Khái niệm sức khỏe tâm thần

Một phần của tài liệu Sức khỏe tâm thần của giáo viên trung học phổ thông thành phố huế, tỉnh thừa thiên huế khóa luận tốt nghiệp (Trang 30 - 34)

8. Cấu trúc khóa luận

1.2. Lý luận chung về sức khỏe tâm thần giáo viên

1.2.1. Khái niệm sức khỏe tâm thần

1.2.1.1. Sức khỏe tâm thần là gì?

Hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất về định nghĩa SKTT (mental health) (Manwell và cs., 2015). Manwell và cộng sự (2015) đã liệt kê bốn định nghĩa về SKTT được sử dụng trong các nghiên cứu gần đây:

- “SKTT là năng lực cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mỗi một và tất cả chúng ta theo những cách thức nâng cao khả năng vui hưởng cuộc sống và ứng phó những thách thức mà chúng ta đối mặt. Đó là cảm giác tích cực về sự an lạc (well-being) của

cảm xúc và tinh thần, sự an lạc này tôn trọng giá trị của văn hóa, sự bình đẳng, chuẩn mực xã hội, sự kết nối lẫn nhau và nhân phẩm cá nhân” (Ủy ban Sức khỏe Cộng đồng Canada, 2006) [13].

- “SKTT được định nghĩa là trạng thái an lạc (well-being) mà ở đó mỗi cá nhân nhận ra được tiềm năng của chính mình, có thể ứng phó được với những căng thẳng bình thường của đời sống, có thể làm việc một cách hiệu quả và có năng suất, có thể đóng góp vào sự phát triển cộng đồng mà họ đang sống” (WHO, 2001) [14].

- “Một cộng đồng có SKTT lành mạnh cung cấp cho con người khả năng phát triển mạnh mẽ. Nó là thứ mà ở đó con người cảm thấy kết nối với người khác và có một mạng lưới kết nối con người trên tất cả mọi nèo đường cuộc đời với nhau. Dù cộng đồng nào cũng có một bản sắc mạnh mẽ, nhưng vượt lên trên điều này, cộng đồng đó luôn đón nhận sự đa dạng. Con người tham gia vào cộng đồng của họ, tổ chức để chiến đấu lại những thách thức chung và hỗ trợ, giúp đỡ cho những người gặp khó khăn” (McKenzie, 2014) [15].

- “SKTT là khả năng thích nghi và sự quản lý” (Hueber và cs., 2011). Ngoài ra, Galderisi và cộng sự (2015) cũng đề xuất một định nghĩa về SKTT như sau: “SKTT là trạng thái năng động của cân bằng nội tại khiến cá nhân có thể sử dụng khả năng của họ trong sự hòa hợp với giá trị phổ quát của xã hội. Kỹ năng nhận thức; kỹ năng xã hội, khả năng xác định, bộc lộ và điều chỉnh cảm xúc một cách phù hợp cũng như đồng cảm với người khác; sự linh hoạt và khả năng ứng phó với những sự kiện khắc nghiệt trong đời sống và thực hiện vai trò xã hội; và mối quan hệ hòa hợp giữa thân và tâm là đại diện cho những thành tố quan trọng của SKTT, những thành tố này đóng góp ở những mức độ khác nhau cho sự cân bằng nội tại” [16].

Tuy nhiên, những định nghĩa trên vấp phải sự phê bình của nhiều nhà khoa học khi quá tập trung vào yếu tố xã hội, cộng đồng, hay vẫn còn mơ hồ về sự cân bằng nội tại nghĩa là như thế nào. Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi và vẫn chưa thống nhất về khái niệm SKTT, nhưng nhìn chung có thể thấy rằng SKTT không chỉ là một trạng thái không có rối loạn hay dị tật về tâm thần nhưng cũng không nhất thiết phải là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái. Đó là trạng thái mà ở đó nhận thức, cảm xúc, hành vi của con người vận hành bình thường nhờ sự vận hành ổn định của não bộ và đời sống xã hội. Theo đó, con người thực hiện được vai trò xã hội của mình và đáp ứng được những yêu cầu bình thường của đời sống hàng ngày.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng định nghĩa của WHO (2001). Theo đó, SKTT bao gồm (i) sự vắng mặt của RLTT và (ii) sự hiện diện của sự an lạc (well-being) (Bratman và cs., 2009). RLTT liên quan đến việc xuất hiện các rối loạn về nhận thức, ảnh hưởng và hành vi, thường được xác định thông qua Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê RLTT (DSM) hoặc Phân loại Quốc tế về Bệnh tật (ICD). Chúng bao gồm các tình trạng phổ biến như trầm cảm, lo lắng, mất trí nhớ và rối loạn sử dụng chất kích thích, cũng như các bệnh ít phổ biến hơn nhưng thường nghiêm trọng như tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực (Bratman và cs., 2019). Sự an lạc (well-being) chứa đựng nhiều thành phần tình cảm và nhận thức, gồm có (1) hạnh phúc: thường xuyên trải nghiệm những cảm xúc tích cực, như là niềm vui, sự phấn khích và sự hài lòng, kếp hợp với việc cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa, có mục đích, viên mãn; (2) tự thực hiện (self-actualization): thành tựu, sự minh mẫn và lạc quan; (3) sự phục hồi tâm lý, kiên cường, bản lĩnh (resilience): có khả năng ứng phó với khó khăn; điều tiết cảm xúc; không có những cách giải quyết vấn đề kém thích nghi và (4) các mối quan hệ lành mạnh (Bratman và cs., 2019) [17].

1.2.1.2. Khái niệm giáo viên Trung học phổ thông

Giáo viên được hiểu là nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS, THPT), giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp.

Giáo viên là người giảng dạy cho học sinh các kiến thức liên quan đến môn học, thực hiện các bài giảng các tiết dạy của mình để mang kiến thức đến với học sinh.

Bên cạnh đó giáo viên còn giúp học sinh rèn luyện những kĩ năng cần thiết trong việc thực hành các kiến thức lý thuyết và các rèn luyện cho học sinh về đạo đức lối sống, cách đối xử lễ phép với người khác…bên cạnh đó giáo viên cùng người kiểm tra, ra đề, chấm điểm thi cho học sinh để đánh giá chất lượng, năng lực của từng học sinh.

Giáo viên còn là người khởi xướng các hoạt động phong trào, các cuộc thi thực tế bổ ích và giúp cho học sinh tìm hiểu và khám phá ra những điều mới lạ từ các cuộc thi của mình.

Nghề giáo viên là một lĩnh vực hoạt động lao động trong hệ thống giáo dục quốc dân. Sau khi được đào tạo ở các trường, khoa sư phạm, sinh viên có được những tri thức và kỹ năng cơ bản để có thể trở thành giáo viên và có thể tham gia vào giáo dục, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hệ thống giáo dục ở Việt Nam được chia thành các bậc học và các cấp học khác nhau điều này được nói đến ở Luật giáo dục Việt Nam 2019 tại Điều 6. Hệ thống giáo dục quốc dân:

1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Giáo viên THPT là những người đã có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên và trực tiếp giảng dạy tại các trường THPT.

Một phần của tài liệu Sức khỏe tâm thần của giáo viên trung học phổ thông thành phố huế, tỉnh thừa thiên huế khóa luận tốt nghiệp (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(98 trang)
w