1.2. Không gian con đường
1.2.2. Những con đường hướng đạo
Khi tìm hiểu về tác phẩm này, ta thấy một trong những nhân vật trung tâm của tác phẩm thể hiện tư tưởng nghệ thuật của nhà văn là của anh chàng
“thầy tu” Aliosa, một con người ngoan đạo, anh có năng khiếu đặc biệt là khiến cho mọi người yêu mến mình. Aliosa như là sợi dây kết nối mọi con người trong nhà Karamadop lại với nhau. Anh giống như sứ giả của Thượng Đế. Đây là hình mẫu nhân vật đã được Đôxtôiepxki lí tưởng hoá, và nó cũng mang trong mình lí tưởng của nhà văn.
Sau khi chứng kiến vụ tai tiếng mà cha mình đã gây ra tại tu viện, Aliosa rất đau khổ và chàng đã làm theo lời khuyên của Cha Zoxima trở về nhà để cố ngăn cản một tội ác nào đó có thể sẽ xảy gia trong chính gia đình mình. Khi rời khỏi tu viện, Aliosa “giống như một con thoi, chàng gặp gỡ hết với người này rồi lại tâm sự với người kia. Chàng hi vọng có thể dệt nên những sợi dây yêu thương gắn kết mọi người trong nhà lại với nhau” [3, 383]. Trong suốt cuộc hành trình này, Aliosa cũng đã vấp phải không ít những khó khăn và có lẽ đôi khi chàng cũng nản lòng và muốn trốn tránh. Chàng muốn được ở mãi trong tu viện mà không muốn ra ngoài để đối mặt với xã hội bên ngoài. Tuy nhiên, dù không muốn nhưng Aliosa vẫn không thể trốn tránh và ta thấy mỗi bước chân của Aliosa đều mang một mục đích cao cả. Chàng muốn giúp mọi người có thể hòa hợp và yêu thương lẫn nhau. Chàng muốn ngăn chặn mọi tội ác có thể xảy ra…
Với nhân cách và tình yêu của mình, Aliosa đã làm “thức tỉnh” những tình cảm tốt đẹp nhất trong tâm hồn con người. Đầu tiên là sự tác động của
Aliosa với bố mình Fiodor Pavlovitr. Khi anh trở về, dường như có sự ảnh hưởng về mặt đạo lí với Fiodor: “ở con người già trước tuổi này có cái gì từ lâu đã lụi tắt trong tâm hồn dường như bỗng thức tỉnh” [5, 30]. Fiodor căm ghét Đmitri ở mặt nào đó có sự sợ hãi với Ivan, nhưng ông ta lại thật tâm yêu quý và tin tưởng Aliosa “Chỉ có ở với con thì ta mới có những phút giây yên lành, còn ta thì là kẻ độc ác” [5, 252]; “Hừm! Chẳng cần có cô nhắc ta cũng vẫn yêu con, còn với những thằng đểu thì ta cũng là thằng đểu” [5, 254]…
Đối với Đmitri, Aliosa chính là một thiên thần, là người có tâm hồn trong trắng mà anh ta vô cùng yêu quý: “Khoan. Hãy nhìn cảnh đêm kia: tối tăm biết bao, những đám mây kia, gió nổi ào ào! …, và giải thoát cho trái đất khỏi phải nặng mình vì tôi, khỏi phải ô danh vì sự có mặt hèn hạ của tôi! Thế rồi tôi nghe thấy tiếng bước chân chú. Trời ơi, tuồng như có luồng sáng rọi xuống người tôi; vậy là trên đời này vẫn có một người mà tôi yêu mến…Tôi yêu chú quá chừng, giây phút ấy tôi yêu chú đến nỗi muốn nhảy bổ đến ôm quàng lấy cổ chú” [5, 224;225]. Và trong khoảng thời gian ở trong tù, Aliosa như là một điểm dựa tinh thần vững chắc cho Đmitri…
Không chỉ ông bố, Đmitri mà Aliosa có được niềm tin yêu của tất cả mọi người: Caterina Ivanovna, Grusenka, Liza, … thậm chí cả với Ivan, một con người lạnh lùng, ít nói, một con người duy lí đến đáng sợ. Mọi thứ quanh Aliosa đều có vẻ tươi sáng, vui vẻ, đâu đâu cũng là tình yêu ngập tràn: “Đây có lẽ là người duy nhất trên thế gian mà nếu bỗng nhiên bị bỏ mặc một mình, không có chút tiền nong nào trong một thành phố lạ một triệu dân thì anh ta cũng không khốn đốn, không chết đói chết rét, bởi vì tức khắc sẽ có người cho ăn và thu xếp cho, mà nếu không ai thu xếp cho thì anh ta cũng sẽ tự thu xếp được ngay, chẳng phải gắng gỏi gì hết và cũng không một chút quy luỵ, còn người giúp anh ta không hề cảm thấy đó là gánh nặng, trái lại có lẽ còn coi đó là niềm thích thú” [5, 28;29].
Không chỉ có Aliosa, mà trên con đường hướng đạo này còn có sự góp mặt của vị trưởng lão đáng kính Zoxima; cô tiểu thư thánh thiện Caterina…
Trưởng lão Zoxima là vị trưởng lão đáng kính, là người đã có tác động lớn lao đến những suy nghĩ và quyết định của Aliosa và cũng là người mà chàng yêu mến nhất. Ngay từ đầu tiểu thuyết, con đường đi của Aliosa đã chịu sự ảnh hưởng lớn của những tư tưởng và những lời khuyên của trưởng lão Zoxima.
Tuy nhiên, sau khi trưởng lão mất, cái xác của trưởng lão đã bốc mùi, điều này làm cho Aliosa trong “một phút” nào đó đã từ chối việc tin vào tính thần thánh của trưởng lão, đồng thời là của Chúa Trời. Đi từ nhà Grusenca về, khi ngồi bên cạnh quan tài của trưởng lão, Aliosa đã nằm mơ đến “Thành Cana xứ Galilel”. Ở đó, Aliosa được gặp và trò chuyện với vị trưởng lão tôn kính của mình “Tại sao thấy ta con lại ngạc nhiên? Ta đã cho một nhánh hành, vì thế ta ở đây. Nhiều người có mặt ở đây chỉ vì đã cho một nhánh hành, chỉ một nhánh hành nhỏ…, hôm nay con cũng đã đưa nhánh hành cho một người phụ nữ đang khao khát sự cứu giúp đó. Hãy bắt đầu sự nghiệp của con đi …” [5, 520]. Nhờ có điều đó mà trong tâm hồn và tư tưởng của Aliosa có sự biến đổi sâu sắc. Anh trở nên càng thêm yêu cuộc sống và càng thêm tin yêu Chúa Trời. Đôxtôiepxki ít khi miêu tả thiên nhiên trong tác phẩm của mình vậy mà ở đây, ông đã vẽ nên một thiên nhiên đẹp đẽ, thơ mộng để diễn tả nềm vui của Aliosa khi chàng một lần nữa được trở về với Chúa “vòm trời trải rộng bao la, chi chít những vì sao hiền hòa lấp lánh. Dải ngân hà chẻ đôi trải dài từ thiên đỉnh đến chân trời, lúc này vẫn còn mờ mờ. Đêm tươi mát và thanh vắng hoàn toàn bất động, chùm lên trái đất. Những ngọn tháp màu trắng và những nóc nhà thờ bọc vàng lấp lánh trên nền trời xafia. Những đám hoa mùa thu lộng lẫy trong những bồn hoa quanh nhà thiếp ngủ cho đến sáng.
Cái tĩnh lặng của thế gian dường như hòa với cái tĩnh lặng của bầu trời, bí mật của thế gian tiếp cận với bí mật của tinh tú…” [5, 521].
Caterina là một tiểu thư quý tộc xinh đẹp và trang nhã, đồng thời cô cũng là vợ chưa cưới của Đmitri. Caterina luôn muốn giúp đỡ Đmitri, để anh có thể thoát ra khỏi vũng bùn mà anh đang ngụp lặn. Cô không hề muốn Đmitri xấu hổ với cô về ba ngàn rúp mà anh đã tiêu hoang phí. Cô tự hỏi “Vì sao, vì sao anh ấy vẫn không biết tôi, vì lẽ gì anh ấy có thể không biết tôi sau tất cả những gì đã xảy ra? Tôi muốn cứu anh ấy mãi mãi” [5, 215]. Ngay kể cả khi Đmitri đã kể cho Grusenca cái bí mật mà cô luôn muốn cất giấu, thì Caterina vẫn “Từ nay trở đi không bao giờ tôi bỏ anh ấy được nữa…Tôi sẽ là Thượng đế của anh ấy để anh ấy cầu nguyện, thì ít ra anh ấy cũng mắc nợ vì phản bội tôi… Tôi sẽ…tôi sẽ chỉ là phương tiện gây dựng hạnh phúc cho anh ấy (hay nên nói thế nào tôi cũng chẳng biết nữa), là công cụ, là cái máy mưu cầu hạnh phúc cho anh ấy…” [5, 273; 274]. Chính nhờ có Caterina mà Đmitri luôn cố gắng níu giữ những phẩm chất tốt đẹp của mình. Anh ta tự nhận có thể là kẻ hèn mạt nhưng cũng không muốn là tên ăn cắp. Đmitri luôn cố gắng để trả lại tiền cho cho Caterina, để không phải thẹn với lương tâm của chính mình…