CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC PHƯỜNG TẠI QUẬN KIẾN AN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
3.1. Sự cần thiết nâng cao hiệu quả tuyển dụng công chức phường
3.1.1. Xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở Phường là cấp hành chính đô thị, tập trung đông dân cư sinh sống, nhiều tầng lớp, bộ phận dân cư khác nhau, nhiều thành phần, cơ sở kinh tế cùng hoạt động, phát triển, ở một số phường có nhiều cơ quan tổ chức… từ trung ương đến địa phương, trong và ngoài nước hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau. Bộ máy chính quyền phường phải đảm bảo giải quyết, đáp ứng các yêu cầu đa dạng của các cá nhân, tổ chức liên quan trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế ; Xây dựng, giao thông vận tải; Giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao; Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thi hành pháp luật; Chính sách dân tộc, tôn giáo; Văn minh đô thị, quản lý dân cư, quản lý đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Với các yêu cầu đa dạng như vậy, UBND cấp phường là cơ quan thẩm quyền chung, đỏi hỏi phải đảm bảo kịp thời giải quyết những yêu cầu thực tế đặt ra trên địa bàn; chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo điều kiện cho các tổ chức trên địa bàn hoạt động theo quy định; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không có vụ việc bức xúc xảy ra và yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền phường ngày càng nặng nề, trong khi đội ngũ công chức của phường cũng còn những hạn chế về cả số lượng và chất lượng; nếu không nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ công chức ở cơ sở thì có thể xảy ra những vụ việc khiếu nại, điểm nóng như ở một số nơi thời gian qua (vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng; vụ việc ở Văn Giang,
Hưng Yên...). Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của đội ngũ công chức phường hiện nay đòi hỏi công tác xây dựng đội ngũ công chức phải có những đổi mới, trước tiên là khâu tuyển dụng công chức để đội ngũ công chức phường liên tục được bổ sung, nâng cao chất lượng theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất trong sáng; có ý thức kỷ luật, trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, tận tụy phục vụ nhân dân.
3.1.2. Xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền
Nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ xuất phát điểm thấp về kinh tế-xã hội, nền sản xuất nông nghiệp, manh mún, lạc hậu. Do vậy, để đưa đất nước phát triển thì phải thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cách mạng nước ta hiện nay là: Tiếp tục nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Vai trò của đội ngũ công chức là hết sức quan trọng, là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, đặc biệt là đội ngũ công chức cấp phường, bởi vì thực tế cho thấy đội ngũ công chức cấp phường thường có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thấp hơn so với cấp huyện, cấp tỉnh. Tuy nhiên, cấp phường lại là cấp trực tiếp, gần dân nhất nên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chất lượng đội ngũ công chức phường ngày càng phải được nâng lên và được coi trọng hơn. Thực tiễn cho thấy các nội dung xây dựng đội ngũ công chức (tiêu chuẩn công chức; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; chế độ, chính sách; đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật...) đều xuất phát từ thực tiễn, gắn với nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng là điều kiện để rèn luyện, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đặc biệt là ở cơ sở.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt ra những thách thức đối với đội ngũ công chức, nhất là ở cơ sở. Đội ngũ công chức phường chịu trách nhiệm thực thi, hiện thực hóa các chủ trường, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống và trực tiếp bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân ở cơ sở vì vậy đòi hỏi đội ngũ công chức phường phải am hiểu các chính sách, pháp luật; có năng lực tổ chức thực thi pháp luật, đặc biệt là đảm bảo sự công bằng của thực thi pháp luật đối với mọi chủ thể mà không có sự phân biệt. Do đó, cùng với việc xây dựng đội ngũ công chức nói chung, công chức phường nói riêng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì những yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta cũng là thách thức với đội ngũ công chức cấp phường.
3.1.3. Xuất phát từ yêu cầu cải cách hành chính nhà nước
Cải cách hành chính nhà nước là cải cách cơ chế quản lý nhà nước, vì vậy Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI nêu: “...thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước, theo phương hướng xây dựng và thực hiện một cơ chế quản lý Nhà nước thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động ở tất cả các cấp…”[2, tr 118].
Ở nước ta, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 xây dựng được một nền hành chính phục vụ, minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; trọng tâm của cải cách hành chính là cải cách chế độ công vụ, công chức và nâng cao chất lượng dịch vụ do cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công cung cấp. Nhiệm vụ của cải cách hành chính là tập trung vào cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính;
cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính.
Để công cuộc cải cách hành chính đạt được mục tiêu đề ra, thúc đẩy phát triển kinh tế thì vấn đề quan trọng là yếu tố con người - xây dựng được đội ngũ công chức có cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại, có phẩm chất đạo đức tốt và đủ năng lực thi hành công vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và phục vụ nhân dân, theo đó khâu đầu tiên và quan trọng nhất là tuyển dụng công chức. Xây dựng đội ngũ công chức đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính được bắt đầu từ khâu tuyển dụng; tuyển dụng công chức là tạo “nguồn”
cho việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển công chức mang tính kế thừa và liên tục.
Đối với cấp phường, đội ngũ công chức không chỉ là người thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tại cơ sở - cấp hành chính gần dân nhất mà còn thường xuyên giải quyết các yêu cầu, đề nghị, kiến nghị liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vì vậy, đòi hỏi đội ngũ công chức phường ngày càng phải “đạt chuẩn” cao hơn; công tác tuyển dụng “nguồn đầu vào” của đội ngũ công chức phường phải có tầm nhìn xa hơn để đội ngũ công chức phường thực sự đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính nhà nước đặt ra, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu“gần dân hơn, đơn giản hơn và trách nhiệm hơn”.