CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VỀ KHỞI NGHIỆP CỦA QUẬN LÊN CHÂN
2.2. Thực trạng khởi sự doanh nghiệp ở quận Lê Chân
2.2.4. Vai trò của khởi nghiệp đối với nhiệm vụ kinh tế xã hội quận Lê Chân46
2.2.4.1. Vai trò kinh tế.
- Góp phần làm tăng GDP, tăng thu nhập cho người lao động và giá trị xuất khẩu của nền kinh tế.
Sự phát triển ngày càng mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã làm tăng tỷ trọng của khu vực này trong GDP của quận. Trong giai đoạn 2013 - 2017 các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đóng góp 72% GDP của quận. Trong đó sản xuất công nghiệp chiếm 51% GDP, Xây dựng cơ bản 56% GDP, Thương mại 91% GDP, xuất nhập khẩu 48% GDP. Riêng các hoạt động dịch vụ công nghiệp, văn hóa, nhà hàng khách sạn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 100% GDP của toàn quận.
Về sản phẩm, hàng hóa: các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung ứng đa dạng mọi loại sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chỉ có 2 mặt hàng duy nhất nằm trong diện độc quyền tự nhiên là Truyền hình và cấp nước sạch là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không tham gia. Trong khi đó rất nhiều mặt hàng, sản phẩm được sản xuất kinh doanh các DNVVN chiếm tỷ lệ tuyệt đối trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ như: Chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất đồ gỗ dân dụng, gỗ công nghiêp và xuất khẩu, kinh doanh thương mại, nhà hàng, khách sạn….Đăc biệt là những sản phẩm mỹ nghệ, sinh vật cảnh do đặc tính là sản xuất thủ công đơn chiếc nên chỉ có doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thực hiện, song sản phẩm khi xuất khẩu và tiêu thụ trong nước lại có giá trị rất lớn: 1 bức tranh khảm đá quý trị giá hàng ngàn USD, 1 cây cảnh độc đáo trị giá hàng trăm triệu đồng Việt Nam, 1 con
chim cảnh, chó cảnh cũng có giá từ 5 đến 10 triệu đồng.
- Góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Bằng các giải pháp tích cực quận đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trên địa bàn. Một tính chất đặc biệt của số DNVVN mới hoạt động là có tới 97% hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại du lịch; chỉ có 3% đơn vị hoạt động trong sản xuất và xây dựng.
Mặt khác thông qua hoạt động của mình các DNVVN đã góp phần tích cực làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ thương mại du lịch, giảm tỷ trọng sản xuất công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp được thể hiện chi tiết tại bảng 2.6 dưới đây:
Bảng 2.10. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu KT (2013-2017)
Đơn vị tính:%
Ngành kinh tế 2013 2004 2015 2016 2017
CN - XD 39,49 38,77 38,68 39,56 38,85
DV, TM, Du lịch 59,21 60,19 60,52 59,98 60,85
NN - Thủy sản 1,30 1,04 0,80 0,46 0,30
(Nguồn: Phòng Kinh tế quận Lê Chân)
CN-XD DVTM NN
Biểu đồ 2.7. Minh họa cơ cấu kinh tế quận Lê chân năm 2017
Do cơ cấu kinh tế phát triển tương thích với sự phát triển đô thị hiện đại trên địa bàn nên đã đóng góp quan trọng cho địa phương hoàn thành chỉ tiêu kinh tế xã hội hàng năm,nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư, tác động tích cực đến việc bảo vệ trật tự an ninh, phòng chống tệ nạn xã hội.
-. Đóng góp của khởi nghiệp đối với ngân sách địa phương.
Trung bình hàng năm các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp vào ngân sách quận và thành phố từ 40 đến 45% tổng thu ngân sách quận. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng của địa phương để đảm bảo duy trì các hoạt động của chính quyền quận, phường. Kết quả cụ thể được thể hiện tại bảng 2.11 dưới đây:
Bảng 2.11. Kết quả đóng góp ngân sách của DN VVN giai đoạn 2013-2017.
Đơn vị tính: Triệu đồng Các khoản thu 2013 2014 2015 2016 2017 I. Thu Doanh nghiệp VVN 204.847 220.798 259.012 284.744 330.054 II. Các nguồn thu khác 347.385 373.317 388.520 393.219 403.400 III. Tổng thu của quận 552.232 594.115 647.532 677.963 733.454 Tỷ lệ % (I/III) 37,09% 37,16% 40,00% 42,00% 45,00%
(Nguồn: Cục thuế Hải Phòng)
0 100 200 300 400 500 600 700 800
2013 2014 2015 2016 2017
Thu từ DNVVN Từ các nguồn thu khác Tổng thu của quận
Biểu 2.8. Minh họa về sự đóng góp của DNVVN vào ngân sách quận - Tăng hiệu quả kinh tế
Việc phát triển các DNVVN làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế
cũng như sự phân bố sâu rộng hơn các hoạt động kinh tế và ngành nghề kinh doanh. Góp phần làm cho thị trường hàng hóa phát triển đa dạng và tăng tính cạnh tranh, phát huy được tính sáng tạo..., giúp các doanh nghiệp khai thác lợi thế về truyền thống lịch sử tâm linh, sản phẩm đặc hữu của địa phương, tài nguyên, lao động nhàn rỗi giúp tăng cao hiệu quả kinh tế cho xã hội và có lợi cho người tiêu dùng. Tiêu biểu là các sản phẩm cây con giống sinh vật cảnh, bánh đa cua của các DNVVN trên địa bàn phường Dư Hàng Kênh, Chợ Hàng “chợ quê giữa lòng thành phố” thu hút đông đảo người mua bán, khách tham quan du lịch trong và ngoài nước khi đến Hải Phòng do Xí nghiệp tập thể 19/3 quản lý khai thác; Các doanh nghiệp dịch vụ phục vụ lễ hội truyền thống hàng năm về nữ tướng Lê Chân người đã khai sinh ra Hải Tần Phòng Thủ cách đây trên 2.000 năm, nay là thành phố Hải Phòng. Trung bình mỗi năm các DNVVN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp “không khói” này thu hút trên 60.000 du khách hành hương và đạt doanh thu trên 300 tỷ đồng.
Ngoài ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ quan trọng cho ngành công nghiệp và cho các doanh nghiệp lớn.
- Tăng tốc độ áp dụng công nghệ mới trong sản xuất
Tuy có hạn chế về vốn và công nghệ nhưng những DNVVN khi khởi nghiệp thường là những người đi tiên phong trong việc tìm tòi những phương thức sản xuất mới. Tiêu biểu như công ty Sivico với công trình sơn giao thông đạt tiêu chuẩn Châu Âu thay thế hàng nhập khẩu.
Ngoài ra những sáng kiến thường xuất hiện từ những DNVVN, đôi khi những sáng kiến không đi được vào thực tiễn vì thiếu kinh phí phát triển, đôi lúc các doanh nghiệp lớn mua lại. Không có lợi thế về quy mô buộc các DNVVN phải tiên phong cải tiến sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.
- Là nền tảng cho việc hình thành những doanh nghiệp lớn và những doanh nhân giỏi sau này
Các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trên thế giới hầu hết phát triển từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở kinh doanh gia đình. Chính những
tham vọng của người lập nghiệp là nhân tố giúp nhân loại hình thành những tập đoàn lớn như ngày nay. Trong thực tiễn trên 30 đổi mới đến nay, các DNVVN trên địa bàn quận đã không ngừng phát triển lớn mạnh cả về quy mô, số lượng, trình độ quản lý và chất lượng sản phẩm.
2.2.4.2. Vai trò xã hội.
Đối với quận Lê Chân các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội của địa phương được thể hiện trên các mặt sau:
- Về số lương doanh nghiệp: Với 3.521/3.570 nó chiếm tỷ lệ 98,62%
trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn quận
- Về lực lượng lao động: Với 59.512/98.750 người chiếm tỷ lệ 60,27%
tổng số việc làm trong các doanh nghiệp và chiếm 55% số việc làm trong toàn xã hội.
- Các DNVVN hoạt động trên địa bàn quận Lê Chân thường là các điểm hội tụ kinh tế của các phường, do đó có vai trò khá quan trọng tại các địa phương về cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; đóng góp chủ yếu vào ngân sách địa phương thông qua thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó các doanh nghiệp thường đi đầu trong các công tác xã hội của địa phương như tham gia ủng hộ các quỹ nhân đạo. từ thiện đền ơn đáp nghĩa. Trung bình hàng năm các DNVVN trên địa bàn quận ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội của quận. Ngoài việc thu hút một lượng lớn lao động tại chỗ vào làm việc góp phần rất lớn cho việc ổn định đời sống thu nhập của cộng đồng dân cư, làm giảm sức ép thất nghiệp và vì thế giảm tệ nạn xã hội.
Ngoài cơ chế tiền lương các DNVVN còn thực hiện chế độ ăn ca, trợ cấp ăn ca, thưởng tết cho cán bộ nhân viên cùng các chương trình thăm quan, nghỉ dưỡng để cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, tạo sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.
2.2.5. Đăng ký kinh doanh, thủ tục và các chính sách hỗ trợ.
a, Thực trạng của thủ tục hành chính ở quận Lê Chân
Việc đăng ký kinh doanh cho DNVVN trên địa bàn quận Lê Chân do 2 cấp thực hiện. Các loại hình công ty, Doanh nghiệp tư nhân, Liên hiêp HTX, chi nhánh văn phòng đại diện của các tổ chức trên do Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Các Hợp tác xã, Tổ Hợp tác, nhóm kinh doanh và hộ cá thể do UBND quận cấp.
Từ năm 2010 trở về trước việc đăng ký kinh doanh để thành lập doanh nghiệp thực sự là nỗi lo, trăn trở của nhà đầu tư về nhiều thủ tục vòng vèo phức tạp, kéo dài thời gian, phải qua nhiều cửa.
Có thể nói việc đăng ký kinh doanh hiện nay đặc biệt thuận lợi và đơn giản trên tất cả các khâu thủ tục. Người lập nghiệp đăng ký vốn kinh doanh không cần phải chứng minh vốn (Trừ một số lĩnh vực phải có vốn pháp định như Ngân hàng, Hàng không, Kinh doanh bất động sản); đại bộ phận các ngành nghề kinh doanh đều không có điều kiện bắt buộc kèm theo (Trừ một tỷ lệ nhỏ ngành nghề liên quan đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe tính mạng con người và đạo đức xã hội). Lệ phí và trình tự thủ tục được công khai, thời gian tối đa từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận đăng ký kinh doanh, con dấu pháp nhân và mã số thuế là 15 ngày tại cùng địa điểm bộ phận 1 cửa liên thông.
Nhờ có những cải cách về thủ tục hành chính tích cực như trên nên trong vòng 5 năm qua đã có 2.735 doanh nghiệp được thành lập mới tăng gấp 3,3 lần của 20 năm trước đó (1993 - 2013).
Tuy nhiên cũng còn có những vấn đề bất cập: Như công tác hậu kiểm chưa phân định rõ việc phối hợp giữa bộ phận hậu kiểm với bộ phận cấp đăng ký kinh doanh để ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách lập doanh nghiệp ma nhằm buôn bán hóa đơn trục lợi.
Một vấn đề còn chưa thực sự đổi mới triệt để là việc sử dụng con dấu pháp nhân của doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam là một trong rất ít quốc gia còn quy định bắt buộc phải sử dụng con dấu. Ở hầu hết các nước, khắc dấu là
một thủ tục tự nguyện của doanh nghiệp, họ không cần xin phép chính quyền và tất nhiên không cần giấy phép khắc dấu. Ở Hàn Quốc, Chính phủ cho phép đăng ký kinh doanh qua mạng để khuyến khích người dân kinh doanh.
b, Sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương
Thời gian gần đây, chính phủ đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phong trào quốc gia khởi nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 10 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghi quyết số 30 của chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020
Để khắc phục những hạn chế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về trinh độ công nghệ, thị trường, tiềm lực tài chính; Chính phủ đã có những chính sách kịp thời để hỗ trợ giải cứu các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh như: giảm lãi suất cho vay tín dụng, khoanh nợ, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, dãn hoãn thu thuế đất, tiền thuê đất, bổ sung 30.000 tỷ để kích cầu tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản, 1.000 tỷ cho vay tín dụng đối với DNVVN. Nhờ có những cố gắng đó của chính phủ và các địa phương nên một bộ phận DNVVN đã không ngừng phát triển sản xuất kinh doanh, người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Quận Lê Chân đã thực hiện những giải pháp tích cực để hỗ trợ cụ thể trên các mặt sau:
- Thực hiện việc miễn giảm, dãn hoãn các loại thuế cho DNVVN trên địa bàn với tổng trị giá 57,6 tỷ đồng = 15% ngân sách quận được giao.
- Chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội quận cho 4.000 hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn tín chấp 45 tỷ đồng để họ khởi nghiệp, tự tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ ổn định đời sống.
- Chỉ đạo Hiệp hội doanh nghiệp quận triển khai các biện pháp tích cực khai thác thế mạnh của từng thành viên về thị trường, lao động, tiêu thụ sản phẩm, kinh nghiệm để chia sẻ giúp đỡ giữa các doanh nghiệp với nhau trong
Hiệp hội.
Ngoài sự hỗ trợ về cơ chế chính sách thông thoáng và cơ chế tài chính, trong những năm qua quận đã phối hợp với VCCI chi nhánh Hải Phòng, Liên minh HTX Thành phố. Hiệp hội doanh nghiệp quận tổ chức các lớp bồi dưỡng miễn phí cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp, kế toán máy, tin học văn phòng và các chủ trương chính sách mới của nhà nước trong từng thời kỳ.Trung bình mỗi năm mở 3 lớp với 450 học viên được đào tạo.
Một trong những sự quan tâm hỗ trợ độc đáo của quận trong những năm qua là đã liên tiếp tổ chức các hội chợ hàng năm để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp tại địa phương, khuyến khích người tiêu dùng thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Người Lê Chân ưu tiên dùng hàng Lê Chân” với các chế tài cụ thể cho việc mua sắm, trang bị tài sản công phải ưu tiên mua hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn nếu có cùng chất lượng và mặt bằng giá cả.
Tuy nhiên sự hỗ trợ của Chính phủ, thành phố và quận đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là về vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.