Không gian tâm lí là không gian xuất hiện ở bên trong nhân vật, thường gắn với hồi ức, tưởng tượng, giấc mơ…Đây là không gian đặc biệt mang cảm quan đời sống của nhà văn. Không gian này mang đậm dấu ấn trạng thái tinh thần, đạo đức, tính cách, số phận của từng nhân vật cụ thể, những sắc thái biểu hiện của không gian ngoại cảnh thường được khúc xạ qua lăng kính chủ quan, là một cái cớ để mở rộng suy tư, cảm xúc của nhân vật. Nhân vật tách mình ra khỏi không gian thực để trở về với không gian quá khứ, không gian tâm tưởng. Không gian tâm lí mang tính hướng nội có vai trò thúc đẩy tình cảm, cảm xúc của nhân vật.
Trước hết, ta thấy bản thân các nhân vật trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamadop luôn có sự mâu thuẫn và đấu tranh nội tâm, tiêu biểu là nhân vật
Đmitri Karamadop. Đmitri là một kẻ hèn mạt, anh ta nóng tính, táo tợn, ham nhục dục… nhưng đồng thời anh ta cũng là một người biết xấu hổ về những điều mà mình đã gây ra. Trong con người này luôn có những đam mê quằn quại. “Nhiều loại cảm tình khác nhau xâu xé Đmitri khiến y không biết chúng sẽ “dẫn” mình đến đâu. Dục vọng xâm chiếm, chế ngự y. Y có thể làm nhiều điều xấu xa khi bị kích động, nhưng cũng có lúc y xuất hiện với một tâm hồn đẹp, lành mạnh, cao thượng” [9, 48]. Ở con người này, chúng ta luôn có thể thấy sự ương bướng, bức bối và muốn phá vỡ mọi rào cản trong cuộc sống.
Đmitri cảm thấy bất công, anh ta luôn cảm thấy Fiodor Pavlovitr mắc nợ mình “Thế này nhé: về mặt pháp lí ông già không nợ gì tôi cả. Tôi đã nhận đủ phần của tôi, điều đó tôi biết. Nhưng về mặt đạo lí, ông còn nợ tôi, phải thế không? Vì ông bắt đầu làm ăn được là nhờ hai mươi tám ngàn rúp của mẹ tôi mà đã kiếm lời được hàng trăm ngàn…” [5, 176]. Không chỉ vì tiền, điều làm nên sự mâu thuẫn không thể hòa giải giữa hai cha con này đó là cuộc tình với Grusenca. Fiodor say mê Grusenca và hứa sẽ cho cô ba ngàn rúp nếu cô đến gặp ông ta. Còn Đmitri thì đang cần ba ngàn rúp để trả lại tiền cho Caterina nhằm cứu vớt danh dự của mình và chàng yêu Grusenca, một tình yêu thật sự chứ không phải chỉ là sự đam mê về thể xác. Chính vì điều này mà Đmitri càng căm ghét cha, thậm chí anh còn muốn giết chết cha của mình.
Với một tâm lí bức bối, Đmitri muốn phá vỡ mọi rào cản. Chàng muốn có thật nhiều tiền để ăn chơi và để đưa Grusenca đi một nơi nào đó thật xa “Cố nhiên Grusenca có tiền, nhưng về mặt này Mitia khái tính lắm: chàng muốn đưa nàng đi và cùng nàng sống cuộc đời mới bằng tiền của mình, chứ không phải bằng tiền của nàng. Chàng không thể tưởng tượng mình sẽ lấy tiền của nàng, ý nghĩ ấy làm cho chàng đau khổ đến độ ghê tởm, quằn quại” [5, 526]. Và chỉ có một cách để Đmitri thực hiện được điều này là chàng phải giết cha của mình. Tuy nhiên đến cuối cùng: “Mitia căm thù bố, nhưng không nhúng tay
vào tội ác ghê tởm, anh ta sa đọa nhưng vẫn giữ được bộ mặt con người, theo tác giả, là vì anh ta vẫn còn tin vào Thượng đế: "Cho dù tôi đáng bị nguyền rủa, cho dù tôi hèn hạ và đê tiện, nhưng hãy cho tôi hôn gấu bộ áo mà Chúa Trời của tôi khoác trên người, cho dù tôi đi với quỷ, nhưng tôi vẫn là con của Ngài, ôi Chúa Trời, tôi yêu Ngài…” [dẫn theo 5, 1063]. Cho dù Đmitri muốn giết cha, muốn phá bỏ mọi rào cản để đến với một cuộc sống mới nhưng cuối cùng thì chàng vẫn có thể khống chế được hành vi của bản thân mình. Chàng đã ngăn được mình không phạm phải cái sai lầm nghiệt ngã kia. Chàng đã không giết bố.
Sự đấu tranh trong nội tâm của Đmitri không chỉ được thể hiện trong mối quan hệ với cha mình mà còn được thể hiện một cách đặc sắc trong mối quan hệ với cô vợ chưa cưới Caterina. Chàng tuy không yêu Caterina nhưng chàng tôn trọng cô. Chàng luôn dằn vặt mình vì đã chót dùng số tiền mà Caterina gửi để đưa Grusenca đi chơi bời, phung phí. Chàng thậm chí không dám nói với Caterina vì chàng tự cho rằng đó là “bất lương và hèn nhát, đồ thú vật không biết tự kiềm chế mình đến mức hoang dã thú vật” [5, 695].
Đmitri cảm thấy cắn rứt, lo lắng về số tiền ấy và luôn mong muốn sẽ trả lại toàn bộ số tiền ấy cho Caterina “…trước hết cần trả lại ba ngàn đồng cho Caterina Ivanovna- nếu không thì “ta là tên móc túi, ta là thằng đểu cáng, mà ta không muốn là thằng đểu cáng khi bước vào cuộc sống mới” Mitia quyết định, bởi vậy chàng quyết đảo lộn cả thế giới nếu cần, nhưng dù thế nào trước hết cũng phải trả cho Caterina Ivanovna ba ngàn đồng ấy” [5, 527]. Về cơ bản, ta thấy Đmitri dù là một con người táo tợn nhưng anh ta vẫn có lương tâm: “Dù ngụp mình trong vũng bùn của dục vọng nhưng anh ta vẫn có khát vọng cao đẹp “ở đây quỷ và chúa trời giao tranh với nhau mà chiến trường là trái tim của con người”; “ở đây hai dải bờ gặp nhau, ở đây mọi mâu thuẫn cùng chung sống”. Vì vậy, tâm hồn anh ta luôn ngập chìm trong những đam
mê dục vọng nhưng ở phút bất ngờ nào đó ở anh ta lại xuất hiện những ý nghĩ và hành động cao cả” [dẫn theo 5, 1063]. Anh ta căm thù bố mình, nhưng không dấn thân vào tội ác ghê tởm, anh ta sa doạ nhưng vẫn giữ được bộ mặt của một con người.
Không chỉ có Đmitri mà trong Anh em nhà Karamadop, người có sự tâm lí phức tạp nhất có lẽ là Ivan Karamadop. Cũng giống với Đmitri, Ivan cũng có sự bức bối, khó chịu về mặt tâm lí. Tuy nhiên, nếu ở Đmitri sự bức bối ấy thể hiện ở những đam mê quằn quại thì ở Ivan nó thể hiện trước tiên về mặt tư tưởng. Ivan không phải là đứa con của tự nhiên như Đmitri, anh ta là con người duy lí, đầu óc lạnh lùng “Ivan là nhân vật thông minh nhất, cả nghĩ nhất trong tất cả các nhân vật của Dostoievski (mà trong thế giới của ông, ai ai cũng cả nghĩ, ai ai cũng thông minh theo cách của mình)” [4]. Ngay từ khi còn nhỏ, Ivan đã tỏ ra là con người phi thường, xuất chúng trong học tập và đặc biệt anh ta luôn hiểu rõ hoàn cảnh của bản thân: “ngay từ mười tuổi nó đã thấu hiểu rằng hai anh em nó dù sao vẫn sống nhờ nhà người, trông vào ân huệ của người ta, rằng bố của chúng là một kẻ mà chỉ nhắc đến cũng đáng xấu hổ, vân vân và vân vân” [5, 20]. Ta có thể thấy, sự duy lí, lạnh lùng của Ivan là tính cách bản năng, có từ khi còn nhỏ. Anh ta thấu hiểu bản thân mình, biết mình muốn gì và cần làm gì để đạt được điều mà mình muốn…
Không chỉ có vậy, trong khi xung đột giữa Đmitri và bố gay gắt đến độ có thể gây ra án mạng thì Ivan vẫn thản nhiên coi đó là chuyện tự nhiên, “rắn nuốt rắn”: “Tự dối mình làm gì, khi mọi người đều sống như thế và không thể sống khác được”, “Chú nên biết rằng bao giờ tôi cũng bảo vệ ông già. Nhưng về mong ước của tôi thì trong trường hợp này tôi giành cho mình sự tự do hoàn toàn. Thôi đến mai nhé. Đừng lên án tôi và coi tôi là kẻ bất lương…” [5, 209]. Với Ivan, tình cảm ruột thịt là một thành kiến, lí trí cao hơn cả mong muốn và khát vọng. Ở Ivan có sự không đồng nhất giữa “tài” và “tâm”: “Đây
là nguồn gốc của bi kịch con người của Ivan. Trí tuệ siêu việt không đi đôi với trái tim đôn hậu luôn luôn khiến Ivan nhìn người đời bằng con mắt khinh bỉ, nuôi dưỡng ở chàng lòng cao ngạo quá mức. Thái độ khinh thị, ngạo mạn ấy khiến Ivan hà khắc với mọi biểu hiện không hoàn hảo ở những người xung quanh mình và mất cảnh giác với sự không hoàn hảo của chính mình” [4].
Chính vì vậy, trong khi Aliosa lo sợ về những gì có thể xảy ra giữa bố và anh Đmitri, luôn cố gắng để xoa dịu sự căm thù bất mãn giữa hai người này thì Ivan vẫn thản nhiên ngay kể cả khi Ivan lờ mờ đoán được những dự định của Xmerdiacop qua những lời dò hỏi của hắn ta. Ivan vẫn quyết định mặc kệ, thậm chí anh ta còn có sự “đồng loã”, ngầm thừa nhận đối với tội ác của Xmerdiacop. Ivan quan niệm rằng: “Tội ác chẳng những phải được cho phép mà thậm chí được thừa nhận là lối thoát khôn ngoan nhất của người vô thần để ra khỏi tình thế khó khăn” [dẫn theo 5, 1065] cùng với đó anh ta cũng đưa ra công thức “mọi việc đều được phép làm”: “trước khi ra đi, tôi nghĩ rằng trên đời này ít ra tôi cũng còn có chú, - Ivan bỗng thốt lên với một tình cảm bất ngờ, - còn bây giờ tôi thấy rằng tôi không có chỗ trong tim chú, nhà khổ tu của tôi ạ. Tôi sẽ không từ bỏ công thức “mọi việc đều được phép làm” đâu, thế thì chú từ tôi chứ hả?” [5, 383]. Là người vô thần, ích kỉ với chủ nghĩa cá nhân cực đoan chính Ivan là người đã khơi gợi, củng cố cho Xmerdiacop ý nghĩ giết người và thúc đẩy hắn đi đến hành động.
Ngoài ra, chúng ta thấy, Ivan là người “hiểu và cảm thấy rất sâu sắc mức độ của cái ác chồng chất trong xã hội, mức độ, hay nói đúng hơn, cái đau khổ cùng cực mà con người phải chịu đựng…” [9, 46]. Chính vì vậy.
Ivan chủ trương nổi loạn để chống lại sự phi nghĩa ấy. Tuy nhiên, đồng thời, Ivan cũng quan niệm: với tất cả những gì xảy ra trên trái đất đều không nên tìm ra kẻ phạm tội. Với tư cách là nhà triết lí, Ivan đã đi từ cực đoan này đến cực đoan khác, nhiều khi phản lại chính mình, ở Ivan không có sự thống nhất
giữa nói và làm. Cuộc đối chất của Ivan với lương tâm của mình trong chương “Con quỷ, cơn ác mộng của Ivan Fiodorovitr” quả thật rất đau lòng.
Đây là một trong những chương đặc sắc của tác phẩm. Sự đối thoại giữa Ivan với con quỷ cũng là cuộc đối chất với lương tâm của bản thân mình: “Ta chửi ngươi tức là ta chửi ta! -Ivan lại bật cười. - Ngươi là ta, chính ta, có điều với bộ mặt khác. Ngươi nói chính điều ta nghĩ…và không thể nói với ta điều gì mới” [5, 883]. Con quỷ là một bộ mặt khác của Ivan, nó nhắc lại lời lẽ trước đây mà anh ta đã từng nói, đòi hỏi anh ta phải nói và làm đi đôi với nhau.
Cuộc đời đã buộc Ivan vô thần, phải tự ngắm kĩ mình, điều đó làm cho anh phát điên. Ta thấy: “Trong bản thân con người Ivan Karamadop sự nổi loạn chống lại cái không hoàn thiện bi thảm của cuộc sống đi song song với thái độ quy phục hiện thực, sự dũng cảm lạ kì của tư tưởng xen lẫn với những nét gần gụi với Xmerdiacop, những chí hướng vị tha cùng tồn tại với sự không tin tưởng vào đạo đức” [9, 47]…
Với bút pháp nghệ thuật bậc thầy của mình, Đôxtôiepxki đã xây dựng thành công các hình tượng nhân vật. Trong bản thân các nhân vật này cũng luôn có sự mâu thuẫn và vò xé. Nó giúp người đọc hiểu thêm về thế giới nội tâm và tính cách của các nhân vật “Đôxtôiepxki đã làm được điều mà trên thực tế không thể làm được, ông đã miêu tả đời sống tinh thần sinh động, đã làm cho hơi thở sống động của đời sống ấy trở nên có thể sờ mó được và cảm thấy được, ông đã nghe được tiếng nói từ nơi sâu thẳm của bản chất con người” [9, 92]…
Tiểu kết
Không gian nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng của thế giới nghệ thuật. Trong các sáng tác của Đôxtôiepxki ta ít khi thấy sự xuất hiện của khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, tươi mát, trong lành mà chủ yếu là khung cảnh xã hội với bầu không khí căng thẳng, u ám, với những con người
dường như không bao giờ thôi nghĩ ngợi. Không khí trong tiểu thuyết của ông rất hiện thực nhưng nó lại tạo cho người đọc cảm giác bỡ ngỡ cứ như những sự việc này đang xảy ra ở một thế giới khác ngoài thế giới mà chúng ta đang sống… Với bút pháp nghệ thuật điêu luyện và độc đáo của mình, Đôxtôiepxki đã xây dựng lên các kiểu không gian đặc sắc và độc đáo và qua không gian nghệ thuật ta có thể phần nào hiểu thêm được thêm về nội dung của tác phẩm.