2.2. Cơ sở lý luận về phân tích tài chính khách hàng doanh nghiệp trong hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại
2.2.3. Phương pháp chủ yếu sử dụng trong phân tích tài chính doanh nghiệp
a. Phương pháp so sánh
*Mục đích:
- Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch doanh nghiệp đã đặt ra bằng cách so sánh giữa giá trị của chỉ tiêu kỳ thực tế với kỳ kế hoạch.
- Đánh giá tốc độ, xu hướng phát triển của vấn đề cần nghiên cứu qua việc so sánh kết quả kỳ này với kết quả kỳ trước.
- Đánh giá mức độ phát triển của doanh nghiệp với việc so sánh kết quả trung bình tổng thể hoặc doanh nghiệp có cùng quy mô hoạt động, cùng một lĩnh vực hoạt động.
*Điều kiện:
- Cùng nội dung kinh tế.
- Phương pháp tính thống nhất.
- Cùng một đơn vị đo lường và cùng một độ dài thời gian.
- Cùng một quy mô và điều kiện kinh doanh.
*Kỹ thuật:
- Số tuyệt đối: hiệu số giữa giá trị của chỉ tiêu kỳ phân tích với chỉ tiêu kỳ gốc. Kết quả so sánh biểu hiện khối lượng, quy mô biến động của các hiện tượng kinh tế.
- Số tương đối: thương số giữa giá trị của kỳ phân tích với kỳ gốc của các chỉ tiêu kinh tế hoặc giá trị của kỳ phân tích với kỳ gốc được điều chỉnh theo tỷ lệ hoàn thành kế hoạch của chỉ tiêu có liên quan theo hướng quyết định quy mô chung của chỉ tiêu phân tích.
- Số bình quân: dạng đặc biệt của số tuyệt đối, thể hiện tính chất đặc trưng chung về mặt số lượng nhằm phản ánh đặc điểm chung của một đơn vị, một bộ phận hay một tổng thể chung có cùng tính chất.
b. Phương pháp tỷ lệ
- Một tỷ lệ đứng một mình sẽ không có mang lại nhiều ý nghĩa nhưng khi tỷ lệ đó được so sánh với các tỷ lệ khác như các tỷ lệ trong quá khứ, một chuẩn mực tỷ lệ đã được đặt ra, tỷ lệ của một doanh nghiệp khác hay là trung bình của ngành kinh doanh có thể đi tới được những kết luận quan trọng trong nghiên cứu.
- Phân tích tỷ lệ không chỉ dừng lại ở việc so sánh. Để có được một đánh giá đúng đắn và khách quan đối với một xu hướng biến động của tỷ lệ, rằng nó tốt hay không, các nhà phân tích phải đi sâu vào phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ đó, từ đó tìm được bản chất, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi hay biến động. Tuy rằng vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng phương pháp phân tích tỷ lệ vẫn luôn là một kỹ thuật quan trọng trong việc phân tích báo cáo tài chính, thể hiện rõ được nền tảng, mối quan hệ kết cấu và các xu thế quan trọng.
c. Phương pháp xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố
*Phương pháp thay thế liên hoàn
Phương pháp này chỉ được thực hiện khi các nhân tố ảnh hưởng có quan hệ tích hoặc thương số với chỉ tiêu kinh tế với nội dung và trình tự như sau:
- Xác định công thức phản ánh mối liên hệ giữa các nhân tố đến chỉ tiêu kinh tế.
- Sắp xếp các nhân tố theo một trình tự nhất định và không đổi trong cả quá trình phân tích. Theo quy ước, nhân tố số lượng được xếp trước nhân tố chất lượng, nhân tố hiện vật xếp trước nhân tố giá trị, nếu nhiều nhân tố số lượng cùng ảnh hưởng thì nhân tố chủ yếu trước nhân tố thứ yếu.
- Xác định đối tượng phân tích: là mức chênh lệch giưa chỉ tiêu kỳ phân tích (kỳ thực hiện) với chỉ tiêu kỳ gốc (kỳ kế hoạch hoặc năm trước).
- Xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố.
- Tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố.
*Phương pháp số chênh lệch: một dạng đặc biệt của phương pháp thay thế liên hoàn, là hình thức rút gọn của phương pháp thay thế liên hoàn bằng cách đặt thừa số chung.
*Phương pháp cân đối: được sử dụng nhiều trong công tác lập kế hoạch và trong phân tích kinh tế để nghiên cứu các mối liên hệ cân đối trong quá trình kinh doanh, trên cơ sở đó, xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tác động. Khác với các phương pháp trên, phương pháp cân đối được sử dụng để xác định ảnh hưởng của các nhân tố trong điều kiện các nhân tố phải có quan hệ tổng hoặc hiệu với các chỉ tiêu phân tích với giả thiết mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố là độc lập với nhau.
d. Phương pháp Dupont
Phương pháp Dupont trong phân tích bản chất là việc tách một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp thành tích của chuỗi các tích số tỷ lệ có mối liên hệ nhân quả với nhau, từ đó phân tích những ảnh hưởng của các tỷ số bộ phận đối với tỷ số tổng hợp. Phương pháp Dupont giúp các nhà phân tích có thể tìm được những nhân tố, những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tốt, xấu trong mỗi hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, từ đó thấy được mặt mạnh, điểm yếu trong các hoạt động của DN.