Chương 2: THỰC HIỆN DÂN CHỦ LÀNG XÃ Ở NƯỚC TA HIỆN
2.1. Thực trạng thực hiện dân chủ làng xã ở nước ta hiện nay qua thực tế ở Huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội
2.1.3. Một số vấn đề đặt ra
Một là, vấn đề đặt ra trong nhận thức: cần thống nhất về nhận thức của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và bản thân mỗi người dân về dân chủ làng xã. Dân chủ làng xã là một hình thức sinh hoạt dân chủ gắn liền với đời sống xã hội nông thôn của người Việt Nam đã xuất hiện từ xa xưa. Trải qua bao thăng trầm phất triển của lịch sử, đến nay hình thức sinh hoạt dân chủ này vẫn còn tồn tại trong các khu vực làng xã vùng nông thôn ở nước ta hiện nay, nhất là tại các vùng nông thôn vùng Đồng bằng Bắc bộ. Cố nhiên, so với hình thức sinh hoạt dân chủ làng xã thì hình thức sinh hoạt dân
chủ làng xã ở nước ta hiện nay đã có nhiều thay đổi. Việc thực hiện dân chủ cơ sở trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã và đang được triển khai thực hiện, song một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hết ý nghĩa và vai trò to lớn của dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ làng xã; phong cách làm việc quan liêu, mất dân chủ, thiếu tôn trọng dân trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chiếu lệ; trình độ của một bộ phận cán bộ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân nhận thức chưa được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; một số bộ phận còn bàng quan, xem thường.
Hai là, vấn đề đặt ra trong thực tiễn: dân chủ làng xã đã và đang tồn tại trong đời sống xã hội tại các khu vực nông thôn ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương khác nhau, tuỳ theo tình hình đặc điểm địa lý, lối sống dân cư, trình độ nhận thức của người dân mà hình thức và những nội dung của dân chủ làng xã được vận dụng ở các mức độ khác nhau từ đó nó cũng có tác động khác nhau đến sự phát triển của đời sống kinh tế và văn hoá xã hội tại các khu vực nông thôn. Từ thực tiễn đời sống phát triển kinh tế, văn hoá xã hội tại các khu vực nông thôn Việt Nam hiện nay cũng cho thấy việc chủ trương áp dụng hình thức dân chủ làng xã hiện nay tại các khu vực nông thôn ở nước ta là tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn đó cũng cho thấy việc áp dụng hình thức sinh hoạt dân chủ làng xã tại các khu vực nông thôn hiện nay cần có một sự thống nhất chung không chỉ về nhận thức và qua đó còn là quan điểm, chủ trương, cơ chế chính sách và các giải pháp đồng bộ cần được áp dụng để việc áp dụng hình thức sinh hoạt dân chủ này trong điều kiện hiện nay sao cho có hiệu quả.
Ba là, vấn đề đặt ra về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện dân chủ làng xã ở nước ta hiện nay:
- Trong thống nhất các quan điểm, chủ trương, trong việc định ra đường lối chính sách: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong việc rà soát, ban hành bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; lãnh đạo huyện Ứng Hòa cũng đã có nhiều biện pháp sáng tạo mới nhằm triển khai tốt nhất các cơ chế chính sách mà Đảng, Nhà nước đã đề ra nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân và nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ làng xã. Điều này được thể hiện thông qua việc ban hành và thực thi nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chồng chéo, thiếu sự đồng bộ giữa các văn bản gây khó khăn trong quá trình áp dụng trong thực tiễn.
- Trong việc thống nhất áp dụng triển khai vận dụng: Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Pháp lệnh dân chủ cơ sở và công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia thì không chỉ cần có sự lãnh đạo của Đảng bằng việc đưa ra những chủ trương đường lối, sự quản lý của nhà nước được cụ thể hóa thông qua các chính sách, pháp luật mà còn có một phần đóng góp không nhỏ là sự tham gia, ủng hộ của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dân chủ làng xã mặc dù được tập trung chỉ đạo thực hiện nhưng chưa được thường xuyên, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống dân cư, nhiều nơi dân chủ vẫn chỉ là hình thức.
Bốn là, Vấn đề đặt ra về công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đối với việc thực hiện dân chủ làng xã ở nước ta hiện nay
- Dân chủ làng xã là hình thức sinh hoạt dân chủ khá phổ biến trong đời sống xã hội nông thôn Việt Nam trước đây nhưng trên thực tế những nghiên cứu về nó ở nước ta hiện nay còn chưa nhiều. Cho nên cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu để đi tới thống nhất về mặt nhận thức và đề ra các giải pháp áp dụng hình thức dân chủ này trong điều kiện mới.
- Công tác nghiên cứu, tổng kết xây dựng mô hình phù hợp với từng địa phương, từng cơ quan đơn vị v.v.. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước ban hành và được phổ biến là chung nhưng khi
triển khai ở các huyện, các xã, thị trấn, cơ quan đơn vị khác nhau thì cần phải tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, đặc thù của từng địa phương, cơ quan đơn vị để có những biện pháp thực hiện cho phù hợp, linh hoạt, tránh tình trạng áp dụng rập khuôn, máy móc, giáo điều. Điều này nhằm thực hiện hiệu quả nhất chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, đồng thời cũng phát huy được tinh thần sáng tạo của cán bộ và nhân dân ở cơ sở.
- Trên thực tế, tại một số địa phương ở nước ta hiện nay hình thức dân chủ làng xã bươc đầu đã được khôi phục và áp dụng vào trong đời sống xã hội nông thôn trong điều kiện mới. Do đó công tác nghiên cứu tổng kết thực tiễn đối với vấn đề này hiện nay là hết sức quan trọng với các mục tiêu đánh giá cac mặt tích cực hạn chế từ đó tìm ra phương hướng và giải pháp để tiếp tục áp dụng hình thức dân chủ này vào trong đời sống xã hội nông thôn Việt Nam trong giai đoạn tới.