Nội dung kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kế toán kiểm toán: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện kế toán quản trị chi phí và tính giá thành tại Công ty TNHH vật liệu xây dựng Bài Thơ (Trang 22 - 25)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KẾ TOÁN QUẢN TRỊ CHI PHÍ VÀ GIÁ THÀNH TRONG DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT

1.2 Khái niệm, bản chất, nội dung của kế toán quản trị chi phí và giá thành

1.2.3 Nội dung kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp

Kế toán quản trị chi phí có sự giao thoa giữa nội dung của kế toán chi phí và kế toán quản trị. Thực chất kế toán quản trị chi phí được tách ra từ kế toán chi phí, giai đoạn đầu của kế toán quản trị được hình thành từ kế toán chi phí giúp cho việc xác định và kiểm tra chi phí của các nhà quản trị. Song kế toán chi phí cung cấp cả thông tin kế toán tài chính và kế toán quản trị vì đối tượng sử dụng thông tin kế toán chi phí bao gồm tổ chức, cá nhân bên ngoài và các nhà quản trị bên trong của doanh nghiệp.

Kế toán quản trị chi phí, giá thành cũng giống như kế toán quản trị trong các lĩnh vực khác của quá trình sản xuất, kinh doanh, tức là cũng bao gồm đầy đủ các nội dung của quản trị, từ giai đoạn lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá cho tới khâu ra quyết định.

a. Lập kế hoạch chi phí, giá thành

Đây là chức năng cơ bản của quản trị nói chung và là nội dung quan trọng của quản trị chi phí, giá thành nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Lập kế hoạch chi phí, giá thành là xây dựng mục tiêu phải đạt được và vạch ra các bước thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Các kế hoạch có thể là ngắn hạn. trung hạn hay dài hạn.

Việc lập kế hoạch được cụ thể hóa thông qua các dự toán về chi phí, giá thành.

Đây cũng là kế hoạch nhằm liên kết các mục tiêu và chỉ rõ cách huy động, sử dụng các nguồn lực để đạt được mục tiêu. Có thể lập dự toán theo các phướng pháp sau:

 Phương pháp lập dự toán chi phí căn cứ vào các bộ phận khác: tức là dựa trên kết quả tính toán của các kế hoạch về lao động, tiền lương, nguyên liệu.

 Phương pháp lập dự toán chi phí căn cứ và kế hoạch giá thành được tính theo từng khoản mục chi phí.

 Phương pháp lập dự toán chi phí căn cứ vào dự toán của từng phân xưởng đơn vị nội bộ của các bộ phận.

Kế toán quản trị chi phí thu thập thông tin thực hiện và những thông tin liên quan đến tương lai để phục vụ cho việc lập dự toán nhằm:

 Cung cấp thông tin một cách có hệ thống về toàn bộ kế hoạch chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 Xác định mục tiêu cụ thể cho từng chỉ tiêu chi phí trong từng giai đoạn.

 Dự kiến tình huống để sử dụng và phát huy các nguồn lực sẵn có.

 Là căn cứ để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch chi phí, giá thành.

 Là cơ sở để kiểm soát chi phí trong sản xuất, kinh doanh.

Đinh kỳ, doanh nghiệp sẽ thực hiện lập dự toán tổng quát bao gồm tập hợp tất cả các dự toán chi tiết các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dự toán chi phí sản xuất kinh doanh bao gồm: dự toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp sản xuất, dự toán chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung, dự toán chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Bảng dự toán sẽ được thiết lập trên cơ sở nhu cầu tiêu thụ và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ.

b. Tổ chức thực hiện chi phí, giá thành:

Việc thực hiện dựa trên các kế hoạch được lập nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong khâu tổ chức thực hiện đòi hỏi các nhà quản trị phải biết cách liên kết giữa các yếu tố sao cho kế hoạch được thực hiện ở mức cao nhất và đạt hiệu quả cao nhất.

Doanh nghiệp thực hiện tập hợp chi phí và sử dụng phương pháp tính giá thành phù hợp với loại hình doanh nghiệp, mục đích quản trị, mục tiêu lợi nhuận và quy định theo luật kế toán.

c. Tổ chức ghi chép phản ánh các khoản chi phí, tính giá thành sản phẩm

Tương tự như KTTC, khi phát sinh các nghiệp vụ kinh tế, KTQT tiến hành phản ánh các khoản chi phí vào sổ sách có liên quan một cách đầy đủ, kịp thời và chi tiết cho từng loại sản phẩm, công việc khác nhau cũng với chi phí chung của toàn doanh nghiệp. Thông qua những con số đã được phản ánh, các nhà quản trị có được hình dung về tình hình thực tế của doanh nghiệp để có biện pháp kết hợp các nguồn lực, đồng thời có cơ sở phát hiện những sai sót, những chi phí bất hợp lý để điều chỉnh kịp thời.

Cuối cùng, KTQT thực hiện phân bổ chi phí và giá thành sản phẩm, cung cấp số liệu trên các báo cáo chi tiết và tổng hợp cho bộ phận quản lý.

d. Tổ chức kiểm tra và đánh giá

Để việc quản trị được hiệu quả thì sau khi lập kế hoạch đầy đủ và tổ chức thực hiện hợp lý, đòi hỏi nhà quản trị phải tiến hành kiểm tra và đánh giá việc thực hiện với số liệu của kế hoạch và dự toán, xác định những sai biệt giữa kết quả đạt được với mục tiêu đề ra. KTQT có vai trò cung cấp thông tin thực hiện từng bộ phận, giúp nhà quản lý nhận diện và đánh giá kết quả thực hiện, đồng thời phục vụ cho việc lập kế hoạch cho kỳ sau.

Kế toán quản trị thực hiện phân tích chi phí nhằm kiểm soát chi phí trong doanh nghiệp: chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.

e. Thực hiện ra quyết định

KTQT không chỉ dừng lại ở việc chi tiết hóa các khoản mục mà quan trọng là giúp các nhà quản trị đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh. KTQT cung cấp thông tin, lập báo cáo quản trị để phân tích việc thực hiện các phương án, tư vấn

cho các nhà quản trị lựa chọn phương án tối ưu nhất và đưa ra quyết định phù hợp nhất.

Quá trình phân tích thông tin thích hợp để đưa ra quyết định kinh doanh bao gồm các bước sau:

 Tập hợp chi phí liên quan đến các phương án kinh doanh: chi phí ước tính, chi phí tiềm ẩn, chi phí cơ hội.

 Loại bỏ chi phí chìm

 Loại bỏ các chi phí phát sinh như nhau trong tương lai ở các phương án kinh doanh

 Các chi phí còn lại là thông tin thích hợp cho việc ra quyết định.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Kế toán kiểm toán: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện kế toán quản trị chi phí và tính giá thành tại Công ty TNHH vật liệu xây dựng Bài Thơ (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)