Thanh lọc, tẩy trừ những tiêu cực, lạc hậu của văn hóa truyền thống

Một phần của tài liệu văn hóa pháp luật việt nam hiện nay nhìn từ mối quan hệ với văn hóa truyền thống (Trang 114 - 117)

3.1. Các giải pháp nền tảng có tính chiến lược

3.1.1. Thanh lọc, tẩy trừ những tiêu cực, lạc hậu của văn hóa truyền thống

3.1.1.1. Thay đổi tư duy tiểu nông tùy tiện, chủ quan, cảm tính

Lối sống tiểu nông chỉ quen ứng phó với những “tình thế” cụ thể, “tùy cơ ứng biến”, “nước đến chân mới nhảy” nên đã hình thành trong căn tính người Việtkiểu tư duy manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính logic và hệ thống, không có tính chiến lược và tầm nhìn xa, cùng với đó là thói quen ứng xử tùy tiện, vô nguyên tắc, vô kỉ luật. Mặt khác, do nhận thức và tư duy của người sản xuất nhỏ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nặng về cảm tính, chủ quan nên hạn chế về năng lực tư duy lí luận; cách nhận thức và lối suy nghĩ do đó thường giản đơn, đại khái, phiến diện, thiếu tính khái quát, toàn diện và khoa học, không nhìn ra bản chất, qui luật, nguyên nhân, nguồn gốc bên trong của sự vật, hiện tượng. Hạn chế này đang hiện diện rõ nét trong cách thức điều hành và hoạch định chính sách của các nhà quản lí của chúng ta hiện nay,biểu hiện qua sự tùy tiện, chủ quan, cảm tính, sự thiếu đồng bộ và nhất quán trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật cũng

như việc tổ chức và thực thi pháp luật. Đây đang là những hạn chế rất lớn, gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội, làm suy giảm niềm tin vào tính hiệu lực của pháp luật. Bởi vậy, muốn xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật thì việc thay đổi lối tư duy tiểu nông tùy tiện, chủ quan, cảm tính phải được quán triệt trước hết với đối tượng là các nhà quản lý, điều hành các chủ trương, chính sách xã hội ở tầm vĩ mô.

3.1.1.2. Thay đổi thói quen ứng xử của văn hóa làng

Là hệ quả của văn hóa làng với tính tự trị, thói quen ứng xử “phép vua thua lệ làng” và những hệ quả của nó hiện đang để lại những di chứng khá nặng nề trong xã hội ta hiện nay, mà ảnh hưởng trực tiếp nhất là ở phương diện quản lý xã hội từ vĩ mô đến vi mô. Nếu ngày xưa người dân vẫn quen coi trọng “lệ làng” hơn

“phép nước” thì ngày naythói quen ứng xử ấy vẫn còn di căn trong thực tế, đó là tình trạng các chủ trương, chính sách từ trên xuống bị tiếp nhận sai lệch, hoặc được vận dụng một cách tùy tiện, thiếu đồng bộ và nhất quán ở các địa phương, bộ, ngành, vì lợi ích nhóm – một hiện tượng đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Thực chất đây là biến thái của thói quen trọng lệ hơn luật, coi thường, thậm chí vi phạm pháp luật mà ta vẫn quen gọi là hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”, “là lệ làng thời hiện đại”, mà hậu quả là gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội, làm suy giảm niềm tin vào sức mạnh và tính nghiêm minh của pháp luật, và cùng với đó là sự gia tăng thói quen hành xử không thượng tôn pháp luật.

Văn hóa làng với lối sống cục bộ địa phương, khép kín đã hình thành ở con người thói quen chỉ quan tâm tới những gì liên quan trực tiếp đến lợi ích thiển cận của mình kiểu “ăn cây nào, rào cây ấy”; “đèn nhà ai nấy rạng”; “của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn”. Đây là nguyên nhân của thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm với lợi ích chung, chỉ lo vun vén cá nhân, phe nhóm, cục bộ một cách thực dụng, thiển cận.

Ở góc độ quản lý xã hội, việc khắc phục, loại bỏ tư tưởng cục bộ địa phương, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng đồng nghĩa với việc thay đổi kiểu tư duy quản lý “gia đình chủ nghĩa”, “đóng cửa bảo nhau”, “nặng tình nhẹ lý”. Khi quan hệ công việc bị chi phối bởi tình cảm và các mối quan hệ thân quen, thì hệ lụy của nó mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, đó là tệ nạn “con ông cháu cha”, nạn “ô

dù”, “chủ nghĩa thân quen”, sự kéo bè kết cánh dựa trên mối quan hệ huyết thống, bà con, đồng hương… để tham ô, hối lộ, bao che, nhũng nhiễu… khiến cho pháp luật nhiều khi bị vô hiệu hóa. Tuy không tồn tại một cách chính thống và công khai nhưng ai cũng có thể thấy căn bệnh này đã và đang là một vấn nạn xã hội, đang hàng ngày âm thầm, âm ỉ tác động tiêu cực, làm suy giảm sức mạnh của hệ thống công quyền, gây nên nhiều bức xúc trong xã hội [12, 28]. Đây thực sự là những rào cản lớn mà chúng ta không thể không khắc phục, xoá bỏ khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bởi vậy, lời cảnh báo của V.I.Lênin vẫn còn nguyên ý nghĩa khi ông nói rằng “những thói quen, nhất là thói quen lạc hậu có một sức ỳ ghê gớm cần phải được chúng ta ghi nhớ và giải quyết thoả đáng”. Bởi vậy, khắc phục được những tệ nạn này cũng chính là minh bạch hóa các mối quan hệ công quyền, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, làm gia tăng sức mạnh của bộ máy công quyền, tạo điều kiện để pháp luật được thực thi một cách công bằng, minh bạch.

Tóm lại, mặt trái của văn hóa làng và những căn tính tiểu nông đang là một rào cản rất lớn đối với đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển, khi nó đang hiện hữu như là một phần văn hóa sống trong tiềm thức mỗi người Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ nông dân đến trí thức, từ thường dân đến quan chức, từ công dân đến cơ quan công quyền.

Nếu trong nền sản xuất nhỏ tự cung tự cấp, tư tưởng này hình thành như là một sự thích nghi tối ưu và tất yếu thì ngày nay, khi đất nước bước vào quá trình hội nhập, chuyển sang một xã hội đô thị và công nghiệp thì những lối sống, thói quen tư duy ấy của truyền thống đã không còn thích hợp. Không những không còn thích hợp, nó còn như những tảng đá lớn đang cản đường đi lên của dân tộc và là nguyên nhân của những hành vi tiêu cực.

Tuy nhiên, việc tẩy trừ, đoạn tuyệt với những tàn dư dai dẳng của căn tính tiểu nông là cả một cuộc hành trình dài khi nó là hệ quả song hành của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bởi chỉ khi phương thức sản xuất tiểu nông – cơ sở sản sinh ra nó không còn tồn tại, thay thế vào đó là phương thức sản xuất công nghiệp với một nền tảng kinh tế - xã hội văn minh, hiện đại thì mới có thể nói đến một sự đổi thay toàn diện, sâu sắc và triệt để về văn hóa.

Nhìn ra thế giới, có thể thấy, những đổi thay kì diệu của Nhật Bản cần được xem là bài học kinh nghiệm đáng để chúng ta “nhìn người mà ngẫm đến ta”. Nhật Bản như những gì chúng ta thấy hiện nay có thể xem là mẫu mực của một xã hội văn minh, nề nếp, trật tự, kỉ cương, mặc dù xuất phát điểm của họ cũng là một quốc gia phương Đông, với nền tảng truyền thống là xã hội nông nghiệp có nhiều điểm khá tương đồng với Việt Nam. Trước khi trở thành một nước công nghiệp hàng đầu thế giới, Nhật Bản là một nước nông nghiệp với tỉ lệ nông dân trong tổng dân số tương đương với Việt Nam. Trước thời Minh Trị Duy Tân (1868- 1912), tới 80% dân số Nhật Bản làm nghề nông và lúa là nông sản chính. Bởi vậy, từ phương thức sản xuất nông nghiệp cũng đã sản sinh ra nền văn hóa Nhật Bản với nhiều thói quen, tập tục và những tệ nạn cũng như các nước kém phát triển khác. Người Nhật thời đó cũng có quan niệm coi trọng của riêng hơn của chung. Quan chức, nhân viên nhà nước thời đó cũng hách dịch, cho rằng mình thuộc tầng lớp tinh túy mà ban phát ân huệ cho dân chúng. Ngược thời gian về trước nữa, trong các cuốn sách như Phúc ông tự truyện hay Khuyến học của Fukuzawa Yukichi cũng phản ánh đầy những thói hư tật xấu của người Nhật, trong đó dân chúng ai cũng lo vun vén lợi ích riêng, chính phủ thì tàn bạo, quan chức thì tham lam v.v…

Tuy nhiên, cuộc cách mạng Minh Trị với việc tiếp thu văn hoá và kỹ thuật của Tây Âu, với những cải cách sâu sắc, toàn diện và triệt để, bắt đầu từ nền tảng kinh tế, từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, kéo theo đó là những cải cách về chính trị, giáo dục, văn hóa, qua hơn nửa thế kỉ đã làm thay đổi từ lối sống đến nhân cách người Nhật. Chính cuộc cách mạng triệt để bắt đầu từ những nền tảng kinh tế - xã hội ấy là nguyên nhân khiến nước Nhật trở thành một cường quốc kinh tế như hiện nay. Thiết nghĩ, bài học của nước Nhật rất cần để chúng ta suy ngẫm và có những chiến lược phát triển phù hợp.

Một phần của tài liệu văn hóa pháp luật việt nam hiện nay nhìn từ mối quan hệ với văn hóa truyền thống (Trang 114 - 117)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(136 trang)
w