burm.f.) Roscoe).

- Thảo đậu khấu quả có lá đài (A . menghaiensis Tong et Xia).

Cả 3 loài trên đều là loại thân cỏ lớn, sống nhiều năm, cao 2-3,5 m; thân rễ dạng củ, mọc thành khóm với đường kính tới hơn 1m. Lá hình bản thuôn, mọc so le thành 2 dãy, có lông, nhiều nhất ở mặt dưới (A. malaccensis) hoặc rất ít lông (A. latilabris).

Cụm hoa hình chùy, mọc ở ngọn, hoa màu trắng ngà hoặc vàng ngà. Quả hình cầu hơi dẹt (A . malaccensis, A . menghaiensis ) hoặc hình trứng (A. latilabris), có núm nhụy tồn tại, khi chín màu đỏ (A . latilabris) hoặc màu vàng cam (A . malaccensis, A . menghaiensis ). Hạt nhiều cắn vỡ có vị hơi cay và mùi thơm đặc trưng.

Hạt khô của các loài Thảo đậu khấu trên được dùng trong các bài thuốc chữa nôn mửa, ăn uống không tiêu, ỉa chảy …[8, 11, 16].

Tại khu Bảo tồn, các loài Thảo đậu khấu phân bố rải rác khắp nơi. Tuy nhiên loài Thảo đậu khấu lá nhẵn và lá có lông thường mọc xen lẫn nhau, chủ yếu trong cùng sinh cảnh rừng núi đất (nhiều nhất ở vùng đệm thuộc xã Xuân Lạc). Loài Thảo đậu khấu quả có lá đài thường mọc tập trung ở ven rừng núi đá vôi (xã Bản Thi). Hàng năm nhân dân vẫn thu hái quả của cả 3 loài này, phơi khô, bóc lấy khối hạt đem bán cho đại lý và sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong năm 2011, người dân ở xã Xuân Lạc thu hái được hơn 700 kg hạt khô và khoảng 4000 kg năm 2012.

(10). Thiên niên kiện (Homalomena occulta (Lour.) Scott); Araceae (ảnh 8).

Cây thân cỏ sống nhiều năm, cao 0,5-1,0 m; thân rễ có đường kính 2-2,5 cm, mọc ngang sát mặt đất, phần đầu mang lá mọc thẳng, bẻ ra thấy có xơ, mùi thơm đặc trưng.

Lá hình tim nhọn đầu, cuống dạng bẹ. Cụm hoa bông mo, mọc ở kẽ lá. Quả mọng.

43

Thiên niên kiện là vị thuốc quí, được dùng mhiều trong Y học cổ truyền làm thuốc chữa đau nhức xương khớp, kích thích tiêu hóa và một số chứng bệnh khác [8, 11, 16].

Tại khu Bảo tồn, Thiên niên kiện phân bố rải rác, dưới tán rừng, dọc theo hành lang các khe suối, chủ yếu ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và một số điểm nằm trong vùng đệm: Khuổi Lịa, Luồng Pản (thuộc xã Xuân Lạc); Khuổi Kẹn, Bó Mằn (xã Bản Thi). Trước kia cây thuốc này đã được khai thác bán cho Nhà nước; gần đây thỉnh thoảng vẫn có người lén lút vào khu Bảo tồn lấy bán cho tư thương.

Tóm lại, những cây thuốc trên đây mặc dù chưa có điều kiện điều tra cụ thể về phân bố, trữ lượng, song qua đợt điều tra sơ bộ lần này cho thấy, một số cây mọc ở vùng đệm có tiềm năng khai thác (nhưng cần có sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn và của Ban quản lý khu Bảo tồn). Đặc biệt là những loài lấy quả, như Sa nhân và Thảo đậu khấu, cũng như loài có khả năng tái sinh chồi sau khi cắt cành như Chè dây…

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nguồn tài nguyên cây thuốc mọc tự nhiên ở khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)