CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP KỂ CHUYỆN TRONG DẠY HỌC MÔN ĐẠO ĐỨC LỚP 2
1.2. Cơ sở lí luận của việc vận dụng phương pháp kể chuyện trong dạy học môn Đạo đức lớp 2
1.2.3. Phương pháp kể chuyện trong dạy học môn Đạo đức lớp 2
Học sinh lớp 2 thường là những trẻ có tuổi từ 7-8 tuổi. Trẻ em ở lứa tuổi này thực hiện bước chuyển từ hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo sang hoạt động học tập là chủ đạo.
Các cơ quan cảm giác như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, đều phát triển và đang trong quá trình hoàn thiện. Tri giác của học sinh tiểu học mang tính đại thể, ít đi váo chi tiết và mang tính không ổn định: ở đầu tuổi tiểu học tri giác thường gắn liền với hành động trực quan, đến cuối tuổi tiểu học tri giác bắt đầu mang tính xúc cảm, trẻ thích quan sát các sự vật, hiện tượng có màu sắc sặc sỡ, hấp dẫn, tri giác của trẻ đã mang tính mục đích, có phương hướng rõ ràng.
Tư duy của học sinh lớp 2 mang đậm màu sắc xúc cảm và chiếm ưu thế ở tư duy trực quan hành động. Các phẩm chất tư duy chuyển dần từ tính cụ
thể sang tư duy trừu tượng khái quát. Khả năng khái quát hóa phát triển dần theo lứa tuổi. Tuy nhiên hoạt động phân tích, tổng hợp kiến thức còn sơ đẳng.
Trí nhớ của học sinh Tiểu học thuộc loại trí nhớ trực quan hình tượng chiếm ưu thế hơn trí nhớ từ ngữ - logic. Giai đoạn trẻ ở lớp 1,2 ghi nhớ máy móc phát triển tương đối tốt và chiếm ưu thế hơn so với ghi nhớ có ý nghĩa.
Nhiều học sinh chưa biết tổ chức ghi nhớ có ý nghĩa, chưa biết dựa váo các diểm tựa để ghi nhớ, chưa biết cách khái quát hóa hay xây dựng dàn bài để ghi nhớ tài liệu.
Tưởng tượng của học sinh lớp 2 đã phát triển phong phú hơn nhưng hình ảnh tưởng tượng còn đơn giản, chưa bền vững. Đặc biệt tưởng tượng của các em trong giai đoạn này bị chi phối mạnh mẽ bởi các xúc cảm, tình cảm, những hình ảnh, sự việc, hiện tượng, đều gắn liền với những rung động tình cảm của các em.
Tình cảm của học sinh lớp 2 mang tính cụ thể trực tiếp và luôn gắn liền với các sự vật hiện tượng sinh động, rực rỡ,... Lúc này khả năng kiềm chế cảm xúc của trẻ còn non nớt, trẻ dễ xúc động và cũng dễ nổi giận, biểu hiện cụ thể là trẻ dễ khóc mà cũng nhanh cười, rất hồn nhiên vô tư...
Vì thế có thể nói tình cảm của trẻ chưa bền vững, dễ thay đổi.Chính vì thế, việc giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học cần ở nhà giáo dục sự khéo léo, tế nhị khi tác động đến các em; nên dẫn dắt các em đi từ hình ảnh trực quan sinh động, hấp dẫn và đặc biệt phải luôn chú ý củng cố đạo đức cho các em thông qua các hoạt động cụ thể như kể chuyện, trò chơi nhập vai, đóng các tình huống cụ thể, các hoạt động tập thể ở trường lớp, khu dân cư,...
Bản thân học sinh ngay từ nhỏ như một tờ giấy trắng, các em rất hiếu động, thích bắt chước các hành vi mà chính bản thân các em không nhận thức được là đúng hay sai, là phù hợp hay không. Các em như búp măng tre, muốn thân tre ngày sau mọc thẳng hay cong thì người trồng phải biết chăm sóc suốt quá trình phát triển của măng cũng như lúc còn nhỏ các em sống trong môi trường gia đình, các em chịu sự quản lý giáo dục của cha mẹ và người thân.
Khi các em đến tuổi đi học các em lại được giáo dục trong một môi trường rộng hơn, có bạn, có thầy cô và nhất là được sự giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học, có ảnh hưởng rất lớn đối với việc hình thành nhân cách cho học sinh sau này.
Ở các bài đạo đức trong chương trình lớp 2, đều có một nội dung mang tính giáo dục cao. Từ nội dung bài học các em có nhận thức đúng các hành vi chuẩn mực đạo đức tốt trong quan hệ và giao tiếp.
Nói chung, tư duy của học sinh tiểu học nói chung, học sinh lớp 2 nói riêng còn mang đậm màu sắc cảm xúc, các em suy nghĩ bằng hình thức cảm xúc, bằng hành động, âm thanh. Tình cảm của các em chưa được bền vững, dễ thay đổi. Cho nên trong quá trình hình thành tri thức đạo đức cho học sinh tiểu học, chúng ta sử dụng phương pháp kể chuyện là phù hợp và rất cần thiết.
Làm được điều đó chất lượng giờ học đạo đức sẽ được nâng cao.
1.2.3.2. Môn Đạo đức lớp 2
Ở tiểu học, cụ thể là ở lớp 2, quá trình giáo dục đạo đức nhằm giúp học sinh:
- Về nhận thức: Học sinh có hiểu biết ban đầu về một số chuẩn mực hành vi đạo đức và pháp luật phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 2 trong các mối quan hệ của các em với những người thân trong gia đình; với bạn bè, và công việc của lớp; của trường; với hàng xóm láng giềng; với cây trồng, vật nuôi và nguồn nước; với lời nói, việc làm của bản thân.
- Về kĩ năng, hành vi: Học sinh được từng bước hình thành kĩ năng bày tỏ ý kiến, thái độ của bản thân đối với những quan niệm, hành vi, việc làm có liên quan đến các chuẩn mực đã học; kĩ năng lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp chuẩn mực trong các tình huống đơn giản, cụ thể trong cuộc sống.
- Về thái độ: Học sinh bước đầu hình thành thái độ trách nhiệm đối với lời nói, việc làm của bản thân, tự tin vào khả năng của bản thân, yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em và bạn bè; quan tâm, tôn trọng với mọi người, có
ý thức bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
* Mỗi bài đạo đức ở tiểu học được dạy trong hai tiết: Tiết kể chuyện và tiết thực hành.
Thông qua tiết kể chuyện (tiết 1) nhằm cung cấp cho học sinh những tri thức về chuẩn mực hành vi, để từ đó hình thành ở học sinh những biểu tượng ban đầu về chuẩn mực hành vi đó.
Tiết 2 (tiết thực hành) có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xuất phát từ vị trí, nhiệm vụ và ý nghĩa của môn đạo đức ở tiểu học là nhằm góp phần quan trọng vào việc giáo dục cho các em các phẩm chất đạo đức như “hiếu thảo với ông bà, cha mẹ”, “yêu thương anh chị em trong gia đình”, “kính trọng biết ơn thầy cô giáo”...
1.2.3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc vận dụng PPKC trong dạy học môn Đạo đức lớp 2
Phương pháp kể chuyện là phương pháp không thể thiếu trong tiết 1 của giờ đạo đức. Tuy nhiên, để áp dụng một cách có hiệu quả phương pháp kể chuyện trong các tiết dạy lại không hề đơn giản. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc vận dụng phương pháp kể chuyện trong dạy học môn đạo đức lớp 2 là:
-Năng lực của giáo viên: Để có một giờ học Đạo đức với phương pháp kể chuyện thành công giáo viên phải bám vào yêu cầu phương pháp và phối hợp khéo léo với nghệ thuật kể chuyện của bản thân để tạo ra sức tác dụng mạnh mẽ tới tình cảm, cảm xúc đạo đức của học sinh khi nghe cô giáo kể chuyện. Muốn vậy, người giáo viên cần nắm vững phương pháp kể chuyện, có kĩ năng kể chuyện tốt. Muốn thành công khi kể chuyện thì giáo viên phải như một diễn viên chuyên nghiệp. Đó là nhập vai, hoà thực sự tâm hồn của mình vào truyện kể nhằm kể chuyện được tự nhiên, hấp dẫn, với giọng nói, dáng điệu, vẻ mặt phù hợp tránh giả tạo.
- Áp lực về thời gian của tiết học: Thời gian của mỗi tiết học môn đạo đức lớp 2 chỉ có 35 phút. Vì vậy, nếu giáo viên không biết lựa chọn câu truyện phù hợp (quá dài hoặc quá ngắn) khi kể sẽ gây mất thời gian, khó hoàn
thành nội dung bài dạy.
- Tài liệu, phương tiện học tập: Đây là yếu tố không thể thiếu trong quá trình dạy học. Ngoài tài liệu quy định như sách giáo khoa, sách giáo viên; mỗi tiết học môn đạo đức lại cần những phương tiện, đồ dùng khác nhau để minh hoạ cho câu chuyện them phần sinh động, gây hứng thú cho học sinh. Chuẩn bị đầy đủ tài liệu, phương tiện học tập đóng góp một phần không nhỏ cho sự thành công của tiết dạy.