Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bổ sung, bù đắp những thiếu hụt của văn hóa truyền thống

Một phần của tài liệu văn hóa pháp luật việt nam hiện nay nhìn từ mối quan hệ với văn hóa truyền thống (Trang 117 - 120)

3.1. Các giải pháp nền tảng có tính chiến lược

3.1.2. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bổ sung, bù đắp những thiếu hụt của văn hóa truyền thống

Cùng với việc thanh lọc, tẩy trừ những tiêu cực, lạc hậu của văn hóa truyền thống thì việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại để bổ sung, bù đắp

những thiếu hụt của văn hóa truyền thống cũng là một trong những giải pháp mang tính chiến lược để hướng tới mục tiêu xây dựng một nền văn hóa pháp luật Việt Nam tích cực, lành mạnh. Vì rằng, mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang thực hiện là sự vận dụng học thuyết về nhà nước pháp quyền phương Tây - vốn là sản phẩm của xã hội công nghiệp - vào một xã hội phương Đông nông nghiệp, do đó, sự không tương thích về văn hóa khiến chúng ta phải điều chỉnh, bổ sung để hội nhập và phát triển là điều hiển nhiên.

Theo chúng tôi, từ góc nhìn văn hóa pháp luật, những thiếu hụt của nền tảng văn hóa truyền thống mà chúng ta cần bổ sung, bù đắp đó là:

3.1.2.1. Tạo điều kiện cho sự phát triển ý thức về quyền cá nhân

Trong những đặc trưng của văn hóa nông nghiệp, tính gắn kết cộng đồng cao là một truyền thống tốt đẹp đã từng làm nên sức mạnh to lớn để dân tộc ta vượt qua những thử thách, cam go. Nhưng mặt trái của nó là sự phủ nhận vai trò cá nhân mà hệ quả của nó là làm cho con người trở nên thụ động trong các quan hệ, không dám khẳng định bản lĩnh và nhân cách cá nhân, không dám nhân danh cá nhân để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho mình. Thêm vào đó, Nho giáo cũng góp phần tích cực trong việc phủ nhận, triệt tiêu quyền cá nhân. Đó là nguyên do giải thích vì sao người Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự tự giác và chủ động trong việc sử dụng các quyền cá nhân của mình trong ứng xử với các quan hệ xã hội, mặc dù đã được hiến pháp và pháp luật qui định.

Muốn xây dựng một nền văn hóa pháp luật theo tiêu chí của nhà nước pháp quyền thì một vấn đề có tính nền tảng là phải thay đổi quan niệm truyền thống về vai trò cá nhân, theo đó, nhà nước phải tạo những điều kiện thuận lợi để phát triển ý thức cá nhân, bởi nhà nước pháp quyền chỉ có thể hình thành và tồn tại với đúng nghĩa của nó trên nền tảng văn hóa đề cao tính cá nhân. Để tạo điều kiện phát triển ý thức về quyền cá nhân, trước hết, các cơ quan lập pháp và hành pháp phải coi trọng vấn đề xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật vào việc bảo vệ quyền con người, quyền cá nhân đồng thời đảm bảo cho việc thực thi như là một trách nhiệm phải thực hiện chứ không phải ban phát. Đến lượt mình, mỗi cá nhân cũng phải có ý thức và chủ động thực hiện các quyền của mình mà pháp

luật đã thừa nhận. Trong thực tế hiện nay, xét trên cả hai phương diện, nhà nước và công dân, đây đang là một điểm yếu, cũng là một sự thiếu hụt do truyền thống để lại mà chúng ta cần phải bù đắp kịp thời.

3.1.2.2. Xây dựng ý thức và thói quen sử dụng pháp luật trong các hành vi dân sự

Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, từ sự cộng hưởng một cách hòa điệu giữa văn hóa nông nghiệp (lối sống cộng đồng và ứng xử trọng tình cả nể, bao che; lối sống tự trị khép kín trọng lệ hơn luật) với tư tưởng Nho giáo (phủ nhận quyền cá nhân; đề cao đức trị hơn pháp trị; coi pháp luật là công cụ cai trị;

khuyến khích vô tụng) và Phật giáo (đề cao lòng nhân ái bao dung, sự nhẫn nhục, cam chịu, dĩ hòa vi quí) khiến cho người dân không tin tưởng vào pháp luật, không coi pháp luật là cách giải quyết được ưu tiên. Nhu cầu sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình vì vậy không trở thành một thói quen ứng xử phổ biến của người dân từ trong nhận thức cho đến hành vi. Vai trò của pháp luật trong xã hội dân sự vì vậy rất mờ nhạt, lâu dần thành truyền thống coi thường pháp luật, thờ ơ với pháp luật, né tránh pháp luật. Đó cũng là một lý do giải thích vì sao người Việt cho đến ngày nay vẫn chưa có thói quen tìm đến pháp luật khi xảy ra các tranh chấp dân sự như một hành vi ứng xử tất yếu và phổ biến ở cácquốc gia phát triển. Nói cách khác, trong tâm thức người dân hiện nay, pháp luật vẫn không phải là cách giải quyết được ưu tiên. Lối ứng xử ấy đối lập hoàn toàn với tinh thần "thượng tôn pháp luật", một đòi hỏi tất yếu của xã hội hiện đại, của nhà nước pháp quyền. Đây thực sự đang là một thách đố gay gắt khi đất nước đang bước vào tiến trình hội nhập quốc tế với các quan hệ giao lưu được mở rộng, trong đó tinh thần "thượng tôn pháp luật" là điểm tựa của việc thực hiện những cam kết quốc tế. Việc khắc phục những hạn chế của truyền thống và xây dựng ý thức, hành vi tôn trọng pháp luật cũng như tính chủ động sử dụng pháp luật với tính cách là yếu tố then chốt của văn hoá pháp luật vì vậy có vai trò cực kỳ quan trọng. Và đòi hỏi này lại càng quan trọng và bức thiết hơn khi đây là một trong những điểm yếu lớn nhất có thể dễ dàng nhận thấy trong thực tiễn pháp lý ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, muốn xây dựng thói quen sử dụng pháp luật phổ biến trong xã hội thì phải tạo lập cho người dân niềm tin vào tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật, coi pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.

Nhưng muốn người dân có niềm tin đối với pháp luật thì cần phải có những giải pháp cụ thể và cấp bách để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế thực thi pháp luật vốn đang bộc lộ nhiều yếu kém hiện nay.

Một phần của tài liệu văn hóa pháp luật việt nam hiện nay nhìn từ mối quan hệ với văn hóa truyền thống (Trang 117 - 120)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(136 trang)
w