2.1. Sự tác động của văn hóa nông nghiệp lúa nước
2.1.4. Tư duy tiểu nông tùy tiện, chủ quan, cảm tính
Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, cho đến nay, về cơ bản, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ lực lượng sản xuất còn thấp, đó cũng chính là cơ sở hình thành tư duy sản xuất nhỏ của người Việt Nam. Cuộc sống nông nghiệp ở định cư đã đặt con người trong nhiều mối quan hệ phải ứng xử, từ tự nhiên đến xã hội. Công việc sản xuất nông nghiệp lúa nước phụ thuộc cùng lúc vào nhiều yếu tố tự nhiên như đất đai, nguồn nước, thời tiết, khí hậu..., khiến cho người nông dân phải:
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng (Ca dao)
Trong khi tự nhiên thì lại thay đổi thất thường, “sớm nắng chiều mưa” buộc con người phải biết ứng phó linh hoạt với từng tình huống cụ thể. Cùng với đó, cuộc sống cộng đồng lại ràng buộc con người trong nhiều mối quan hệ “dây mơ rễ má” đan bện chằng chịt, từ láng giềng đến anh em, họ hàng, thông gia… đòi hỏi con người phải biết ứng xử khéo léo trong từng mối quan hệ. Thực tế ấy đòi hỏi con người phải có cái nhìn biện chứng trong mối quan hệ tổng hòa giữa các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, phải biết ứng phó linh hoạt cho phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Từ đó hình thành kiểu tư duy tổng hợp –
duy và lối sống nông nghiệp. “Về nhận thức, cuộc sống nông nghiệp luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau đã khiến con người phải chú trọng tới các mối quan hệ giữa chúng, dẫn tới lối tư duy biện chứng” [30,17].
Thêm nữa, do tính chất thời vụ của công việc nhà nông nên thời gian và nhịp sống nông nghiệp không ổn định và nề nếp, qui củ như lối sống của cư dân công nghiệp. Lúc mùa vụ thì căng thẳng, khẩn trương, không giờ giấc; ngược lại, lúc nông nhàn thì lại rỗi rãi, dư thừa thời gian, từ đó tạo nên lối sống tùy tiện, không theo một nguyên tắc, nề nếp, qui trình có sẵn. Đó là những lý do đó khiến cho
“văn hóa Việt Nam chứa đựng sự kết hợp kỳ diệu của cái ổn định và cái linh hoạt” [58]. Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, nhà nghiên cứu Ðào Duy Anh cũng từng nhận xét rằng, người Việt “bắt chước, thích ứng và dung hòa (...) rất tài”[1, 24]. Còn nhà nghiên cứu Cao Xuân Huy thì cho rằng người Việt “có cái đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động, như nước. (...) Đó là cái khả năng thích ứng vô hạn của nó (...). Chính cái khả năng thích ứng (...) là cái tính ưu việt, cái bí quyết sinh tồn của dân tộc ta" [30, 363 – 364].
Như vậy, các học giả, với những cách nói khác nhau, nhưng đều từ quá trình phát triển của thực tiễn xã hội và nề nếp sinh hoạt mà rút ra kết luận khái quát về một đặc điểm quan trọng trong bản tính của dân tộc ta. Gần đây, các nhà nghiên cứu Phan Ngọc, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Huệ Chi, Trần Ðình Hượu, v.v…, trong các công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam đều nhấn mạnh tính linh hoạt, mềm dẻo trong ứng xử như là một đặc điểm nổi bật của người Việt từ xưa đến nay. Cách tư duy, ứng xử này ăn sâu vào trong tiềm thức cộng đồng, được đúc kết và lưu truyền trong dân gian qua những câu thành ngữ, tục ngữ như: “Tùy cơ ứng biến”; “Nhập gia tùy tục”; “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”; “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”…
Tư duy biện chứng và ứng xử mềm dẻo, linh hoạt, tùy cơ ứng biến hiển nhiên là có nhiều lợi thế cho sự thích nghi với mọi tình huống xã hội và ứng phó với tự nhiên trong điều kiện của cuộc sống nông nghiệp khiến con người luôn phải ở trong tình thế bị động. Tuy nhiên, cũng chính từ đây đã sản sinh ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong thói quen, lối sống và các hành vi ứng xử của người Việt truyền thống, trước hết, và cũng dễ nhận thấy nhất, đó là lối sống tùy tiện, thiếu tính kỉ
luật, vô nguyên tắc, từ đó dẫn tới tính tư biện trong nhận thức và tuỳ tiện trong hành động. Đặc điểm này hiển nhiên là không thích hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và nhu cầu hội nhập kinh tế hiện nay. Thói quen ứng xử tùy tiện, thiếu tính kỷ luật, vô nguyên tắc lại càng không thể chấp nhận trong một xã hội có tổ chức, nề nếp, kỷ cương với nguyên tắc thượng tôn pháp luật, trong khinhững căn tính tiểu nông này hiện đang di căn rất nặng nề trong một bộ phận không nhỏ người Việt Nam hiện nay và đang tác động tiêu cực đến thái độ và hành vi ứng xử với pháp luật. Do việc người ta đã quen với nhiều cách ứng xử khác nhau trong cùng một hoàn cảnh, nên dẫn đến thói quen “lách luật” mà hiện nay đang tồn tại phổ biến với nhiều dạng biến tướng khác nhau như: làm ăn gian dối, tệ nạn hối lộ, đi cửa sau để giải quyết công việc, chạy chức chạy quyền, chạy án… Đây thực chất là biểu hiện của lối sống coi thường pháp luật, thậm chí vô hiệu hóa pháp luật ngay từ trong suy nghĩ và hành vi của mỗi người, để rồi lâu dần trở thành như một thói quen hiện đã được định danh bằng cụm từ “văn hóa chạy” [xem: 71].
Cũng từ lối sống nông nghiệp với tư duy nặng về kinh nghiệm chủ quan, cảm tính, thói quen tùy tiện, lối sống thiển cận “nước đến chân mới nhảy” nên đã hình thành ở người Việt kiểu tư duy manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tư duy lý luận, không có tính chiến lược và tầm nhìn xa. Đặc điểm này của văn hóa tiểu nông đã và đang hiện diện rõ nét trong cách thức điều hành và hoạch định chính sách của các nhà quản lý của chúng ta hiện nay. Biểu hiện rõ nhất là sự tùy tiện, manh mún, thiếu định hướng trong việc qui hoạch đô thị, giao thông, khu công nghiệp… kéo theo những hệ luỵ nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường cho hiện tại và cả mai sau.
Trong lĩnh vực hoạch định chính sách pháp luật và thực thi pháp luật, sự tùy tiện, chủ quan, cảm tính, sự thiếu đồng bộ và nhất quán trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật cũng như việc tổ chức và thực thi pháp luật đang là những hạn chế rất lớn, gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội, làm gia tăng thói quen hành xử không thượng tôn pháp luật, suy giảm niềm tin vào tính hiệu lực của pháp luật. Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến cho lời tuyên truyền, kêu gọi “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” hiện chỉ đang là khẩu hiệu chứ chưa trở thành một thói quen, một văn hoá ứng xử.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trước hết đòi hỏi hệ thống pháp luật phải được xây dựng đồng bộ, thống nhất, hoàn thiện mới có thể hòa nhập bình đẳng trong sân chơi quốc tế. Vì vậy, khi cái chất tiểu nông với thói quen, lối sống tùy tiện, vô kỷ luật, với kiểu tư duy manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tầm nhìn chiến lược đang có sức sống tiềm tàng trong tâm thức mỗi người Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ nông dân đến trí thức, từ thường dân đến quan chức thì đó không chỉ là những thủ phạm đang níu kéo, cản trở công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền mà còn là một rào cản rất lớn đối với đất nước trong quá trình hội nhập để phát triển.
Bên cạnh những yếu tố văn hóa truyền thống là hệ quả của phương thức sản xuất nông nghiệp thì Nho giáo và Phật giáo, vốn là những yếu tố văn hóa ngoại sinh nhưng đã hòa nhập, thẩm thấu vào tầng sâu của bản sắc văn hóa Việt Nam để cùng làm nên một dòng chảy mang tên “văn hóa Việt”. Bởi vậy, xem xét sự tác động của văn hóa truyền thống đến văn hóa ứng xử với pháp luật của người Việt hiện nay không thể bỏ qua sự chi phối của Nho giáo và Phật giáo.