CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ HKD CÁ THỂ CỦA CHI CỤC THUẾ QUẬN LÊ CHÂN
2.3. Đánh giá chung về công tác quản lý thuế HKD cá thể trên địa bàn quận Lê Chân
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân
- Việc quy định tỷ lệ giá trị gia tăng, tỷ lệ thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu còn chưa phù hợp với thực tế, chưa điều chỉnh hết các ngành nghề kinh doanh, giữa các ngành nghề còn có những khoảng cách khá xa gây khó khăn cho công tác quản lý thuế.
- Việc xác định doanh thu tính thuế đối với HKD cá thể, đặc biệt đối với những hộ không sử dụng hoá đơn bán hàng có nhiều trường hợp không sát thực tế và cũng là một kẽ hở dễ phát sinh các trường hợp tiêu cực, thông đồng ăn chia với cán bộ quản lý thuế gây thất thu NSNN.
- Việc tổ chức quản lý thuế mặc dù đã có nhiều quy trình quản lý được ban hành, tuy nhiên mới chỉ mang tính chủ quan của cơ quan quản lý mà chưa đi vào thực chất hoạt động của các HKD cá thể.
- Công tác kiểm tra: Chất lượng kiểm tra chưa đạt yêu cầu, công tác kiểm tra chưa triệt để, tính nhạy bén nghề nghiệp của công chức làm công tác kiểm tra còn hạn chế, trình độ chuyên môn của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hoá ngành Thuế trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh đó còn có những cán bộ công chức chưa tích cực đào sâu suy nghĩ, hăng say làm việc từ đó dẫn đến hiệu quả chống thất thu còn thấp, gian lận thuế vẫn xảy ra.
- Công tác Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế: Sự phối hợp giữa các Đội thuế chức năng trong công tác quản lý nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế chưa được thường xuyên, liên tục; việc đôn đốc các HKD cá thể dây dưa nợ thuế chưa triệt để, chưa đề ra được biện pháp giải quyết dứt điểm đối với công tác thu tiền thuế nợ; sự phối kết hợp giữa các Đội thuế còn nhiều hạn chế. Chưa thực hiện được các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với HKD cá thể chây ỳ dây dưa không chấp hành nộp thuế.
- Công tác xử lý vi phạm pháp luật về thuế: Đối với các HKD cá thể vi phạm trong việc kê khai thuế đăng ký thuế, nộp chậm tiền thuế không được xử lý kịp thời và triệt để do đó chưa thể hiện được sự nghiêm minh của Pháp luật.
Đối với các HKD cá thể nợ đọng tiền thuế kéo dài nhiều tháng khi thu tiền thuế nợ cán bộ đôn đốc chỉ yêu cầu người nộp thuế nộp số tiền thuế nợ vào NSNN không tính tiền chậm nộp để yêu cầu người nộp thuế nộp số tiền chậm nộp theo quy định là 0,03%/ngày đối với số tiền thuế nợ.
- Công tác quản lý và sử dụng hóa đơn: Hiện tại có những HKD cá thể vi phạm về chế độ quản lý và sử dụng hóa đơn bán hàng, thực hiện không đúng quy định như: Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho người mua không yêu cầu nhận hóa đơn, lập hóa đơn khống khi không mua bán hàng hóa, dịch vụ, lập hóa đơn ghi doanh thu không đúng với thực tế bán hàng, lập hóa đơn chênh lệch giữa các liên của hóa đơn để trốn thuế mà không phát hiện kịp thời để ngăn chặn mà chỉ phát hiện sau thanh tra, kiểm tra hoặc xác minh hóa đơn mới phát hiện được.
- Công tác tin học: Hiện tại Chi cục Thuế trang bị máy vi tính đến 100%
cán bộ để làm việc nhưng việc sử dụng máy vi tính vào công việc tại Đội thuế liên phường phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc soạn thảo văn bản trên ứng dụng Word, Excell. Các ứng dụng phần mềm quản lý thuế chưa kết nối được đến Đội thuế liên phường, cán bộ tại Đội thuế liên phường về trình độ tin học còn hạn chế, việc nắm bắt tình hình vận dụng các ứng dụng tin học của cán bộ đội thuế còn hạn chế dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.
- Công tác cán bộ: Hiện tại cán bộ Chi cục Thuế quận Lê Chân nói chung và cán bộ tại các Đội thuế liên phường nói riêng còn thiếu cho nên một cán bộ phải quản lý nhiều HKD. Tính bình quân tại thời điểm tháng 12 năm 2017 có 41 cán bộ với số lượng HKD cá thể phải quản lý: 2.469 hộ, trung bình mỗi cán bộ quản lý 60 hộ kinh doanh và ngoài ra còn phải quản lý các sắc thuế, công tác khác trên địa bàn như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ không thưởng xuyên, hộ cho thuê nhà, hộ phát sinh, đôn đốc thu nợ,
hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn… nên việc kiểm soát nhiều khi chưa sát sao và hiệu quả chưa cao.
2.3.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế
- Mặc dù việc thực hiện các Luật thuế đã dần ổn định, khắc phục được tình trạng thuế chồng chéo đã đi vào đời sống của những HKD cá thể, nhưng chính sách thuế đối với khu vực này vẫn mang tính chất cào bằng, rườm rà, phức tạp (Thuế được thu theo tỷ lệ trên doanh thu do chủ quan cơ quan thuế ấn định chung cho các HKD cá thể và thuế suất chung theo từng loại hàng hoá).
- Công tác Tuyên truyền pháp luật về thuế, hỗ trợ người nộp thuế mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phổ biến chính sách khi triển khai các chính sách thuế mới, biện pháp tuyên truyền trực tiếp đến HKD cá thể có hiệu quả chưa cao, thông qua báo, đài, pa nô - áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức hội nghị đối thoại với HKD cá thể còn rất ít nên giữa người dân và cán bộ công chức thuế vẫn luôn có một khoảng cách nhất định, cái nhìn của người dân đối với công chức thuế còn thiếu thiện cảm; Nhiều HKD cá thể chưa nhận thấy những tích cực của nguồn thu NSNN để góp phần xây đựng đất nước và chưa có ý thức tự nguyện trong việc nộp thuế vào NSNN.
- Nhiều HKD cá thể cá thể không muốn chuyển thành Doanh nghiệp, hiện nay tại địa bàn quận Lê Chân có một thực trạng là có nhiều HKD cá thể có số vốn lớn, sử dụng trên 10 lao động và kinh doanh tại nhiều địa điểm khác nhau, nhưng các HKD cá thể này lại không chuyển lên thành doanh nghiệp và vẫn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
- Tâm lý tiêu tiền mặt và thói quen không lấy hoá đơn khi mua hàng hoá, dịch vụ của người tiêu dùng dù vô tình hay cố ý đã góp phần khích lệ HKD cá thể trốn thuế do không phải sử dụng hoá đơn, dẫn đến việc cơ quan thuế không quản lý được thực chất doanh thu của HKD cá thể.
- Tình trạng vi phạm pháp luật còn diễn ra phổ biến ở hầu khắp các lĩnh vực mà chưa được xử lý nghiêm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách thuế, các trường hợp vi phạm chưa được xử lý kiên quyết nên không mang tính
chất răn đe, thu nhập cá nhân trong xã hội không được kiểm soát chặt chẽ mặc dù đã có Luật thuế Thu nhập cá nhân để điều tiết.
- Vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ công chức không được quy chuẩn, học hành chắp vá, làm việc theo kinh nghiệm, bảo thủ, trì trệ, ỷ lại... mà không thể sớm thay đổi được, về chuyên môn chỉ học qua các lớp trung cấp tại chức về kinh tế, một số cũng đã theo học các lớp Đại học tại chức nhưng trình độ, năng lực chuyên môn còn hạn chế không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.