Chương 2. Những yếu tố biểu hiện phong cách truyện ngắn Thạch Lam
2.5. Tính chất nhiều chức năng của ngôn ngữ nghệ thuật
Ngôn ngữ là một công cụ dùng trong giao tiếp với những chức năng khác nhau:
truyền tin, thông báo, trao đổi, tình cảm... Bởi theo viện sĩ M.B.khrapchencô: “Ngôn ngữ
nghệ thuật(...) không phải chỉ như là những cơ sở đầu tiên của tác phẩm văn học, mà còn là như là những hiện tượng của phong cách văn học” [8;316]. Do đó, chúng ta
không chỉ xem xét ngôn ngữ nghệ thuật chỉ bó hẹp ở phương diện hình thức tác phẩm văn học, mà nó có vai trò quan trọng trong việc khắc hoạ hình tượng văn học “Với tư
cách là một hiện tượng của phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật thực hiện một chức năng phức tạp, nó tạo ra một hệ thống giọng điệu của tác phẩm” [8;317]. Mặt khác, ngôn ngữ
nghệ thuật tạo ra sự chuyển biến quan trọng trong hình tượng nhân vật nhằm thể hiện cá
tính sáng tạo và phong cách nhà văn “Việc lựa chọn những phương tiện ngôn ngữ, việc tổ chức chúng là nhằm mục đích thể hiện các đặc trưng, cái mới mẻ, cái bất ngờ trong phạm vi những hiện tượng, những tình cảm con người mà nhà văn miêu tả” [8;322] Qua nhóm tác phẩm trên, khi tìm hiểu phân tích làm nổi bật tính chất nhiều chức năng của ngôn ngữ Thạch Lam.
2.5.1. Ngôn ngữ tác giả.
Trong các sáng tác của mình, nhà văn thường sử dụng ngôn ngữ trần thuật dưới
“điểm nhìn nghệ thuật” của tác giả. Vì vậy mà ngôn ngữ của ông vừa mang tính khách quan lại thấm đẫm tính chủ quan. Ngôn ngữ giản dị mộc mạc được biểu hiện ngay từ tên những tiêu đề tác phẩm “Nhà mẹ Lê”, “Cô hàng xén”, “Tối ba mươi”, cách đặt tên nhân vật cũng rất dịu dàng thuần hậu như: Dung, Huệ, Liên, Tâm; đồng thời sử dụng những
đại từ nhân xưng gần gũi mà thân mật: bác Lê, cô Dung, cô Tâm, cô Huệ, cô Liên... Tất cả đã tạo lên sự đồng cảm, yêu thương trân trọng của nhà văn với nhân vật của mình.
Mặt khác, ngôn ngữ của tác giả thường thâm nhập hoà cùng những diễn biến tâm trạng và suy ngẫm của nhân vật. Vì vậy mà “không có một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó” (Thế Lữ).
2.5.2. Ngôn ngữ nhân vật.
Trong nhóm tác phẩm đã dẫn, qua khảo sát ta thấy, ngôn ngữ nhân vật xuất hiện có phần ít hơn ngôn ngữ tác giả. Nhưng qua hệ thống ngôn ngữ đặc sắc này mà số phận, tính cách nhân vật hiện lên rõ ràng đầy đủ. Chẳng hạn, có ngôn ngữ nhẹ nhàng, vị tha giàu đức hi sinh: “Gớm, cha chi em đã giận . Có phải chị tiếc em đâu, chị chưa có thật”,
“thưa u, vâng ạ”, “ấy chớ, để chị lấy cho, không khéo vỡ cả kính” (Cô hàng xén); thì
Tâm hiện lên là người phụ nữ hiền thục đảm đang, nhẫn nại từ lo cho cha mẹ, các em
đến chồng con. Nàng sống cuộc đời lặng lẽ với gánh hàng xén trên vai, với những lo toan hằng ngày. Hay những lời nói của bác Lê “Nhưng biết làm thế nào! Không đi thì
lấy gạo đâu mà ăn”, “Thật cậu Phúc ác quá! đã không cho thì thôi lại còn thả chó ra
đuổi” (Nhà mẹ Lê), là thân phận của một bà mẹ lam lũ, vì miếng cơm manh áo mà phải liều cả mạng sống của mình. Bên cạnh đó là ngôn ngữ cay độc, nanh nọc chua ngoa của mẹ chồng Dung: “Cô định tự tử để đeo cái tiếng xấu cho tôi à? Nhưng đời nào! Trời có mắt chứ! Đã dễ mà chết được”, hay “Lấy chồng mà còn đòi ở nhà sao, sao cô ngu thế?
Cô phải biết cô làm ăn thế đã thấm vào đâu mà phải kể” (Hai lần chết).
Như vậy, ngôn ngữ nhân vật trong nhóm truyện ngắn đã được nhà văn lựa chọn sáng tạo khiến nó vừa cụ thể, chính xác vừa mới mẻ hấp dẫn người đọc. Ngôn ngữ ấy không mang tính chất xã hội hoá cao mà còn là ngôn ngữ dịu dàng, thuần hậu. Bởi vậy, lời nói nhân vật của Thạch Lam vừa nhẹ nhàng, trìu mến, vừa tràn đầy yêu tình yêu thương “ Nó đánh vào cân não chúng ta bằng cái xám nhờ, rồi đen sẫm đi trong cảnh
đời người lao động của xa hội cũ” [10;13] . Đây là một trong những yếu tố quan trọng biểu hiện phong cách độc đáo nhà văn.
2.5.3. Sự kết hợp giữa lời tác giả và lời nhân vật.
Nét đặc sắc trong ngôn ngữ nghệ thuật ở truyện ngắn Thạch Lam là sự kết hợp hài hoà giữa lời tác giả và lời nhân vật. Trong đó lời tác giả hoà quyện, thống nhất vào lời
độc thoại nội tâm bên như những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đã tạo thành một
“dòng tâm trạng” đan xen vào nhau. Chẳng hạn, trong một câu văn “Một buổi chiều, mà
đàn con mình đói đã suốt buổi, bác Lê vá lại manh áo rét, gọi đứa con cả đến rồi bảo...”
(Nhà mẹ Lê ), cho thấy cuộc sống nghèo túng cơ cực của gia đình người nông dân. Hay
đoạn miêu tả tâm trạng của Huệ khi nghĩ đến cuộc sống hiện tại “Chỉ có hai chị em nàng xa cửa xa nhà. Nhưng nàng còn đâu nhà nữa mà về...Những người quen thuộc còn ai không” (Tối ba mơi ) biểu hiện sự cô đơn, trơ trọi của “ hai con người bị nhấn chìm xuống đáy sự bần hàn về nhân cách” [ 11;17]. Và cả những lời miêu tả “Tâm rảo bước đi qua cánh đồng, nghĩ ngợi. Đã lâu nàng không có dịp sang thăm nhà vì bận con mọn và buôn bán. Chiều nay, Lân ở trên tỉnh về… đã mấy tháng nay” (Cô hàng xén) đã biểu thị
niềm băn khoăn, day dứt, thương cảm cho thân phận mình, đồng thời cho thấy sự yêu thương của nàng với gia đình.
Có thể nói, sự kết hợp giữa lời tác giả và lời nhân vật vừa tạo ra sự hoà điệu cảm xúc giữa tác giả và nhân vật vừa làm nổi bật tính cách số phận và chiều hướng con đường
đời của nhân vật. Bởi ngôn ngữ không chỉ là chất liệu của ngôn từ, mà còn là phương tiện truyền tải ý đồ nghệ thuật của nhà văn, là sự sáng tạo của nhà văn.
Đến đây, có thể khẳng định rằng, Thạch Lam đã thể hiện tài năng và phong cách
độc đáo trong việc sử dụng ngôn ngữ mang nhiều chức năng khác nhau. Khi bàn về phong cách sử dụng ngôn ngữ trong văn Thạch Lam. Nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận xét
“Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra, tươi đậm hơn” [226;60]