Lối ứng xử nặng tình nhẹ lý

Một phần của tài liệu văn hóa pháp luật việt nam hiện nay nhìn từ mối quan hệ với văn hóa truyền thống (Trang 88 - 91)

2.1. Sự tác động của văn hóa nông nghiệp lúa nước

2.1.2. Lối ứng xử nặng tình nhẹ lý

Cuộc sống cộng đồng ở làng xã đã tạo ra sự đoàn kết gắn bó, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đó là ngọn nguồn của nếp sống “trọng tình” trong truyền thống ứng xử của người Việt, đó cũng là một nét nổi trội trong đặc trưng văn hóa truyền thống Việt Nam. Cả cuộc đời và qua nhiều đời, người dân quê Việt Nam chỉ làm ăn, sinh sống ở làng, mọi người hiểu nhau rành rẽ, thân quen, gắn bó với nhau từ tấm bé với hai mối quan hệ giằng chéo bền chặt là huyết thống (Một giọt máu đào hơn ao nước lã) và láng giềng “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, “Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”. Yếu tố duy tình - lối sống giàu tình cảm trọng tình nghĩa là một nét đẹp trong truyền thống của dân tộc. "Vượt lên cả về không gian, thời gian là đặc điểm duy tình, duy nghĩa, duy cảm của con người Việt Nam trong mối quan hệ giữa người với người" (Trần Quốc Vượng). Truyền thống đó tạo ra cuộc sống hoà thuận, lấy tình nghĩa làm đầu; tình cảm trở thành thước đo giá trị trong mọi hành vi ứng xử của con người.

Vì quan hệ trong làng như một đại gia đình, ở đó lợi ích của một người gắn với lợi ích của cộng đồng, “phúc cùng hưởng, họa cùng chịu” nên khi có điều gì không hay xảy ra người ta không muốn “vạch áo cho người xem lưng” để khỏi

“xấu chàng hổ ai”, từ đó đã hình thành nguyên tắc ứng xử tất yếu là phải che chắn, bảo vệ, “đóng cửa bảo nhau”, “tốt khoe, xấu che”, kể cả việc dung túng cho lỗi lầm. Cũng vì sự nể nang, sợ mất lòng nhau nên trong ứng xử người ta coi trọng nguyên tắc “dĩ hoà vi quý”, “chín bỏ làm mười”,“một điều nhịn, chín điều lành”. Sống trong môi trường mà tình cảm được coi là tiêu chí, là chuẩn mực ứng xử nên lâu dần hình thành lối sống dễ dàng thỏa hiệp, ứng xử nửa vời, cả nể, ngại va chạm, thiếu tính quyết đoán kiểu “sư nói cũng phải, vãi nói cũng hay”; “tháng ba cũng ừ, tháng tư cũng gật”. Khi xẩy ra mâu thuẫn thì dễ dàng tha thứ vì “đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại”. Lối ứng xử trọng tình nhẹ lý trở thành

nguyên tắc cơ bản chi phối, điều tiết các mối quan hệ, khiến cho việc xử sự của con người thường chủ quan, tùy tiện, nặng về cảm tính nên thiếu tính nguyên tắc, được đúc kết và lưu truyền trong dân gian qua các câu thành ngữ quen thuộc như:

Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”; “Yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”; “Yêu nhau mọi việc chẳng nề, dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”; “Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”…

Việc xử lý các quan hệ theo tình cảm sẽ dẫn đến thiếu tôn trọng tính nguyên tắc, tùy tiện là một điều tất yếu. Truyền thống duy tình đã làm cho người ta có thể có nhiều cách ứng xử khác nhau trong cùng một hoàn cảnh, trong khi đó pháp luật lại là chuẩn mực chung để điều tiết các mối quan hệ một cách nghiêm khắc dựa trên tiêu chí khách quan và thống nhất. Bởi vậy, người ta dễ dị ứng với pháp luật, chỉ coi pháp luật là một giải pháp “cực chẳng đã”. Đó là một lý do khiến cho pháp luật bị vô hiệu hóa ngay từ trong suy nghĩ của mỗi cá nhân cho đến hành vi ứng xử phổ biến của cộng đồng trong xã hội Việt Nam truyền thống.

Cũng do lối sống nông nghiệp quần cư, khép kín sau lũy tre làng dựa trên các mối quan hệ thân tộc, láng giềng cùng với nền sản xuất nhỏ tự cung tự cấp khiến cho các quan hệ xã hội thuần nhất, có tính ổn định cao. Các quan hệ ứng xử cũng như các giao dịch dân sự chủ yếu dựa trên cơ sở của các chuẩn mực đạo đức, tình cảm và lòng tin mà không cần đến các bằng chứng có tính pháp lý. Nếu có mâu thuẫn, tranh chấp với nhau thì được giải quyết bằng con đường hòa giải hơn là kiện tụng, trên tinh thần nhường nhịn, cảm thông, “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quí”. Xét về mặt tích cực, nguyên tắc ứng xử này giúp bảo vệ các mối quan hệ xã hội thân thuộc, củng cố tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết, ít xảy ra các tranh chấp dân sự, duy trì sự ổn định của xã hội. Tuy nhiên, hệ quả tiêu cực là pháp luật không còn uy lực khi cái lý bị đẩy xuống hàng thứ yếu so với cái tình.

Không thể phủ nhận rằng, công lý trước hết và trên hết phải xuất phát từ nền tảng là lòng yêu thương, cho nên hiển nhiên là cái lý không thể đặt trong thế đối lập với cái tình. Tuy nhiên, trong một xã hội mà nếu cái tình ở vị trí được ưu tiên hơn, thậm chí lấn át cái lý thì pháp luật tất yếu sẽ không được coi là một công cụ quan trọng để điều tiết các quan hệ xã hội. Lối ứng xử ấy đối lập hoàn toàn với

tinh thần "thượng tôn pháp luật", một đòi hỏi tất yếu của xã hội văn minh, hiện đại. Nhưng như đã phân tích ở trên, trong xã hội Việt Nam cổ truyền, cái truyền thống trọng tình hơn lý đã khiến cho pháp luật không phải là một cách giải quyết tranh chấp được ưa chuộng. Câu thành ngữ “vô phúc đáo tụng đình” thể hiện thái độ của người dân coi chuyện ra toà là một cái gì đó ghê gớm, làm tổn hại thanh danh và sứt mẻ tình cảm vì “một đời kiện, chín đời thù”. Do vậy, các hành vi tố giác tội phạm gần như không diễn ra khi người ta sợ dư luận hơn cả hình phạt.

Một khi cái tình được đặt cao hơn cái lý thì nhu cầu sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình không trở thành một thói quen ứng xử phổ biến của người dân từ trong nhận thức cho đến hành vi. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tâm lý thờ ơ, né tránh pháp luật, không xem pháp luật là cách giải quyết được ưu tiên, là công cụ bảo vệ quyền lợi cho mình. Cho đến ngày nay, người Việt vẫn chưa có thói quen tìm đến pháp luật khi xảy ra các tranh chấp dân sự như một hành vi ứng xử phổ biến ở các nước có nền văn hóa pháp luật tích cực.

Trong giai đoạn hiện nay, văn hoá ứng xử "lấy cảm tình làm bản vị" của người Việt đang là một thách đố gay gắt khi đất nước đang bước vào tiến trình hội nhập quốc tế mà tinh thần "thượng tôn pháp luật" là điểm tựa của việc thực hiện những cam kết quốc tế. Ý thức tôn trọng pháp luật và tính chủ động sử dụng pháp luật với tính cách là yếu tố của văn hoá pháp luật có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cơ chế hành vi của các chủ thể, nhưng đây lại là một trong những điểm yếu lớn nhất được nhận thấy trong thực tiễn pháp lý ở nước ta hiện nay. Bằng chứng là, đối với người dân và doanh nghiệp, việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế không cần đến pháp luật vẫn còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ, bởi số đông người dân vẫn e dè khi nói đến việc kiện tụng, giải quyết tranh chấp bằng luật pháp... Rất ít doanh nghiệp có luật sư, chuyên viên pháp chế chuyên trách làm công tác pháp lý, dự báo các vấn đề pháp lý nảy sinh (ngoại trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân nhận xét: “… giới doanh nhân Việt Nam ít có thói quen sử dụng luật sư. Các doanh nghiệp có thói quen vướng đâu thì “chạy” bằng phong bì, mạnh hơn nhau bằng cái đó, chứ không phải đưa nhau lên trên bàn để giải quyết đúng - sai bằng

luật pháp, nên các doanh nghiệp không cần thiết phải có bộ phận pháp chế để làm cố vấn cho họ. Điều này trái ngược hẳn với giới doanh nhân quốc tế”.

Một phần của tài liệu văn hóa pháp luật việt nam hiện nay nhìn từ mối quan hệ với văn hóa truyền thống (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(136 trang)
w