Chương 1: DÂN CHỦ LÀNG XÃ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
1.2. Nội dung và một số nhân tố tác động đến nội dung thực hiện dân chủ làng xã ở nước ta hiện nay
1.2.2. Một số nhân tố tác động đến nội dung thực hiện dân chủ làng xã ở nước ta hiện nay
Tuỳ vào các nhân tố tác động này có thể làm cho nội dung dân chủ làng xã vận động theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.
1.2.2.1. Tác động của yếu tố thời đại, công cuộc đổi mới đang có tác động đến việc tạo ra các nội dung tích cực trong dân chủ làng xã
Thời đại ngày nay là thời đại kinh tế thị trường, kinh tế tri thức với nhiều biến động và xu hướng hội nhập toàn cầu hóa đang có tác động quan trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị trong nước, tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó đối với công cuộc xây dựng và thực hiện dân chủ làng xã ở cơ sở, công cuộc đổi mới cũng đặt ra không ít thách thức cũng như tạo ra các cơ chế thuận lợi, tích cực.
Thứ nhất, sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là sự phát triển về kinh tế, làm cho đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện, nâng cao. Đó chính là điều kiện dân sinh, là nền tảng của quá trình dân chủ hóa.
Thứ hai, chúng ta trước sau như một kiên định với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và đang làm hết sức mình vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một mặt, Đảng và Nhà nước khuyến khích mọi người phấn đấu làm giàu chính đáng; mặt khác lại tích cực thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, thực hiện một hệ thống chính sách xã hội, hỗ trợ đắc lực cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các hoạt động nhân đạo
được cổ vũ, khuyến khích. Đó chính là bầu không khí chính trị - xã hội, là môi trường xã hội thuận lợi để phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, trình độ dân trí nhìn chung đã được nâng lên đáng kể, điều đó không chỉ thông qua hệ thống giáo dục, đào tạo mà còn thông qua hệ thống truyền thông đại chúng ngày càng được mở rộng và phát triển. Sóng truyền hình được phủ khắp các địa phương trong toàn quốc, phương tiện truyền thanh và sách báo rất phong phú, đa dạng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với thông tin nhiều chiều. Đây là một bước tiến lớn của tình hình hiện nay so với những năm trước đây.
Thứ tư, cùng với sự hội nhập, giao lưu quốc tế, với sự phát triển của đầu tư nước ngoài và của dịch vụ du lịch, các tầng lớp nhân dân ta được trực tiếp tiếp xúc với người nước ngoài, từ đó bớt đi những mặc cảm, tâm lý tự ty dân tộc - yếu tố quan trọng để hình thành ý thức dân chủ.
1.2.2.2. Tác động của hệ thống cơ chế chính sách từ trung ương đến địa phương cũng có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến nội dung dân chủ làng xã ở nước ta hiện nay
Với hệ thống các văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện, sau gần 30 năm thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và hơn 15 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, triển khai sâu rộng, làm chuyển biến tích cực về nhận thức, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh;
góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Những nội dung người dân biết, dân bàn và biểu quyết đã từng bước được phát huy; nhân dân tích cực tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo, các hoạt động an sinh xã hội, thi đua làm giàu... Đặc biệt, các phong trào: “toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”,
xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”; các hình thức hoạt động: câu lạc bộ, tổ, đội văn hóa ngày càng nảy nở và phát triển do có sự đóng góp trí tuệ, công sức của nhân dân; các quỹ khuyến học, khuyến tài đã phát huy hiệu quả, với mục tiêu giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi, các học sinh nghèo người dân tộc thiểu số, các con em gia đình chính sách.v.v.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đã đạt được, còn có những hạn chế , mặt tiêu cực cần khắc phục. Nhiều vấn đề có quan hệ đến lợi ích thiết thực của nhân dân chưa được công khai đầy đủ; nhiều công trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, thực hiện trên địa bàn cấp xã không được công khai theo quy định hoặc chỉ công khai khi chuẩn bị triển khai thực hiện (như việc giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng)... Đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện ngày càng tăng; nhất là việc thu hồi đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lộng quyền, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân... của một số chính quyền cấp cơ sở. Nội dung thực hiện dân chủ làng xã có liên quan mật thiết tới các cơ chế chính sách từ trung ương cho tới cơ sở. Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân sẽ có tác động tích cực trong việc điều chỉnh sao cho các chủ trương, chính sách phù hợp, tác động hiệu quả tới đời sống nhân dân.
1.2.2.3. Tác động của phong tục tập quán truyền thống, của thói quen và mong muốn chủ quan của người dân đang sinh sống tại các khu vực nông thôn cũng có thể tạo ra những tác động tích cực hoặc tiêu cực đến nội dung dân chủ làng xã
Vì mang tính chất tự chủ, độc lập cho nên các làng xã nông thôn Việt Nam có các phong tục, tập quán không mang tính đồng nhất, điều đó thể hiện ở thói quen, mong muốn mang tính chất chủ quan của số đông trong một cộng đồng dân cư. Xét về mặt này, có thể chia ra hai trường
hợp tác động của tâm lý, thói quen tới nội dung dân chủ làng xã được điều chỉnh bởi các quy ước, hương ước:
Thứ nhất, mặt tích cực, các phong tục tập quán phù hợp, tiến bộ, nhận thức tích cực của người dân, trình độ dân trí cao sẽ là mặt thuận lợi trong xây dựng và thực hiện dân chủ làng xã, sẽ là tiền đề phát huy dân chủ trong cộng đồng dân cư ở cơ sở, sẽ tạo ra cơ chế “tự điều chỉnh” phù hợp với xu thế mới mang ý nghĩa tích cực;
Thứ hai, mặt tiêu cực, trong những trường hợp còn lại, thói quen, hành vi, mong muốn, phong tục truyền thống lạc hậu, khép kín, lợi ích nhóm, bè phái “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, bảo thủ không chịu thay đổi…
sẽ cản trở việc thực hiện các nội dung dân chủ tiến bộ ở làng xã.
Do vậy, việc nắm bắt tâm lý, thói quen, phong tục tập quán sẽ tạo điều kiện cho việc điều chỉnh các nội dung phù hợp trong việc triển khai thực hiện dân chủ làng xã ở cơ sở
1.2.2.4. Tác động của các cơ chế và một số chính sách trực tiếp có liên quan
- Tác động của mô hình hệ thống chính trị cấp cơ sở (cấp xã, thôn) tại địa phương: mô hình chính trị cấp xã, thôn có ảnh hưởng trực tiếp tới nội dung thực hiện dân chủ làng xã. Một mặt, đây là các cơ quan bộ máy nhà nước nhỏ nhất trong hệ thống hành chính của nhà nước, tuy nhiên việc xây dựng, bố trí sao cho phù hợp sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực tới đời sống nhân dân trên địa bàn nói chung, đối với việc thực hiện dân chủ làng xã nói riêng. Mô hình thuận lợi, sát thực tiễn sẽ thức đẩy việc thực hiện dân chủ có hiệu quả cao và ngược lại. Điều quan trọng nhất trong các mô hình chính trị ở cơ sở này đó là phải luôn nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng tuyệt đối về mọi mặt.
- Tác động của các chính sách có liên quan như: chính sách xây dựng nông thôn mới, chính sách xây dựng đời sống mới ở nông thôn, pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn… Các cơ chế, chính
sách này đã và đang tạo ra những thay đổi lớn và có ảnh hưởng tích cực đến nội dung dân chủ làng xã ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh sự hoàn thiện không ngừng của hệ thống pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội thì các công cụ, chính sách của nhà nước cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển và ổn định chung của xã hội. Đặc biệt, đối với khu vực nông thôn, cơ sở thì các cơ chế chính sách liên quan tới xây dựng nông thôn mới, pháp lệnh dân chủ ở xã phường, thị trấn… vừa là cơ sở để thực thi và xây dựng dân chủ, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vừa là tiêu chí kiểm tra giám sát việc thực hiện dân chủ làng xã ở cơ sở. Vì vậy, một trong những nội dung quan trọng của dân chủ làng xã có liên quan vô cùng mật thiết và trực tiếp từ các cơ chế chính sách và pháp lệnh… để phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tiểu kết chương 1
Những nét khái quát chung về dân chủ cũng như dân chủ làng xã thông qua một số khái niệm mang tính chất lý luận là cơ sở để tìm hiểu sâu hơn về thực trạng thực hiện dân chủ làng xã trên địa bàn huyện Ứng Hòa (Thành phố Hà Nội) nói riêng, mở rộng hơn là đối với các địa phương, cơ sở, làng xã nông thôn trên lãnh thổ Việt Nam nói chung. Qua tìm hiểu, nghiên cứu về dân chủ làng xã, một số nội dung cơ bản và các nhân tố tác động đến các nhân tố đó sẽ là những nội dung cốt lõi, then chốt để đảm bảo cho việc thực hiện dân chủ làng xã trở nên thiết thực và đạt hiệu quả cao hơn trong đời sống thực tiễn hiện nay của cộng đòng dân cư trên địa bàn huyện Ứng Hòa để từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng tiến bộ, văn minh, là cơ sở để tìm ra hướng giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa dân chủ làng xã ở cơ sở trong phạm vi đề tài nghiên cứu.