CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU QUA ĐƯỜNG BIỂN TẠI CỤC HẢI QUAN HẢI PHÒNG
3.1. Quan điểm về Chống buôn lậu và xu hướng của hoạt động buôn lậu qua đường biển giai đoạn 2019-2023
3.1.1. Quan điểm
Những năm qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh nên đã gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của doanh nghiệp và sức khỏe người dân. Do đó, ngày 19/3/2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) theo Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đứng đầu là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo của nhiều bộ, ngành.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thay thế vai trò công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 127 trung ương trước đây.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Bộ Tài chính đảm nhận, với vai trò nghiên cứu và đề xuất các biện pháp, giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất- kinh doanh hàng giả. Đồng thời, làm đầu mối kết nối hoạt động giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương nhằm góp phần đẩy mạnh hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới.
Ban Chỉ đạo 389 được thành lập theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương . Bộ Tài chính là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ở địa phương, thường trực do địa phương quyết định.
Đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố có nhiệm vụ tham mưu, giúp lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất- kinh doanh hàng giả; phối hợp với các Sở, ngành liên quan; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có chức
năng; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia các nội dung liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Điểm mới trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố là vai trò của Mặt trận rất quan trọng.
Lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyền truyền vận động Nhân dân không tham gia, tiếp tay, giúp sức cho buôn lậu; mạnh dạn tố giác tội phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
Ngày 23/5/2014, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 3729/VPCP-VI về việc truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc triển khai thực hiện Quyết định số 389/QĐ-TTg và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành theo Quyết định số 31/QĐ-BCĐ ngày 23/5/2014.
Theo Quyết định số 389/QĐ-TTg, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
Một là, Xây dựng chiến lược, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hai là, Phối hợp giữa các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn cũng như xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ba là, Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bốn là, Kiểm tra việc thực hiện xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lớn;
Năm là, Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
3.1.2. Xu hướng của hoạt động buôn lậu qua đường biển trên địa bàn Hải Phòng
* Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển có biểu hiện gia tăng cả quy mô và số lượng hàng hóa, tập trung chủ yếu ở các vùng biển thuộc các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và vùng biển giáp ranh các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Sau khi tuần tra trên biển, lực lượng hải quan phối hợp với các lực lượng khác đã phát hiện, xử phạt hàng trăm vụ vi phạm.
“Thủ đoạn của việc buôn lậu xăng dầu vẫn do một số đối tượng người Việt Nam móc nối, giao dịch với đầu nậu người nước ngoài để thỏa thuận về giá, thời gian, địa điểm giao hàng, phương thức thanh toán… Sau khi hàng về đến gần vùng biển Việt Nam, các đối tượng chuẩn bị sẵn bộ hồ sơ hàng hóa để đối phó với cơ quan chức năng nếu bị phát hiện, bắt giữ”. Điều đáng nói là, một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá sau khi cung cấp hết số dầu hợp pháp, sẽ lấy dầu từ các tàu nước ngoài buôn lậu trên biển để tiếp tục bán cho ngư dân nhằm thu lợi bất chính, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì sử dụng lại hóa đơn của số dầu đã bán hết để đối phó. Những hóa đơn này được tái sử dụng nhiều lần. Đây là tình trạng nhức nhối mà lực lượng chức năng đang phải đối mặt.
Tại các vùng biển miền Bắc và miền Trung, đối tượng buôn lậu thường lợi dụng chế độ pháp lý trên vùng biển đặc quyền kinh tế đối với các nước theo Công ước luật biển 1982 để thực hiện hành vi buôn lậu xăng dầu; sử dụng vận đơn quốc tế xoay vòng trong cùng 1 công ty; sử dụng các tàu không số hiệu, số hiệu giả để giao dịch, mua bán, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
* Khu vực vùng biển vịnh Bắc Bộ là nơi có nhiều đảo lớn nhỏ, luồng tuyến đi lại đa dạng, đây là điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế nhưng cũng là điều kiện tốt để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng.
Trong khi đó những chính sách của Nhà nước trong vấn đề hội nhập vẫn còn
những sơ hở, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng để hoạt động, có những hành vi vi phạm pháp luật. Các phương tiện của nước ngoài chở hàng hóa khi đi vào vùng lãnh hải của ta đã “bắt tín hiệu” với các đối tượng buôn lậu trong đất liền, cấu kết với nhau tổ chức sang mạn hàng hóa trên biển.
Vùng biển thuộc lãnh thổ hải quan Hải Phòng quản lý có nhiều đảo ven bờ, có nhiều cảng biển lớn, nhỏ là cửa ngõ kinh tế biển của các trung tâm kinh tế phía Bắc giao thương với Trung Quốc và các nước trên thế giới. Những điều kiện tự nhiên như vậy đã tạo cho khu vực biển vịnh Bắc Bộ được đánh giá là phức tạp, luôn là điểm nóng về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; mua, bán, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa với các thủ đoạn khác nhau, diễn biến phức tạp và tinh vi, những vi phạm, buôn lậu gian lận thương mại trên vùng biển vịnh Bắc Bộ những năm qua rất phức tạp.
Do có sự tiếp giáp, giao thương với nước bạn nên tình hình buôn lậu trên biển cũng sôi động không kém gì so với trong đất liền. Hàng hóa đa dạng về chủng loại như than, khoáng sản, xăng dầu, đồ điện tử đã qua sử dụng, vật liệu xây dựng, vải may mặc... Nguyên nhân là giá cả của mặt các hàng này giữa ta và Trung Quốc chênh lệch khá lớn nên hầu như tháng nào lực lượng CSB vùng 1 cũng phải xử lý vài vụ buôn lậu, nóng bỏng nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá, pháo nổ.
Do tiếp giáp với nước bạn nên thời gian hành trình của bọn buôn lậu từ vùng biển Trung Quốc về các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng chỉ vài tiếng đồng hồ nên hoạt động buôn lậu diễn ra rất nhanh, khó phát hiện và bắt giữ. Thủ đoạn buôn lậu là thường xuyên thay đổi địa điểm giao nhận hàng trên biển, sử dụng dùng phương tiện xuồng cao tốc lắp 5 - 6 máy (loại 200 mã lực/máy), có công suất từ 1.000 mã lực trở lên, thậm chí có xuồng công suất lên tới 2.000 mã lực chạy với tốc độ 50 hải lý/giờ khiến cho lực lượng chức năng khó truy đuổi hoặc có nguy cơ gặp nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn nếu truy đuổi. Chưa kể chúng sẽ chống trả quyết liệt, thậm chí chúng còn sử dụng vũ khí nóng gây thương vong cho lực lượng chức năng.